‘Kỳ họp lưỡng hội’ của Trung Quốc: Những vấn đề chính trong kỳ họp quốc hội thường niên của chế độ
Quốc hội bù nhìn của Trung Quốc tổ chức các phiên họp toàn thể thường niên, được gọi là kỳ họp lưỡng hội, dự kiến sẽ tập trung vào nền kinh tế.
Quốc hội Trung Quốc dự kiến sẽ tổ chức các phiên họp toàn thể thường niên, được gọi là kỳ họp lưỡng hội, vào đầu tháng Ba tại Bắc Kinh. Báo cáo công việc của chế độ dự kiến sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế và sẽ được thủ tướng trình bày.
Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) và Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) tạo thành kỳ họp “lưỡng hội” của Quốc hội bù nhìn của Trung Quốc. CPPCC và NPC thường được xem là các nghi thức chính trị, căn cứ vào sự nắm giữ quyền lực vững chắc của chế độ.
Kỳ họp lưỡng hội này sẽ triệu tập vào ngày 04 và 05/03 tại Bắc Kinh. Tại đây, các đại biểu do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bổ nhiệm từ nhiều tỉnh khác nhau của Trung Quốc sẽ tề tựu để tham dự các cuộc họp.
Theo truyền thống, bảy ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ sẽ tham gia thảo luận với các phái đoàn từ các khu vực và khối ngành khác nhau. Các vấn đề trong các cuộc thảo luận này thường được xem là những dấu hiệu cho thấy định hướng chính sách trong năm.
Tương lai của nền kinh tế Trung Quốc
Trong hai phiên họp này, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào báo cáo công việc của Thủ tướng Lý Cường, với sự quan tâm đặc biệt đến cách chế độ xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Một số nhà quan sát tin rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 có thể tiếp tục được đặt ở mức khoảng 5%, bằng với mức của năm 2023.
Tuy nhiên, dữ liệu chính thức do ĐCSTQ công bố vào năm 2023 chỉ ra rằng 17 trong số 31 tỉnh ở Trung Quốc không đạt được tốc độ tăng trưởng đã đề ra, trong đó đầu tư giảm ở 9 tỉnh. Các tỉnh có kết quả hoạt động tệ nhất là Thiên Tân, Quảng Tây, Hắc Long Giang, Vân Nam, và Thanh Hải, tất cả đều có mức nợ cao. Tăng trưởng đầu tư ở những khu vực này có thể vẫn bị hạn chế trong năm nay do những rủi ro nợ địa phương.
Ở cấp quốc gia, mục tiêu tăng trưởng đầu tư được hầu hết các tỉnh đặt ra cho năm 2024 đều thấp hơn năm 2023, và chịu ảnh hưởng nặng nề từ các nỗ lực ngăn ngừa, giải quyết các rủi ro nợ của địa phương.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái, và mặc dù chính quyền Trung Quốc đã lặp đi lặp lại các chính sách giải cứu thị trường kể từ đầu năm nay nhưng vẫn chưa thấy những cải thiện đáng kể.
Trong những thách thức như suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, Kỳ họp Lưỡng hội sẽ đóng vai trò là dấu hiệu cho thấy các chính sách tương ứng của ĐCSTQ nhằm khôi phục niềm tin của thị trường. Các chính sách tài khóa nhằm giảm bớt áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp địa ốc, giải quyết nợ của chính quyền địa phương, và kích thích tiêu dùng dự kiến sẽ được đưa ra rộng rãi.
Tân Bộ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc
Kỳ họp lưỡng hội năm nay cũng sẽ tập trung đặc biệt vào việc bổ nhiệm nhân sự mới. Sau khi sa thải cựu Ngoại trưởng Tần Cương và cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lý Thượng Phúc vào năm 2023, các nhà quan sát sẽ theo dõi chặt chẽ liệu Kỳ họp Lưỡng hội này có bổ sung nhân sự mới vào những chỗ trống mà hai quan chức này để lại hay không.
Kể từ khi ông Tần bị cách chức Bộ trưởng Ngoại giao, vai trò này đã tạm thời được ông Vương Nghị, Giám đốc Văn phòng Ủy ban Ngoại vụ Trung ương ĐCSTQ đảm nhận. Đã có những đồn đoán rằng ông Lưu Kiến Siêu (Liu Jianchao), hiện là người đứng đầu Ban Đối ngoại của ĐCSTQ, có thể trở thành tân ngoại trưởng.
Ngày 27/02, Ủy ban Thường vụ của NPC đã tổ chức cuộc họp cuối cùng trước kỳ họp lưỡng hội. Một thông báo sau đó cho biết ông Tần “đã từ chức” với tư cách là một “đại biểu” của NPC.
Theo thông báo, tổng cộng bốn người, trong đó có ông Tần, đã từ chức đại biểu NPC, trong khi 7 người khác bị cách chức, tổng cộng 11 người được bổ nhiệm làm đại biểu NPC đã chấm dứt nhiệm kỳ.
