Mối đe dọa an ninh quốc gia: Con mắt của Trung Quốc tại Hoa Kỳ
Do Viện Gatestone xuất bản đầu tiên
Việc thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc tại Hoa Kỳ tồn tại dưới nhiều hình thức và có nhiều mục đích khác nhau. Hầu hết người Mỹ đều quen thuộc với một số phương tiện và chiến thuật của họ, nhưng không biết được mức độ phổ biến và bền bỉ của họ như thế nào.
Người Mỹ có thể biết về phần mềm xấu có trong ứng dụng TikTok độc hại mà con em họ sử dụng. Họ có thể biết cơ quan tình báo mạng của quân đội Trung Quốc có khả năng đứng sau nhiều vụ xâm nhập dữ liệu cá nhân của người Mỹ lớn nhất từng xảy ra. Họ có thể biết từ tin tức về việc các chính sách quốc phòng và tình báo của Hoa Kỳ đã trừng phạt đại công ty viễn thông Trung Quốc Huawei như thế nào và khuyên các đồng minh của Hoa Kỳ từ chối khai triển mạng 5G do Trung Quốc xây dựng, do có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã đặt một cửa hậu trong thiết bị mạng thương mại được thiết kế để cho phép Chế độ cộng sản ở Bắc Kinh tiến hành giám sát và gián điệp mạng ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.
Nhưng họ có biết việc thu thập thông tin mở rộng cả đến phi cơ không người lái cấp tiêu dùng không?
Chuyên gia an ninh mạng Klon Kitchen, cây viết cho The Dispatch, gần đây đã trình bày chi tiết vấn đề này về DJI, công ty Trung Quốc có các phi cơ không người lái cấp thương mại và tiêu dùng kiểm soát gần 90% thị trường. Các sản phẩm phổ biến này tiết kiệm chi phí, dễ vận hành và dễ dàng bay, đồng thời gửi từng byte dữ liệu mà họ thu thập được tới các máy chủ ở Trung Quốc. Vì lý do này, chúng bị quân đội Hoa Kỳ và Bộ An ninh Nội địa cấm, mặc dù vẫn được FBI và cảnh sát địa phương ngày càng sử dụng nhiều như “con mắt quan sát trên bầu trời” trong các sự kiện tội phạm. Thật trớ trêu thay, FBI lại sử dụng phi cơ không người lái DJI trong khi Giám đốc Cục điều tra Christopher Wray đã cảnh báo thường xuyên về những mối nguy hiểm đối với thương mại phương Tây do Trung Quốc gây ra, gần đây nhất là ở London.
Báo cáo xuất sắc về DJI của ông Kitchen theo dõi những nỗ lực của công ty này nhằm vận động hành lang để phản đối việc thông qua dự luật mang tên Đạo luật Phi cơ không người lái An ninh Hoa Kỳ (ASDA), hiện đã ra trước Quốc hội để cấm chính phủ liên bang sử dụng hoàn toàn các sản phẩm của DJI. Có những rủi ro gì? Không chỉ dữ liệu do chính phi cơ không người lái thu thập mà mọi thứ do ứng dụng di động mà người dùng điều khiển phi cơ không người lái và quản lý tài khoản DJI của họ đều bị thu thập. Giống như nhiều ứng dụng di động khác, ứng dụng này bao gồm danh bạ, hình ảnh, vị trí GPS, và các hoạt động trực tuyến của người dùng.
Nhắc lại: Tất cả phi cơ không người lái của DJI trên bầu trời nước Mỹ đều giỏi như một gián điệp biết bay lượn của Trung Quốc.
Giống như các công ty do chính phủ Trung Quốc kiểm soát khác như Huawei và Hikvision, những nhà sản xuất hệ thống trí tuệ nhân tạo sử dụng nhận dạng khuôn mặt và đàn áp nhóm dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, DJI rất giỏi trong việc chơi trò chơi của Hoa Thịnh Đốn. Công ty này đang tham gia vào một nỗ lực vận động hành lang quyết liệt để ngăn cản việc thông qua dự luật ASDA. Quyết liệt đến mức họ đã nhờ đến các sĩ quan cảnh sát từ các khu vực pháp lý địa phương đến Hoa Thịnh Đốn và vận động các nhân viên quốc hội về mức độ tuyệt vời của phi cơ không người lái DJI như thế nào đối với các lực lượng địa phương đang thiếu hụt ngân sách của họ.
