Hoa Kỳ cam kết tài trợ 810 triệu USD cho Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh
Hôm 29/09, Tổng thống Joe Biden đã công bố khoản tài trợ mới trị giá 810 triệu USD cho các quốc đảo Thái Bình Dương trong thập niên tới, trong bối cảnh Hoa Kỳ tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.
Cuộc hội kiến [giữa các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Thái Bình Dương] diễn ra sau khi Bắc Kinh và Quần đảo Solomon ký kết một hiệp ước an ninh hồi tháng Tư, vốn đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, và Nhật Bản. Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon cũng được cho là đã thể hiện dấu hiệu do dự khi ký bất kỳ tuyên bố kết thúc hội nghị thượng đỉnh nào chỉ trích Trung Quốc, theo Reuters.
Diễn thuyết trước hơn chục nhà lãnh đạo đến từ các quốc đảo Thái Bình Dương trong hội nghị thượng đỉnh “lần đầu tiên” được tổ chức tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn hôm 29/09, ông Biden cho biết chính phủ của ông cam kết phát triển liên kết đối tác chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ và các quốc đảo Thái Bình Dương, cũng như tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực.
“Phần lớn lịch sử thế giới của chúng ta sẽ được viết ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong những năm tới và trong thập niên tới,” ông Biden nói. “Và các quốc đảo ở Thái Bình Dương là tiếng nói quan trọng trong việc định hình tương lai đó. Và đó là lý do tại sao chính phủ của tôi ưu tiên tăng cường liên kết đối tác của chúng tôi với quý quốc.”
“Hoa Kỳ đã trực tiếp cung cấp hơn 1.5 tỷ USD để hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương trong thập niên qua và hôm nay lại công bố hơn 810 triệu USD trong các chương trình mở rộng bổ sung.”
Ông Biden cho biết ông muốn thể hiện “cam kết lâu dài” với các quốc đảo ở Thái Bình Dương và nói thêm rằng “thành thật mà nói, an ninh của Mỹ, và thế giới phụ thuộc vào an ninh của quý quốc.”
Đoàn Hòa Bình, Lực lượng Tuần duyên, NOAA và Bộ Quốc phòng sẽ gia tăng sự hiện diện trong khu vực
Trong số tài trợ mới, 20 triệu USD sẽ được sử dụng để phát triển du lịch cho Quần đảo Solomon, trong khi 600 triệu USD sẽ được dùng để hỗ trợ và phát triển ngư nghiệp trong toàn bộ khu vực Nam Thái Bình Dương trong 10 năm.
Chính phủ ông Biden cũng đã ban hành chiến lược Đối tác Thái Bình Dương “đầu tiên” vào ngày 29/09, nhằm mục đích mở rộng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trước đó.
Theo chiến lược Thái Bình Dương mới này, Hoa Kỳ sẽ mở rộng số lượng phái bộ ngoại giao của Hoa Kỳ từ sáu lên chín trong khu vực Thái Bình Dương, khai triển thêm nhân sự trên khắp khu vực, tăng cường sự hiện diện của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) cũng như Bộ Quốc phòng trong khu vực, đồng thời “dỡ bỏ” trạng thái khẩn cấp COVID-19 cho các đảo Thái Bình Dương. Hoa Kỳ cũng sẽ đưa tổ chức tình nguyện Đoàn Hòa Bình (Peace Corps) trở lại Fiji, Tonga, Samoa, và Vanuatu trong năm nay cũng như chủ động tìm hiểu các phương án để mở thêm tòa đại sứ ở các quốc gia khác.
Ông Biden cho biết Hoa Kỳ cũng sẽ công nhận hai quốc gia thuộc Vương quốc New Zealand, Quần đảo Cook và Niue là “các quốc gia có chủ quyền”, điều này sẽ cho phép cả hai vùng lãnh thổ phát triển bang giao trực tiếp với Hoa Kỳ.
Theo bà Meg Keen, giám đốc chương trình Quần đảo Thái Bình Dương của Viện Lowy có trụ sở tại Úc, sự công nhận này cũng sẽ giúp Quần đảo Cook và Niue đủ điều kiện nhận một số tài trợ của Hoa Kỳ.
Tòa Bạch Ốc cho biết Hoa Kỳ cũng sẽ mở đại sứ quán tại Tonga và Kiribati.
Ngoại trưởng Blinken vẫn lạc quan bất chấp Thủ tướng Sogavare được cho là chần chừ khi ký tuyên bố
Sau các báo cáo rằng Thủ tướng Sogavare của Quần đảo Solomon sẽ không ký bất kỳ tuyên bố kết thúc hội nghị thượng đỉnh nào chỉ trích Trung Quốc, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương tham gia hội nghị thượng đỉnh đã “cùng nhau tuyên bố về liên kết đối tác giữa Hoa Kỳ và Thái Bình Dương, điều đó cho thấy rằng chúng tôi có chung tầm nhìn về tương lai và quyết tâm cùng nhau xây dựng tương lai đó.”
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times