Khám phá không gian bên trong các nhạc cụ qua những bức ảnh độc đáo của nghệ sĩ Cello
Trong thời kỳ đại dịch, một cựu nghệ sĩ cello từng bận bịu trình diễn những buổi hòa nhạc đã quay trở lại theo đuổi niềm đam mê nhiếp ảnh từ lâu của mình. Anh đã sử dụng công nghệ ống kính máy ảnh mới để khám phá các nhạc cụ âm nhạc. Những bức ảnh cuốn hút của anh về nội thất bên trong nhạc cụ vừa như ảnh chụp cận cảnh lại vừa giống như mê cung, cho chúng ta có cái nhìn thoáng qua về thế giới của những không gian bí mật, rộng lớn.
Anh Charles Brooks, 43 tuổi, đã dành cả cuộc đời của mình với tư cách là một nghệ sĩ cello biểu diễn chính với các dàn nhạc ở Brazil, Chile và Trung Quốc. Vào năm 2016, anh đã quay về quê nhà ở Auckland, New Zealand, sau khi có chút kiệt sức với lối sống áp lực cao của mình.
“Vào thời điểm đó, tôi quay lại chụp những tấm ảnh về tình yêu đầu tiên của mình, đó chính là các nhạc cụ âm nhạc,” anh chia sẻ với The Epoch Times.
Brooks lần đầu tiên bị cuốn hút bởi thế giới nhiếp ảnh đầy thú vị khi anh mới 15 tuổi và sau đó nhanh chóng nhận ra rằng anh yêu thích tận hưởng trong không gian tối hơn là chụp ảnh. Anh bộc bạch “Tôi ngay lập tức chuyển hướng sự chú ý của mình sang âm nhạc cổ điển vì chúng đã là nguồn sức mạnh quan trọng trong cuộc sống của tôi. Tôi rất hứng thú với cách mà các vật liệu tiết lộ những chi tiết bị ẩn mình trên một tác phẩm. Khái niệm này vẫn còn hiện diện trong công việc của tôi ngày nay.”
“Tôi luôn muốn khám phá những chủ thể và những không gian khuất, những thứ mà máy ảnh có thể len lỏi được nhưng mắt thường không thể nhìn thấy. Đây là điều đã dẫn lối tôi tìm kiếm những không gian bên trong của các nhạc cụ.”
Niềm đam mê của anh được bộc lộ rõ trong tác phẩm “Kiến trúc trong âm nhạc,” một bộ ảnh đi sâu và chi tiết hơn bao giờ hết. Một cây đại dương cầm Fazioli, một cây đàn cello Lockey Hill quý hiếm sản xuất vào cuối thế kỷ 18 và một cây sáo flute bằng vàng hồng 14k của Burkart Elite là những nhạc cụ nằm trong chủ đề của anh.
Anh Brooks giải thích, “Chúng ta đã quá quen thuộc với bề ngoài của những nhạc cụ này đến nỗi trông chúng có vẻ tầm thường. Nhưng nội thất bên trong bộc lộ rất nhiều tính cách: dấu vết chế tạo công cụ, những lần sửa chữa qua nhiều thế kỷ hay lớp gỉ được tích lũy trong nhiều thập kỷ, qua các buổi hòa nhạc trong các hội trường lớn và phòng chờ nhạc jazz.”
“Tôi muốn mọi người hiểu rằng, thường thì nhạc cụ cũng quan trọng như người biểu diễn vậy; trong nhiều trường hợp, đó là một đặc ân của người biểu diễn khi được cầm trên tay những cỗ máy tinh tế đã được truyền lại qua nhiều thế hệ nghệ sĩ với những niềm hy vọng và ước mơ của riêng họ, cũng như những thành công và thất bại của chính họ.”
“Tôi tin rằng một chút dư âm của từng buổi hòa nhạc đều được lưu giữ trong mỗi nhạc cụ, dù chỉ nhỏ như hạt bụi,” anh chia sẻ.
Đó là khi Brooks thuê một ống kính Laowa-24mm cho một cảnh quay quảng cáo vào năm 2020, anh phát hiện các thuộc tính của nó cho phép anh khám phá những không gian siêu nhỏ. Các ống kính macro trước đây luôn bị giới hạn bởi độ sâu tiêu cự hẹp.
Anh giải thích, “Khi bạn xem một bức ảnh với tiêu điểm có độ nông như vậy, bộ não của bạn sẽ ngay lập tức tin rằng đó là thứ nhỏ bé thôi. Tôi tò mò điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể chụp một bức ảnh về không gian nhỏ, trong đó mọi thứ đều sắc nét từ trước ra sau. Nó sẽ trông lớn chứ? Câu trả lời ‘có’ một cách chấn động đấy.”
