Lời khuyên tốt nhất Hoa Thịnh Đốn từng có về quốc phòng Hoa Kỳ-Nhật Bản
Thật háo hức khi các nhà lãnh đạo Nhật Bản đang nói về việc chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng và cải thiện khả năng phòng thủ của quốc gia. Nhưng những kế hoạch đó còn thiếu các thông tin cụ thể, và với việc Trung Quốc cộng sản đang cố ý bắt đầu một cuộc chiến, thật nguy hiểm nếu hy vọng Nhật Bản giải quyết mọi thứ theo tốc độ của riêng mình.
Người Mỹ, những người gánh vác trọng trách lớn nhất trong việc bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cần người Nhật làm những việc nhất định trên mặt trận quốc phòng và an ninh.
Hoa Thịnh Đốn cần gì?
Nói một cách đơn giản, Hoa Kỳ cần một Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) có thể chiến đấu cùng nhau và liên kết với quân đội Hoa Kỳ.
Việc này đòi hỏi bốn điều chính (đối với sự khởi đầu):
- Một JSDF được tài trợ đầy đủ, được trang bị, có đầy đủ binh lính, và có thể chiến đấu.
- Một JSDF có thể hoạt động chung — hay nói cách khác, các lực lượng trên không, trên biển, và trên bộ của Nhật Bản có thể hoạt động cùng nhau.
- Khả năng liên kết tốt hơn nhiều với các lực lượng Hoa Kỳ, bao gồm một trụ sở hoạt động chung giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ tại Nhật Bản — thay vì mong đợi sẽ “hỗ trợ nước này” khi có điều gì đó xảy ra.
- Khả năng huấn luyện các lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản (để bảo vệ Nhật Bản) mà không bị hạn chế quá mức.
Quân đội Hoa Kỳ và Nhật Bản, chủ yếu là theo sáng kiến của chính các nhà lãnh đạo cao cấp của họ, đã đạt được một số tiến bộ trong vài năm qua — thực hiện nhiều cuộc huấn luyện chung hơn theo kiểu thực tế hơn, và phần lớn diễn ra ở miền nam, nơi có khả năng xảy ra chiến tranh.
Nhưng cần nhiều hơn thế, điều này đòi hỏi chính phủ Nhật Bản và những người dân kiểm soát JSDF phải chỉ thị và đạt được những cải tiến cần thiết.
Cố Thủ tướng Shinzo Abe xứng đáng nhận được nhiều công lao vì đã hoàn tất việc sửa đổi các hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật và diễn giải lại “hoạt động tự vệ tập thể.” Những điều này cho phép Nhật Bản đóng một vai trò lớn hơn trong nền quốc phòng của mình và trở thành một đồng minh hữu ích hơn đối với các lực lượng Hoa Kỳ — nếu họ muốn.
Nhưng về những cải tiến cụ thể đối với cả năng lực của JSDF lẫn khả năng hoạt động của Nhật Bản-Hoa Kỳ, thì ông Abe đã chưa hoàn tất. Những người kế nhiệm ông đã nói rất nhiều điều đúng đắn — nhưng hiện vẫn chưa thấy “kết quả cụ thể”.
Dường như không có bất kỳ sự cấp bách nào — bất chấp mối đe dọa từ chính quyền Trung Quốc hiện đã được công nhận rộng rãi. Hãy nhớ rằng cái gọi là khả năng tấn công, hiện đang là một chủ đề nóng ở Nhật Bản, đã được thảo luận trong ít nhất 15 năm qua. Và việc xây dựng một trạm thay thế cho Trạm Không quân Futenma của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trên Okinawa đã được hứa hẹn lần đầu tiên vào năm 1998. Gần 25 năm sau mà công trình này vẫn còn rất lâu nữa mới hoàn thành.
Người ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người Nhật vì đã không nhanh nhẹn. Các nhà quản lý liên minh của Hoa Kỳ — dân sự và quân sự — chưa bao giờ thực sự thúc đẩy mọi thứ và thường nghĩ quá nhiều về các lý do tại sao điều gì đó hoặc điều khác là “quá khó” đối với người Nhật.
Tuy nhiên, chính phủ Hoa Kỳ có sự ảnh hưởng nhiều hơn đến các chính sách quốc phòng của Nhật Bản hơn là những gì mà các nhà quản lý liên minh có vẻ vẫn nghĩ.
Họ có thể nhớ lại một cách hữu hiệu lời khuyên mà các nhà lãnh đạo Nhật Bản đưa ra cho các quan chức Mỹ vào khoảng năm 1970 khi người Mỹ muốn đặt vĩnh viễn một hàng không mẫu hạm tại Căn cứ Hải quân Yokosuka ở Nhật Bản.
