Lịch sử Pháp quốc: Những siêu anh hùng thời cổ đại
Pháp là quốc gia nổi trội về việc bảo tồn lịch sử, nghệ thuật và văn học tốt nhất trên thế giới. Vậy nên bất cứ ai quan tâm cũng có thể tìm thấy ở đấy kho tàng về văn hóa và về nhân loại. Những câu chuyện cổ về vô số vị anh hùng của họ thậm chí đã vượt xa các kịch bản phim bom tấn của Mỹ quốc. Các anh hùng cổ đại của Pháp gắn liền với những câu chuyện về lập quốc, và hơn một ngàn năm sau, những câu chuyện đó vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho chúng ta.
Những anh hùng huyền thoại của Pháp quốc
Những anh hùng huyền thoại của Pháp quốc xuất hiện từ thời kỳ nhân loại đồng tồn tại cùng với các á thần và các sinh vật thần thoại. Trước thời kỳ Phục Hưng, tộc người Frank (người Pháp) được xem là hậu duệ của người thành Troy. Sau thất bại trong cuộc chiến ở thành Troy, tổ tiên của người Frank đã lập một thành phố mới bên bờ sông Danube, vùng Sicambria. Theo truyền thuyết, hoàng tử Francion hay Francus (“người tự do”) là hậu duệ của vị vua huyền thoại Priam. Sau chiến thắng rực rỡ trước người Goth vào đầu thiên niên kỷ, Francion đã đặt tên mình cho người dân vùng Sicamber, trở thành dân tộc Frank.
Một phần chiến tích của ông được viết đầy lãng mạn trong tập anh hùng ca dang dở có tựa đề “Franciade” của Pierre de Ronsard: “Nhưng Francion này, với trái tim cao cả, luôn chiến thắng kẻ thù. (…) Để tưởng nhớ đến một vị hoàng tử vĩ đại, quốc gia sẽ mang tên France.”
Một nhân vật cổ xưa khác cũng là vị khai quốc công thần của Pháp quốc, vua huyền thoại Merovée. Là tổ tiên của các vị vua Frank, là ông nội của vua Clovis, vua Merovée được người đời kể truyền miệng rằng ông là một vị nửa thần nửa nhân. Năm 451, ông góp phần quan trọng vào chiến thắng của trận chiến tại đồng bằng Catalaunian trước Thiền Vu Attila của người Hung Nô. Thiền Vu Attila được mệnh danh là “Tai họa của trời” vì không gì có thể ngăn chặn các cuộc tiến công của ông, nơi ông đi qua chỉ để lại “một chiến trường khốc liệt” đầy hỗn loạn. Chiến thắng của vua Merovée là sự đoàn kết quân sự lần đầu tiên giữa người dân xứ Gaul với người La Mã; nhờ vào chiến công lịch sử này, Merovée đã mở ra vương triều đầu tiên của Pháp quốc – vương triều Merovingian.
Siêu năng lực của các vị Thánh
Vào khoảng thế kỷ thứ III, một loại anh hùng mới xuất hiện ở Pháp quốc: họ là những vị Thánh. Những vị anh hùng này có tất cả phẩm chất của một siêu anh hùng: bảo vệ cái thiện trước cái ác, cứu giúp người và có sức mạnh siêu nhiên. Họ sống đơn độc giữa nhân loại, được con người khẩn cầu vào những thời khắc tuyệt vọng nhất.
Thánh Martinô
Trong số đó, Thánh Martinô vùng Tours (316‑397) là một trong những vị được biết đến nhiều nhất. Ngài cùng với Tổng lãnh thiên thần Thánh Michael, là những vị thánh bảo trợ của Pháp quốc. Nếu chúng ta tin những câu chuyện được viết cách đây 1700 năm của nhà biên niên sử Sulpice Sévère, Thánh Martinô có khả năng phi thường mà những anh hùng trong các bộ phim bom tấn của Mỹ phải khao khát. Theo truyền thuyết, ông có thể chế ngự những con thú hung dữ nhất, hô phong hoán vũ, cải tử hoàn sinh [cho người dân]. Trong chuyến du hành của mình ở Gaul, ông đã tiêu diệt rất nhiều quỷ dữ đang tràn ngập khắp Âu Châu lúc đó. Thánh Martinô có được năng lực phi thường từ niềm tin rằng cái thiện luôn thắng cái ác và niềm tin Chúa luôn chiến thắng Satan.
