Lãnh đạo Belarus gặp Tổng thống Putin tại Moscow để thảo luận về hiệp ước liên minh quan trọng
Hôm 06/04, Tổng thống (TT) Belarus Alexander Lukashenko và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã tổ chức một cuộc họp tại Moscow để thảo luận về một hiệp ước hợp tác kinh tế và quốc phòng đã tồn tại hàng thập niên giữa hai nước.
Có hiệu lực từ năm 1999, hiệp ước Nhà nước Liên minh có mục đích củng cố mối bang giao giữa hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này.
Theo hãng thông tấn TASS của Nga, ông Putin cho biết tại cuộc họp, “Nga và Belarus đang tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh và sẽ tiếp tục làm như vậy.”
“Điều này hiện rất quan trọng, trong bối cảnh tình hình quốc tế hỗn loạn.”
Về phần mình, ông Lukashenko cho biết Nhà nước Liên minh đã tạo ra một “hệ thống phòng thủ và an ninh hiệu quả,” trong đó có một nhóm lực lượng chung trong khu vực và một hệ thống phòng không chung.
Hôm 05/04, ông Lukashenko đã đến Moscow để tham dự một cuộc họp của Hội đồng Nhà nước Tối cao song phương về hiệp ước Nhà nước Liên bang của Nga và Belarus.
Cuộc họp này diễn ra hai tuần sau khi Moscow tiết lộ kế hoạch khai triển vũ khí hạt nhân ở Belarus — một hành động bị các thủ đô phương Tây lên án mạnh mẽ.
Các hành động quân sự chung làm dấy lên lo ngại
Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine hồi đầu năm ngoái (2022), sự hợp tác quân sự giữa Moscow và Minsk đã tăng lên theo cấp số nhân.
Hồi tháng 10/2022, hai nước này đã thành lập một nhóm lực lượng chung trong khu vực (RGF) gồm các binh lính Nga và Belarus. Ngay sau đó, Moscow đã điều động hàng ngàn quân nhân — và một lượng vũ khí quân sự đáng kể — đến Belarus.
Trong khi đó, Không Lực Nga bắt đầu mở các chuyến bay tuần tra qua biên giới dài khoảng 675 dặm (1,086 km) của nước này với Ukraine.
Những hành động này làm dấy lên lo ngại rằng Belarus có thể được sử dụng làm một bàn đạp cho một cuộc tiến công cuối cùng của Nga vào Kyiv — như đã thấy trong những tuần mở màn của cuộc xung đột này.
Thủ đô của Ukraine chỉ cách biên giới Belarus 95 dặm (152 km).
Hồi tháng 12/2022, Minsk thông báo rằng các hệ thống hỏa tiễn Iskander và S-400 do Nga khai triển đã hoạt động trên lãnh thổ Belarus, làm tăng thêm các mối lo ngại về leo thang chiến tranh.
Cũng trong tháng đó, ông Putin đã có một chuyến thăm hiếm hoi tới Minsk để thảo luận kín với các quan chức Belarus. Tháp tùng ông là các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao và họ cũng đã gặp những người đồng cấp Belarus.
Sau đó, ông Putin xác nhận rằng hai nước sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung trong khuôn khổ RGF.
RGF tuyên bố sẵn sàng chiến đấu
Belarus vẫn chưa một đóng vai trò tích cực trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ hai.
Ông Lukashenko đã nhiều lần nói rằng ông không có kế hoạch gửi quân đội Belarus tới Ukraine để chiến đấu bên cạnh các lực lượng Nga.
Tuy nhiên, hôm 06/04, giám đốc huấn luyện chiến đấu của quân đội Belarus cho biết các đơn vị RGF — tức là các lực lượng của Belarus và Nga — sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ “bảo vệ Nhà nước Liên minh bất cứ lúc nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào.”
Ngoài hiệp ước Nhà nước Liên minh, Belarus còn là một thành viên của một số khối khu vực do Moscow đứng đầu, trong đó có Cộng đồng các Quốc gia Độc lập và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
Nước này cũng đang trên đà trở thành một thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào cuối năm nay.
SCO, một khối đáng gờm gồm các quốc gia ở lục địa Á-Âu, đã được Moscow và Bắc Kinh thành lập hồi năm 2001. Tổ chức này đại diện cho khối khu vực lớn nhất thế giới về dân số lẫn phạm vi địa lý.
Tổng thống Putin: Hoa Kỳ ‘đã làm điều này trong nhiều thập niên’
Thế nhưng, chính tuyên bố của ông Putin hồi tháng trước (03/2023) rằng Nga sẽ chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Belarus đã khiến các đồng minh phương Tây của Kyiv lo ngại nhiều nhất.
Vẫn chưa rõ khi nào — hoặc có hay không — những chuyến chuyển giao này sẽ diễn ra, nhưng theo ông Putin, việc xây dựng các cơ sở lưu trữ cần thiết đang được tiến hành.
Nếu được thực hiện, thì bước đi này sẽ là lần đầu tiên Moscow chuyển vũ khí hạt nhân ra ngoại quốc kể từ giữa những năm 1990.
Thông báo về hành động này hôm 26/03, ông Putin nói: “Hoa Kỳ đã làm điều này trong nhiều thập niên. Từ lâu họ đã khai triển vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các quốc gia đồng minh.”
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phản ứng bằng cách lên án hành động này và nhắc lại cam kết của mình đối với “sự phòng thủ tập thể của liên minh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương).”
Ukraine không phải là một thành viên của liên minh quân sự phương Tây này, nhưng Kyiv đã nhiều lần bày tỏ mong muốn tham gia.
Theo Ngũ Giác Đài, thông báo của ông Putin đã không đi kèm bất kỳ thay đổi nào trong chính sách hạt nhân chiến lược của Hoa Kỳ.
NATO công kích ‘những lời hứa suông’
Hôm 05/04, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cho biết hành động của Nga trái ngược với một tuyên bố chung gần đây của Moscow và Bắc Kinh rằng các nước nên kiềm chế việc chuyển vũ khí hạt nhân ra ngoài biên giới của họ.
Nói chuyện trước các phóng viên tại Brussels, ông Stoltenberg mô tả khẳng định của Nga-Trung nói trên là “những lời hứa suông” và nhấn mạnh sự cần thiết phải “theo dõi chặt chẽ… những gì Nga đang làm.”
Moscow phản ứng bằng cách tuyên bố rằng NATO đang tiến về phía Nga — chứ không phải ngược lại — và do đó Nga có quyền đáp trả.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 06/04, “Chính NATO đang mở rộng về phía Nga, chứ không phải Nga đang đưa cơ sở hạ tầng quân sự của mình tiến sát biên giới NATO.”
Hai ngày trước đó (04/04), Phần Lan đã chính thức gia nhập liên minh quân sự phương Tây này, nâng tổng số đồng minh NATO lên con số 31. Chuyển biến này cũng giúp tăng gấp đôi chiều dài biên giới đất liền giữa Nga và các quốc gia liên kết với NATO.
Thụy Điển cũng đang trên đà gia nhập liên minh này, bất chấp một lịch sử trung lập lâu dài.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times