Lịch sử những món ăn ngon dâng các bậc Đế vương và Tướng quân (Phần 2)
Tiếp theo Phần 1.
Văn hóa ẩm thực Trung Quốc có nguồn gốc từ lâu đời, kế thừa phong tục tập quán, văn hóa lịch sử, đặc trưng phương pháp chế biến, khẩu vị yêu thích và ký ức hoài niệm… của các vùng các nơi. Những vị Đế vương, danh thần nổi tiếng được người dân dùng các món ăn ngon để ca tụng và tưởng nhớ, để lại tiếng thơm muôn đời, nhà nhà đều biết. Những món ăn ngon được các vị Đế vương, danh thần đích thân thưởng thức, khen ngợi đề cử, đã không ngừng được phát huy, lưu truyền từ đời này qua đời khác, có sức sống mạnh mẽ qua hàng ngàn năm không suy, được dân chúng khắp nơi yêu thích đón nhận.
Hốt Tất Liệt và món lẩu thịt dê nhúng
Trong đêm mùa đông lạnh lẽo, gió thổi tuyết rơi, nhưng trong phòng thì khí nóng lượn quanh, mùi thơm thức ăn nức mũi. Người thân, bằng hữu ngồi quây quần thưởng thức món lẩu nhúng thịt dê, uống rượu hàn huyên cuộc sống thường ngày, vừa ấm người bổ thân lại vui vẻ mãn nguyện.
Thời cổ đại, lẩu được gọi là “Cổ đổng canh” (古董羹), nguyên do là khi đưa đồ ăn vào nước đang sôi thì phát ra âm thanh “ùng ục” (trong tiếng Hoa, cách phát âm của từ ‘ùng ục” 咕咚 là gūdōng, gần giống với từ “cổ đổng” 古董), đỉnh ba chân của thời nhà Chu chính là nguyên mẫu sớm nhất của nồi lẩu. “Ngũ thục phủ” (nồi năm ngăn) của Ngụy Văn Đế Tào Phi thời Tam Quốc, là cái nồi có năm ngăn có thể nấu cùng lúc các nguyên liệu khác nhau, có thể gọi nó là thủy tổ của “lẩu uyên ương.” Đến thời Đường đã xuất hiện những nồi “lẩu giữ nóng” làm bằng đồng. Sau hàng ngàn năm, “nồi lẩu” được phổ biến khắp từ Bắc đến Nam, lẩu cay Tứ Xuyên, lẩu hải sản Phúc Kiến Quảng Đông, lẩu dân dã Hồ Bắc, lẩu nhúng của Bắc Kinh… Nồi lẩu dung hợp không khí đoàn viên của hàng ngàn vạn gia đình trong những ngày lễ tết, được ca tụng là “làn gió xuân trên bàn tiệc” giữa mùa đông lạnh giá.
Thịt dê có tác dụng làm ấm tim, dạ dày, tráng nguyên dương, bổ khí huyết, khứ hàn kiện thân, là nguyên liệu bồi bổ tốt vào mùa đông. “Lẩu thịt dê là món ngon thường thấy vào mùa lạnh… là tập tục của người dân du mục phương Bắc lưu truyền lại…” (trích “Cựu Đô Bách Thoại”).
Theo các tư liệu nghiên cứu, những bức bích họa được khai quật ở Xích Phong, Nội Mông Cổ, vẽ cảnh người cổ đại ngồi trên mặt đất vây quanh nồi lẩu, chính là vẽ cảnh tượng người Khiết Đan thời đầu triều Liêu ăn lẩu nhúng thịt dê. Sau hòa ước Thiền Uyên, trong khoảng một trăm năm giữa nhà Tống và nhà Liêu không xảy ra chiến tranh, giao lưu buôn bánthương diễn ra tấp nập, Bắc Tống xuất khẩucảng trà và tơ lụa, những con dê mập mạp của người Liêu rất được tầng lớp quan lại và người dân của triều Tống ưa thích. Vào mùa đông những nhà hàng quán ăn ở thành Khai Phong của Đông Kinh thịnh hành các loại lẩu.