Ông sống một cuộc đời khổ hạnh cho đến khi qua đời ở tuổi 80, dành toàn tâm ý cho cầu nguyện trong ẩn dật. Ông không cho phép bản thân có bất kỳ tiện nghi vật chất nào và ngủ trên một chiếc khăn mỏng trải trên sàn nhà. Theo nhà sử học Sulpice Sever, Thánh Martinô không cho phép bản thân hưởng thụ sự thoải mái khi mà Chúa đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ để cứu rỗi chúng sinh. “Nói một cách dễ hiểu, trong toàn bộ thời gian của mình, không một giây phút nào được dành cho nghỉ ngơi hay cho các việc của thế giới này, mà được dâng hiến trọn vẹn để phụng sự Chúa,” theo quyển “Cuộc đời của Thánh Martinô.”
Ông được miêu tả là luôn điềm tĩnh, không bao giờ tức giận, an hòa trong mọi hoàn cảnh, gương mặt luôn thanh thoát và nhân từ. Ông cũng là vị đã giúp người Gaul man rợ [người man rợ hàm ý về những người kém văn minh, những người khác với người La Mã] tiến nhập sang nền văn minh Pháp mới dựa trên đức tin vào Thiên Chúa.
Thánh Geneviève
Vào thời cổ đại, phụ nữ cũng có số phận phi thường. Giống như Thánh Martinô, Thánh Geneviève (420‑512) đã cống hiến cuộc đời của mình cho chúng sinh và cho Thiên Chúa. Là vị thánh bảo vệ Paris, bà đã có công trong việc cải đạo cho vua Clovis – người đánh dấu sự khởi đầu của nền văn minh Pháp quốc.
Theo bản thảo tiểu sử “Vita” được viết vài năm sau khi bà qua đời, vị thánh nữ này dành hàng đêm để thiền định và cầu nguyện, và dành ban ngày để giúp đỡ người nghèo với những gì do chính bà tự tay làm nên trên đất của mình. Giống như Thánh Martinô, bà sống rất thanh đạm. Năm 451, bà đã cứu Paris thoát khỏi sự tấn công của đội quân Hung Nô hung dữ của Thiền vu Attila. Bà khuyên dân chúng hãy tin tưởng vào Thiên Chúa. Bà nói nếu họ ăn năn sám hối, họ sẽ được bảo vệ. Dân chúng thi hành như lời bà dặn bảo, và đạo quân hung dữ bỗng dưng quay bước tránh thành phố Paris để xâm lược Troyes và Orléans. Tại đó, đội quân của Attila đã bị quân La Mã và người Frank đánh bại.
Chuyện kể lại rằng, có những lần, trước sự hung bạo của thiên nhiên, vị thánh nữ đã can đảm cứu những con thuyền chở đầy lương thực không bị nhận chìm xuống đáy sông Seine. Đức tin của bà đã giúp xua đuổi những quái vật gớm ghiếc sinh sống ở các vùng nước của con sông này, và bà cũng có sức mạnh để làm dịu các cơn bão. Ngạn ngữ của Paris có câu “Fluctuat Nec Mergitur” (Tạm dịch: “Bị sóng đánh nhưng không bao giờ chìm”) là xuất phát từ những kỳ tích của vị thánh kiểm soát những hỗn loạn của sông Seine.
Đã có vô số sự chữa lành mà Thánh Genevieve triển hiện trong suốt cuộc đời của bà cũng như sau khi bà qua đời. Năm 1744, trong khi đang lâm bệnh nặng tại Metz, vua Louis XV đã đưa ra lời nguyện rằng nếu khỏi bệnh, ông sẽ xây một nhà thờ để kính dâng thánh Geneviève. Sau khi hồi phục sức khỏe và trở lại Paris, ông lập tức ra lệnh cho Hầu tước Marigny xây dựng một nhà thờ trên nền của tu viện Sainte-Geneviève khi đó đang xuống cấp để bảo quản thánh tích của Ngài. Ngày nay địa điểm này là Điện Panthéon de Paris, nơi vinh danh những người vĩ đại của Pháp quốc.
