Liên Hiệp Quốc: Các quốc gia phương Tây đang đối mặt với sụt giảm dân số nghiêm trọng
Tỷ lệ sinh đang giảm trên toàn thế giới. Về giá trị tuyệt đối (dân số sau khi đã cộng thêm tỷ lệ sinh và trừ đi tỷ lệ tử), dân số chỉ tăng ở tám quốc gia trên thế giới. Không một nước nào trong số các quốc gia này thuộc về phương Tây.
Báo cáo mới nhất về tình hình phát triển dân số thế giới năm 2022 của Liên Hiệp Quốc khẳng định tỷ lệ sinh đang giảm trên toàn thế giới. Tuy nhiên theo dự báo, điều này sẽ được cảm nhận ở các mức độ khác nhau về số liệu tuyệt đối. Một nửa mức tăng trưởng dân số tuyệt đối vào năm 2050 sẽ tập trung ở tám quốc gia. Ngược lại, các quốc gia phương Tây đang phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng.
Âu Châu sẽ đối mặt với sự suy giảm dân số 40% vào năm 2100
Đến năm 2050, dân số sẽ tăng đáng kể ở Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập, Ethiopia, Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Philippines, và Tanzania. Trong số các quốc gia có tỷ lệ sinh vượt mức trung bình khác, có 46 quốc gia được coi là kém phát triển nhất. Hầu hết những quốc gia này đều ở Phi Châu Hạ Sahara.
Cũng sẽ có sự gia tăng dân số tuyệt đối ở Châu Đại Dương, Bắc Phi, và Tây Á. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ chậm lại đáng kể ở đây. Các khu vực khác như Nam, Đông Nam, và Đông Á, nhưng trên hết là Âu Châu và Bắc Mỹ, sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm dân số nghiêm trọng.
Hiện nay, trên khắp EU có ít trẻ em được sinh ra hơn là số trẻ em được sinh ra chỉ riêng ở mình Nigeria. Ông James Pomeroy, nhà kinh tế học tại ngân hàng Trung Quốc HSBC, cảnh báo:
“Với tốc độ hiện tại, dân số Âu Châu sẽ giảm một nửa trước năm 2070, và châu lục này có nguy cơ mất 400 triệu cư dân vào năm 2100.”
Ông giải thích trên LinkedIn rằng tổng dân số Âu Châu sẽ giảm 40% vào cuối thế kỷ này. Đồng thời, số người hưởng lương hưu cũng sẽ tăng 17% chỉ riêng vào cuối thập niên này.
Một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Ý — nước đã bầu ra chính phủ theo phái bảo tồn truyền thống hai tuần trước (28/09). Theo Bloomberg, dân số ở đó sẽ giảm một nửa trong vòng 50 năm. Năm nay, số học sinh nhập học ở Ý ít hơn 121,000 em so với năm trước — theo số liệu chính thức, 2,300 lớp học sẽ biến mất. Theo dự báo chính thức, từ mức 7.4 triệu học sinh vào năm 2021, số học sinh dự kiến sẽ giảm “từng đợt” xuống còn 6 triệu vào năm 2034.
Tại Đức, số lượng cư dân gần đây đã tăng lên 84 triệu người. Tuy nhiên, xu hướng này một lần nữa là do một phong trào nhập cư lớn. Trong năm 2022 (tính đến thời điểm này), có 750,000 người đã chạy sang Đức để thoát khỏi cuộc chiến ở Ukraine. Trong những năm 1990, 700,000 người đã đến đất nước này do hậu quả của việc mở cửa biên giới ở Đông Âu và chiến tranh Nam Tư. Sau năm 2015, đã có gần một triệu người đến từ Syria và Iraq.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đây chỉ là nhập cư tạm thời. Trước hết, một lượng đáng kể những người tị nạn chiến tranh Nam Tư đã trở về quốc gia gốc của họ. Điều tương tự cũng được kỳ vọng đối với những người tị nạn Ukraine. Nếu không có người nhập cư, dân số của Đức sẽ bị thu hẹp. Kể từ những năm 1970, số ca tử vong mỗi năm ở Đức đã vượt quá số ca sinh.
Ấn Độ và Trung Quốc đại lục chiếm 37% tổng dân số thế giới
Nhìn chung, Financial Times cho biết, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, tăng trưởng dân số thế giới đã đạt mức thấp nhất kể từ năm 1950. Tuy nhiên, sự khác biệt trong phát triển ở các khu vực tương ứng dẫn đến sự thay đổi các ưu tiên.
