7 cách khơi dậy niềm niềm yêu thích đọc sách của con
Dù văn hoá đọc trong trường học có như thế nào, các bậc phụ huynh vẫn có thể khơi dậy niềm niềm yêu thích đọc sách của con một cách dễ dàng, nếu cha mẹ tiếp cận điều này một cách vui vẻ, dễ chịu và từ tốn.
Độc giả lành nghề là người có khả năng tự trang bị cho bản thân hầu như bất kể thứ gì trong cuộc sống và có thể tận hưởng cuộc sống giàu ý tưởng, những câu chuyện cùng những điều gì diệu.
Phụ huynh ngày nay có vẻ lo lắng về chủ đề đọc sách. Trình độ đọc viết đang đi chệch hướng, và các trường học đang nhấn mạnh “trình độ biết đọc” đến một mức độ khiến người ta phải giật mình.
Tận hưởng việc đọc sách
Cách đầu tiên để khuyến khích thú vui đọc sách của con bạn lại nằm ở chính bạn, bạn cũng cần thích thú với việc đọc sách. Nếu bạn không thuộc tuýp người thường xuyên tìm thấy niềm vui từ việc đọc hay bạn cũng chưa đọc sách khá lâu rồi, hãy tập trung vào việc tìm một điều gì đó khiến bạn thích đọc sách. Có lẽ bạn có sở thích nào đấy, bạn có thể tìm một quyển sách viết về sở thích đó. Hay có lẽ bạn thích những điều bí ẩn lý thú – hãy tìm các quyển sách từ thư viện hay nhà sách tại nơi bạn sống phù hợp với những mối quan tâm thực sự của bạn.
Ví dụ nếu điều này thực sự trở thành một phần trong cuộc sống của bạn, thì điều ấy cũng sẽ ảnh hưởng đến cách hiểu về việc đọc của con bạn. Nhưng đáng buồn thay, nhà trường thường hay làm cho việc đọc [trở thành] giống như một nhiệm vụ vậy. Hãy tận hưởng việc đọc sách như một thú vui.
Bỏ qua những phân loại trình độ đọc của con bạn
Xu hướng chú trọng một cách nặng nề vào trình độ đọc của từng học sinh trong trường học ngày nay quả là một điều đáng tiếc. Điều này trở thành một phần của loại văn hoá độc hại ngăn cản niềm yêu thích [của trẻ] đối với việc đọc và việc học.
Tại nhà, bạn hãy bỏ qua [phân loại] trình độ đọc đó một cách triệt để. Nếu đứa con đang học trung học nhà bạn muốn thư giãn và cười hả hê với chú gấu Paddington (*), chẳng lẽ bạn lại ngăn cản con vì loại sách ấy thấp hơn trình độ đọc của con? Nếu đứa trẻ đang học mẫu giáo nhà bạn muốn đọc sách của tác giả Tolkien (*), thì bạn có cản con vì sách cao hơn trình độ đọc của con?
Giờ thì, với trường hợp sau, rõ ràng là bạn không muốn con bạn phải trải qua nỗi thất vọng to lớn chỉ với một vài câu mở đầu. Khi này, bạn hãy đọc cuốn sách thành tiếng, nghe ghi âm, hay tìm những [phiên bản] kể lại câu chuyện ấy phù hợp với độ tuổi [của trẻ] để bắt đầu. Đừng để quyển sách qua một bên, hãy hứa sẽ quay lại [đọc chúng] khi trẻ học lên trung học. Hiện tại trẻ đang rất thích thú, và câu chuyện quá tuyệt vời nên không thể xếp ở vị trí thứ yếu.
Đọc thành tiếng
Không có gì khích lệ niềm yêu thích đọc sách của con hơn việc thực hành đọc thành tiếng một cách vui vẻ. Hãy dùng một chất giọng ngớ ngẩn, cùng cười và cùng khóc, và cùng ngạc nhiên trong hành trình mà mỗi quyển sách mang đến cho cả hai. Đó là trải nghiệm chung đầy ấm áp mà không giống bất cứ điều gì khác và không thể đơn giản hơn. Nếu bạn không làm gì khác, hãy đọc thành tiếng cho con nghe.
