Phó Tổng thống Harris và Thủ tướng Kishida khẳng định ‘cam kết sắt đá’ về vấn đề Đài Loan
Trong một cuộc gặp hôm 26/09 giữa Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo, hai nhà lãnh đạo đã khẳng định sự ủng hộ lẫn nhau, đồng thời lên án hành động gây hấn của chính quyền cộng sản Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan.
Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố, “Phó Tổng thống nhấn mạnh rằng Liên minh Hoa Kỳ–Nhật Bản là nền tảng của hòa bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và họ đã thảo luận về những nỗ lực thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”
Bà Harris hiện đang ở Nhật Bản trong tuần này để dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ tham dự lễ tang cấp nhà nước của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, người đã bị ám sát hồi tháng Bảy.
Ông Abe được nhiều người coi là một trong những người ủng hộ nhiều nhất trong liên minh Mỹ –Nhật. Ông được ca ngợi là người bảo vệ nền dân chủ vì những nỗ lực của ông trong việc thiết lập và thực hiện Đối thoại An ninh Tứ giác giữa Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, và Ấn Độ — thường được gọi là “Bộ Tứ.”
“Phó Tổng thống đã ca ngợi cựu Thủ tướng Abe là người duy hộ Liên minh Hoa Kỳ–Nhật Bản và ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc tiếp tục xây dựng di sản đó,” tuyên bố của Tòa Bạch Ốc viết.
Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc lưu ý rằng bà Harris đã khẳng định “cam kết sắt đá” của Hoa Kỳ trong việc duy trì nền quốc phòng của Nhật Bản và chống lại “các hành động khiêu khích vô trách nhiệm và hung hăng của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan.”
Bà Harris dẫn đầu sứ mệnh trong khu vực
Chuyến thăm của bà Harris đến Nhật Bản diễn ra một tuần sau khi Tổng thống Joe Biden cho biết quân đội Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) — vốn cai trị Trung Quốc như một quốc gia độc đảng, tấn công.
Tuyên bố trên đã khiến ĐCSTQ phẫn nộ, vốn duy trì nguyên tắc “Một Trung Quốc” cáo buộc rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc. Chế độ này đã tuyên bố sẽ hợp nhất hòn đảo này với đại lục bằng mọi giá, và họ đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu này.
Đài Loan là một quốc gia dân chủ tự quản và chưa bao giờ nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ.
Hoa Kỳ duy trì chính sách “Một Trung Quốc,” chính sách công nhận chính thức nhưng không tán thành nguyên tắc “Một Trung Quốc” của ĐCSTQ. Mặc dù không có liên hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng Hoa Kỳ bị ràng buộc về mặt pháp lý phải cung cấp cho đảo quốc này những vũ khí cần thiết để tự vệ.
Mặc dù ĐCSTQ có thể cáo buộc rằng tuyên bố của ông Biden gây tranh cãi, nhưng quân đội Nhật Bản từ lâu đã cam kết bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị ĐCSTQ xâm lược, và đang làm việc để bố trí các đơn vị đặc biệt trên một hòn đảo gần Đài Loan để chuẩn bị cho tình huống đó.
Các phụ tá của Tòa Bạch Ốc cho biết bà Harris sẽ làm việc để xây dựng một phương pháp tiếp cận thống nhất với Nhật Bản nhằm chống lại những thách thức của ĐCSTQ trong khu vực này.
Xung đột Đài Loan sẽ có tính ‘phá hủy’
Cuộc gặp giữa bà Harris và ông Kishida cũng diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken gặp người đồng cấp ĐCSTQ, ông Vương Nghị, bên lề hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc ở New York.
“Ngoại trưởng nói rõ rằng, theo chính sách một Trung Quốc lâu đời của chúng ta, một lần nữa không thay đổi, việc duy trì hòa bình và ổn định trên Eo biển này là cực kỳ quan trọng,” một quan chức Tòa Bạch Ốc nói trong cuộc họp.
Ông Blinken đã mở rộng vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn hôm 25/09 trên chương trình “60 Minutes.”
“Trung Quốc đã hành động ngày càng hung hăng khi nói đến Đài Loan,” ông Blinken nói, theo CBS News. “Điều đó gây ra mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định trong toàn bộ khu vực.”
Ông cũng cho biết xung đột giữa ĐCSTQ và Đài Loan sẽ có tính “phá hủy” và gây ảnh hưởng toàn cầu vì tầm quan trọng sống còn của hai quốc gia này đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong việc sản xuất vi mạch bán dẫn.
Cuối cùng, ông Blinken cho biết Hoa Kỳ đang phản ứng với nỗ lực thay đổi hiện trạng đơn phương của ĐCSTQ liên quan đến Đài Loan, điều mà cả hai quốc gia đã cam kết sẽ không làm.
“Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện về các cách tiếp cận khác nhau của chúng tôi đối với Đài Loan, và tôi đã nhắc lại những gì tổng thống đã nói, và những gì ông ấy đã tuyên bố một cách rõ ràng và nhất quán,” ông Blinken nói.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times