Người đa tài và niềm hạnh phúc của những người không chuyên
Một số người cho rằng khi thời kỳ chuyên môn hóa mở ra, cũng là lúc khép lại thời kỳ của những con người đa tài. Trong các lĩnh vực y học, luật và một số ngành nghề khác, những người hành nghề này đang tập trung phát triển khả năng vượt trội của họ trong một lĩnh vực cụ thể, và có một sự chuyển đổi đã xảy ra trong cuộc đời của tôi.
Chú tôi là một bác sĩ gia đình, đã làm nghề y ở vùng nông thôn Pennsylvania và sau đó ở Bắc Carolina trong nhiều năm. Trong 15 năm đầu tiên của sự nghiệp, chú Russ là người bảo sanh cho hàng trăm em bé và thực hiện nhiều ca tiểu phẫu. Từ khi nghỉ hưu, chú không còn làm những công việc này trong rất nhiều năm. Việc mở rộng, phát triển hệ thống phòng khám, bệnh viện với đội ngũ bác sĩ chuyên môn đảm nhiệm những công việc này. Vậy những người có kiến thức rộng và đa tài đã hết thời? Thời đại ngày nay còn có thể sản sinh ra những người đa tài hay không?
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Mẫu hình những người đa tài
Khi nghe đến thuật ngữ “người đa tài năng”, ấn tượng đầu tiên của chúng ta có thể nghĩ ngay đến những người như Michelangelo hay Leonardo da Vinci ở nước Ý vào thế kỷ 15 và 16. Nhiều người mơ hồ biết rằng Leonardo da Vinci là một danh họa, nhưng còn hơn thế nữa, ông còn là một nhà khoa học, nhà phát minh và một kỹ sư.
Đất nước Hoa Kỳ cũng có những nhân vật đa tài. Ngoài việc mang đến cho chúng ta Tuyên ngôn về quyền của bang Virginia và các văn bản pháp lý quan trọng khác trong lịch sử, Tổng thống Thomas Jefferson còn là một kiến trúc sư nghiệp dư, nhạc sĩ, nhà phát minh và một nhà nông học. Người cùng thời với ông, Benjamin Franklin, cũng là một nhà phát minh, nhà khoa học, nhà ngoại giao, nhà văn và là người sáng lập ra các sở cứu hỏa tình nguyện và thư viện cộng đồng cho Hoa Kỳ.
Trong suốt chiều dài lịch sử, nhiều người phụ nữ cũng có được danh tiếng vì sự đa tài và sở trường ở phạm vi rộng. Hildegard of Bingen (1098–1179), không chỉ là một trưởng tu viện, bà còn là một nhà soạn nhạc, nhà viết kịch, nhà thơ và nhà thực vật học. Hedy Lamarr (1914–2000), nữ diễn viên người Mỹ gốc Áo là một trong những huyền thoại màn bạc Hollywood thập niên 40, không chỉ vậy, bà còn làm việc trong lĩnh vực thiết kế máy bay và hệ thống dẫn đường bằng tần số vô tuyến cho ngư lôi của lực lượng Đồng minh trong Thế chiến II. Đến năm 2014, nhiều năm sau khi bà qua đời, tên Lamarr được đưa vào Đại sảnh Danh vọng các nhà phát minh quốc gia.
Những tài năng vô danh
Nhưng không phải tất cả những người đa tài đều xuất hiện trong quá khứ.
Một giáo sư đại học của tôi, Henry Hood, là một nhà sử học lỗi lạc. Khi tham gia một số lớp của ông, tôi chưa từng thấy ông dùng đến những bản ghi chú. Hơn nữa, ông còn là một họa sĩ nghiệp dư, một người làm vườn, một người đam mê các loại rượu hảo hạng, ông có thể chơi piano, kèn túi (của những người chăn cừu ở Ê-Cốt) và đàn harpsichord (một nhạc cụ có bộ dây phím cổ). Một lần, Tiến sĩ Hood nói với tôi, “Khi tôi trở về nhà sau một ngày làm việc, tôi chơi đàn harpsichord, đọc những cuốn sách cũ và quay trở về thế kỷ 18”.
Gần đây, trong một lần phỏng vấn một phụ nữ cho thời báo The Epoch Times, tôi phát hiện ra cô không chỉ là một cựu nhân viên ngân hàng, một nhà trị liệu tâm lý, mà cô còn nói thông thạo tiếng Đức, có khả năng bắn súng trường thiện nghệ, yêu thích opera, chèo thuyền kayak, từng đi du lịch và sống trên khắp đất nước Hoa Kỳ.
Với những người còn lại
Khi nhìn vào những người tài năng này, đặc biệt là các nhân vật lịch sử, chúng ta có thể cảm thấy thiếu tự tin bởi thành tích và kiến thức chuyên môn của họ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chúng ta thường tự nhủ: “Tôi chẳng thể là da Vinci hay Thomas Jefferson”, trong hầu hết các trường hợp, có lẽ chúng ta đã đúng. Trên trái đất vẫn luôn có những người với trí thông minh tuyệt vời và tài năng xuất sắc đến nỗi họ làm lu mờ các thành tựu của những người còn lại.
Tuy nhiên, chúng ta không nên suy một chiều như vậy. Như trường hợp về người hàng xóm của tôi, cô là một người vợ và mẹ của hai bé gái dưới 5 tuổi, là một đầu bếp xuất sắc, là người làm vườn, mùa xuân vừa qua cô đã học được nhiều kiến thức làm vườn từ một người phụ nữ lớn tuổi, cô còn là huấn luyện viên đội chạy việt dã của một trường đại học nữ. Còn có một người đàn ông trẻ tuổi mà tôi biết ở Asheville, Bắc Carolina, anh là một luật sư thành đạt, một doanh nhân xuất sắc, là người chồng, người cha đáng yêu, và anh còn dạy các lớp học Chủ nhật cho thanh thiếu niên và giúp đỡ vợ trong việc dạy con ở nhà.
Theo tôi, chúng ta có thể không tài năng như Leonardo da Vinci, nhưng nếu chúng ta trung thực đánh giá bản thân và những người xung quanh, chúng ta có thể phát hiện bạn bè, người thân trong gia đình và hàng xóm của mình có những kỹ năng vượt trội mà ngay chính bản thân họ cũng không tự nhận ra. Để đánh giá họ như những người đa tài thì hơi quá, nhưng họ là những người nghiệp dư với khát vọng và niềm tự hào về thành quả và có sở thích cá nhân.
Hãy thử trải nghiệm!
Tôi rất tâm đắc với câu nói của G.K. Chesterton ngay từ lần đầu tiên tôi đọc nó cách đây nhiều năm: “Bất cứ việc nào đáng làm thì việc đó là tồi tệ”.
Một nha sĩ nghỉ hưu, người có thể đã từng khám chữa răng cho bạn, ông thực hiện lời khuyên của Chesterton khi thực hiện điêu khắc gỗ hình những hiệp sĩ và phụ nữ xinh đẹp cho các cháu của mình, những sản phẩm điêu khắc gỗ của ông chưa xứng với bảo tàng hoặc phòng trưng bày nghệ thuật, nhưng mang lại niềm vui cho ông và bọn trẻ.
Một cô giao dịch viên trẻ tuổi trầm tính, người có thể đã từng xử lý các giao dịch ngân hàng của bạn và trở về nhà vào tối muộn, cô ôm cây đàn guitar và hát làn điệu dân ca hay các ca khúc blues. Cô chưa từng thu âm, nhưng lời ca, tiếng đàn của cô mang lại sự trọn vẹn và niềm hạnh phúc cho buổi tối của mình.
Còn bạn, bạn đang đợi chờ điều gì?
Khi chúng ta theo đuổi hoạt động nào đó với tình yêu hay niềm đam mê lâu dài, chúng ta có thể bổ sung thêm vốn kỹ năng cho mình, đồng thời tìm thấy sự thỏa mãn sâu sắc trong việc đạt được các thành quả.
Minh Vi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times