Món quà của việc đọc thành tiếng cho con
Hãy đón mừng Ngày Đọc Thành Tiếng Thế Giới cùng những người yêu sách trên toàn thế giới
Ông Jim Trelease, tác giả cuốn “Jim Trelease’s Read-Aloud Handbook” (Cẩm Nang Đọc Thành Tiếng Của Jim Trelease) cho biết: “Mỗi lần chúng ta đọc sách cho một đứa trẻ nghe, chúng ta đang gửi một thông điệp ‘hạnh phúc’ đến bộ não của chúng. Bạn thậm chí có thể nhận xét rằng nói như vậy như là để làm thương mại, khiên cưỡng gắn trẻ em với sách, các ấn bản và hạnh phúc”.
Đọc thành tiếng cho các con nghe thực sự là một món quà bạn dành cho các con của mình, và mấu chốt của hoạt động này là mối liên hệ với hạnh phúc. Điều này tạo tiền đề giúp các con bạn phát triển tình yêu với sách, với việc đọc, và học tập. Đó là khoảng thời gian chất lượng tràn ngập niềm vui, sự trong trẻo khi bạn gần gũi với các con và đưa các con đi đến những địa điểm mới hấp dẫn, gặp gỡ những nhân vật và con người mới thú vị, đồng thời hòa mình trong những câu chuyện phiêu lưu và khám phá vượt thời gian.
Để tạo nguồn cảm hứng, dưới đây là một số lợi ích tuyệt vời của việc đọc thành tiếng cho các con và một số cách đã được thử-và-thành công tạo ra những trải nghiệm tốt nhất giúp bạn bắt đầu. Hãy sẵn sàng đón mừng Ngày Đọc Thành Tiếng Thế Giới Ngày (mùng một tháng Hai) với những người yêu sách trên toàn thế giới
Những lợi ích của việc đọc thành tiếng
Thời gian đọc thành tiếng là một trong những khoảnh khắc ấm áp và dễ chịu mà bạn và các con sẽ trân trọng mãi mãi đồng thời cũng nuôi dưỡng trong các cháu tình yêu với sách và việc đọc.
Khi bạn đọc cho con nghe, bạn tạo cho các con cơ hội khám phá những cảm xúc khác nhau như buồn bã, tức giận, sợ hãi, và lo lắng, khiến các con bạn có thể học được cách các nhân vật vượt qua những cảm xúc đó.
Đọc thành tiếng cũng là cách để học đọc, học viết. Hành động đọc sách cho các con đơn giản này giúp cải thiện vốn từ vựng, củng cố trí nhớ, xây dựng những kỹ năng suy nghĩ và đọc hiểu, đồng thời khuyến khích lắng nghe chủ động. Lắng nghe những câu chuyện cũng giúp tăng khả năng tập trung cho con bạn. Những lợi ích này đặc biệt hữu ích nếu bạn có một độc giả đang gặp khó khăn với việc đọc.
Những câu chuyện cũng có thể giúp dạy các con bạn về tầm quan trọng của các đặc điểm tính cách như lòng trắc ẩn, sự kiên nhẫn, lòng khoan dung, lòng biết ơn, lòng tử tế, và sự đồng cảm.
Chiến lược chọn thời gian đọc thành tiếng
Bà Maria Montessori, bác sĩ và nhà giáo dục nổi tiếng người Ý, tin rằng giai đoạn từ sơ sinh đến 6 tuổi là thời điểm quan trọng nhất để phát triển ngôn ngữ ở trẻ em. Bà Montessori khuyến khích các bậc cha mẹ bắt đầu đọc sách cho con khi chúng còn bé. Hãy đọc chậm hơn tốc độ đọc và nói thông thường của bạn, điều này giúp các con có nhiều thời gian để tiếp nhận những gì chúng nghe được.