Như ông Kitchen chỉ ra, dự luật ASDA chỉ hướng đến một lệnh cấm liên bang đối với những phi cơ không người lái này, nhưng những người vận động hành lang của DJI từ các doanh nghiệp chẳng hạn như Squire Patton Boggs, Cassidy & Associates, và Chiến Lược CLS đang tránh các nguy cơ. Theo OpenSecrets.org, công ty này đã chi 2.2 triệu USD hồi năm 2020 và 1.4 triệu USD trong các nỗ lực vận động hành lang.
Những người vận động hành lang này đang sử dụng lập luận cổ điển rằng sẽ là sai lầm nếu cấm chính phủ liên bang sử dụng sản phẩm của họ bởi vì có rất nhiều người khác đang sử dụng sản phẩm đó. Đây chắc chắn là tình huống tiến thoái lưỡng nan mà các kho ứng dụng của Apple và Google hiện đang phải đối mặt liên quan đến ứng dụng TikTok, lại là một sản phẩm khác của Trung Quốc. TikTok đã được các chuyên gia an ninh mạng xác định có chứa một bộ ghi nhật ký tổ hợp phím, và cả Apple và Google đều bị Ủy ban Truyền thông Liên bang gây áp lực buộc phải xóa TikTok ra khỏi các kho ứng dụng của họ.
“Chúng ta có thể thực sự cấm thứ gì đó mà rất nhiều người đang vui vẻ sử dụng không?” họ ắt hẳn cũng đang tự hỏi chính mình.
Cách tiếp cận của Trung Quốc nằm ở chỗ đó. TikTok là một ứng dụng dành cho thiết bị di động mà không ai yêu cầu, nhưng nó đã trở thành một hiện tượng chỉ sau một đêm ở hầu hết các quốc gia phương Tây. Chúng ta thực sự phải thừa nhận, và vô cùng ngưỡng mộ, hiểu biết tuyệt vời của công ty tạo ra ứng dụng này – công ty ByteDance do chính quyền Trung Quốc kiểm soát – đối với tâm lý của đông đảo thanh thiếu niên phương Tây. TikTok, ban đầu được quảng cáo như một cách để chia sẻ và xem các video clip khiêu vũ ngớ ngẩn, đã được các giáo viên trẻ “thức tỉnh” sử dụng để “cho” mình là những chiến binh công bằng xã hội chuyên lập những kế hoạch bí mật, mang tính hô hào có ý định truyền tải tư tưởng về giới tính vào lớp học của họ và huênh hoang về điều đó.
Điều này thêm một số bối cảnh cho sự bực tức của Thượng nghị sĩ Rob Portman (Cộng Hòa-Ohio) tại phiên điều trần của Thượng viện về luật ASDA, nơi mà ông nói rằng:
“Một lần nữa, với những gì FBI đã nói với chúng ta, những gì Bộ Thương mại đã nói với chúng ta, những gì chúng ta biết từ các báo cáo, tôi không thể nào tin nổi rằng chúng tôi phải viết luật để buộc các cơ quan Hoa Kỳ cấm sử dụng phi cơ không người lái do Trung Quốc sản xuất, đặc biệt nơi đặt các máy chủ là ở Trung Quốc, nơi chính quyền Trung Quốc là chủ sở hữu một phần và là người ủng hộ cho công ty đặc biệt này.”
Cách tiếp cận của Trung Quốc là “lũng đoạn” các tổ chức và cá nhân tinh anh ở Hoa Kỳ: các chính trị gia, các trường đại học hàng đầu, các quỹ hưu trí lớn, mạng xã hội và Hollywood cũng nằm trong số đó. Cuốn sách mới nhất của tôi là, “Red-Handed,” (Bắt quả tang) ghi lại hành vi này trong các lĩnh vực chính trị, tư vấn ngoại giao và kinh doanh, Big Tech, học thuật và Wall Street. Có cái nhìn sâu sắc trong tuyên bố thời Xô Viết, được cho là từ ông Lê Nin, về việc các nhà tư bản “bán cho chúng ta sợi dây thừng để treo cổ họ.” Tuy nhiên, chính người Trung Quốc đã hiểu làm thế nào để bán được sợi dây thừng đó với mức giá hời.
