24 tiết khí: Những điều cấm kỵ nào cần lưu ý trong tiết Bạch lộ của mùa thu?
Tiết Bạch lộ được đặt tên theo đặc điểm thời tiết. “Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải” giải thích “Bạch lộ” là: “Thủy thổ thấp khí ngưng nhi vi lộ” (khí ẩm từ nước trong đất ngưng tụ thành sương), “Bạch giả lộ chi sắc, nhi khí thủy hàn” (sương có màu trắng, mà hơi nước lạnh). Cách giải thích này cho thấy, khi đến tiết Bạch lộ, khí lạnh bắt đầu sinh ra, khí nóng bắt đầu giảm xuống. Tục ngữ có câu: “Bạch lộ bất lộ thân” (trong tiết Bạch lộ không để lộ cơ thể). Tiết Bạch lộ đến rồi, cần phải đề phòng nhiệt độ có sự chênh lệch rất lớn giữa ngày và đêm, và hiện tượng “khô hanh của mùa thu” gây tổn hại cho sức khỏe. Việc dưỡng sinh nên chú trọng bổ khí, tư âm, nhuận phế.
Tiết khí và vật hậu học
Vạn vật đều có mối giao cảm với Trời Đất. Tục ngữ có câu: “Xuân giang thủy noãn áp tiên tri” (Sông xuân nước ấm vịt biết đầu tiên). Như vậy, khi thời tiết trở nên lạnh lẽo thì ai là người đầu tiên cảm nhận được? Trong “Dật Chu Thư – Thời Huấn Giải” có câu: “Bạch lộ chi nhật hồng nhạn lai” (ngày Bạch lộ, chim hồng nhạn bay đến). Nguyễn Duyệt thời Tống từng ngâm: “Đạm bích tình không nhạn tự hồi” (Bầu trời xanh nhạt quang đãng, chim nhạn bay về). Các loài chim di trú về phương Nam là biểu hiện của hiện tượng vật hậu học (mối quan hệ giữa hiện tượng có tính chu kì của sinh vật như cây cỏ ra hoa, kết trái, chim di trú theo mùa, ếch nhái ngủ đông … với khí hậu) tại Trung Nguyên.
Trong “Lễ Ký – Nguyệt Lệnh Thiên” có ghi chép về tam hậu của tiết Bạch lộ: “Hồng nhạn lai, huyền điểu quy, quần điểu dưỡng tu” (chim hồng nhạn bay từ phương Bắc đến phương Nam, chim én từ phương Nam bay trở lại phương Bắc, bầy chim chuẩn bị cất trữ thức ăn cho mùa đông). Vào tiết Bạch lộ, ngoài việc di trú về phương Nam, thì các loài chim cũng bắt đầu tàng trữ thức ăn sống qua mùa đông.
Những điều cấm kỵ về dưỡng sinh trong tiết Bạch lộ
Bạch lộ là một trong 24 tiết khí trong năm, có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm lớn nhất. Hơn nữa, khí hậu khô hanh, tổn hao dịch tiết, dễ xuất hiện triệu chứng “khô hanh của mùa thu” như: môi, miệng, cổ họng khô, mũi khô, làn da khô, phân khô cứng … Những người có hệ hô hấp yếu, dạ dày yếu và làn da khô dễ dị ứng cần đặc biệt chú ý đến việc dưỡng sinh và bảo vệ sức khỏe.
Dưới đây là những cấm kỵ về dưỡng sinh trong tiết Bạch lộ cần lưu ý:
1. Tránh ăn các thực phẩm sống, lạnh: Ví dụ như kem, đồ uống lạnh, rau sống, dưa hấu, sashimi .v.v. Những thực phẩm sống và lạnh khi ăn vào bụng gây ngưng tụ hàn khí, sinh đờm bên trong, gây tổn thương cho cổ họng và phổi, làm tăng triệu chứng dị ứng đường hô hấp. Phần lớn các loại quả thuộc họ dưa thuộc tính hàn, vì vậy mỗi lần không nên ăn nhiều. Các loại salad rau xanh nên đổi thành món hâm nóng, làm nóng lên, chần qua nước nóng rồi ăn sẽ tốt hơn.
2. Kiêng ăn các loại thực phẩm cay, khô nóng: Các loại thực phẩm như hành, gừng, tỏi, ớt, rượu mạnh .v.v. Những loại thực phẩm này nên tránh hoặc ăn ít hơn, phòng ngừa chúng làm tăng nhiệt, gia tăng tình trạng khô phổi.