Ấn Độ dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc đại lục để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong những năm tới. Khi đó, cả hai quốc gia sẽ đều có dân số 1.4 tỷ người và cùng nhau sẽ chiếm 37% dân số thế giới.
Tuy nhiên, hậu quả của chính sách kiểm soát sinh sản do nhà nước thực thi lâu năm đang gây ra những hậu quả đáng lo ngại ở cả hai quốc gia. Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, dân số dự kiến sẽ giảm 12 triệu người vào cuối những năm 2050. Đó sẽ là đợt sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử nước này. Thậm chí dân số Trung Quốc có thể giảm một nửa trong vòng 45 năm tới, một nghiên cứu đăng trên Bangkok Times cảnh báo.
Tại Ấn Độ, các thử nghiệm của chính phủ trong việc kiểm soát dân số đã dẫn đến tình trạng dư thừa nam giới rất lớn. Điều này không chỉ thể hiện một cách đáng chú ý trong mức độ tàn bạo lớn hơn và số lượng nhiều hơn của tội phạm tình dục, mà như ở Trung Quốc, sự ổn định của tổng sản phẩm quốc nội cũng ngày càng có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, Đài Loan cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm dân số nghiêm trọng. Theo Telegraph thì Đài Loan là nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, hậu quả có thể là rất tàn khốc:
“Vào năm 2050, nước này sẽ chỉ có 20 triệu dân và độ tuổi trung bình sẽ tăng từ mức 39 tuổi hiện nay lên 57 tuổi.”
Nam Hàn nhận thấy suy giảm dân số là ‘thách thức đối với an ninh quốc gia’
Tại Nhật Bản, nơi các lực lượng chính trị đang thách thức hiến pháp hòa bình thời hậu chiến, quân đội cũng đang già đi. Từ năm 1994 đến 2015, số lượng nam giới trong độ tuổi nhập ngũ đã giảm 11 triệu người, tương đương với 40%. Trong bài báo có nhan đề “Nhật Bản Không Còn Người Để Tiến Hành Chiến Tranh” (“Japan Is Running Out Of People For Waging War”), Forbes cho biết lần đầu tiên, người Nhật mua “tã cho người lớn nhiều hơn cho trẻ sơ sinh.”
Đối với Nam Hàn, Wall Street Journal đã đưa ra một cảnh báo tương tự vào năm 2019:
“Sự sụt giảm tỷ lệ sinh ở Nam Hàn đã trở thành một thách thức đối với an ninh quốc gia.”
Theo dự báo, đội quân có hơn 600,000 người của đất nước bị cộng sản miền Bắc đe dọa này khi đó sẽ giảm ⅙ so với ngày hôm nay.
Ông Elon Musk cảnh báo về xã hội phức tạp
Trong khi những người gieo rắc hoang mang, đặc biệt là ở các nước phương Tây, vẫn đang nói về “sự quá tải dân số” được cho là sắp xảy ra, người sáng lập Tesla Elon Musk từ lâu đã cảnh báo về tỷ lệ sinh suy giảm.
Ông Musk xem đây là mối nguy hiểm đối với nền văn minh nhân loại ngay từ năm 2020 trong khung khổ Giải thưởng Springer. Sự suy sụp tỷ lệ sinh gây ra sự già hóa toàn cầu, trì trệ kinh tế cũng như thiếu năng động và sức mạnh đổi mới. Hơn nữa, quá trình già hóa sẽ đặt ra những gánh nặng không đáng có đối với các thế hệ trẻ. Ngoài ra, các quốc gia đang già đi được đặc trưng bởi một “xã hội bị phân hóa […], trong đó những ý tưởng mới không thành công.”
Theo số liệu chính thức của Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ sinh trên thế giới đang giảm ở hầu hết mọi quốc gia, với sự khác biệt duy nhất là tốc độ diễn ra quá trình này.
Tại quốc gia có tỷ lệ sinh cao nhất, Niger, số lần sinh trung bình trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ mức cao nhất là 7.9 trong năm 1983 xuống còn 6.8 hiện nay. Ở đất nước 24 triệu dân này, tám phần trăm trẻ em không vượt quá sinh nhật thứ năm. Ngược lại, tỷ lệ sinh ở đất nước bị chiến tranh tàn phá Yemen đã giảm mạnh. Ở đó, tỷ lệ này đã giảm từ 8.8 xuống còn 3.6 con trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong cùng thời kỳ.