Khám phá của Brooks đã mở ra một góc nhìn hoàn toàn mới, nhưng anh vẫn phải bù lại cho khẩu độ hẹp bằng cách chụp tổng hợp “hàng chục đến hàng trăm” bức ảnh riêng biệt về các bộ phận bên trong của nhạc cụ, mỗi khung hình tập trung xa hơn một chút so với khung hình cuối cùng. Khi nhìn thấy sản phẩm tổng hợp, bộ não sẽ chỉ tin rằng nó đang nhìn vào một “không gian sâu hút.”
Trang bị máy ảnh Lumix S1R, cùng với “phần mềm có tính năng tuyệt vời” là Helicon Focus và PhotoShop, Brooks đã chụp ảnh trong tối đa bốn giờ và chỉnh sửa trong nhiều ngày để đạt được kết quả như ý. Anh cho biết mình sẽ cộng tác với các kỹ thuật viên và thợ làm đàn chuyên nghiệp để tìm cách tiếp cận bên trong các nhạc cụ mà không gây hư hỏng và anh đã chỉnh sửa ống kính của mình bằng cách loại bỏ các phần vỏ bên ngoài.
“Tôi đang thử nghiệm với những chiếc máy ảnh nhỏ hơn và những loại ống kính độc đáo khác có thể chế tạo và điều khiển từ xa từ bên trong các nhạc cụ, để tạo ra những bức ảnh trong tương lai,” anh ấy nói thêm.
Một trong những khoảnh khắc ly kỳ nhất của anh Brooks trong bộ ảnh “kiến trúc trong âm nhạc” đã tình cờ xảy ra khi một khách hàng, mà anh đang quay phim với chiếc kèn saxophone, đã gợi ý rằng họ nhìn vào một chiếc đàn ống Úc trong góc. Brooks kể lại: “Tôi đã mong đợi được nhìn thấy những dấu vết thô sơ từ các công cụ bằng đá, nhưng thay vào đó, tôi lại gặp một đường hầm lạ thường như của người ngoài hành tinh với đầy những đường tự nhiên dập dờn. Hóa ra đàn ống Úc bị mối mọt đục khoét chứ không phải được gia công bằng tay!”
Trong suốt 20 năm rời xa nhiếp ảnh để tập trung vào âm nhạc, chiếc máy ảnh vẫn không bao giờ rời xa anh; nó luôn theo anh trong những chuyến rong ruổi từ biên giới Trung Quốc và Kyrgystan đến tận rừng rậm ở Patagonia, đến các nhà hát và nhà hát opera của Sao Paulo, luôn có một điều gì đó thật đẹp đẽ để ghi lại.
Khi chụp ảnh ngoài trời trở nên quá mạo hiểm, Brooks đã chuyển hướng ống kính sang các đồng nghiệp trong Dàn nhạc giao hưởng Sao Paulo. Tình yêu của anh với việc khám phá các góc khuất và không gian ẩn đã tạo nên những bức ảnh chân dung, ảnh chụp macro* cũng như một niềm đam mê khác là nhiếp ảnh thiên văn.
Anh Brooks thường xuyên chia sẻ những tác phẩm trên trang web của mình. Anh đã bị “hạ gục” bởi những phản ứng tích cực dành cho bộ ảnh gần đây nhất của mình, từ cả những người hâm mộ và giới truyền thông ở nhiều địa phương khác nhau.
“Tôi muốn nói với các nhiếp ảnh gia ngoài kia, hãy chụp những gì bạn yêu thích,” anh thúc giục. “Nếu bạn đủ đam mê với nhiếp ảnh, bạn sẽ phát triển góc nhìn khác biệt của mình về điều đó, và điều đó có thể mang lại niềm vui và sự say mê cho mọi người.”
Cùng thưởng lãm thêm những tác phẩm hấp dẫn của Brooks dưới đây:
Ghi chú của dịch giả:
Ống kính Macro là ống kính dùng để chụp lấy nét đối tượng ở khoảng cách gần, thường cho phép tỷ lệ phóng đại là 1:1 (hay 1x). Trong thông số kỹ thuật ống kính, tỷ lệ này có nghĩa là khi bạn chụp một vật thể ở ngoài với kích thước là 10 mm, thì ảnh được chiếu lên cảm biến máy ảnh vẫn là 10mm.
Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi tại [email protected] và tiếp tục đọc các bài viết truyền cảm hứng bằng cách đăng ký nhận Inspired newsletter tại TheEpochTimes.com/newsletter.
Tác giả Louise Chambers là một nhà văn, sinh ra và lớn lên ở London, nước Anh. Cô đưa những tin tức truyền cảm hứng và những câu chuyện xoay quanh chủ đề con người được nhiều độc giả đón nhận.