Luật Âm Dương – Đạo xử thế hoàn hảo của mọi thời đại (P2): Sự thật về nam nữ bình đẳng, làm sao để gia đình luôn hài hòa hạnh phúc
Xem lại: Luật Âm Dương: Đạo xử thế hoàn hảo của mọi thời đại (P1)
Hệ từ Thượng truyện viết:
乾 道 成 男,坤 道 成 女
Càn đạo thành nam, Khôn đạo thành nữ
乾 知 大 始,坤 作 成 物
Càn tri đại thủy, Khôn tác thành vật
天 尊 地 卑,乾 坤 定 矣。卑 高 以 陳,貴 賤 位 矣。動 靜 有 常,剛 柔 斷 矣。方 以 類 聚,物 以 群 分,吉 凶 生 矣。在 天 成 象,在 地 成 形,變 化 見 矣。
Thiên tôn địa ti. Kiền Khôn định hĩ. Ti cao dĩ trần. Quý tiện vị hĩ. Động tĩnh hữu thường. Cương nhu đoán hĩ. Phương dĩ loại tụ. Vật dĩ quần phân. Cát hung sinh hĩ. Tại thiên thành tượng. Tại địa thành hình. Biến hoá kiến hĩ.
Lời bàn: Đạo Trời tạo ra người nam, đạo của Đất tạo ra người nữ. Hai giới nam nữ là đại biểu cho cả thiên địa. Vạn vật sinh sôi đều khởi từ người nam (Càn) và hoàn thành ở nơi người nữ (Khôn). Vậy nam nữ hòa hợp là nguồn gốc, là cách mà thế gian tươi đẹp này sinh thành. Nếu nam nữ bất hòa thì quả là tai họa cho thế giới này vậy. Vì hòa hợp là gốc sản sinh vạn vật, nên mới phân biệt ra Trời cao Đất thấp, có tôn quý, có thấp hèn, có động có tĩnh có cương có nhu, từ đó mà biến hóa ra vạn vật. Do đó sự kết hợp giữa nam và nữ phải là một sự thống nhất theo quy luật của vũ trụ Âm Dương cao thấp thì mới có thể vận hành được cái Đạo sinh ra vạn vật vậy.
Như đã nói ở trên, thế giới sinh ra ở Càn (nam, Dương) nhưng trở nên phát triển và hoàn hảo là do Khôn (nữ, Âm). Gia đình cũng là một thế giới thu nhỏ với hai vợ chồng và con cái tạo nên. Nó khởi đầu từ Dương khi người nam cầu hôn và cưới người nữ về nhà xây dựng gia đình. Người chồng từ sáng sớm đi làm (Dương) phấn đấu mạnh mẽ hăng hái như ánh dương trên trời để kiếm tiền nuôi gia đình, trong khi đó người vợ ở nhà (Âm) làm cho nhà cửa sạch sẽ, mát mẻ, con cái tươm tất, đem lại cảm giác thư thái như vầng trăng đêm rằm. Khi người chồng về nhà đã rất mệt (Dương cực, Âm sinh), bước vào nhà có cơm nóng canh ngon, nhà cửa sạch sẽ đang đợi. Cái mệt mỏi (thiếu Âm) sinh ra hòa vào cái không khí êm đềm của gia đình (Thái Âm) làm nó hoàn toàn tiêu biến. Tối đó anh ta ngủ một giấc ngon (Thái Âm) để sáng hôm sau thức dậy sung mãn hạnh phúc (Âm tiêu Dương trưởng) để bắt đầu một chu kỳ mới. Dẫu biết ở công ty bao điều khó khăn đang đợi, nhưng năng lượng Âm Dương hài hòa trong người anh như vầng mặt trời đang lên, cảm thấy mọi thứ đều có thể giải quyết và trở nên tốt đẹp. Đó là một ví dụ về năng lượng Âm Dương chuyển hóa trong một gia đình truyền thống từ cổ đại đến ngày nay.