Thật vậy, đây có lẽ là lời khuyên tốt nhất mà Hoa Kỳ từng nhận được về việc phối hợp với Nhật Bản trong các vấn đề quốc phòng. Một trong những người Mỹ có liên quan đã giải thích cho người viết chuyện gì đã xảy ra. Ông mô tả nó là một quá trình gồm ba bước:
Bước 1: Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã quyết định chỉ định một cảng làm nơi đặt một hàng không mẫu hạm tại Nhật Bản. Nhưng Đại sứ quán Tokyo đã do dự và đưa ra lý do: “chưa từng được thực hiện ở ngoại quốc trước đây,” “Đảng Dân Chủ Tự do (LDP) không có toàn quyền quyết định,” “cần phải đợi thời điểm thích hợp,” v.v.
Tuy nhiên, một thiếu tá Hải quân Hoa Kỳ được chỉ định đến trụ sở chính của Hải quân Nhật Bản tại Yokosuka đã đưa sếp lớn của mình đến Tokyo trong trang phục dân sự để gặp một thành viên LDP cao cấp của Quốc hội, người cũng từng là một cựu quan chức quốc phòng cao cấp. Nhà lập pháp này đã đặt một số câu hỏi.
Sau đó, ông nói: “Chúng tôi hy vọng chúng tôi đúng khi cho rằng Hoa Kỳ muốn và cần Hiệp ước An ninh Tương hỗ Hoa Kỳ-Nhật Bản, nhưng nhu cầu của Nhật Bản là hoàn toàn trọng yếu đối với an ninh của chúng tôi. Vì vậy, khi quý vị thực sự muốn điều gì đó quan trọng, đừng hỏi ý kiến của chúng tôi. Hãy nói cho chúng tôi biết những gì quý vị cần một cách quả quyết và đừng lùi bước.”
Bước 2: Ông Kakuei Tanaka đã kế nhiệm ông Eisaku Sato với cương vị thủ tướng. Vào một buổi tối tại bữa tiệc chiêu đãi cộng đồng ngoại giao tại dinh thự chính thức của chủ tịch, thành viên Quốc hội này đã đề nghị đại sứ Hoa Kỳ và phó trưởng phái đoàn tới gặp ông tại một căn phòng bên cạnh.
Thành viên Quốc hội đó nói rằng Thủ tướng Tanaka là một người tốt, có thể quyết đoán, nhưng ông ấy không có kiến thức nền tảng tốt về các vấn đề an ninh. Thành viên Quốc hội cho biết ông đã dạy ông Tanaka về tầm quan trọng của liên minh đối với an ninh của Nhật Bản và nói với ông ấy rằng Hoa Kỳ có thể có mong muốn đặt một hàng không mẫu hạm ở Yokosuka.
Thành viên Quốc hội đó còn nói với hai người Mỹ này rằng, trước đó cùng ngày, thủ tướng đã nói với ông rằng Hải quân Hoa Kỳ không cần xin phép Nhật Bản để đặt một hàng không mẫu hạm ở Yokosuka — nhưng nếu Hoa Kỳ muốn xin phép Nhật Bản để làm như vậy, thì Nhật Bản sẽ nói “đồng ý.”
Bước 3: Mãi về sau, khi mọi việc suôn sẻ, kể cả việc tàu USS Midway đến Yokosuka vào tháng 10/1973, đại sứ quán này mới bắt đầu ghi nhận thành tích “của mình” trong việc thuyết phục Nhật Bản.
Những “nhà quản lý liên minh” của Mỹ ngày nay có thể học hỏi từ điều này, mặc dù họ cũng nên nhớ rằng người Nhật không phải là những người có thể đọc được tâm trí người khác.
Nếu Hoa Kỳ cần một thứ gì đó từ Nhật Bản, thì nên nhớ rằng lời khuyên hữu ích từ 50 năm trước bao gồm: “Hãy nói cho chúng tôi biết quý vị cần gì một cách quả quyết và đừng lùi bước.”
Hoa Kỳ có thể nói chuyện trực tiếp với Nhật Bản như vậy không?
Tại sao không? Khi triển vọng xung đột khu vực đang ở mức nguy hiểm, và Hoa Thịnh Đốn đang đề nghị để các nam và nữ quân nhân của mình hy sinh thay cho Nhật Bản, tốt hơn là họ nên hỏi trực tiếp những gì họ cần từ Nhật Bản để ngăn chặn một cuộc chiến tranh hoặc để giành được chiến thắng.
Tất nhiên, hãy nói chuyện một cách lịch sự như cách quý vị nói với một người bạn và làm điều đó một cách lặng lẽ. Nhưng phải rất rõ ràng về những gì là cần thiết và khi nào. Đây là tất cả về sự tự phòng thủ cho cả hai quốc gia. Và chúng ta sắp hết thời gian.
Để rõ hơn: Thiếu tá Hải quân Hoa Kỳ đó, người đã tiến hành công việc này, là ông James Auer, một cựu thuyền trưởng tàu quét mìn. Sau đó, ông giữ chức vụ Giám đốc về các vấn đề Nhật Bản thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và là một giáo sư tại Đại học Vanderbilt trong nhiều năm. Ông vẫn là một trong những người được kính trọng nhất liên quan đến các vấn đề Hoa Kỳ-Nhật Bản.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times