Hãy đọc cho các con nghe mỗi ngày, ngay cả khi đó chỉ là khoảng thời gian 15 đến 20 phút. Trẻ em phát triển dựa trên thói quen và tính nhất quán, và các con chắc chắn sẽ trân trọng những khoảnh khắc đặc biệt đó. Nếu bạn có ít thời gian hơn vào một số ngày, bạn có thể bù vào những ngày khác. Bạn hãy tổ chức một buổi đọc sách dài (readathon) vào một ngày ít bận rộn hơn hoặc vào cuối tuần. Đề nghị con đi ngủ sớm hơn, ôm nhau trên giường và đọc một cuốn sách dài hơn, một vài tác phẩm được yêu thích mọi thời đại, hoặc một vài cuốn trong một bộ sách.
Khuyến khích các con tham gia tích cực vào câu chuyện này bằng cách chọn những cuốn sách phù hợp với sở thích của các con và diễn xuất câu chuyện đó khi bạn đọc. Hãy hỏi các con những câu hỏi mở khiến chúng suy nghĩ: Con nghĩ tại sao bà mẹ lại làm như vậy? Những chàng trai đó đang làm gì vậy? Tại sao cô bé đó lại khóc? Gợi ý các con đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Hãy đọc nhiều thể loại sách khác nhau. Chọn những cuốn sách hư cấu như truyện cổ tích, tiểu thuyết lịch sử, thơ ca, truyện ngụ ngôn và truyện dân gian, những vở kịch của thi hào Shakespeare, và tác phẩm kinh điển như “Treasure Island” (Đảo Châu Báu). Bạn cũng có thể đọc những sách phi hư cấu như tiểu sử, những cuốn sách về các quốc gia và nền văn hóa khác, các sách hướng dẫn, truyện về các động vật làm nhiệm vụ (các động vật được huấn luyện để trợ giúp người tàn tật), và bất kỳ chủ đề nào mà các con muốn tìm hiểu thêm.
Ngoài ra, bạn đừng dừng đọc sách cho con khi chúng có thể đọc một cách độc lập. Trên thực tế, bạn nên tiếp tục đọc khi các con ở độ tuổi thanh thiếu niên và cho đến hết thời gian trung học, bởi vì việc này vẫn mang lại lợi ích. Đó là một khoảng thời gian đầy cảm xúc khi con trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên đang lớn lên, thay đổi, và trưởng thành, vì vậy khoảng thời gian đọc thành tiếng này là một hoạt động thường hằng giúp các con thích nghi với cuộc sống. Hãy chọn những cuốn sách khơi dậy cuộc trò chuyện và khám phá những quan điểm và quan niệm khác nhau.
Đừng ngần ngại đọc những câu chuyện vượt quá trình độ của con. Bạn có thể ngạc nhiên vì mức độ cảm thụ của chúng.
Bạn cũng hãy để những đứa trẻ hiếu động của bạn vận động. Hãy để các con chơi yo-yo hoặc bật người với một quả bóng thể dục. Hoặc các con có thể vẽ nguệch ngoạc, làm đồ thủ công, hoặc lặng lẽ xếp hình.
Đón mừng Ngày Đọc Thành Tiếng Thế Giới
Nếu bạn vẫn chưa đọc thành tiếng cho con thường xuyên, đừng lo lắng. Cuộc sống vẫn diễn ra, tất cả chúng ta vẫn đang ở đây. Bất kỳ ngày nào cũng là ngày hoàn hảo để chọn một cuốn sách và đọc cho các con nghe.
Tốt hơn nữa, hãy khởi động hoạt động đọc thành tiếng đầy thú vị của bạn bằng cách Đón mừng Ngày Đọc Thành Tiếng Thế Giới (WRAD). WRAD được hình thành vào năm 2010 do bà Pam Allyn, chuyên gia xóa mù chữ và nhà sáng lập LitWorld, một tổ chức bất vụ lợi hoạt động nhằm thúc đẩy việc xóa mù chữ. Bà Allyn tin rằng biết chữ là một quyền căn bản của con người.
Quỳnh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times