Trong “Sơn Gia Thanh Cung” của Lâm Hồng thời Nam Tống đã ghi lại tỉ mỉ quá trình nhúng thịt thỏ, còn nhấn mạnh phương pháp nhúng thịt heo, thịt dê cũng tương tự như vậy. Sau khi người Mông Nguyên tiến vào làm chủ Trung Nguyên, đã đưa phong trào thịnh hành ăn thịt dê đến Trung Quốc, cách chế biến thịt dê cũng có nhiều kiểu, trong số đó món “Sinh thoán dương” chính là tiền thân của món thịt dê nhúng ngày nay. Mỗi khi đến ngày Đông chí, Hoàng đế Càn Long triều Thanh đều ăn lẩu thịt gà, thịt dê và nấm Khẩu Bắc, “Thiên lẩu yến” do vị Hoàng đế trường thọ này tổ chức có hơn 1,550 nồi lẩu. Lẩu thịt dê cũng là một loại ẩm thực bình dân có hương vị tràn ngập phố thị, trong “Thanh Bại Loại Sao” ghi: “Kinh sư vào mùa đông…. đều thích ăn món thịt dê nhúng.”
Truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi nhất là về Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt với món thịt dê nhúng. Năm đó khi Hốt Tất Liệt dẫn quân xuống phía Nam, lúc ông đang dựng trại đóng quân và chuẩn bị bữa tối thì có cấp báo tình hình chiến sự từ tiền tuyến. Lúc này không kịp hầm thịt dê, nhưng cũng không thể để bụng đói đi đánh trận. Dưới sự thúc giục của Hốt Tất Liệt, người đầu bếp đã thái thịt dê thành từng lát mỏng, cho vào trong nước sôi, sau đó vớt ra rồi rắc thêm muối. Các tướng sĩ nhanh chóng ăn xong, sau đó vội vàng lên ngựa nghênh địch. Hốt Tất Liệt rất tán thưởng phương pháp này, chẳng những nấu nhanh không kéo dài thời gian làm lỡ việc chiến đấu, mà thịt lại vô cùng tươi ngon. Từ đó trong quân thường xuyên nấu món thịt dê nhúng này.
Hốt Tất Liệt định đô ở Bắc Kinh, món thịt dê nhúng lẩu mà ông yêu thích thường có mặt trong các buổi yến tiệc cung đình xa hoa. Nồi đồng nấu món thịt dê nhúng, khi đậy nắp thì giống như nhà bạt Mông Cổ, mở nắp ra lại giống như nón giáp của kỵ binh Mông Cổ. Tương truyền, Marco Polo (*) đã từng được thưởng thức món lẩu Mông Cổ này ở trong hoàng cung triều Nguyên, cho nên món thịt dê nhúng lẩu được dịch qua Anh ngữ là Mongolian (Hot Pot), còn người Nhật Bản và người Nam Hàn gọi món lẩu là “Hốt Tất Liệt.”
Trong cuốn “Marco Polo du ký” (hay còn được dịch là “Đông Phương Kiến Văn Lục”) do Rustichello da Pisa ghi chép theo lời kể của Marco Polo, có nói rằng đồ dùng tại các yến tiệc vô cùng nhiều và “vô cùng tinh xảo,” “trong quốc gia Hoàng kim ở Đông phương, người dân đều thích ăn kem sữa lạnh,” còn có “mì sợi”, tiếc là không thấy ghi chép về món lẩu. Cũng có thể là do các phiên bản khác nhau có sự giản lược, bộ kỳ thư này hiện vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể xem thường sức mạnh của truyền thuyết dân gian vốn có giá trị lịch sử để bổ sung tham khảo.
Thịt dê nhúng lẩu không phải dùng để làm món hầm nấu chậm, mà thịt được cắt mỏng như giấy lại đều nhau, khi chín sẽ đổi màu, gắp ra có thể chấm với tương mè hoặc gia vị khác. Thịt dê nhúng lẩu chính tông phải dùng nồi đồng nấu nước dùng trong vắt, chỉ thêm ít hành, gừng, câu kỷ, tôm nõn mà thôi, thịt dê cần phải tươi, giữ được hương vị tự nhiên tươi mới. Cuối cùng lại thêm chút cải trắng, đậu hũ, mì sợi cho ngon miệng. Yêu cầu về chất lượng thịt của món thịt dê nhúng này rất cao, những quán thịt dê ngon ở Bắc Kinh trước đây đều chọn dê từ vùng thảo nguyên Tích Lâm Quách lặc (Xilin Gol) của Mông Cổ, có hương vị thơm thuần, non mềm tươi ngon.
