Mở cửa kho tàng nghệ thuật Hy Lạp cổ đại: Vì tình yêu thành phố Napoli
Bảo tàng khảo cổ Ipogeo dei Cristallini
Nữ chủ nhân khách sạn người Ý – cô Alessandra Calise Martuscelli đang hoàn thành giấc mơ nâng cao tầm vóc của thành phố Naples nơi mà cô sinh ra, bằng cách phục hồi một bộ phận quý báu trong những di sản Hy Lạp cổ đại của thành phố. Khoảng 600 năm trước Công nguyên, người Hy Lạp đã thành lập thành phố Naples này với tên gọi Neapolis (có nghĩa là Thành Phố Mới)
Năm 1889, ông Baron Giovanni di Donato (tổ tiên của anh Giampiero Martuscelli, chồng cô) đã phát hiện ra một nghĩa địa 2,300 năm tuổi nằm sâu 40 bộ bên dưới dinh thự của mình trong khi các công nhân đang đào xuống đất sâu để lấy nước và đá tuff, là một loại đá núi lửa để làm vật liệu xây dựng. Anh Giampiero đã được thừa kế khu đất này, được gọi là Ipogeo dei Cristallini.
“Ipogeo,” trong tiếng Ý có nghĩa là hầm mộ, là một khoảng trống có mái vòm ngầm dưới lòng đất thường được dùng để mai táng. Giám đốc của Viện Bảo Tàng Khảo Cổ Học Quốc Gia ở Napoli là Paolo Giulierini, đã nói với Tạp chí Smithsonian rằng Ipogeo dei Cristallini tương tự như các ngôi mộ được quét sơn tìm thấy ở Macedonia, quê hương của Alexander Đại Đế, và những ngôi mộ đó rất có thể đã được ủy thác từ những người Macedonia dành cho giới thượng lưu Neapolitan.
Khu hầm mộ gồm có bốn phòng mai táng, mỗi cái đều có một phòng nghi lễ để tổ chức các nghi thức lễ tang và một cầu thang dẫn thẳng xuống đến nơi chôn cất. Hai trong số những phong mai táng này có chứa các bức bích họa từ kỷ nguyên Hy Lạp hóa (năm 323 đến năm 30 trước công nguyên), tạo thành một địa khu khảo cổ quốc tế quan trọng bởi vì hiện chỉ có một vài bức tranh tường Hy Lạp cổ đại tồn tại trên phạm vi toàn thế giới.
Những họa sĩ thời kỳ Hy Lạp hóa đã sử dụng phối cảnh ba chiều, ánh sáng và đổ bóng để tạo hình, và sử dụng kỹ thuật trompe I’oeil (tiếng Pháp có nghĩa là “đánh lừa thị giác”) để tạo hiệu ứng ba chiều cho các vật thể.
“Mặc dù công việc này (trang trí nghệ thuật cho hầm mộ) là có tính trang trí, không phải các bức tranh tượng hình, nhưng các tác phẩm nơi đây rất tinh tế. Vì vậy, đó là một bối cảnh không bình thường, hiếm có và rất quý giá,” Federica Giacomini từ Istituto Centrale per il Restauro (Viện Phục hưng Trung Tâm) đã nói với Tạp Chí Smithsonian.
Bảo tồn một phần của Hy Lạp cổ đại
Bảo tàng Ipogeo dei Cristallini có thể được tìm thấy ở quận Sanità ở phía Bắc của thành phố Napoli, một khu vực đã từng bị xem là nguy hiểm, và là nơi mà cô Martuscelli hiếm khi ghé thăm. Tuy nhiên các vị chức sắc, người nổi tiếng và các chuyên gia đều đã đến nơi đây. Ví dụ như, chồng của Martuscelli đã giới thiệu khu vực này cho một vị hoàng tử của nước Bỉ và nữ diễn viên Isabella Rossellini, một người luôn hăm hở mỗi khi đến để tham quan.