3. Tránh ăn thực phẩm chiên, nướng, nhiều dầu mỡ: Những loại thực phẩm này không tốt cho bổ âm. Đặc biệt sau tiết Bạch lộ, khi dương khí giảm sút, ăn những thực phẩm nói trên sẽ tăng thêm gánh nặng cho dạ dày.
4. Tránh để lộ cơ thể tiếp xúc với không khí lạnh: Tục ngữ có câu “Bạch lộ không lộ thân, Hàn lộ không lộ chân,” nhắc nhở rằng khi đến tiết Bạch lộ, cần đặc biệt chú ý đến sự chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm rất lớn, không nên xem nhẹ. Mặc trang phục phải chú trọng việc giữ ấm cơ thể và làn da, thích hợp nhất là mặc quần áo theo kiểu củ hành tây (nhiều lớp) giữ ấm từ ngoài vào trong, có thể thêm hoặc bớt bất kỳ lúc nào để phù hợp với thời tiết.
Dưỡng sinh dựa theo Ngũ Hành tương sinh tương khắc
Tiết Bạch lộ là thời tiết mùa thu điển hình. Phương pháp dưỡng sinh và điều dưỡng sức khỏe rõ ràng khác với mùa hè. Đây cũng là thời điểm thích hợp để bắt đầu “Bạch lộ bổ thân” tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Qua trọng thu (tháng thứ hai của mùa thu), thời tiết khô hanh càng rõ rệt. Trung y cho rằng “xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm.” Làm thế nào để thực hiện chu đáo việc điều dưỡng sức khỏe theo quan niệm “phòng táo dưỡng âm?” Dưới đây là một số khái niệm ẩm thực và phương pháp thực liệu dưỡng sinh trong tiết Bạch lộ.
1. Bồi bổ bằng thực phẩm màu trắng, tính ẩm
Theo thuyết Ngũ Hành của Trung Hoa, mùa thu thuộc hành Kim, màu sắc tương ứng trong Ngũ Hành là màu trắng. Thực phẩm màu trắng tương hợp với dưỡng sinh theo Ngũ Hành, có thể dùng nhiều hơn. Hơn nữa, những thực phẩm dưỡng ẩm sinh trưởng theo mùa có chứa “niêm dịch” (chất nhầy) rất thích hợp chọn làm nguyên liệu dưỡng sinh trong mùa thu, có tác dụng bổ phổi dưỡng ẩm, giúp ngăn ngừa chứng khô ngứa và dị ứng khó chịu do thời tiết hanh khô của mùa thu.
Các nguyên liệu bổ phổi dưỡng ẩm, như mộc nhĩ trắng, khoai từ, v.v., không chỉ là thực phẩm màu trắng mà còn chứa nhiều “chất nhầy.” Trung y đặc biệt khuyến nghị sử dụng nguyên liệu được xem là “tổ yến” của người nghèo – mộc nhĩ trắng, rất giàu chất polysaccharide, chất xơ hòa tan, vitamin và khoáng chất. Theo quan điểm của Trung y, mộc nhĩ trắng có tính cam vị bình, dùng làm thực liệu rất hiệu quả đối với chứng phổi táo, phổi nhiệt hoặc là chứng viêm phế quản mãn tính. Ngoài ra, các thực phẩm màu trắng như bách hợp, hạt sen, củ ấu, đậu hũ, hạnh nhân, củ cải trắng, chuối tiêu, long nhãn và thực phẩm tư nhuận như đậu bắp, mật ong v.v… đều là những thực phẩm có tác dụng tốt nhuận phế sinh tân, dưỡng âm thanh táo. Tiết Bạch lộ chính là mùa long nhãn, thích hợp ăn long nhãn. Trong dân gian có câu “Nam long nhãn, Bắc nhân sâm.”
2. Cân nhắc ăn thực phẩm vị chua để bổ gan
Mùa thu Kim vượng có thể khắc Mộc, khiến cho can mộc (gan) chịu tổn hại, cho nên khi phòng táo cần đồng thời bổ gan. Những loại thực phẩm nào bổ gan? Trung y cho rằng “chua nhập gan.” Thực phẩm vị chua thích hợp ăn vào mùa thu, có tác dụng bổ gan, cũng có công dụng sinh tân giải khát, kiện tỳ tiêu thực. Tuy nhiên, phải dùng với lượng phù hợp, không nên dùng quá nhiều dẫn đến có hại cho sức khỏe.