Chu Nguyên Chương với món bạch ngân như ý
Chu Nguyên Chương vốn là một cậu bé chăn trâu nghèo khổ, là một cô nhi của gia đình tan nát, là một tiểu hòa thượng đi khất thực khắp nơi. Một lần do quá đói, ông đã ngất đi ở ven đường, may mắn được một bà lão tốt bụng cứu giúp. Một chén đồ ăn được làm từ rau nát, đậu hũ thiu và cơm thừa, nhưng đã trở thành một món ngon mỹ vị trong lòng ông – món súp trân châu phỉ thúy bạch ngọc.
Vị hòa thượng vân du ăn gió nằm sương này, về sau đã trở thành vị Hoàng đế khai quốc nhất thống thiên hạ, nam chinh bắc phạt, thu phục 16 châu Yên Vân, vốn là vùng bình phong phía Bắc của người Hán ở Trung Nguyên đã bị đánh mất trong 400 năm. Ông chính là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (1328 – 1398).
Chuyện xảy ra vào đêm trước ngày sinh nhật 40 tuổi của ông (mùa thu năm 1368). Trong bữa tiệc ăn mừng đãi quần thần, Chu Nguyên Chương nói rằng muốn ăn món “Bạch ngân như ý.” Ngự trù bỗng chốc bối rối, từ trước tới nay chưa nghe qua món này, cũng không biết chế biến ra sao. Duy chỉ có Hoàng hậu Mã nương nương là người biết rõ thói quen sinh hoạt và sở thích ăn uống của Hoàng thượng, bà bèn nói cho ngự trù cách làm cụ thể của món ăn này.
Vào cuối thời nhà Nguyên, thiên hạ đại loạn, Chu Nguyên Chương tìm đến nghĩa quân Quách Tử Hưng làm nơi nương tựa. Vì tướng mạo của ông kỳ dị, tác chiến rất dũng mãnh lại có hiểu biết về văn chương, cho nên rất được Quách Tử Hưng trọng dụng, trở thành cửu phu trưởng thân binh của nguyên soái. Ông dẫn binh đi đánh trận thì hễ đánh là ắt thắng, hữu dũng hữu mưu, năng lực phi phàm, là một kỳ tài phúc tướng! Vì vậy, Quách Tử Hưng đã gả con gái nuôi của mình là Mã đại tiểu thư (Mã Tú Anh, là Mã Hoàng hậu sau này) cho ông. Chu Nguyên Chương năm 25 tuổi trở thành con rể của nguyên soái.
Các đầu bếp trong phủ nguyên soái rất giỏi làm các món ăn từ bột mì ngon tuyệt, trong số đó có món tên là “Bạch ngân như ý,” được làm bằng cách nhào bột mì lên men và nước kiềm, sau khi loại bỏ vị chua thì trộn với đường trắng và hấp chín. Món này có màu trắng như bạc, hình dáng giống quả bông già, mềm mại đầy đặn, trên đỉnh bánh “nở miệng cười”, như nụ hoa nở rộ, còn được gọi là “Khai hoa mô” (bánh bao không nhân nở hoa) hoặc “Khai hoa man đầu” (Màn thầu nở hoa).
Chu Nguyên Chương chịu đủ cơ hàn, chưa từng được ăn món hấp nào ngon như vậy, xốp mịn lại mềm dẻo có đường vân, càng ăn càng thích, có hương thơm lúa mì đậm đà, vị ngọt thanh nhàn nhạt. Món ăn này nếu kết hợp với rau và cháo cũng có đầy đủ tư vị. Món bánh hấp “Bạch ngân như ý” mang ý nghĩa cát tường tốt đẹp này giống như gương mặt trăng rằm của vị tân nương của ông. Chu Nguyên Chương từ một người lang bạt kỳ hồ, hai bàn tay trắng, cuối cùng đã nghênh đón mùa xuân của cuộc đời, từ đây ông đã có một gia đình ấm áp.