Sự phân công nhiệm vụ và trách nhiệm mỗi người không hề dựa vào sự phân biệt nam nữ mà đơn thuần là phân chia theo nguyên lý vận hành của vũ trụ. Vì thế nó luôn hài hòa và sẽ đem đến sự bình an, trường cửu. Một khi sự hài hòa đó bị phá vỡ do những thứ gọi là “nam nữ bình đẳng” thì sẽ đem lại nhiều hậu quả lớn.
Đó chính lúc phong trào “giải phóng phụ nữ” hay còn gọi là “đấu tranh vì nam nữ bình đẳng” ra đời. Phong trào này cho rằng thế giới này mọi thứ là do đàn ông tạo ra nên bất công với phụ nữ và tất cả phụ nữ đều xứng đáng có được mọi quyền lợi như đàn ông, làm mọi việc đàn ông làm. Vì thế mà họ đấu tranh để phụ nữ có thể làm tất cả mọi việc của đàn ông cũng như ngược lại.v.v. Và hệ quả là chúng ta có thế giới hiện đại ngày nay. Một cái thế giới mà cả nam và nữ nhọc nhằn tranh đấu hàng ngày để kiếm thật nhiều tiền, con cái để ông bà hay nhà trẻ chăm sóc. Nơi có tỷ lệ ly hôn tăng cao khi mà vợ chồng đều căng thẳng như nhau, có thêm nhiều tội phạm trẻ do gia đình tan vỡ. Và xã hội hiện đại hầu như không có cách chấm dứt nó, bởi vì giải pháp nằm trong văn minh cổ của nhân loại, đặc biệt là triết lý Âm Dương. Nó không có trong các lớp kỹ năng mềm hay các sách bí kíp sống hạnh phúc hiện đại, vì tất cả chúng chỉ nói lên phần ngọn của vấn đề.
Không chỉ Trung Hoa có nhận thức vạn vật cấu thành từ Âm Dương, mà Ấn Độ và ngay cả vật lý học hiện đại cũng phát hiện ra cực + và – của điện tử. Vậy thì trong cả nam và nữ đều do 2 phần Âm và Dương cấu thành, chúng ta có thể tạm gọi nó là Nữ Tính và Nam Tính. Đó là phần sâu thẳm khi cấu thành nên Nam và Nữ từ lúc khai thiên lập địa. Do đó nam và nữ về bản chất là đồng nhất thể, chỉ khác nhau chính xác là ở tỷ lệ phối hợp giữa nam tính và nữ tính để thể hiện ra hình thái bên ngoài, qua cơ thể xác thịt này mà thôi. Vậy câu biểu ngữ “đấu tranh cho sự bình đẳng của nam nữ” là hoàn toàn vô nghĩa.
Trong bản chất, nam và nữ là hoàn toàn bình đẳng trong vũ trụ. Nam tính trong vũ trụ có nghĩa là sức mạnh nội tại để lãnh đạo, để gánh trách nhiệm, để khai phá và khởi đầu mọi thứ. Nữ tính trong vũ trụ nghĩa là sức mạnh nội tại để bao dung vạn vật, chịu đựng mọi khó khăn để vạn vật sinh sôi và phát triển, để làm cho mọi thứ sinh ra có thể lớn lên và để làm cho thế giới này tinh tế và hoàn mỹ. Cả người nam và nữ nếu thiếu một trong hai tính này thì sẽ không có thế giới con người này.
Việc ra ngoài đi làm và tranh đấu ngoài xã hội hoàn toàn là Dương vì thế nó xung khắc với Âm từ bản chất. Dương khắc Âm là khắc rất mạnh vì đó là chiều thuận. Đây là chỉ nói về các công việc ngoài xã hội vốn xưa nay là do đàn ông đảm nhiệm, vốn đòi hỏi cao độ về cạnh tranh và sức lực, không bao gồm tất cả công việc, đương nhiên là có những công việc xã hội thích hợp phụ nữ như tâm lý, bác sĩ, nghiên cứu, giảng dạy.v.v. Và nói gì đi nữa thời nay không như xưa, Âm Dương thay đổi nhiều nên người nữ cũng không thể ở yên trong nhà, khi mà những người đàn ông của họ cũng đã mất đi quá nhiều Dương tính. Nhưng dù là công việc nào, nếu cái tâm của người phụ nữ đó (vốn bản chất là Âm) đặt mục tiêu quan trọng nhất đời mình là sự nghiệp thăng tiến cao, là tranh đấu hết sức để chiến thắng kẻ khác thì đó là điều không tốt. Phụ nữ có sự nghiệp cao cả hơn tất cả cái đó, là sự nghiệp làm mẹ, làm vợ, nuôi dạy nên những đứa con tốt biết đâu có thể trở thành những vĩ nhân. Vì tất cả chúng ta trên đời, dù vĩ đại đến đâu cũng do mẹ sinh ra, nên nói rằng thiên chức làm mẹ và nuôi dạy con cái là không gì sánh bằng.
Kinh Dịch giảng quẻ Khôn cho rằng đức tính tốt nhất của phụ nữ cũng giống như Đất mẹ, là nhẫn nại và bao dung (Địa thế Khôn. quân tử dĩ đức hậu tải vật). Lòng bao dung và đức Nhẫn của họ truyền cho những đứa con sẽ tạo nên những người cha, người chồng tuyệt hảo, những lãnh đạo nhân từ và tài ba. Nên cái thế giới này có thay đổi trở nên tốt đẹp hay không và hoàn hảo hay không là ở vai trò của phụ nữ, là cái sự nghiệp quan trọng nhất họ được trời ban cho, không phải đơn thuần là các chức vụ hay sự nghiệp kia. Nên Kinh Dịch cho rằng Trời là khởi đầu còn Đất tạo thành muôn vật (Càn tri đại thủy, Khôn tác thành vật) là vậy. Tất cả những con người vĩ đại thay đổi thế giới này trở nên tốt đẹp hơn trong lịch sử hầu hết đều khởi nguồn từ một bà mẹ tuyệt vời.
Nếu khởi tâm chọn con đường sự nghiệp là hàng đầu, phụ nữ và thiên tính của họ vốn không phù hợp nên sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều và có hậu quả không tốt nếu khăng khăng làm bằng mọi giá. Tôi không nói là họ không làm được hay không được làm, mà là nói họ sẽ phải trả giá rất nhiều. Một cái giá mà lẽ ra không nên trả hay có thể trả ít hơn thì sẽ tốt hơn. Công việc và tranh đấu xã hội là Dương, nó sẽ khắc phần Âm trên cơ thể người nữ. Phần Âm đó là gì? là khả năng sinh sản, hormone nội tiết tố nữ giới, máu huyết, tinh thần, làn da, mái tóc, và quan trọng nhất trong đó là sự phát triển lành mạnh của tất cả cơ quan trong cơ thể. Vì sự phát triển là thuộc về Âm tính.
Vì thế mà ngày nay việc thụ thai và mang thai cũng sẽ trở nên vô cùng khó khăn do stress công việc và sự lao lực quá độ. Chưa hết, sự lão hóa của bạn sẽ nhanh hơn người khác, làn da rồi sau đó là mái tóc sẽ không còn đẹp như ngày xưa mà thoái hóa nhanh chóng. và hàng tá vấn đề khác liên quan đến quan hệ vợ chồng.nuôi dạy con cái, và đương nhiên nếu bạn thấy giá đó là rẻ thì cứ tự nhiên mà làm thôi.
Chắc chắn sẽ có người phản đối vì có rất nhiều gương phụ nữ thành đạt viên mãn cả gia đình và sự nghiệp, nhưng đó chỉ là số ít ỏi so với đại đa số trả giá, và đó cũng đúng theo nguyên lý Âm Dương. Những người đó hầu như đều có phúc phận cực lớn gây từ đời trước chứ không đơn giản. Bên cạnh đó, không ai biết rằng họ đã nỗ lực bao nhiêu để giữ vẹn toàn cả hai, đó cũng là một loại trả giá. Ngoài ra bạn có chắc những gì người ta tuyên truyền về sự nghiệp viên mãn đó là đúng sự thật hay không. Khi dấn thân theo đuổi sự nghiệp, các bạn nữ có 100% chắc chắn rằng mình đủ phúc phận và đủ sức lực trả giá để viên mãn cả hai mặt cuộc sống như họ hay không?