Giống như những gì họ đang làm với các sản phẩm như tấm pin mặt trời, người Trung Quốc nhận ra rằng việc dồn thị trường vào một khu vực mà khả năng tiếp cận bình đẳng là rất quan trọng đối với kế hoạch thống trị dài hạn của họ. Mô hình của họ bao gồm trộm cắp công nghệ mà họ không thể tự tạo ra và sử dụng bất kỳ phương tiện nào có sẵn để hỗ trợ cho hành vi trộm cắp đó. Do đó, mỗi một chút quyền truy cập thông tin mà họ có thể lùng sục đều có giá trị hơn đối với họ so với sản phẩm được sử dụng để có được thông tin đó.
Hiểu được những mô hình này là hết sức quan trọng để nhận ra rằng Trung Quốc cũng làm điều này với chính người dân của họ. Như bài viết gần đây của ông Gordon Chang cho Viện Gatestone thảo luận, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với người Trung Quốc ở hải ngoại thông qua nhiều hình thức khác nhau mà chúng ta có thể gọi là tống tiền. Nhiều câu chuyện đe dọa sinh viên và học giả Trung Quốc ở Hoa Kỳ, những người đã lên tiếng về việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền, hay ủng hộ nền dân chủ ở Hồng Kông và nền độc lập của Đài Loan, tất cả đều minh chứng cho điều này.
Các trường đại học đã chấp nhận điều này để đổi lấy quỹ hải ngoại trong nhiều thập niên qua. Chỉ là gần đây họ đang phải đối mặt với những cái giá phải trả cho cái thú đó. Đơn cử, cựu chủ nhiệm Khoa Hóa và Hóa Sinh của Đại học Harvard đã bị bồi thẩm đoàn liên bang kết tội “khai man chính phủ liên bang về mối quan hệ của ông với Chương trình Ngàn tài năng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT) ở Vũ Hán, Trung Quốc, cũng như không báo cáo thu nhập mà ông ta nhận được từ WUT,” theo một tuyên bố của Bộ Tư pháp.
“Trung tâm Wilson, một tổ chức tư tưởng lưỡng đảng ở Hoa Thịnh Đốn, đã báo cáo hồi năm 2017 rằng một cộng đồng nhỏ gồm sinh viên Trung Quốc và các nhà ngoại giao đã tham gia vào các chiến thuật đe dọa, từ thu thập thông tin tình báo đến trả đũa tài chính,” VOA News đưa tin. “Nghiên cứu Sơ bộ về Ảnh hưởng Chính trị của CHND Trung Hoa và Các hoạt động Can thiệp trong Giáo dục Bậc cao tại Hoa Kỳ” nhằm xem xét ảnh hưởng của CHND Trung Hoa trong các trường đại học Hoa Kỳ.
Chính những lo ngại đó đã khiến chính phủ cựu TT Trump thành lập “Sáng kiến Trung Quốc” trong Bộ Tư pháp hồi năm 2018. Nỗ lực này đã dẫn đến rất nhiều cáo buộc công dân Trung Quốc ở Hoa Kỳ về hành vi đánh cắp công nghệ và các hình thức gián điệp công nghiệp khác. Chính phủ TT Biden đã dừng chương trình này trong năm nay, với lý do lo ngại rằng cần phải có một cách tiếp cận rộng hơn, và để đáp lại việc vận động hành lang của các nhóm người Mỹ gốc Á cho rằng họ nhắm mục tiêu một cách bất công vào các các nhà khoa học có mối liên hệ với Trung Quốc. Hơn nữa, Trợ lý Tổng chưởng lý Matthew Olsen cũng cho biết ông đã nghe thấy những lo ngại từ cộng đồng học thuật rằng việc truy tố các nhà nghiên cứu vì gian lận tài trợ và các cáo buộc khác đang có “ảnh hưởng tiêu cực.”
Dù vậy, chiến lược của Trung Quốc trong nhiều năm đã xoay quanh sự xâm nhập của một số nhà khoa học và nhà nghiên cứu Trung Quốc đang làm việc ở hải ngoại tại Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác, với những lời đe dọa đối với những thân nhân người Trung Quốc của họ như đòn bẩy để họ làm như vậy. Đây sẽ vẫn là một vấn đề phản gián bất kể nỗ lực vạch trần nó được gọi là gì.
Tất cả đều là một phần của mô hình này. Hãy gọi đó là sự phá hoại bằng điều khiển từ xa.
Tịnh Nhi  biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times