Người vợ hiền tuệ tài đức, chung thủy tận sức trợ giúp ủng hộ ông, không chỉ săn sóc chu đáo, dịu dàng khuyên nhủ, còn một lòng cùng ông vượt qua khó nạn. Chuyện Mã Tú Anh “mang bánh cứu chồng” được lưu truyền và trở thành giai thoại, chuyện Mã đại cước (Mã Tú Anh không bó chân) cõng trượng phu bị thương thoát khỏi hiểm cảnh càng cảm động lòng người. Họ đã cùng vào sinh ra tử, cùng chung hoạn nạn, phu thê ân ái, tình thâm nghĩa trọng. Khi lên ngôi Hoàng Đế, Chu Nguyên Chương từng nhiều lần trước mặt quần thần ca ngợi người vợ hiền đức của mình là Thục đức Hoàng hậu, ví nàng như “Vu Lâu đậu chúc” (cháo đậu ở Vu Lâu), “Hô Đà mạch phạn” (cơm lúa mì ở Hô Đà) (trích “Hậu Hán Thư – Phùng Di truyện”). Mặc dù ông đã là vị Cửu Ngũ Chí Tôn, nhưng thường ngày dùng thức ăn bình dân lại càng cảm thấy dễ chịu và tự tại hơn.
Khi yến tiệc ăn mừng sắp kết thúc, bánh hấp “Bạch ngân như ý” mà Hoàng đế yêu thích được dâng lên. Các đại thần nếm thử, liên tục khen ngon. Chu Nguyên Chương nhìn Mã Tú Anh, món bánh bột mì này cũng là tấm lòng tôn kính của thê tử hiền đức đối với trượng phu, nàng ngầm hiểu, mỉm cười gật đầu với phu quân…
Truyền thuyết kể rằng bánh bao được Gia Cát Lượng thời kỳ Tam Quốc phát minh ra. Trong “Tấn Thư – Hà Tăng Truyện” có ghi: “Chưng bính thượng bất sách tác thập tự bất thực,” có nghĩa là trên chóp cái bánh hấp không có vết nứt ra hình chữ thập (十) thì không ăn. Loại “Khai hoa mô” này sau khi lên men thì đem đi hấp chín sẽ nứt ra, giống như hạt dẻ cười vậy. Trong cuốn “Sơn Đường Tứ Khảo – Ẩm Thực quyển nhị” của Bành Đại Dực triều Minh có viết rằng, Võ Tắc Thiên triều Đường lệnh cho cung nữ hái trăm hoa, đem chưng cùng với gạo thành bánh ngọt, dùng để ban thưởng cho trọng thần.
Cuối triều Thanh, điểm tâm sáng hàng ngày của Từ Hy Thái Hậu vẫn không thể thiếu bánh hấp “Bạch ngân như ý”! Bánh “Khai hoa man đầu” là món điểm tâm trong ngày lễ tết và yến tiệc của người Khai Phong, là tặng phẩm tặng cho người thân bằng hữu của người dân vùng Thiểm Tây. Vào dịp lễ tết tại một số thôn huyện ở vùng Sơn Tây, nhà nhà đều phải làm bánh hấp Khai hoa mô (bánh bao không nhân nở hoa).
Kỹ thuật làm bánh Khai hoa man đầu khá nghiêm ngặt. Để làm ra những chiếc bánh hấp có thể nở ra thành cánh hoa một cách tự nhiên, điều quan trọng nhất là “phát” (lên men, nở), bột được lên men đầy đủ là rất quan trọng (làm cho bột mì nở ra nhiều gấp đôi so với lượng lúc ban đầu), sau khi nhào bột mì tốt rồi cần trải qua hai lần lên men. Kỹ thuật nhào bột mì, lực nhào bột cũng rất quan trọng. Nếu không dùng men, không dùng bột nở, thì chọn dùng cách lên men theo phương pháp cổ xưa để làm cho bột lên men, hương vị thiên nhiên thơm thuần truyền thống, có độ dẻo dai hơn. Thoạt nhìn thì có vẻ đơn giản, nhưng bánh hấp ra có hình dạng biến hóa như thế nào, càng thấy được kỹ thuật của người làm bánh đã đạt hay chưa.