3. Chú ý bảo vệ phổi và hệ hô hấp
Đồng thời, hãy bổ sung đủ lượng nước (nước ấm hoặc nước có nhiệt độ bình thường) giúp ngăn ngừa tình trạng miệng đắng lưỡi khô, thân thể bị khô hanh.
4. Bồi bổ bằng ăn cháo và uống canh hầm
Chọn cháo và canh hầm thay cho các loại dược thiện bổ ôn, bổ nhiệt. Nguyên liệu nấu cháo và các món canh hầm chủ yếu sử dụng các thực phẩm có màu trắng – màu chủ đạo của mùa thu, vô cùng thích hợp với lý bồi bổ vào mùa thu, có hiệu quả khá tốt trong việc làm dịu triệu chứng hanh khô, sinh tân dưỡng âm. Có bác sĩ Trung y khuyên nên dùng sâm Tây thay thế cho nhân sâm, bồi bổ mà không táo nhiệt, thanh hỏa sinh tân, dùng làm thực liệu càng tốt hơn. Cháo nấu từ các loại lương thực phụ (như bắp, cao lương, các loại đậu), cháo táo đỏ, cháo khoai mỡ, cháo ngân nhĩ hạt sen đều là những lựa chọn tốt có theo mùa. Dưới đây xin giới thiệu một số món cháo dưỡng sinh trong tiết Bạch lộ:
* Cháo ngân nhĩ khoai từ – dưỡng dạ dày và dưỡng nhan
Trung y cho rằng, buổi sáng ăn cháo rất tốt cho sức khỏe. Món cháo ngân nhĩ khoai từ này có thể dùng nồi điện tự động để nấu, giúp những bà nội trợ bận rộn và cả gia đình có thể thưởng thức món cháo nóng hổi ngay khi thức dậy vào buổi sáng. Món ăn này không chỉ có tác dụng bổ sung năng lượng mà còn bồi bổ dạ dày và dưỡng nhan làm đẹp.
1/4 chùm mộc nhĩ trắng (ngân nhĩ), nửa chén gạo nếp, 100gr khoai từ, 10 trái táo đỏ. (Mua mộc nhĩ trắng tươi và chưa qua tẩy trắng càng tốt. Nếu là mộc nhĩ khô, thì trước khi nấu dùng nước ấm ngâm khoảng 1 giờ đồng hồ để cho nở ra).
- Các bước thực hiện:
– Ngâm mộc nhĩ 1 giờ đồng hồ.
– Gạo nếp rửa sạch, ngâm nước 30 phút.
– Khoai từ gọt vỏ, cắt thành miếng nhỏ.
– Táo đỏ rửa sạch, bỏ hạt.
– Cho toàn bộ nguyên liệu và lượng nước thích hợp vào nồi điện (tỉ lệ nguyên liệu và nước khoảng 1:6), nồi ngoài cho thêm 2-2.5 chén nước. Khi nồi điện nấu xong là có thể dùng.
* Món canh ngân nhĩ hạt sen táo đỏ – bồi bổ dưỡng nhan
Canh ngân nhĩ hạt sen táo đỏ có thể bổ khí dưỡng huyết, giúp tỳ vị khỏe mạnh, giúp bạn giữ được khí sắc tốt.
- Nguyên liệu:
30gram ngân nhĩ, 12 trái táo đỏ, một lượng hạt sen và đường phèn thích hợp.
- Các bước thực hiện:
- Chuẩn bị: Dùng nước ấm ngâm ngân nhĩ khoảng 1 giờ đồng hồ cho đến khi nở ra. Cắt bỏ phần khô cứng, sau đó cắt thành miếng nhỏ. Cho muối vào rửa sạch, để ráo. Rửa sạch táo đỏ, hạt sen.
- Cho toàn bộ nguyên liệu và 2000cc nước và nấu. Sau khi nấu xong cho tiếp đường phèn vào là được.
* Món cháo long nhãn hạt phỉ – bổ tỳ ích khí lợi trí
- Nguyên liệu:
1 chén gạo, một lượng long nhãn, hạt phỉ và ngọc trúc thích hợp.
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