Lạm phát của Hoa Kỳ bất ngờ tăng lên 3.4% khi áp lực giá tiếp diễn
Mức tăng lạm phát mới nhất là do giá thực phẩm, nhà ở, và chăm sóc y tế.
Theo báo cáo được công bố hôm 11/01 của Cục Thống kê Lao động (BLS), tỷ lệ lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ đã tăng lên 3.4% trong tháng 12/2023 do áp lực giá cả tiếp tục dai dẳng trên thị trường. Số liệu mới nhất đã tăng từ mức 3.1% của tháng 11/2023 và đã vượt mức kỳ vọng 3.2% của các nhà kinh tế.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng thêm 0.3% so với tháng trước, tăng từ mức 0.1% của tháng Mười Một; mức tăng này cao hơn một chút so với mức ước tính đồng thuận 0.2%.
Lạm phát căn bản, loại trừ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, đã giảm xuống mức 3.9% trong tháng Mười Hai, giảm từ mức 4% của tháng trước đó. Con số này cũng cao hơn mức dự báo 3.8% của thị trường.
CPI căn bản tăng 0.3%, không thay đổi so với tháng Mười Một và phù hợp với kỳ vọng.
Trong tháng Mười Hai, mức tăng CPI chủ yếu là do sự gia tăng các chỉ số thực phẩm, nhà ở, và y tế.
Bất chấp những kỳ vọng rộng rãi rằng giá thuê nhà đã nên phải giảm vào thời điểm hiện tại rồi, chỉ số nhà ở vẫn tăng 0.5% và tăng 6.2% so với cùng thời kỳ năm trước.
Giá thực phẩm tăng 0.2% hàng tháng và tăng 2.7% so với cùng thời kỳ năm trước do chỉ số phụ về thịt, gia cầm, cá, và trứng tăng 0.5% từ tháng Mười Một đến tháng Mười Hai.
Trứng đã tăng giá trở lại, tăng 8.9% so với tháng trước. Nông dân đang lại một lần nữa chứng kiến nhiều ca cúm gia cầm hơn, gây áp lực lên nguồn cung trong khi nhu cầu vẫn còn mạnh.
Trong số các loại thịt, giăm bông ghi nhận mức tăng lớn nhất, tăng 2.6%. Tiếp theo là thịt bò bít tết chưa nấu chín (2.4%), thịt heo (0.3%), và thịt gà (0.1%).
Ở các sản phẩm khác trong chỉ số lương thực, có thể thấy sự kết hợp giữa giá cả tăng và xu hướng giảm phát.
Ví dụ, cà phê đã giảm 0.8% so với tháng trước và giảm 1.6% trong 12 tháng qua. Các nhà quan sát ngành cảnh báo rằng xu hướng đi xuống này có nguy cơ sẽ đảo ngược do mức sản xuất tại các khu vực trồng trọt trọng điểm, như Brazil và Việt Nam dự kiến sẽ giảm do điều kiện thời tiết.
Chỉ số năng lượng tăng 0.4%, dẫn đầu là chi phí điện tăng 1.3%. Giá xăng cũng nhỉnh lên thêm 0.2% sau khi giảm 6% trong tháng trước.
Sản phẩm may mặc tăng 0.1%, xe mới tăng 0.3%, xe hơi và xe tải đã qua sử dụng tăng 0.5%, và hàng hóa trong lĩnh vực chăm sóc y tế giảm 0.1%.
Tuy nhiên dù lạm phát hàng hóa đã chậm lại trong năm qua — đã có những trường hợp giảm phát — thì giá dịch vụ vẫn ở mức cao.
Về phương diện dịch vụ, các lĩnh vực chăm sóc y tế và vận tải đã tăng lần lượt 0.7% và 0.1%.
Kể từ tháng 08/2023, tỷ lệ lạm phát dịch vụ đã chững lại ở mức khoảng 5.2%. Theo biên bản cuộc họp chính sách tháng Mười Hai từ Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed, các quan chức khẳng định rằng tiến trình giảm lạm phát “không đồng đều giữa các thành phần” do giá các dịch vụ cốt lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, “vẫn tăng ở tốc độ cao.”
Hướng về chỉ số CPI tháng Một, mô hình dự báo lạm phát Inflation Nowcasting của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland cho thấy tỷ lệ lạm phát hàng năm ở mức 2.9% và chỉ số CPI căn bản ở mức 3.8%.
Ngoài ra, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) và PCE cốt lõi ưa thích của Fed được chứng kiến giảm lần lượt xuống 2.3% và 2.8% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Ông Greg McBride, nhà phân tích tài chính trưởng tại Bankrate, nói với The Epoch Times rằng chỉ số lạm phát vào tháng tới sẽ có “các điểm vấn đề thông thường” và “một lĩnh vực có vấn đề dai dẳng”: nhà ở và bảo hiểm xe cơ giới.
“Đó là hai vấn đề kéo dài hàng tháng,” ông nói. “Lúc nào chúng ta mới bắt đầu có thể thấy một chút cải thiện trên phương diện đó? Vì vậy, tôi nghĩ đó thực sự là điều mọi người sẽ chú tâm vào.”
Ông cũng tin rằng các nhà quan sát sẽ tìm kiếm xu hướng “áp lực giá vừa phải mở rộng” trong dữ liệu CPI sắp tới.
Phản ứng của thị trường
Thị trường tài chính đã có những tín hiệu trái chiều trong giao dịch trước giờ mở cửa thị trường sau dữ liệu lạm phát mới nhất.
Chỉ số USD Index (DXY), thước đo đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, đã bù lại được mức giảm trong phiên giao dịch đầu giờ.
Lợi suất công khố phiếu đã tăng lên trên diện rộng, với lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn ở mức khoảng 4.04%.
Ông Giuseppe Sette, chủ tịch công ty nghiên cứu đầu tư dựa trên trí tuệ nhân tạo Toggle AI, cho biết các nhà phân tích thị trường cảnh báo rằng những số liệu gần đây có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất, mang lại lợi thế cho đám đông cho rằng “lãi suất sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn.”
Ông Sette nói trong một ghi chú, “Bên ‘cao hơn trong thời gian dài hơn’ đã có thêm một luận điểm nữa trong lập luận của họ: với chỉ số CPI cao hơn một chút so với dự kiến… Fed khó có thể nói rằng áp lực lạm phát đã được chế ngự, đặc biệt là khi đối diện với một thị trường việc làm mạnh mẽ.”
“Trong toàn bộ lịch sử của Fed, lãi suất luôn được giữ ở mức cao hơn đáng kể so với lạm phát trong bất kỳ kịch bản nào trước khi xảy ra suy thoái kinh tế. Báo cáo CPI lần này sẽ đẩy đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên ra xa hơn, thậm chí có thể không phải trong năm 2024 nữa.”
Với việc tỷ lệ lạm phát đã chậm lại và nền kinh tế Hoa Kỳ có dấu hiệu giảm tốc, các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho việc cắt giảm lãi suất sớm. Thị trường tương lai đã định giá cắt giảm lãi suất ngay từ tháng Ba, mặc dù nhiều nhà kinh tế cho rằng tháng Sáu là thời điểm có nhiều khả năng xảy ra cắt giảm lãi suất hơn.
Tháng trước (12/2023), Fed đã kích hoạt một đợt tăng giá mạnh trên thị trường tài chính bằng cách phát đi tín hiệu về ba đợt cắt giảm lãi suất vào năm 2024 trong bản Tóm tắt Dự báo Kinh tế của cơ quan này.
Người tiêu dùng lạc quan về xu hướng lạm phát
Kể từ năm 2021, lạm phát tích lũy đã ở mức khoảng 18%, dẫn đến những quan điểm chua chát về bối cảnh kinh tế hiện tại. Sau nhiều năm chịu đựng lạm phát nặng nề, người tiêu dùng dường như đã lạc quan hơn về tương lai của giá cả.
Khảo sát về kỳ vọng người tiêu dùng (SCE) của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho thấy kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng trong năm tới đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp xuống còn 3% trong tháng Mười Hai, mức thấp nhất kể từ tháng Mười Hai năm 2021. Con số này đã giảm từ mức 3.4% trong tháng Mười Một.
Kỳ vọng lạm phát đối với 3 và 5 năm tới lần lượt giảm xuống còn 2.6% và 2.5%.
Kỳ vọng lạm phát thực phẩm và tiền thuê nhà lần lượt giảm 0.3% xuống 5% và 0.7% xuống 7.3%. Dự báo về giá nhà, xăng, và chăm sóc y tế không thay đổi. Chi phí giáo dục đại học tăng 0.5% lên 6.3%.
Dữ liệu của ngân hàng trung ương khu vực này cho thấy tài chính gia đình cũng đang được cải thiện. Ít người được hỏi cho rằng điều kiện tài chính hiện tại của gia đình họ đang kém hơn so với một năm trước hoặc sẽ kém hơn trong năm tới.
Người tiêu dùng cũng lạc quan hơn về các điều kiện tín dụng vì “kỳ vọng về khả năng tiếp cận tín dụng trong vòng một năm kể từ bây giờ đã được cải thiện, với phần lớn người được hỏi mong đợi các điều kiện tín dụng được nới lỏng hơn và một tỷ lệ thấp hơn trong số những người được hỏi kỳ vọng các điều kiện tín dụng sẽ thặt chặt hơn trong vòng một năm kể từ bây giờ.”
Hạ cánh mềm
Chính phủ đương nhiệm cho rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đã đạt được kịch bản hạ cánh mềm như mong đợi, một kịch bản mà lạm phát thấp hơn trong khi thị trường lao động vẫn nguyên vẹn không bị suy thoái.
“Những gì chúng ta đang chứng kiến bây giờ, tôi nghĩ chúng ta có thể mô tả là một cuộc hạ cánh mềm, và tôi hy vọng rằng xu hướng này sẽ tiếp tục,” Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen nói với CNN sau báo cáo việc làm tháng Mười Hai hôm 05/01. “Hướng đi mà nền kinh tế và lạm phát đang đi theo cho thấy [Fed] đã đưa ra một loạt quyết định đúng đắn.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times