Kỳ 7: Long tộc, long mạch thời Lý
Rồng là một con vật thần thoại vô cùng phổ biến trong cả hai nền văn minh Đông và Tây. Nếu ở văn minh Tây Phương, rồng hiện thân cho cái ác, được xem như một loài quái vật thì ở Đông Phương rồng lại là một loài Thần thú cao quý, đứng đầu tứ linh, là hiện thân của Long vương, là biểu tượng của Thiên tử con Trời tại nhân gian. Truyền thuyết về Rồng tại phương Đông có nhiều vô số, vậy thì con Rồng là có thật hay tưởng tượng? Và nếu Lạc Long Quân, vị khai tổ đáng kính của tộc Việt là vua Rồng, vậy thì long tộc của Ngài là dân tộc như thế nào, có thật hay không?
EpochTimes Tiếng Việt trân trọng giới thiệu chuyên đề lịch sử TRUYỀN KỲ VỀ LONG TỘC VÀ LONG MẠCH ĐẠI VIỆT. Thông qua sử liệu và các câu chuyện truyền thuyết, hy vọng sẽ mang đến cho quý độc giả góc nhìn toàn cảnh về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt.
Kỳ 1:Truyền kỳ về long tộc và long mạch Đại Việt
Kỳ 2: Long tộc, long mạch và sự hình thành triều đại
Kỳ 3: Long tộc, long mạch và khí số quốc gia
Kỳ 4: Long tộc và long mạch thời Văn Lang
Kỳ 5: Long tộc và long mạch thời Văn Lang
Kỳ 6: Long mạch thời Đinh Lê – công đức ngàn năm của hai triều đại
Nhà Lý là triều đại Phật giáo làm chủ đạo trong cả nước. Dù cho các khoa thi Nho học đã được mở ra nhưng tư tưởng trị nước và cách hành xử đạo đức của các vua vẫn theo chuẩn mực của nhà Phật. Điều này bắt nguồn từ việc Lý Công Uẩn vốn là tục gia đệ tử của Phật môn. Nên con Rồng hộ vệ cho Lý triều chắc chắn là một loại hình tượng Rồng trong Thiên Long Bát bộ chúng hộ Pháp. Có thể coi nó là con Rồng bảo vệ Phật Pháp, Rồng của nhà Phật. Có lẽ vì thế mà hình dạng hai má của rồng Lý rất giống tạo hình của con Makara, một loại ngư tinh miêu tả trong thần thoại Ấn Độ. Dạng má này được bảo tồn cho đến tận con rồng thời Nguyễn, nó cũng cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của giáo lý nhà Phật đến nước ta, hoàn toàn không giống như con rồng bên Trung Hoa.
Hình tượng Rồng Lý uyển chuyển mềm mại và thường được chạm khắc với các họa tiết Phật giáo như lá Bồ đề, lá sen… Mào, mũi và bờm của Rồng Lý là các đường nét rất tự nhiên. Mũi rồng là những đường cong xếp chồng thể hiện vòi rồng, bờm tỏa ra tinh tế và phấp phới như có gió thổi. Râu mềm mại như làn sóng hướng về phía trước thu nhỏ lại, giao nhau tạo ấn tượng về nguồn nước. Miệng thường nhe ra để lộ hai hàm răng đang ngậm hoặc vườn ngọc. Râu và mào rồng, vòi rồng hướng về phía trước tạo nên một hình ảnh giống chiếc lá bồ đề. Thân rồng Lý hình tròn lẳn, thon thả to từ cổ nhỏ dần đến đuôi trong tư thế mềm mại tự nhiên như đang bay. Chân Rồng nhỏ nhắn có móng như móng chim.
Rồng thời Lý có cái vòi rồng rất to và rõ trên mũi. Vòi rồng tượng trưng cho khả năng làm mưa, như vậy rồng Lý là con rồng có pháp lực chuyên quản về chuyện mưa gió, vốn là thứ quan trọng nhất trong nền văn minh nông nghiệp. Văn minh trọng nông là nền văn minh trọng chữ Nhân, lấy nhân từ, nhân đức mà hành xử.
Vì thế điều này cũng gián tiếp thể hiện tư duy cai trị của hoàng tộc nhà Lý lúc đó chịu ảnh hưởng của tâm Từ bi nhà Phật mà triệt để thi hành “Đức trị thiên hạ”, thi hành nhân đức giáo hóa nên hình tượng Rồng không mang tính uy hiếp mà rất tinh xảo và đầy nghệ thuật.
Có câu “Nhân giả vô địch” (người có đức Nhân thì không có kẻ địch) vì thế mà các vua thời Lý tuy vũ dũng vô song đánh đâu thắng đó nhưng cai trị nhân từ nên thiên hạ lại vui lòng quy thuận chứ không quy phục bởi uy vũ như các triều đại về sau. Nhưng “nhân giả vô địch” nên quân đội nhà Lý nổi tiếng hùng mạnh, bách chiến bách thắng và đánh thắng quân Tống ngay trên đất Trung Hoa. Sau này nhà Tống cũng phải học theo mô hình tổ chức của nhà Lý để cải tổ quân đội.
