Món kem vị rau củ là giải pháp mới giúp bổ sung vitamin?
Tại sao phải ăn rau trong khi chúng ta có thể thưởng thức một bát kem thay thế?
Món kem vị rau củ được làm từ súp lơ trắng và bí ngô đã khơi dậy các cuộc tranh luận sôi nổi trong tuần lễ đầu tháng 06/2023 tại Hội nghị và triển lãm thương mại về nghề làm vườn lớn nhất của Úc và New Zealand, Hort Connections – Nơi các doanh nghiệp sáng tạo tận dụng các loại thực phẩm lẽ ra bị vứt bỏ để giải quyết tình trạng lãng phí lương thực.
Ba nghìn người tham dự đã nếm thử hai hương vị là sự kết hợp hài hòa giữa mặn và ngọt: đậu súp lơ trắng- vani và bánh mì bí ngô-gừng.
Tập đoàn nghiên cứu và phát triển Hort Innovation tuyên bố rằng, loại kem mới thậm chí còn tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng với một khẩu phần rau trong hai muỗng.
“Nghiên cứu cho thấy 96% dân số không ăn đủ lượng rau được khuyến nghị mỗi ngày—tức là từ 5 đến 6 khẩu phần,” Giám đốc điều hành của Hort Innovation, ông Brett Fifield, cho biết trong một thông cáo.
“Kem là món tráng miệng phổ biến; tại sao không thông qua món ăn này để cải thiện sức khỏe?
“Dưới 1% các loại rau ăn củ, chẳng hạn như bí ngô và súp lơ trắng, được dùng như món tráng miệng— đây có thể là một thị trường chưa được khai phá.”
(Được cung cấp bởi Hort Connections)
‘Rau củ được thay đổi diện mạo’
Món kem vị rau củ được sản xuất bởi một công ty mới của Australia chuyên quản lý rác thải thực vật, Nutri-V, bằng cách xay nhuyễn rau thành bột.
Cô Raquel Said từ sáng kiến người trồng trọt giải thích rằng, họ đã biến đổi bí ngô và súp lơ trắng vốn bị thất thoát khỏi chuỗi cung ứng thành một loại bột dinh dưỡng có thể thêm vào đồ ăn, thức uống và thậm chí cả kem.
Cô nói: “Trong quá trình trồng rau, có thể xuất hiện tình huống hàng tấn rau được trồng không đáp ứng tiêu chuẩn bán lẻ, hoặc cung vượt cầu hoặc dư thừa thân và lá, nhưng tất cả vẫn hoàn toàn bổ dưỡng.”
Ở Úc, 57% hộ gia đình mua súp lơ trắng và 69% mua bí ngô. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)
“Chúng tôi tái chế chất thải thực vật thành một sản phẩm bền vững nhưng ngon miệng. Món kem này chứa các loại rau được chế biến lại. Đó là giải pháp cho tương lai để người Úc tăng mức tiêu thụ rau củ đồng thời giúp người nông dân giảm lượng chất thải thực vật.”
Thực phẩm bị lãng phí không chỉ tác động đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến sinh kế của chúng ta, và các nghiên cứu về sức khỏe đã tìm ra bằng chứng liên quan.
Tại Hoa Kỳ, lượng thực phẩm bị lãng phí mười năm trước ước tính từ 30 đến 40% nguồn cung thực phẩm, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, cho biết đó là con số khổng lồ 133 tỷ bảng Anh tương đương với hơn 160 tỷ USD.
Tại Australia, lượng thực phẩm bị lãng phí ước tính lên đến hơn 7.3 triệu tấn mỗi năm.
Cleanup Australia cho biết khối lượng này tương đương với gần 300kg thực phẩm cho mỗi người/năm tại nước Úc.
Trên toàn thế giới, thiệt hại ước tính hàng năm với loại cây trồng dễ hư hỏng, chẳng hạn như trái cây và rau quả, vượt quá 20%, với một số loại rau lá xanh và trái cây nhiệt đới vượt quá 40%.
Tổ chức Thương mại Thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc từng nhấn mạnh về việc ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực bằng cách giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực.
Trung bình cứ 10 cây trồng tại trang trại thì có 2-3 cây bị lãng phí. Lượng thức ăn bị mất đi, hoặc những gì còn sót lại trên cánh đồng, chẳng hạn như lá và thân cây, vẫn chưa được đo lường cụ thể.
Hort Connections là hội nghị đầu tiên về nghề làm vườn của Úc và New Zealand. Năm nay, hội nghị được tổ chức từ ngày 05-07/06 tại Adelaide, Nam Úc.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times