Ông Elon Musk và sự cám dỗ của Trung Quốc
Ông Elon Musk có những người hâm mộ trên khắp các hệ tư tưởng. Những người cánh tả yêu mến ông ấy vì đã phổ biến xe hơi điện với công ty Tesla của ông ấy, hoặc có thể vì công khai hút thuốc trong chương trình của podcaster Joe Rogan. Những người bảo thủ yêu mến ông ấy vì dấu ấn kinh doanh của ông ấy và thiên hướng đứng lên chống lại các chính trị gia và sự kiểm duyệt của Big Tech đối với internet. Và mọi người đều yêu mến ông Musk vì đã phản ứng lại việc Nga xâm lược Ukraine và cắt đứt các liên kết thông tin liên lạc của họ bằng cách cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng vệ tinh Starlink của ông ấy ở Ukraine và tặng các thiết bị đầu cuối Starlink cho người dân Ukraine. Kết nối Starlink, theo một báo cáo, thậm chí có thể giúp các máy bay không người lái vũ trang của Ukraine nhắm mục tiêu vào các phương tiện quân sự của Nga.
Người ta biết ít hơn về các giao dịch kinh doanh của ông Ellon Musk ở Trung Cộng, nhưng điều đó có thể sắp thay đổi. Các thành viên Cộng Hòa tại Hạ viện đã báo hiệu ý định xem xét kỹ lưỡng các hoạt động kinh doanh của ông Musk tại Trung Quốc, đặc biệt là với “mối quan hệ xung đột” giữa nhà sản xuất xe hơi điện Tesla và SpaceX, những công ty có công nghệ nhạy cảm có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia đối với Hoa Kỳ. Như tờ Wall Street Journal đã nêu:
“Mối quan tâm tập trung vào khả năng để Trung Quốc có quyền truy cập vào thông tin mật do Tập đoàn Công nghệ Khám phá Không gian (Space Exploration Technologies Corp.,) do ông Musk nắm giữ chặt chẽ, bao gồm cả thông qua các nhà cung cấp ngoại quốc của SpaceX có thể có quan hệ với Bắc Kinh.”
Tờ báo đưa tin, Dân biểu Chris Stewart, (Cộng Hòa-Utah), đang thúc ép cho các cuộc họp giao ban bí mật tại Điện Capitol với các quan chức từ các cơ quan bao gồm Văn phòng Trinh sát Quốc gia, nơi điều phối việc phóng vệ tinh tình báo, để xác định xem chính phủ Trung Quốc có bất kỳ liên kết trực tiếp hay gián tiếp nào tới SpaceX.
Ông Musk đã xây dựng các nhà máy và phòng trưng bày cho Tesla ở Trung Quốc, sử
dụng các khoản vay được chính phủ Trung Quốc trợ cấp và vốn từ các nhà đầu tư có liên hệ với chính phủ như Tencent để làm điều đó. Ông ấy say mê về nguồn năng lượng và sự hỗ trợ mà ông ấy nhận được từ lãnh đạo của Trung Quốc, đối lập nó với “sự tự mãn và đặc quyền” mà ông ấy tìm thấy ở New York và Los Angeles. Ông ấy không sai về điều đó — New York và California là một trong những bang tồi tệ nhất trên toàn quốc về kinh doanh, và các nhà tuyển dụng đang đổ xô đến các bang thân thiện với doanh nghiệp hơn như Texas, nơi ông Musk cũng đã mở nhà máy.
Nhưng ông Musk không bận tâm đến việc tâng bốc các thống đốc tiểu bang của Hoa Kỳ theo cách mà ông ấy đã nói với nhà độc tài của ĐCSTQ, Chủ tịch Tập Cận Bình:
“Có vẻ mỉa mai, nhưng mặc dù quý vị có một hệ thống độc đảng, nhưng họ thực sự, dường như quan tâm rất nhiều đến hạnh phúc của mọi người. Trên thực tế, họ có thể còn nhạy cảm với dư luận hơn những gì tôi thấy ở Mỹ.”
Những cuộc phiêu lưu ở Trung Quốc của ông Musk thậm chí còn đi ngược lại một số chính sách của chính ông. Tại Hoa Kỳ, ông Musk khuyến khích bất kỳ nhân viên nào của Tesla liên hệ trực tiếp với ông Musk về các vấn đề. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, chính sách đó nhanh chóng bị các giám đốc điều hành Trung Quốc có liên hệ với chính phủ, những người mà ông Musk đặt vào các vị trí chủ chốt, bỏ xó như đã lưu ý trong cuốn sách của tôi, “Bàn tay đỏ: Cách giới tinh hoa Mỹ giúp Trung Quốc chiến thắng”. Bà Grace Tao, một cựu nhân viên truyền hình của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, được điều động về phụ trách truyền thông và các vấn đề chính phủ. Bà giải thích với các nhân viên Tesla rằng bà có liên hệ với các cấp cao nhất của chính phủ và có thể liên lạc trực tiếp với Chủ tịch Tập thông qua một trung gian duy nhất nếu bà thấy cần thiết.