Đặc trưng long mạch thời Lý, hưng vượng nhờ Phật Pháp
Kể từ khi triều đại Văn Lang khai quốc, nước ta trải qua 2600 năm với nền văn minh Thần truyền rực rỡ nhất trong lịch sử. Điều này có được là nhờ ngôi long mạch đất Phong Châu, có thể gọi là “Tổ Long” của phương Nam đã đem đến sự hưng thịnh đó cho Việt tộc. Vì sao nhà Văn Lang lại được ngôi đất quý đến thế, bởi vì các vua Hùng là thành viên trực hệ của long tộc Thần Nông hệ phương Nam, hầu hết các vua Hùng lại cũng là người tu luyện Đắc đạo chân chính. Vì vậy triều đại Hùng Vương luôn được Thiên long bộ chúng bảo hộ bình an suốt 26 thế kỷ đó.
Nhưng nguyên lý Âm Dương vật cực tất phản, sau 26 thế kỷ huy hoàng thì dân ta phải trải qua gần nghìn năm nô lệ không thấy ánh mặt trời vì triều Hùng đã tan rã, long mạch Phong Châu cũng tán hết vượng khí. Cần phải có một long mạch khác đủ mạnh để khai mở một triều đại mới, khai sáng một nền thịnh trị khác cho nước ta.Đó chính là long mạch vùng đất Tiêu Sơn, Cổ Pháp (Bắc Ninh) và hoàng thành Thăng Long, nơi khai sinh nhà Lý.
Tuy nhiên long mạch Tiêu Sơn Cổ Pháp không phải tự nhiên mà lại dâng đến cho họ Lý một cách dễ dàng. Bản thân nó cùng nhiều long mạch khác đã bị pháp sư Cao Biền dùng pháp thuật Đạo môn trấn yểm rất mạnh từ nhiều năm trước. Nhưng như tôi đã nói ở trên, long mạch là an bài của Thiên thượng cho người Đại đức trị vì lê dân nên các trấn yểm của con người dù mạnh đến đâu thì cũng sẽ bị phá giải trong an bài của ông Trời. Điều Thần đã định là không đổi, Thần ý không thể làm trái.
Trong suốt thời gian đô hộ nghìn năm, Thiên thượng đã an bài vô cùng tỉ mỉ vi diệu để long mạch Tiêu Sơn được giải trấn yểm, sau đó đến Thăng Long và sản sinh ra một triều đại hùng cường lâu dài hơn 200 năm, làm nền móng cho nền độc lập tự chủ nghìn năm sau đó của Đại Việt.
Đó là an bài cho sự du nhập của Phật giáo vào đất Luy Lâu (Bắc Ninh) từ thời nhà Ngô đô hộ vào thế kỷ thứ hai, khiến Luy Lâu trở thành trung tâm Phật Giáo lớn nhất và là nơi Phật Giáo truyền vào Trung Hoa. Chính quốc sư Thông Biện triều Lý, trong lúc đàm đạo Phật Pháp với Nguyên Phi Ỷ Lan đã dẫn lời pháp sư Đàm Thiên cho biết: “Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có hai mươi bảo tháp, độ được năm trăm vị tăng và dịch được mười lăm quyển kinh rồi”.
Phật giáo Trung Hoa từ thế kỷ 2 chính là từ Luy Lâu truyền sang Bành Thành rồi truyền tới Lạc Dương (Trung Quốc). Những bậc thầy truyền Pháp nổi danh sử sách như Mâu Tử, Khương Tăng Hội, vốn là những vị thánh tăng nổi tiếng trong lịch sử tại đất Giao Châu tinh thông cả Hán và Phạn ngữ. Đặc biệt, Khương Tăng Hội được coi như thiền sư đầu tiên của đất Việt, đã từng truyền đạo cho vua nước Ngô thời Tam Quốc là Tôn Quyền. Như đã nói trong phần “nguồn gốc long mạch” trong các bài trước, với sự hoằng truyền Chính Pháp mạnh mẽ trong 10 thế kỷ và các cao tăng Đắc Đạo đa số đều ngụ tại Luy Lâu thì cả vùng đất này hơn nghìn năm đã luôn được Thiên long bộ chúng trấn ngự, năng lượng Từ Bi hồng đại ngày đêm lan tỏa thì tà thuật nào của Cao Biền lại có thể còn tác dụng ở đây? Dù cho chúng còn khởi tác dụng thì an bài của Trời vốn tỉ mỉ trong mọi việc cũng sẽ sắp xếp nhân sự chính tay phá các tà thuật này.
Đông Phong