Điều đáng nói hơn là khi một người phụ nữ phát huy phần Nam tính trong bản chất để có thể gánh vác trách nhiệm xã hội, về lâu dài họ sẽ trở nên vô cùng giống đàn ông về cách tư duy và xử lý vấn đề. Hay nói cách khác, họ là người đàn ông trong hình hài phụ nữ và có nhiều người còn mạnh mẽ hơn cả đàn ông. Vấn đề cũng xuất hiện ở đây. Nam nữ đến với nhau hay sống cùng nhau là do sự hấp dẫn và sức hút của Âm Dương. Khi phần Âm Dương trong bản chất một người Nữ bị xáo trộn, khi Nam tính trở nên lấn át thì kết quả của điều này là gì? Tôi cũng không có câu trả lời vì nhiều người đã có thể tìm thấy nó trong mối quan hệ đổ vỡ của họ, người thì tìm thấy nó khi vươn đến chức vụ rất cao nhưng vẫn còn cô đơn, và có người tìm thấy nó trong sự thất bại của con cái họ trên đường đời.
Có thể nói rằng, tác hại của phong trào nữ quyền xét theo khía cạnh Âm Dương là vô cùng khủng khiếp. Vì nó nhắm thẳng vào đối tượng vợ chồng, nam nữ là hai cột trụ của toàn xã hội. Hai cột trụ này mà làm sai trách nhiệm của mình, gia đình đổ vỡ thì xã hội sẽ không sao yên bình được. Nó lại gây chia rẽ khi dùng chữ “bình đẳng” tạo nên tâm bất bình giữa hai giới với nhau, trong khi thực tế nam và nữ có vai trò và trách nhiệm hoàn toàn không thể so sánh được.
Hình ảnh nước Mỹ chia rẽ tan nát ngày nay phần lớn chính là hậu quả của phong trào “bình quyền” và “giải phóng phụ nữ”. Quả là thâm hiểm lắm. Nhưng may thay, không phải quốc gia nào cũng bị mê hoặc bởi khái niệm này. Những quốc gia có nền giáo dục cổ xưa như Nho giáo thường ít bị ảnh hưởng, tiêu biểu là Nhật Bản. Hãy đọc một đoạn viết trong sách Võ sĩ đạo để xem người Nhật sáng suốt thế nào:
“Điều mà tôi muốn nói rõ ở đây là giáo huấn của võ sĩ đạo, tất cả đều thấm nhuần tinh thần hi sinh cá nhân, không phải chỉ đòi hỏi ở phụ nữ mà ở cả nam giới. Vì thế, ngày nào mà ảnh hưởng của võ sĩ đạo vẫn còn, xã hội chúng tôi sẽ không tán thành quan điểm khinh suất của người Mỹ chủ trương nữ quyền, kêu gọi “tất cả phụ nữ Nhật Bản, hãy đứng lên chống lại những tục lệ cũ xưa”. Liệu một cuộc phản nghịch như thế này có thể thành công? Và rồi, địa vị của phụ nữ có được nâng cao? Quyền lợi dễ dàng dành được như thế này có đủ để đền bù lại sự mất mát của những hành động dịu dàng, tính nết nhu mì mà phụ nữ đã kế thừa hôm nay không? Sự băng hoại đạo đức đã xảy ra khi một số phụ nữ La Mã không còn thiết tha gì với gia đình, trầm trọng đến nỗi không thể tả phải không? Những người Mỹ chủ trương cải cách có thể làm cho chúng tôi hiểu và nhìn nhận rằng sự phản nghịch của phụ nữ đúng là con đường phát triển của lịch sử cần phải theo không? Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Biến đổi phải và sẽ xảy ra không cần phải qua những phản kháng. Hãy thử xem địa vị của phụ nữ dưới chế độ võ sĩ đạo có thật là tồi tệ đến độ cần phải thừa nhận một sự phản kháng?” (Võ Sĩ Đạo – Linh Hồn Của Nhật Bản- Nitobe Inazo)
Vì sao những quốc gia có nền văn minh học từ Nho giáo lại có thể yên ổn hơn trong làn sóng “Nữ quyền” kia? Vì họ có những giáo huấn cổ xưa giúp họ hiểu được nhiều vấn đề mà các sách vở hiện nay ít đề cập đến. Kinh Dịch, một bộ kỳ thư dựa trên nguyên lý Âm Dương, đã có lời khuyên rất hay về ích lợi của việc xây dựng một gia đình thuận theo quy tắc vũ trụ. Đó là quẻ Phong Hỏa Gia Nhân, một quẻ có thể nói là dành riêng cho việc tu thân tề gia vậy.