Rắc một chút bột ớt màu xanh đỏ xuống những chiếc bánh bao trắng mập đang mở miệng “cười” trông rất sinh động đẹp mắt; hoặc dùng màu hồng đào điểm lên những “cánh hoa” bánh làm cho chiếc bánh trở nên xinh đẹp, tôn lên không khí vui mừng của ngày lễ tết. Cũng còn có thể làm một ít bánh bao có màu sắc rực rỡ tươi đẹp mà trẻ con yêu thích. Chọn dùng nước ép rau chân vịt hoặc bí đỏ hấp chín, nhào với bột mì thành bột mì màu xanh hoặc màu vàng, cuộn với bột màu trắng hoặc xếp chồng lên nhau rồi vê thành bánh. Ví dụ, lấy bột mì khoai tím làm lớp bên ngoài, bột màu trắng ở bên trong rồi vê thành bánh, dùng dao rạch trên đầu bánh hình chữ thập, rồi cho vào nồi hấp, hấp thành bánh bao khoai tím nở hoa lung linh đáng yêu. Dùng kéo tạo hoa trên bánh tương đối dễ thực hiện, không phải lo lắng bánh không nở ra thành hình hoa, hơn nữa tạo hình rất ngay ngắn, đều đặn.
Trong “Thực Kinh” của Tạ Phúng, người từng đảm nhiệm chức Thượng thực trực trưởng của Tùy Dương Đế, đã giới thiệu “Dương hoa phiếm thang tảm bính”, đó là loại bánh bao hoa có nhân, khi ăn nước súp sẽ chảy ra. Trong “Ẩm Thiện Chính Yếu” của Hốt Tư Tuệ thời Nguyên, đã ghi chép lại một số loại bánh bao hấp, chẳng hạn như bánh bao mỡ sữa hươu, bánh bao cắt hoa, bánh bao trái cà và bánh bao xanh, tất cả đều có nhân. Ví dụ như bánh bao cắt hoa, là dùng thịt dê, mỡ dê, đuôi dê, hành, trần bì làm nhân, sau khi nặn bánh xong thì dùng kéo cắt tỉa thành đủ dạng đủ kiểu hoa, cũng có thể dùng màu để tô vẽ hoa.
Lý Tự Thành và bánh hồng hoàng quế
Trường An (từ thời nhà Minh trở về sau được gọi là Tây An) là cố đô của mười ba triều đại, thời Tùy, Đường là giai đoạn phát triển đỉnh cao của mỹ thực Thiểm Tây. Trong số các loại bánh mang hương vị Thiểm Tây được lưu truyền cho đến ngày nay, ngoài bánh thủy tinh “Tần điểm chi thủ” (đệ nhất của Tần), thì bánh hồng hoàng quế cũng là một loại bánh nổi tiếng hàng đầu. Bánh hồng hoàng quế không phải là bánh làm từ trái hồng được phơi gió sấy khô có phủ lớp phấn trắng, mà là loại bánh nướng có nhân, dùng trái hồng hỏa tinh Lâm Đồng (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) làm nguyên liệu, là một món ăn vặt trong mùa thu đông có hương vị độc đáo được thịnh hành ở cổ thành.
Trái hồng được người Hy Lạp cổ đại coi là “loại trái cây của chư Thần”, đã được trồng ở Trung Quốc hơn 2,000 năm, không chỉ ngụ ý cát tường vạn sự như ý, mà còn được mệnh danh là “loại cây kiên cường”. (Trong tiếng Trung, trái hồng được gọi là “Thị” 柿, đồng âm với “sự” 事, cho nên ‘thị thị như ý’ tương đương với ‘sự sự như ý’). Cây hồng cao lớn kiên cường, sống lâu và nhiều trái, dù là nắng hạn hay mưa sa, đều có thể thay thế cho lương thực, nhất là trong thời kỳ thiên tai đói kém, trái hồng còn có thể cứu được mạng người.