Một vị anh hùng lẫy lừng và một thánh nữ đã khai sinh Pháp quốc
Vào cuối thế kỷ thứ V, chàng trai trẻ Clovis, hậu duệ của hoàng tử Francion và vua Merovée, đã gặp nàng Clotilde ngoan đạo. Cuộc gặp gỡ này làm thay đổi vận mệnh của Pháp quốc. Đức tin, sự thông tuệ và lòng tốt của nàng đã gây ấn tượng với chàng trai trẻ Clovis đến mức chàng đã quyết định từ bỏ những hủ tục man rợ của dân tộc mình. Nàng Clotilde, hoàng hậu của người Frank, đã trở thành một vị thánh vài năm sau khi bà qua đời. Bà là một trong những thánh nữ, cùng với Thánh Joan d’Arc và Thánh Geneviève, gắn liền với nền tảng lịch sử của Pháp quốc.
Vào năm 496, trong trận chiến đầy cam go tại Tolbiac chống lại người Alamanni (người Đức), sau nhiều lần thỉnh cầu các vị thần trong quá khứ của dân tộc mình, vua Clovis nhớ lại lời của Clotilde và cầu xin “Thiên Chúa của Clothilde” ban cho ông chiến thắng. Và rồi chiến thắng đã đến ngay lập tức. Vị vua trẻ sẽ không bao giờ quên sự giúp đỡ thần kỳ này. Khi đi ngang qua lăng mộ Thánh Martinô ở Tours, nhà vua đã được chứng kiến một loạt các phép màu không thể giải thích, sau đó ông đã dứt khoát từ bỏ nhưng phong tục lạc hậu của dân tộc mình và trở thành vị vua Cơ đốc đầu tiên của Pháp quốc.
“Cúi xuống, hỡi Sicambre kiêu hãnh, yêu mến những gì con đã đốt cháy, đốt cháy những gì con đã yêu mến,” Thánh Remy nói với vị vua trẻ trong lễ rửa tội. Theo truyền thuyết, một con chim bồ câu trắng đại diện cho Chúa Thánh Thần hạ từ trên trời xuống mang theo dầu thiêng để rửa tội cho các vị vua của Pháp quốc. Điều này tượng trưng cho sự kết nối không thể tách rời của Pháp quốc với sứ mệnh thiêng liêng và sự khởi đầu của các triều đại Pháp đầu tiên.
Vào thời điểm quan trọng trong lịch sử Pháp quốc, Thánh Rémi đã trao cho vua Clovis sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ những người yếu thế, đẩy lùi bạo chúa. Những giá trị đã khắc sâu trong chủ nghĩa anh hùng Pháp. Vua Clovis thống nhất các vương quốc Cơ đốc giáo và các tộc người man rợ khác nhau của vùng Gaul, đồng thời đánh dấu sự chuyển giao từ thời kỳ của truyền thuyết và á thần, đến thời kỳ của vua và hiệp sĩ của Pháp quốc.
Khát vọng lớn hơn của người dân Pháp
Càng tìm hiểu 1500 năm lịch sử của Pháp quốc, người ta sẽ càng tìm thấy nhiều tấm gương anh hùng, những vị vua, những vị thánh và những hiệp sĩ, những người đã mang lại ý nghĩa cao cả hơn cho quan niệm về nhân loại và nền văn minh của chúng ta.
Ở mỗi kỷ nguyên, những anh hùng mới lại xuất hiện để bảo vệ mối liên kết thiêng liêng với thần thánh của nhân loại. Những anh hùng này, họ không biến mất, họ là một phần di sản đem đến cho chúng ta ngày nay những khát vọng sâu sắc hơn để hiểu về nhân loại.
Ngọc Quỳnh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times