Và cô Martuscelli cũng vậy. Cô luôn mang một cảm giác tôn kính lẫn chút sợ hãi mỗi khi đến thăm nơi này. Tham quan một ngôi mộ, bạn có thể cho rằng nó sẽ buồn chán, cô giải thích qua điện thoại. Tuy nhiên Martuscelli cảm thấy bình yên mỗi khi ở trong ngôi mộ cổ này. Cô cho rằng cảm giác bình yên mà cô cảm nhận được đó là do qua hàng nhiều thế kỷ, người ta đã liên tục cầu nguyện trong các căn phòng nghi lễ ấy.
Cô thường thảo luận với chồng về việc mở cửa hầm mộ cho công chúng tham quan. Khi ấy, các chuyên gia cảm thấy rằng việc giữ kín nơi này sẽ tốt hơn cho việc bảo tồn di sản này. Tuy nhiên khi một nhà khảo cổ học người Ý đã thay đổi mọi thứ khi ông ghé thăm nơi đây. Ông thấy các căn phòng mai táng này quá đẹp đến mức ông đã tuyên bố rằng: “Tôi muốn chuyển đến sống ở ngay đây!” Chính sự nhiệt tình của ông đã thắp sáng lại ý tưởng của Martuscelli để mở cửa nơi này cho càng nhiều người biết đến.
Thậm chí là khi cô Martuscelli rời Napoli để đến làm việc tại thành phố Milan và Torino, cô cũng luôn nuôi dự định quay về và giúp cho thành phố của mình. Vào một ngày kia, cô đã chia sẻ với chồng mình về việc quay trở lại Napoli và mở cửa ngôi mộ cổ, để cống hiến cho thành phố thân yêu của cô.
Cô chưa từng thực hiện bất kỳ dự án nào như vậy, tuy nhiên sâu thẳm trong tim cô biết rằng mình cần phải làm gì. “Nghệ thuật là thuộc về tất cả mọi người” cô đã nói trong một thông cáo báo chí. Và cô cảm thấy rằng bất kỳ ai đang sở hữu các tác phẩm nghệ thuật thì có nghĩa vụ đem chúng đến cho mọi người cùng thưởng thức và thấu hiểu.
Một Hy Lạp cổ đại bên dưới lòng đất nước Ý
Người Hy Lạp cổ đại tin vào Thần, nên các căn phòng mai táng đều được xếp đặt rất nhiều các pho tượng Thần. Bức phù điêu điêu khắc hình đầu của Gorgon (Medusa) được đóng khung bao quanh bởi một bức bích họa hình tròn đầy màu sắc được đặt rất cao bên trên bức tường phía sau của phòng chôn cất lộng lẫy nhất.
Các bức tranh tường nằm dọc lối đi cho thấy một kiến trúc hoa văn hình chiếc đĩa (một chiếc đĩa nông), một cái bình, và hai cái chân đèn. Người Hy Lạp cổ đại sử dụng một chiếc bình và đĩa hoa văn để thực hiện nghi lễ tế rượu hàng ngày của họ, (nghi lễ để dâng lên những sản phẩm họ làm ra cho những vị Thần và những người thân yêu đã qua đời của mình). Bên cạnh một chiếc chân đèn, là bức vẽ của Thần Dionysus và Công Chúa Ariadne, theo tuần tự là vị Thần Rượu của Hy Lạp và con gái của Vua Midas.
Những tràng hoa vẽ trên tường, treo giữa các cột trụ, phía trên là các ký tự miêu tả những sinh vật thần thoại được viết dọc trên đỉnh của những bức tường. Tên của những người Hy Lạp và La Mã yên nghỉ bên trong căn phòng mai táng được liệt kê bên dưới một tràng hoa. Hai chiếc gối bằng đá tròn trịa đặt trên đầu của mỗi chiếc quách, hoặc cổ quan tài bằng đá, có một đường vẽ màu xanh nhạt để trang trí trên mỗi chiếc gối.
Các hốc đá được tạc vào trong các bức tường của phòng chôn cất đã từng để những chiếc bình gốm, và vạc nhọn (những chiếc bình gốm với đáy nhọn), và bệ thờ. Một số chiếc chậu có chứa dầu, nước hoa hoặc thuốc mỡ.