Nuông chiều sở thích của con
Nếu độc giả của bạn ra vẻ miễn cưỡng, hãy tìm những quyển sách về những điều con yêu thích nhất. Bạn có thể khám phá ra rằng một đứa trẻ có vẻ như không thể đọc một quyển sách giả tưởng nhưng có thể mê đắm một bộ sách bách khoa toàn thư về động vật. Bạn có thể nhận ra rằng một đứa trẻ khác lại thích những quyển sách tương tác hay có đồ họa đẹp mắt hơn. Càng có nhiều quyển sách trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật của bạn, bạn sẽ càng [nhận ra] rất nhiều sự thú vị đang đơm chồi một cách tự nhiên, thậm chí là từ những độc giả miễn cưỡng nhất trong hội.
Tiếp tục cuộc hành trình đến nhà sách và thư viện
Có nhiều nhà sách và những hiệu sách cũ đáng ngạc nhiên ở nơi bạn sống vẫn đang chờ đợi những gia đình yêu sách như gia đình bạn bước vào và tận hưởng. Hãy thường xuyên đến xem qua các kệ sách ở bất cứ nơi nào bạn thấy. Hãy thích thú với trò săn tìm kho báu mà các hiệu sách cũ mang đến. Sử dụng tối đa thẻ thư viện trong mọi lúc. Lập ra một chuyến thám hiểm dành cho gia đình: cùng đi ra ngoài và tìm sách.
Giảm bớt sự chú ý tới tất cả các loại màn hình
Nếu con bạn giống những trẻ đang tiêu tốn hàng giờ mỗi ngày trước màn hình khác, thì sẽ không có gì là đáng ngạc nhiên khi bạn lo lắng về việc trẻ ít đọc sách. Hãy giảm thiểu điều này càng nhiều càng tốt; và thiết lập những ranh giới và quy tắc chắc chắn về các thiết bị kỹ thuật số trong nhà bạn.
Nếu trẻ phàn nàn vì chán nản, hãy nói với con rằng bạn nghĩ điều đó là rất tuyệt bởi sự sáng tạo và sự tìm tòi khám phá tốt nhất có khuynh hướng nảy sinh từ sự chán nản. Sau đó, hãy ngồi xuống cùng với một tấm chăn và tách trà, mở nhẹ quyển sách dành cho bạn.
Biết những gì con đang đọc
Tình trạng xuất bản ngày nay – đối với mọi lứa tuổi – đang đi theo hướng mà nhiều gia đình lo ngại. Hãy bảo đảm rằng bạn biết con bạn đang đọc điều gì và những giá trị nào đang được khắc họa trong sách.
Tin tốt là bạn không phải hoàn toàn chỉ dựa vào những quyển sách hiện đại – hay thậm chí là một chút. Nền văn học vĩ đại hàng thế kỷ vẫn đang chờ đợi để được khám phá. Hãy tìm những điều tốt nhất cho con bạn và cùng bắt đầu thôi.
Barbara Danza là một bà mẹ hai con, có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, yêu biển và có trái tim thuần khiết. Bài viết của cô thường đi sâu vào những thách thức và cơ hội nuôi dạy con cái trong thời hiện đại. Đặc biệt là những chủ đề liên quan đến lựa chọn giáo dục trong gia đình, sự nhận thức mới về sự đơn thuần của trẻ nhỏ, lợi ích của việc du lịch gia đình và tầm quan trọng của lối sống gia đình trong xã hội ngày nay.
(*) Chú thích:
- Tác phẩm ‘Paddington Bear’ còn được gọi là Paddington Brown, là một nhân vật trong văn học thiếu nhi Anh ra đời từ năm 1958.
- Tolkien: sinh năm 3/1/1892 mất năm 2/9/1973, là nhà văn, tiểu thuyết gia, và giáo sư người Anh, được công chúng biết đến nhiều nhất qua các tác phẩm Anh chàng Hobbit và Chúa tể của những chiếc nhẫn.
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: