Leonardo da Vinci: Nắm bắt ánh sáng của Thần
Một cuộc triển lãm mới của Viện bảo tàng Louvre cho thấy vị thế quan trọng của hội họa trong cuộc đời của nghệ thuật gia Leonardo da Vinci.
PARIS— Theo Phúc âm Giăng, sứ đồ Thomas không tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu cho đến khi nhìn thấy và chạm vào vết thương của Ngài. Chúa Giêsu thực sự đã mời môn đồ Thomas đến để tận mắt chứng kiến, nhưng Ngài nói với anh ta (trong Phiên bản King James mới), “Thomas, vì con đã thấy ta, nên con đã tin. Phúc cho ai chưa thấy mà tin.”
Nhà điêu khắc vĩ đại người Ý, Andrea del Verrochio đã mất 16 năm để ghi lại cảnh tượng này trong bức tượng đồng “Chúa Giêsu Christ và Thánh Thomas.” Thánh Thomas gần như mỉm cười, hạnh phúc khi gặp lại Chúa; một tay ngần ngại, kiếm tìm vết thương từ Đấng cứu tinh của mình, nhưng lại dừng ngay giữa chừng. Những gì mà Thomas phát hiện ra vào ngày hôm đó là sự hoài nghi của chính ông.
Chúa Giêsu và Thánh Thomas
Năm 1467, họa sĩ Verrocchio chào đón một cậu học trò trẻ mới vào xưởng của mình, cùng năm đó ông cũng bắt đầu tạc bức tượng. Cậu bé 17 tuổi, và những bức tranh được cha cậu giới thiệu đầy hứa hẹn; dường như có một tương lai tươi sáng đang chờ đón cậu phía trước.
Và do đó, khi chứng kiến bức tượng trong xưởng vẽ và đối mặt với sự hoài nghi của Thomas, cậu học trò đó đã thấy, đã tin và hiểu ra. Tên của cậu là Leonardo da Vinci.
Tác phẩm “La Scapiliata” của da Vinci
Giống như mọi học trò khác, Leonardo đã không đụng đến bất kỳ cọ vẽ nào trong năm đầu tiên của mình – ngoại trừ việc làm sạch chúng. Cậu bé đã được tiếp cận những phương pháp vẽ tranh từ người thầy của mình. Tương truyền rằng Leonardo được giao nhiệm vụ vẽ một thiên thần trên bức tranh “Lễ rửa tội của Chúa Kitô.” Thiên thần đẹp đến nỗi người thầy Verrochio khi nhìn thấy cậu học trò nhỏ tuổi vượt qua mình, đã không bao giờ cầm cọ lên vẽ nữa
Tìm kiếm sự hoàn hảo
Nghệ thuật gia Leonardo da Vinci thu hút rất nhiều sự cường điệu. Theo Louis Frank, giám đốc của cuộc triển lãm mới tại Bảo tàng Louvre, số lượng sách về Leonardo “thực sự khổng lồ.” Những nỗ lực của những người phụ trách cũng đáng kinh ngạc không kém.
Những giám đốc phụ trách nghệ thuật như Louvre Louis Frank và Vincent Delieuvin đã làm việc hơn mười năm để xây dựng triển lãm dành riêng cho thiên tài người Ý. Biến thành nhà ngoại giao, những người phụ trách phải xin phép Nữ hoàng Elizabeth cho các bức vẽ từ Bộ sưu tập Hoàng gia Windsor, từ Phòng trưng bày Accademia ở Venice cho họa phẩm “Người đàn ông Vitruvian” – gần như đã bị họ từ chối, và Bảo tàng Hermitage ở St.Petersburg, Nga, cho bức tranh “Thánh Mẫu Benois”
Từ thời đại công nghiệp, nơi những bức phác thảo máy bay của ông đã khiến người ta kinh ngạc tưởng như nín thở, đến bộ phim Mật mã Da Vinci,” khám phá bí mật của bậc thầy (như cách viết qua gương nổi tiếng), Leonardo đã trở thành huyền thoại qua hàng bao thế kỷ. Danh tiếng của người họa sĩ Florentine đã ban tặng cho ông một vầng hào quang bí ẩn, cũng như một kho tàng thư tịch đồ sộ.
Cuối cùng, bảo tàng Louvre đã thành công trong việc thu thập 140 tác phẩm của ông, bao gồm một số lượng sách ký họa và nghiên cứu đầy ấn tượng. Nhưng ở đây, những họa phẩm dường như là xuất sắc nhất, hơn bất kỳ loại hình nào khác.
“Ngày nay, chúng ta nhìn thấy Leonardo như thể ông lạc bước vào một mê cung khám phá khoa học đầy phi thường, nhưng hội họa vẫn luôn là trọng tâm của cuộc đời ông. Đó là mối quan tâm đặc biệt của ông. Đối với ông, chúng đã được nâng lên tầm khoa học. Ông đã biểu đạt “khoa học Thần tính,” Ông Frank giải thích.
“Một số người tin rằng Leonardo không thích vẽ tranh vì ông vẽ quá ít tác phẩm. Tuy nhiên, điều đó là không chính xác. Ông ấy đã dùng cả đời của mình để làm việc trên những bức tranh, và một số bức trong chúng vẫn chưa bao giờ được hoàn thành.” Ông nói.
Luận thuyết về hội họa của Leonardo, “Codex Urbinas,” đã không đề cập rõ ràng đến đức tin Cơ đốc giáo. Nhưng thế giới Thần thánh có ý nghĩa đặc biệt đối với ông, cũng như đối với nhiều người cùng thời của ông. Như thể hội hoạ đã giúp ông vươn lên và chạm được mục tiêu cao cả hơn so với những con người phàm trần. Leonardo đã viết trong “Codex Urbinas,” Thần học vốn là kiến thức về hội họa biến tâm trí người họa sĩ giống đạt đến cảnh giới thiên đàng.”