Quẻ Phong Hỏa Gia Nhân:
彖 曰. 家 人. 女 正 位 乎 內. 男 正 位 乎 外. 男 女 正. 天 地 之 大 義 也.
家 人 有 嚴 君 焉. 父 母 之 謂 也 . 父 父 . 子 子. 兄 兄. 弟 弟 . 夫 夫.
婦 婦. 而 家 道 正. 正 家 而 天 下 定 矣.
Thoán viết:
Gia nhân. Nữ chính vị hồ nội. Nam chính vị hồ ngoại. Nam nữ chính. Thiên địa chi đại nghĩa dã. Gia nhân hữu nghiêm quân yên. Phụ mẫu chi vị dã. Phụ phụ. Tử tử. Huynh huynh. Đệ đệ. Phu phu. Phụ phụ. Nhi gia đạo chính. Chính gia nhi thiên hạ định hỹ.
Tạm dịch:
Quẻ Gia Nhân. đàn bà lo việc nhà, đàn ông lo việc ở ngoài, cả hai đều giữ đạo chính, đó là hợp với nghĩa lớn của trời đất. Nước có vua cai trị, nhà có cha mẹ. Cha phải ra cha, con ra con, anh ra anh, em ra em, vợ ra vợ, chồng ra chồng. Gia đạo đều chính đáng thì thiên hạ mới ổn định.
Từ 2000 năm trước, các nhà Nho Trung Hoa đã hiểu rằng mọi vấn đề trên đời đều sinh ra từ bên trong và cách giải quyết nó tốt nhất phải bắt nguồn từ bên trong. Nên họ mới giảng tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ. Trong đó gia đình trở thành hạt nhân quan trọng nhất để yên định xã hội, bản thân mỗi người lại dùng đạo đức làm căn bản để ước thúc bản thân thì sẽ hạn chế thấp nhất nguy cơ gia đình tan vỡ, từ đó thiên hạ mới có thể thái bình hạnh phúc.
Thế kỷ 21 đầy biến động và phát triển vũ bão này càng đặt ra nhiều thách thức hơn cho cả hai giới nam và nữ để có thể tạo dựng một cuộc sống gia đình hạnh phúc viên mãn. Khi thực hành các triết lý cổ xưa như Âm Dương hay Kinh Dịch, nó đòi hỏi sự chín chắn khi lựa chọn con đường và lòng kiên nhẫn bao dung để đi hết con đường đó. Dù là nam hay nữ nếu không đặt tâm vào tu dưỡng bản thân, phát triển gia đình thì nó sẽ thật sự không thành. Nó sẽ khó hơn ngày xưa rất nhiều nhưng khả năng thành công là có, chứ không như những đổ vỡ đem lại từ phong trào “nam nữ bình đẳng” mấy chục năm qua. Bởi vì đây là bí quyết đã chứng minh từ thời cổ đến nay, chân chính là bí quyết giữ cho gia đình hạnh phúc trường tồn vậy.
Xem tiếp:
Đông Phong