Tất cả các vật phẩm bên trong hầm mộ, có khoảng 700 món tổng cộng, đã được lấy ra và bảo quản khi khu vực này được khám phá vào thế kỷ thứ 19th. Những vật phẩm này là một sự trộn lẫn những vật tạo tác của người Hy Lạp cổ đại và người La Mã, bởi vì vào thời kỳ La Mã, một số căn phòng trong hầm mộ đã được người La Mã chỉnh sửa theo tín ngưỡng của họ. Có việc dâng cúng thực phẩm và những bức tượng bằng đất nung, phù điêu đất nung về cảnh tượng ly biệt, và thậm chí là các đồng tiền để dâng cúng cho Charon, vị Thần mà người Hy Lạp cổ đại tin rằng sẽ đưa linh hồn những người thân yêu của họ vào thế giới của người đã mất.
Có khoảng 470 vật tạo tác được trưng bày trong một căn phòng dành riêng cho những ngôi mộ của thời kỳ Hy Lạp hóa tại Bảo Tàng Khảo Cổ Quốc Gia của thành phố Napoli (Museo Archeologico Nazionale di Napoli viết tắt là MANN), là một trong những bảo tàng khảo cổ quan trọng nhất của thế giới. Phần còn lại của các cổ vật sẽ được trưng bày bên trong hầm mộ ngay khi quá trình phục hồi được hoàn tất, có thể mất khoảng hai năm thời gian.
Quá trình phục dựng hầm mộ
Cô Martuscelli đã đối mặt rất nhiều thách thức trong việc mở cửa khu hầm mộ, tuy nhiên cô đều đã vượt qua. “Tôi đã làm tất cả mọi việc chỉ bằng tình yêu, ngoài đó ra không có vấn đề gì khác,” cô chia sẻ.
Cô hăm hở chia sẻ rằng dự án này là một thành viên của gia đình, cùng với chồng và hai người con là Paolo và Sara, tất cả đều đi cùng nhau. Nỗ lực phục hồi đã tiêu tốn khoảng 100,000 Euro (104,000 đô la) của gia đình cô và khoảng 200,000 Euro (208,000 đô la) từ các quỹ của khu vực Âu châu.
Trong hai năm gần đây, các chuyên gia và những người đam mê đã làm việc mỗi ngày trong hầm mộ nhằm chuẩn bị cho việc mở cửa cho công chúng. Và hiện nay, mỗi ngày có tối đa 25 vị khách được vào tham quan hầm mộ này – nếu nhiều hơn số lượng đó có thể làm xáo trộn sự cân bằng nhiệt độ và độ ẩm tuyệt đối cần thiết để bảo tồn khu di sản này.
Cô Martuscelli nhấn mạnh rằng mục đích của việc mở cửa hầm mộ cho công chúng không phải là để kinh doanh. Cô mong muốn mang lại tác động xã hội bền vững ở thành phố của mình và tạo ra sự khác biệt thực sự cho nền kinh tế địa phương. Hiện tại, cô đã thuê ba hướng dẫn viên địa phương. Và tất nhiên, cô mong muốn có càng nhiều người hơn biết về phần di sản quan trọng này của nước Ý.
Mặc dù ngôi mộ cổ đã từng chôn kín này hiện đã được khai quật công khai, tuy nhiên vẫn có rất nhiều bí ẩn bên trong hầm mộ vẫn cần được khám phá. Những hài cốt được tìm thấy ở đây đã được đưa đi phân tích. Và những du khách có thể chứng kiến các chuyên gia bảo tồn đang tiếp tục công việc phục hồi hầm mộ của họ. Không ai biết chắc điều gì khác sẽ được khám phá ra.
Để tìm hiểu thêm về Ipogeo dei Cristallini, hãy truy cập vào trang IpogeodeiCristallini.org
Lorraine Ferrier viết bài cho chuyên mục thủ công mỹ nghệ của tờ báo The Epoch Times. Cô tập trung vào các nghệ sĩ và nghệ nhân, chủ yếu là ở Bắc Mỹ và Âu châu, những người mà thấm nhuần trong tác phẩm của họ với vẻ đẹp và những giá trị truyền thống. Cô đặc biệt ưa thích việc đóng góp tiếng nói cho những ngành nghệ thuật và thủ công hiếm có và ít được công chúng biết đến, với một hy vọng rằng chúng ta có thể bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống của mình. Cô sinh sống và viết bài ở vùng ngoại ô Luân Đôn, nước Anh.