Ông Tần biến mất khỏi tầm mắt của công chúng vào cuối tháng 06/2023. Ông bị cách chức ngoại trưởng vào cuối tháng 07/2023, trở thành bộ trưởng ngoại giao có thời gian tại nhiệm ngắn nhất trong lịch sử ĐCSTQ. Vào cuối tháng 10/2023, ông cũng bị cách chức ủy viên hội đồng nhà nước. Lý do ông bị cách chức đã được suy đoán rộng rãi, thậm chí còn có tin đồn rằng ông đã qua đời. Tuy nhiên, chính quyền vẫn chưa đưa ra lời giải thích.
Ông Đổng Quân (Dong Jun), người được bổ nhiệm thay thế ông Lý Thượng Phúc làm bộ trưởng quốc phòng vào cuối năm 2023, vẫn đang chờ xác nhận tư cách ủy viên hội đồng nhà nước của mình.
Hiện nay, trên lý thuyết, ông Tần vẫn là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ. Mặt khác, tên ông Lý đã bị loại khỏi danh sách thành viên Quân ủy Trung ương Trung Quốc vào ngày 26/02 nhưng ông vẫn giữ các chức danh đại biểu NPC và Ủy viên Ủy ban Trung ương.
Ngân sách quốc phòng
ĐCSTQ cũng dự kiến sẽ công bố ngân sách quốc phòng năm nay trong Kỳ họp Lưỡng hội.
Kể từ năm 2000, Trung Quốc đã duy trì ngân sách quốc phòng ở mức xấp xỉ 2% GDP cả nước. Tuy nhiên, để theo đuổi cái gọi là “mục tiêu hiện đại hóa quân sự toàn diện vào năm 2035,” chi tiêu quốc phòng đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng hàng năm vượt quá 7%. Hiện tại, chi tiêu quân sự của Trung Quốc cao thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay của Trung Quốc và áp lực tài chính ngày càng gia tăng, câu hỏi liệu ĐCSTQ có thể tiếp tục duy trì mức chi tiêu quân sự cao hay không đã trở thành một trọng tâm khác của Kỳ họp Lưỡng hội.
Các hành động khiêu khích Đài Loan
Kỳ họp Lưỡng hội cũng rất có thể sẽ cung cấp những hiểu biết sâu sắc về chiến lược Đài Loan của ĐCSTQ.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về mối quan hệ hai bờ eo biển trong Kỳ họp Lưỡng hội năm 2015, 2016, và 2019. Sau cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan vào đầu năm 2024, các nhà quan sát đang chăm chú theo dõi xem liệu ông Tập có bình luận về các vấn đề liên quan đến Đài Loan trong năm nay hay không.
Ông Vương Dương (Wang Yang), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia CPPCC chịu trách nhiệm về các vấn đề Đài Loan, sẽ tham gia thảo luận với cái gọi là “phái đoàn Đài Loan” của NPC, vốn không do người dân Đài Loan bầu ra.
Báo cáo công việc thường niên của chế độ cũng đề cập đến Đài Loan. Trong cuộc họp báo với các phóng viên trong và ngoài nước trước khi kết thúc Kỳ họp Lưỡng hội, thông thường sẽ có một hoặc hai câu hỏi liên quan đến Đài Loan.
Hồi tháng Một, ông Vương Nghị, ngoại trưởng lâm thời của Trung Quốc, tuyên bố sau cuộc bầu cử ở Đài Loan rằng nền độc lập của Đài Loan sẽ bị luật pháp “trừng phạt nghiêm khắc.” Hiện vẫn chưa rõ ĐCSTQ dự định thực hiện hành động nào có thể được xem là sự trừng phạt của pháp luật.
Tăng tuổi về hưu
Trong Kỳ họp Lưỡng hội này, ĐCSTQ cũng có thể tuyên bố tăng tuổi về hưu của người dân Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, chủ đề trì hoãn về hưu đã được trở thành đề tài chính trong Kỳ họp Lưỡng hội, với các vấn đề như ngưỡng tuổi về hưu và việc thực hiện kế hoạch về hưu từng bước đang là mối quan tâm lớn của công chúng.
Khi sự kiện Kỳ họp Lưỡng hội năm 2024 đến gần, chủ đề này một lần nữa sẽ trở thành tâm điểm. Tuy nhiên, khác với những năm trước, các chính sách trong năm nay dường như đã thành hình.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã trích dẫn một báo cáo gần đây của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết việc tăng tuổi về hưu sắp xảy ra và tuổi về hưu mới đối với người dân Trung Quốc có thể là 65 tuổi.
Hiện tại, độ tuổi về hưu theo luật định ở Trung Quốc là 60 đối với nam giới, 55 đối với nữ nhân viên văn phòng, và 50 đối với nữ công nhân.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times