Từ thời cổ xưa ở vùng Thiểm Tây, cây hồng đã rất phổ biến với nhiều giống loại khác nhau. Hồng ở thôn Phú Bình trái to nhọn, thích hợp làm hồng khô nhất, trong khi loại hồng Hỏa tinh đỏ rực như lửa và sáng như sao là đặc sản chỉ có ở vùng Lâm Đồng, nơi có tượng binh mã (đội quân đất nung) và hồ Hoa Thanh. Ở vùng này, các yếu tố như khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước được thiên nhiên ưu đãi, đồng thời không bị ô nhiễm công nghiệp, không dùng thuốc trừ sâu… đã sản sinh ra những trái hồng Hỏa tinh no tròn xinh đẹp. Những trái hồng nhỏ xinh, óng ánh trơn bóng, vỏ mỏng như giấy, không xơ không hạt, mềm mại mọng nước, ngọt thơm tươi mát, được mệnh danh là loại “trái vàng ngọt nhất” nổi tiếng cả trong và ngoài nước Trung Quốc. Người dân bản xứ trìu mến gọi nó là “tổ mật”.
Cắn vào trái hồng Hỏa tinh, mật trái thơm ngọt tràn đầy trong miệng, chảy xuôi xuống cổ họng, nhẹ nhàng khoan khoái. Cảm giác dòng nước ngọt ngào chảy xuống rất đặc biệt, dư vị ngọt thuần kéo dài ấy, là thứ khiến cho những người con xa quê thương nhớ nhất. Sau khi Đường Thái Tông mở rộng cung điện dưới chân núi Ly Sơn, ông đã đem những cây hồng và những loại cây hoa kỳ lạ khác đến đây trồng để thưởng lãm, từ đó người vùng Lâm Đồng đời đời đã được thưởng thức hồng “Hỏa tinh” trong suốt 1,300 năm qua. Trái hồng Hỏa tinh nhiều dinh dưỡng, có tác dụng thanh nhiệt cầm máu, kiện tỳ ích tràng, hạ huyết áp giảm mỡ, sinh tân giải khát, giảm ho trừ đờm. Ngoài việc ăn sống (trái chín vào khoảng giữa tháng Mười) trái hồng còn được dùng làm thuốc, ủ rượu, làm giấm, làm mứt, bánh hồng, lá cây hồng còn làm trà, v.v…
Trái hồng khi chưa chín vẫn còn hơi cứng thì mới chịu đựng được sự va đập trong quá trình vận chuyển đường dài, phần lớn hồng trái mùa cung ứng trên thị trường đều là được bảo quản trong tủ lạnh. Trái hồng Hỏa tinh vỏ mỏng mềm dễ bị dập hư, cần phải bảo quản kỹ càng, vận chuyển nhẹ nhàng, trăm ngàn năm qua người dân vùng Lâm Đồng đã có những kinh nghiệm truyền thừa.
Cố nhà văn Trần Trung Thực của Tây An đã viết trong tác phẩm của mình rằng, “Những người thu hoạch hồng nếu bảo quản đúng cách thì thậm chí có thể bảo quản hồng Hỏa tinh đến sau tết, mà trái hồng vẫn giữ được nguyên vị tươi ngọt.” Cho dù là mùa rét đậm hay đầu xuân, ở vùng cố đô vẫn còn phiêu tán hương thơm của hồng quế, những cửa tiệm bánh hồng hoàng quế đã thu mua hồng tươi từ sớm, sau khi bỏ cuống thì xếp từng chồng lên nhau ngay ngắn trong những cái lu lớn, cất trữ trong thời gian lâu cũng không bị hỏng, lúc cần dùng lấy ra rất thuận tiện.
Bánh hồng hoàng quế còn có mối liên hệ mật thiết với Đại Thuận Hoàng Đế Lý Tự Thành.
Tháng Giêng năm 1644 (năm Sùng Trinh thứ 17), Lý Tự Thành xưng Đế ở Tây An (đổi Tây An thành Trường An, đặt kinh đô ở đây), thành lập chính quyền Đại Thuận. Những thế hệ con cháu các nước Tam Tần ào ào tới nhập ngũ, đi theo Sấm Vương vượt sông Hoàng Hà tiến về phía Đông chinh phạt. Đúng lúc vùng Quan Trung gặp thiên tai đói kém, lương thực thiếu thốn, dân chúng Lâm Đồng bèn dùng trái hồng Hỏa tinh chín trộn với bột mì nướng thành bánh bột mì hồng màu vàng óng, đem đến dâng cho Sấm Vương và binh sĩ làm lương thực ăn trên đường. Loại quân lương này ăn vừa no bụng vừa ấm lòng, rất được binh sĩ khen ngợi và yêu thích, khi ăn tràn đầy hương vị quê nhà thơm ngọt ngon miệng, hiện lên từng cây hồng treo lồng đèn nhỏ thắp sáng cả thôn nơi vùng sơn dã… “Hỏa tinh” vượng cát, quân đội Đại Thuận dũng mãnh, ý chí chiến đấu dâng trào hăng hái chiến đấu, một đường tiến quân thế như chẻ tre, thẳng tiến đánh đến Bắc Kinh, lật đổ vương triều nhà Minh (ngày 19 tháng 3 cùng năm).