Ông Stewart, một thành viên cấp cao của Ủy ban Tình báo Hạ viện, nói:
“Tôi là một người hâm mộ của ông Elon Musk và SpaceX, nhưng bất kỳ ai cũng sẽ lo lắng nếu có những vướng mắc tài chính với Trung Quốc…. Quốc hội không theo dõi tốt về việc này.”
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đồng ý. Bộ của bà bảo vệ việc phân phối công nghệ nhạy cảm của Mỹ và bà ấy hiểu những thách thức khi đối phó với Trung Quốc. Bà nói: “Chắc chắn đúng là các hoạt động cưỡng chế, phản cạnh tranh, các hành vi cố gắng ăn cắp (tài sản trí tuệ) của chúng ta hoặc đánh cắp công nghệ và bí quyết của chúng ta là có đầy đủ tài liệu chứng minh.”
Ba năm trước, TNS. Cory Gardner (Cộng Hòa-Colorado) đề nghị luật yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ xác định xem các thực thể Trung Quốc có đang “tận dụng các công ty Hoa Kỳ đang chia sẻ quyền sở hữu với các nhà thầu NASA hay không.” SpaceX đã vận động hành lang chống lại các điều khoản lập pháp tương tự trong Hạ viện.
SpaceX là một công ty có công nghệ ứng dụng quân sự. Quan điểm của ông Gardner là để bán cho Lầu Năm Góc và NASA, SpaceX phải tuân thủ Quy định về Lưu thông Vũ khí Quốc tế (ITAR), vốn yêu cầu các nhà sản xuất vũ khí ngăn chặn công nghệ của họ bị các nước như Trung Quốc tiếp cận. Bất kỳ sự cố rò rỉ nào, hoặc buộc phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, đều có thể gây nguy hiểm cho việc tuân thủ ITAR của SpaceX — và cùng với đó là mối quan hệ với các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ.
Vì vậy, ông Musk sẽ phải quyết định một số lựa chọn.
Ông Isaac Stone Fish, tác giả cuốn sách “Nước Mỹ thứ hai: Giới tinh hoa của Mỹ đang làm cho Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn như thế nào”, đã lưu ý vào năm 2020:
“Các Giám đốc điều hành người Mỹ khác có quan hệ mật thiết với Đảng [Cộng sản Trung Quốc]. Nhưng ông Musk là người duy nhất lớn tiếng ca ngợi Bắc Kinh khi điều hành một công ty vũ trụ với các ứng dụng quốc phòng cực kỳ nhạy cảm và mạnh mẽ. Ông Musk có thể tiếp tục đi trên con đường này không? Sự tách biệt rõ ràng hơn giữa SpaceX và Tesla sẽ giúp ông ấy kiểm soát được những mặt trái tiềm ẩn của mối quan hệ Mỹ-Trung đang theo chiều hướng xoắn ốc.”
Tình huống khó xử của ông Musk không phải là duy nhất. Mối quan hệ chia sẻ công nghệ chặt chẽ giữa Tesla và SpaceX gây ra rủi ro an ninh quốc gia cho quê hương của ông, nhưng Google và Microsoft cũng làm việc với Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo. Chính sách của chính phủ Hoa Kỳ có thể dự đoán là chậm trong việc bắt kịp tốc độ của các doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn cầu như của ông Musk, và người Trung Quốc chỉ quá vui mừng khi gia tăng khoảng cách đó.
Tuy nhiên, tại một số thời điểm, các công ty như SpaceX, Google, và Microsoft và những cá nhân người Mỹ sở hữu, điều hành, hoặc đầu tư vào chúng, sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn tương tự giữa nghĩa vụ của họ với Mỹ và việc theo đuổi nhiều lợi nhuận hơn ở nước ngoài.
Từ Viện Gatestone.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Peter Schweizer, Chủ tịch Viện trách nhiệm giải trình của chính phủ, thành viên cao cấp xuất sắc của Viện Gatestone và là tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất “Hồ sơ tham nhũng”, “Đế chế bí mật” và “Tiền mặt của Clinton”, trong số những cuốn sách khác. Cuốn sách mới của ông là “Bàn tay đỏ: Giới tinh hoa Mỹ đang giúp Trung Quốc chiến thắng như thế nào”.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: