Kỳ quan nền văn minh: Gương đồng dự đoán tương lai, chậu cá âm dương như đài phun nước
Gương đồng được người xưa đúc chủ yếu dùng để chỉnh trang quần áo, chỉnh sửa dáng vẻ, ngoài ra còn có một số gương đồng khác thường có công năng đáng kinh ngạc như truyền ánh sáng, phát ra âm thanh, gương báo điềm v.v. Bậc thầy khoa học thời Tống là Thẩm Quát rất ca ngợi nó. Ngoài ra còn có chậu cá Âm Dương, cũng thể hiện những tuyệt kỹ ẩn chứa trong đồ đồng của Trung Hoa.
Gương lồi
Lúc người xưa đúc gương đồng, gương lớn được đúc thành loại phẳng, gương nhỏ được đúc thành cầu lồi. Vì gương phẳng nếu quá nhỏ sẽ không thể phản chiếu toàn bộ khuôn mặt, nếu là gương hơi lồi thì có thể giảm kích thước của vật cần chiếu xuống, để người dùng có thể nhìn thấy toàn bộ khuôn mặt của mình. Khi đúc, có thể nắm được chính xác kích thước của gương đồng cần đúc, và phù hợp với kích thước khuôn mặt của người sử dụng để tăng kích thước gương cầu lồi, giúp người dùng có thể nhìn thấy toàn bộ khuôn mặt của mình khi nhìn vào gương. Đây là sự khéo léo của những người thợ làm gương cổ.
Ngoài ra, có một số gương đồng bí ẩn mà ngay cả bậc thầy khoa học cổ đại của Trung Quốc là Thẩm Quát cũng không hiểu được bí ẩn.
Gương thấu quang
Trong nhà của khoa học gia thời Tống là Thẩm Quát (1031-1095) có ba chiếc gương đồng rất xưa cũ, một trong số đó có thể thấu quang (ánh sáng có thể xuyên thấu). Nguyên lý chế tạo nó là một bí ẩn. Ông đã nhìn thấy một chiếc gương đồng có hình dạng giống như thế trong nhà của người khác, nhưng nó không thể thấu quang.
Phía sau gương đồng có họa tiết, còn có một dòng văn cổ gồm 20 ký tự. Với kiến thức sâu rộng của Thẩm Quát, ông cũng không thể đọc được những dòng chữ này.
Hiệu quả thấu truyền ánh sáng của gương này như thế nào? Khi một người đứng trước bức tường và cầm gương này đối diện với ánh sáng mặt trời, các hoa văn mặt sau của gương đồng và 20 chữ khắc sẽ được chiếu lên trên tường, vô cùng rõ ràng. Làm thế nào chiếc gương đồng này có thể truyền ánh sáng? Nó được làm như thế nào? Có phải do đồng mỏng? Tuy nhiên, một số gương đồng mỏng hơn thế này và không thể thấu quang. Việc sản xuất gương này thực sự là một điều kỳ bí.
Gương phát ra âm thanh
Thẩm Quát tìm được một gương đồng xưa cũ ở Hào Châu, tiếng nó phát ra rất đặc biệt. Khi tay một người chạm vào giữa gương sẽ phát ra âm thanh như mai rùa đang bốc cháy. Có người cho rằng đây là một chiếc gương kép và ẩn giấu huyền cơ nào đó ở bên trong. Tuy nhiên, nếu là gương kép rỗng thì khi đúc gương đồng không thể nguyên khối mà phải hàn lại với nhau để kết hợp hai mặt, nhưng gương cổ này rất mỏng, không tìm thấy vết hàn. Mà thanh âm của gương đồng này càng lúc càng trong và vọng xa, hoàn toàn không có tiếng hàn tắc nghẽn.
Hơn nữa, gương đồng làm bằng đồng nguyên chất không thể có âm thanh trong và sáng như vậy, còn gương đồng cứng làm bằng đồng hợp kim sẽ tạo ra tiếng vỡ khi mặt gương bị đè nén. Thẩm Quát đã đến thăm nhiều thợ làm gương thời nhà Tống, nhưng ông không biết sự thật bí ẩn về “chiếc gương phát ra âm thanh” này.
Gương dự đoán điềm báo
Trong những năm Gia Hữu thời nhà Tống, có một tăng lữ đất Ngô mang theo một cái gương đồng đến nhà Thẩm Quát. Gương đồng này là một báu vật kỳ lạ, quý ở chỗ nào?
Vị tăng nhân nói: “Sau khi trai giới xong nhìn vào gương này có thể dự báo điềm cát hung trước khi lên đường”.
Thẩm Quát thử làm theo lời của nhà sư, và tấm gương quả nhiên cho thấy dáng vẻ của một quan chức đang tọa vị, trên người mặc trang phục màu đỏ thẫm. Vào thời điểm đó, Thẩm Quát đang giữ chức Kinh tự thừa, và quan phục là màu xanh lá cây. Thử nghĩ xem vô duyên vô cớ làm thế nào có thể đột ngột vươn lên vị trí quan ngũ phẩm mặc quan phục màu đỏ thẫm? Tuy nhiên, sau mấy tháng, hoàng thượng đương triều băng thệ, Tống Anh Tông lên ngôi, rộng ban ân trạch, Thẩm Quát cũng được dự phong ban thưởng, và dự đoán của chiếc gương quý kia đã thành hiện thực.
Vài năm sau, khi vị tăng nhân này đến kinh sư, Ngự sử lúc đó là Thái Cảnh Phồn cũng soi gương và thấy người đàn ông trong gương đội mũ điêu thiền (*loại mũ dùng lông con điêu và ve sầu trang trí, còn gọi là lủng cân điêu thiền). Vào thời nhà Tống, loại mũ này được các vị có chức quan lớn của Trung thư môn hạ tỉnh đội. Chỉ vài ngày sau, ông ta được thăng chức, đúng như dự đoán, ông ấy đội mũ điêu thiền, và dự đoán của gương quý một lần nữa trở thành sự thật. Nhưng những gì chiếc gương này dự đoán là chuyện xảy ra trong tương lai gần.
Chậu cá âm dương
Khi tác giả còn nhỏ, đã nhìn thấy một chậu đồng, hình dáng bề ngoài giống một chậu rửa bình thường, trên thành chậu có hai cái tai. Khi xoa chậu đồng bằng cả hai tay, dường như tần số của sóng xung kích sẽ phát ra âm thanh, và nước sẽ phun lên cao, giống như một đài phun nước. Trong một cửa hàng tại khu phố Tàu Nam Kinh ở Kobe, Nhật Bản, cũng có một chiếc chậu đồng tương tự, chậu tương đối mới và chưa bị gỉ, tuy nhiên khi hai cái tai của chiếc chậu đồng này bị cọ xát và rung lên, những giọt nước như một đài phun nước sẽ phun ra, đồng thời có thể được nhìn thấy được bóng màu xanh lục.
Chậu đồng này vốn là sản phẩm thành tựu của khoa học công nghệ về đồ đồng thời Trung Quốc cổ đại, có tên là “Chậu cá âm dương”, sau khi được phát hiện đã được đưa về tàng trữ tại Bảo tàng ở Hàng Châu, Chiết Giang. “Chậu rửa” là một loại chậu đựng nước thời xưa, dùng để rửa tay, vật dụng, đáy chậu làm bằng đồng có khắc hình con cá và hoa văn hình sóng nước nên được gọi là “chậu cá”. Khi xoa chậu, hai tay phải di chuyển theo hướng ngược nhau, một trước một sau, thực hiện theo nguyên lý tương sinh và tương hỗ kiểu “sóng âm dương” (đỉnh sóng và đáy máng). Thêm nước vào chậu, sau đó làm ướt hai tai của chậu đồng và tiếp tục ma sát qua lại, khi tạo ra các sóng xung kích cộng hưởng, các giọt nước sẽ ngay lập tức rung chuyển trong chậu, càng lúc càng cao, phun hướng lên trên, trông như nước suối tuôn trào, đồng thời còn phát ra âm thanh.
Sự rung động của chậu cá bằng đồng xuyên qua môi trường nước, truyền năng lượng cộng hưởng để kích thích cột nước trong chậu, đồng thời, sẽ tạo ra tiếng vang.
Những chậu cá đầu tiên là hiện thân của hiện tượng cộng hưởng về sóng và âm thanh trong vật lý, cho thấy bóng dáng của nền văn minh khoa học công nghệ của thời đại đồ đồng Trung Hoa. Nếu tập hợp nhiều chậu cá lại với nhau để cộng hưởng, phải chăng sẽ có thể có hiệu quả như thiên quân vạn mã đang phi nước đại?
Nếu có thể tìm lại những điều kỳ diệu của nền khoa học công nghệ Trung Hoa cổ đại đã bị lãng quên, thì tiếng vang dẫn khởi sẽ tựa như xung động của vòi nước trong chậu kia.
(Nguồn tư liệu: “Mộng Khê bút đàm” của Thẩm Quát, Tống sử).
Vương Du Duyệt biên tập
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