Mặc dù chính quyền Đại Thuận chỉ là sớm nở tối tàn, vì sau đó người Mãn Thanh tiến vào làm chủ Trung Nguyên, nhưng hình ảnh Sấm Vương và quân đội Đại Thuận vẫn còn mãi trong lòng người dân Thiểm Tây, nơi quê hương của họ. Kể từ đó, mỗi khi ngọn gió thu thổi nhẹ nhàng mát dịu, mùa hồng chín rộ, từng nhà người dân ở Lâm Đồng đều muốn làm bánh bột mì hồng để tưởng nhớ Lý Tự Thành và nghĩa quân. Món bánh hồng này từng là cống phẩm của Đại Thuận và được dùng làm lương thực cho quân đội và trở nên nổi tiếng khắp nơi, sau đó nhanh chóng du nhập vào Tây An. Sau khi được các đầu bếp ở chốn kinh thành không ngừng cải tiến, lâu dần nó đã phát triển thành bánh hồng hoàng quế nổi tiếng khắp Trung Quốc như ngày nay.
Loại bánh được chiên trực tiếp từ bột trái hồng xốp giòn, gọi là bột hồng lõm, có thể là phiên bản ban đầu của bánh hồng. Phiên bản bánh hồng hoàng quế cải thiện có 18 loại nhân bánh truyền thống kinh điển, hoàng quế (vụn hoa quế khô), nhân quả óc chó, mè, tương hoa hồng, đậu phộng, nho khô, bột đậu, mứt táo v.v… Cách làm cũng không khó, rửa sạch trái hồng Hỏa tinh đã chín muồi rồi lột bỏ vỏ, quấy đều trái hồng sao cho nước và thịt trái hồng trở thành hồ nhão, cho thêm bột mì với tỷ lệ 1:1 (không cần cho thêm nước), nhào thành bột mì có màu vàng. Sau đó bao dùng bột bao nhân bánh lại, làm thành những cái bánh tròn nhỏ, cho vào chảo dầu chiên đáy bằng, lật qua lật lại chiên cho đến khi chín.
Bánh hồng hoàng quế có hai mặt vàng óng, thơm nức mùi quế, bên ngoài cháy xém, bên trong mềm ngọt, là món ăn tinh tế rất được yêu thích trong các yến tiệc. Đặc biệt mỗi khi hoàng hôn hoa tuyết nhẹ nhàng bay, những người đi làm xa nhà hoặc trẻ nhỏ tan học cầm trong tay chiếc bánh hồng hoàng quế vừa mới chiên xong, vừa đi vừa ăn, món ăn ngọt ngào bổ dưỡng đang bốc lên hơi nóng ấy không khỏi khiến người ta cảm thấy thân thiết ấm lòng…
Tài liệu tham khảo:
“Cựu Đô Bách Thoại của Từ Lăng Tiêu”; “Vạn Sự Do Lai” của Vương Bính Kiệt; “Sơn Gia Thanh Cung” của Lâm Hồng; “Marco Polo Du Ký”; “Minh Sử – Hậu Phi Truyện”; “Minh Thư – Ý Văn Hoàng Thái Tử Kỷ”; “Minh Thái Tổ Thực Lục”; “Ẩm Thiện Chính Yếu” của Hốt Tư Tuệ triều Nguyên; “Thiệt Tiêm Thượng Đích Thiểm Tây” của Diêm Thành Công; “Hỏa Tinh Thị Tử” của Trần Trung Trực; “Tây An Truyền Thống Phong Vị Tiểu Cật”; “Tây An Phong Vị Tiểu Cật”.
Chú thích:
Trầm Tĩnh thực hiện
Lý Mai biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