Ánh quang huy của những vị Thần
Thần học về ánh sáng đã dẫn lối cho việc xây dựng các thánh đường từ thế kỷ 12 theo phong cách Gothic, cho rằng các cửa sổ kính màu biến đổi ánh sáng vật lý thông thường thành ánh sáng thiên đường theo cách mà nó có thể chiếu rọi vào các nhà thờ và soi sáng, chỉ dẫn cho tất cả những tín đồ.
Trong suốt thời kỳ Phục hưng, đà phát triển của những nghệ sĩ Ý là không gì cản nổi — tác phẩm của họ đã vượt qua tất cả những gì đã được sáng tạo trước đó. Theo Arnaud Hu, một giáo sư lịch sử nghệ thuật đã đến thăm buổi triển lãm, trong khi các trường phái hội họa khác tồn tại bên ngoài nước Ý, chẳng hạn như Trường phái Flemish, nhưng người Ý là những người duy nhất nhìn thấy tiềm năng vi diệu của hội hoạ để biểu đạt ánh sáng.
“Các họa sĩ đã học về Thần học Ánh sáng, truyền cảm hứng cho việc tạo ra các cửa sổ kính màu. Và công việc về ánh sáng của các nghệ nhân ở những nhà thờ được phát triển tiếp tục với các họa sĩ người Ý. Mục đích là để thể hiện ánh sáng linh thiêng, huyền ảo khi nhìn vào những bức tranh,” Ông Hu nói. Một số kỹ pháp, chẳng hạn như chiaroscuro( kỹ thuật vẽ ánh sáng- bóng tối,) sau này được danh hoạ Caravaggio phổ biến. Nhưng mục đích luôn là để biểu hiện ánh sáng của những vị Thần.
Kết quả là, Leonardo đã sáng tạo ra hiệu ứng “sfumato” nổi tiếng của mình (bắt nguồn từ thuật ngữ “tan biến như khói,”) một hiệu ứng quang học giúp làm mịn các đường viền và tăng cường màu sắc, độ sáng của những nhân vật được miêu tả.
Vào năm 2010, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một công nghệ được gọi là phép đo phổ huỳnh quang tia X để cố gắng tìm ra bí mật kỹ pháp của Leonardo.
Tác phẩm Virgin of the Rocks
Và họ đã khám phá ra lời giải pháp. Sau khi hoàn thành xong bức tranh của mình, Leonado đã phủ lên các lớp láng mờ (lớp màu trong suổt có màu sẫm.) Các nghệ sĩ có thể chồng nhiều lớp màu láng khác nhau để có được hiệu ứng thị giác về độ trong suốt. Sự phủ chồng của các lớp màu sắc khác nhau này đã tạo ra một vẻ ngoài như sương khói.
Trong trường hợp kỹ pháp sfumato của Leonardo, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều lớp được vẽ cách nhau các phút, có kích thước từ 1 đến 2 micromet, được phủ chồng lên nhau, những lớp này mỏng đến mức bạn khó mà tưởng tượng được.
“Hiệu ứng mang một vẻ đẹp huyền bí và mượt mà hấp dẫn. Những gì chúng tôi nhìn thấy không phải là sự pha trộn màu sắc từ bảng màu của nghệ sĩ, mà là sự phủ chồng các màu sắc thông qua lớp màu láng mờ,” ông Hu giải thích.
Ánh sáng ảo diệu khó nắm bắt này đã làm tăng cường tính biểu cảm của các nhân vật và vẻ đẹp của khung cảnh.
Theo Frank, Leonardo đã học cách khắc họa tinh hoa của cuộc sống trong những chuyển động, điều gọi là xung đột giữa tâm trí của con người và những cảm xúc sâu thẳm bên trong của một người, như được thể hiện trong bức tượng “Chúa Giêsu Christ và Thánh Thomas” từ người thầy ông tạc nên. Tư thế của thánh Thomas ngụ ý một ước muốn mạnh mẽ được đoàn tụ và diện kiến Chúa Giêsu, nhưng bàn tay của ông dường như do dự. Ở một góc độ khác, thật khó để biết Thomas đang cười hay đang nghĩ về điều gì khác, vì sự nghi ngờ của ông đã thách thức ông vào thời khắc đó.
“Trong khuôn khổ của nghệ thuật tôn giáo, Leonardo đã tìm cách lĩnh hội những ý nghĩa sâu xa.” Tâm trí của Đức Trinh nữ nghĩ gì khi quan sát Chúa Giêsu chơi đùa với chú cừu*, điều tượng trưng cho sự hy sinh và sứ mệnh cuối cùng của Ngài chăng? Nụ cười của bà vừa vui mừng vừa bi thương. Bà cố gắng giữ Ngài lại, nhưng bà nhận ra rằng chú cừu non là trách nhiệm cuối cùng của Ngài,” Frank nói thêm.
Khi Leonardo đến Pháp quốc theo lời mời của Vua Francis I, nơi ông sẽ sống trong ba năm tiếp theo của cuộc đời, ông đã mang theo ba bức tranh: “Mona Lisa”, “Trinh nữ và Chúa Hài Đồng với Thánh Anne,” và “Thánh John the Baptist.” Đây là ba tác phẩm chưa hoàn thành mà ông đã dành phần đời còn lại của mình để cố gắng hoàn thành — và có lẽ, để thấu hiểu.
Chú thích của dịch giả:
Cừu là hình ảnh biểu tượng cho những tín hữu Kitô với hình tượng con chiên được Thiên Chúa chăn dắt, cừu non cũng là biểu tượng cho sự vô nhiễm nguyên tội theo quan niệm của Công giáo.