Lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ suy yếu hơn nữa cho đến cuối năm 2022
Lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ tiếp tục suy yếu cho đến hết năm 2022 trong bối cảnh sản lượng và nhu cầu của khách hàng giảm, chứng minh cho nỗi lo suy thoái lan rộng.
Vào tháng Mười Hai, Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng (PMI) (pdf) của S&P Global dành cho Hoa Kỳ giảm xuống 46.2, giảm từ 47.7 trong tháng Mười Một; với bất cứ số liệu nào dưới 50 đều cho thấy sự co lại. Con số này trùng khớp với kỳ vọng của Trading Economics, cũng ở mức 46.2.
Chỉ số PMI này thể hiện mức thu hẹp hàng tháng lớn nhất trong hoạt động của nhà máy kể từ tháng 05/2020, do nhu cầu của khách hàng trong nước chậm lại do áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế. Hoạt động mua hàng sụt giảm, trong khi đơn hàng tồn đọng giảm mạnh. Số lượng việc làm tăng nhẹ.
Theo báo cáo PMI, nhu cầu ngoại quốc có xu hướng thấp hơn do đồng USD mạnh hơn và những lo ngại về kinh tế toàn cầu. Do đó, các đơn đặt hàng xuất cảng mới giảm với tốc độ tăng chậm nhất kể từ tháng Chín.
Mặc dù kỳ vọng sản lượng tăng lên mức cao nhất trong ba tháng, nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục lo lắng về tác động của lạm phát và nhu cầu chậm lại trong tương lai.
“Lĩnh vực sản xuất có hiệu suất yếu khi năm 2022 sắp kết thúc, do sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ mạnh hơn,” bà Siân Jones, nhà kinh tế cao cấp tại S&P Global Market Intelligence, cho biết. “Ngoại trừ giai đoạn đại dịch ban đầu, lượng đơn đặt hàng tồn đọng đã giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ năm 2009.”
Bà nói thêm: “Lạm phát tăng chậm hơn báo hiệu tác động từ chính sách của Cục Dự trữ Liên bang đối với giá cả, nhưng sự không chắc chắn ngày càng tăng và nhu cầu sụt giảm cho thấy những thách thức đối với các nhà sản xuất sẽ kéo dài sang năm mới.”
Xu hướng giảm không chỉ tập trung ở lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ. Chỉ số PMI Sản xuất Toàn cầu của JPMorgan (pdf) nhấn mạnh rằng ngành sản xuất quốc tế tiếp tục đi xuống trong tháng thứ năm liên tiếp do sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, số lượng việc làm, và khối lượng thương mại trên toàn thế giới giảm trong tháng Mười Hai.
Chỉ có bảy trong số 29 quốc gia được liệt kê trong báo cáo tháng trước duy trì chỉ số PMI trong vùng mở rộng: Ấn Độ, Philippines, Nga, Mexico, Colombia, Indonesia, và Úc.
Báo cáo quan trọng tiếp theo sẽ là Chỉ số PMI Sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng (ISM). Chỉ số này dự kiến sẽ giảm xuống còn 48.5, giảm từ 49 vào tháng Mười Một.
Sản xuất sẽ như thế nào vào năm 2023?
Lĩnh vực sản xuất vẫn đang trải qua rất nhiều thách thức, chẳng hạn như lạm phát, bất ổn kinh tế, vấn đề nhân tài, và các vấn đề về chuỗi cung ứng.
“Ngành này hiện đang gặp phải những lo ngại liên quan đến lạm phát và bất ổn kinh tế,” Deloitte viết trong báo cáo mới nhất năm 2023. “Ngoài ra, các nhà sản xuất tiếp tục gặp khó khăn với những thách thức về nhân tài có thể hạn chế đà tăng trưởng của ngành. Hơn nữa, các vấn đề về chuỗi cung ứng, bao gồm tắc nghẽn nguồn cung ứng, tồn đọng hậu cần toàn cầu, áp lực chi phí, và tấn công mạng, có thể sẽ vẫn là những thách thức nghiêm trọng trong năm 2023.”
Bất chấp những rào cản có thể khó vượt qua này, ISM lạc quan về lĩnh vực sản xuất trong năm nay, với lý do doanh thu tăng, chi phí vốn tăng, và hiệu suất sử dụng.
Báo cáo về Kinh doanh của ISM cho biết vào tháng trước (12/2022): “Các nhà quản lý mua hàng và cung ứng của ngành sản xuất kỳ vọng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng chung vào năm 2023. Họ bi quan về triển vọng kinh doanh tổng thể trong nửa đầu năm 2023, nhưng dự kiến tăng trưởng sẽ quay trở lại vào nửa cuối năm.”
Trợ cấp của chính phủ trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu có thể là một xu hướng quan trọng khác vào năm 2023.
Năm nay, Tổng thống Joe Biden và Quốc hội gần đây đã thông qua Đạo luật Giảm Lạm Phát bao gồm gần 500 tỷ USD để tăng cường sản xuất trong nước. Con số này bao gồm 437 tỷ USD chi tiêu liên quan đến khí hậu và gần 53 tỷ USD cho chương trình trợ cấp chất bán dẫn.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có kế hoạch chi khoảng 50 tỷ USD mỗi năm cho sáng kiến Made in China 2025. Chương trình này bao gồm việc trao các khoản trợ cấp của chính phủ cho mười lĩnh vực, bao gồm hàng không vũ trụ, máy móc, phương tiện năng lượng mới, và thiết bị đường sắt. Nhiều công ty lớn của Trung Quốc đã nhận được hàng trăm triệu USD tiền trợ cấp, chẳng hạn như SAIC Motor, Sinopec, và Semiconductor Manufacturing International Corp.
Các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu đã dành phần lớn thời gian của năm 2022 để phát triển chiến dịch “Sản xuất tại Âu Châu” nhằm chống lại những nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ trong việc chi hàng trăm tỷ USD cho lĩnh vực sản xuất.
Trong một lá thư gần đây, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã đề nghị rằng những thay đổi đối với các quy tắc trợ cấp của chính phủ nên được thực hiện “để bảo đảm một khuôn khổ viện trợ của chính phủ đơn giản hơn, nhanh hơn, và thậm chí có thể dự đoán được nhiều hơn.” Một trong những ý tưởng của bà là Quỹ Chính phủ Âu Châu, mặc dù một số thành viên của khối phản đối quỹ kiểu như vậy, trong đó có Áo và Đan Mạch.
Nhưng liệu sản xuất có thể không đạt được kỳ vọng vào cuối năm nay?
Khi trình bày trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Face the Nation” của CBS, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cảnh báo rằng ⅓ nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay, đồng thời nói thêm rằng “ngay cả những quốc gia không bị suy thoái, thì hàng trăm triệu người cũng sẽ cảm thấy giống như suy thoái.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times