Tỷ lệ sinh thậm chí còn giảm nhiều hơn ở các nước đang phát triển đã trải qua quá trình ổn định. Ở Oman, tỷ lệ này đã giảm từ 8.3 xuống 2.4 trong những thập niên gần đây. Sau khi Rwanda có thể phục hồi về kinh tế và chính trị sau cuộc diệt chủng năm 1994, con số ở đó đã giảm từ 8.2 xuống còn 3.6.
Ở Qatar, tỷ lệ sinh đã giảm từ 6.7 trong năm 1973 xuống còn 1.85 vào năm 2019. Đồng thời, GDP bình quân đầu người giảm từ 157,000 USD xuống còn 90,000 USD. Đây vẫn là một giá trị cao trong một so sánh toàn cầu. Tuy nhiên, ví dụ về các tiểu vương quốc dầu mỏ cho thấy rõ ràng rằng việc mất đi sự thịnh vượng do tỷ lệ sinh giảm trong dài hạn sẽ lớn hơn so với đầu tư ngắn hạn vào giáo dục hoặc cơ sở hạ tầng khi tỷ lệ sinh tăng.
Các tình huống khác nhau được tính đến
Ý nghĩa của điều đó đến sự phát triển trong tương lai của dân số thế giới là gì, thì báo cáo của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một số tình huống có thể xảy ra. Trong những trường hợp cực đoan, con số này sẽ lên tới 13.6 tỷ người vào cuối thế kỷ trước khi đạt đến đỉnh cao tuyệt đối. Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi một tỷ lệ sinh gần như không đổi, điều này sẽ đi ngược lại với xu hướng đã hình thành trong 40 năm qua.
Một tình huống trung gian giả định rằng dân số thế giới sẽ đạt đỉnh cao tuyệt đối là 10.4 tỷ người vào năm 2100. Tuy nhiên, theo quan điểm của sự phát triển, tình huống giả định mức cao nhất là 8.7 tỷ trong khoảng thời gian từ năm 2050 đến năm 2060 có vẻ thực tế hơn. Vào năm 2100, dân số thế giới sẽ giảm xuống còn 7.3 tỷ người — thấp hơn so với ngày nay (7.96 tỷ người).
Dự báo dân số dài hạn thay thế từ Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe của Quỹ Bill và Melinda Gates (IHME) đưa ra con số 8.8 tỷ người vào năm 2100. Theo đó, có một số tình huống khác nhau, từ 6.8 tỷ đến 11.8 tỷ người.
IHME giả định rằng mức sinh sẽ giảm nhanh hơn trên toàn thế giới so với tình huống trung bình của Liên Hiệp Quốc. IHME dự đoán số trẻ em trung bình trên một phụ nữ sẽ giảm xuống còn 1.66 vào cuối thế kỷ này. Con số đó sẽ ít hơn tỷ lệ duy trì dân số toàn cầu là 2.1. Đồng thời, Liên Hiệp Quốc giả định mức sinh là 1.84 trẻ em trên một phụ nữ.
Tôn giáo và truyền thống là bức tường thành chống lại sự suy giảm nhân khẩu học
Niềm tin vào truyền thống dường như là một trong những yếu tố quyết định vẫn chống lại xu hướng chung đối với sự suy giảm dân số. Trên hết, tôn giáo đóng vai trò như một yếu tố ổn định. Ngay cả khi tỷ lệ sinh giảm mạnh ở nhiều quốc gia đa số theo đạo Hồi, chẳng hạn như Iran hay Qatar, thì tỷ lệ này vẫn cao hơn so với các nước phương Tây.
Ngay cả ở Nga, theo đánh giá của Pravda, Hồi giáo có thể là cộng đồng tôn giáo lớn nhất vào năm 2050. Tỷ lệ sinh ở đó đã phục hồi từ mức dưới một phần trăm trong những năm 1990 lên gần đây nhất là 1.27. Điều này một phần là do chính sách gia đình của đất nước, được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ Nhà thờ Chính thống.
Ví dụ, ở Nga, tuyên truyền nữ quyền được xếp vào loại “cực đoan”, cũng như mô tả tích cực về tình trạng không có con tự nguyện. Tuy nhiên, về căn bản, tỷ lệ sinh ở các khu vực chủ yếu là người Hồi giáo của đất nước đang giúp ổn định tình hình.
Do Reinhard Werner thực hiện
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức