Kính viễn vọng Webb chụp được 19 thiên hà xoắn ốc, tiết lộ quá trình hằng tinh diễn hóa
Một loạt hình ảnh mới được công bố do kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) chụp được đã cho thấy 19 thiên hà xoắn ốc gần Dải Ngân Hà của chúng ta vô cùng chi tiết. Điều này cung cấp manh mối mới về sự hình thành cũng như cấu trúc và sự diễn hóa của các thiên hà.
Vào ngày 29/01, một nhóm các nhà khoa học tham gia dự án “Vật lý học độ phân giải góc cao của các thiên hà lân cận” (PHANGS) đã công bố những hình ảnh về 19 thiên hà xoắn ốc. Dự án này được tiến hành tại một số đài quan sát lớn và nhận được sự ủng hộ của hơn 150 nhà thiên văn học trên khắp thế giới.
Các thiên hà xoắn ốc giống như một chiếc chong chóng khổng lồ. Chúng là một loại thiên hà thường thấy. Dải Ngân Hà của chúng ta là một trong số đó.
Thiên hà gần nhất trong số 19 thiên hà là NGC 5068, cách Trái Đất khoảng 15 triệu năm ánh sáng. Thiên hà xa nhất là NGC 1365, cách Trái Đất khoảng 60 triệu năm ánh sáng. Một năm ánh sáng tương đương khoảng 5.9 ngàn tỷ dặm Anh (khoảng 9.5 ngàn tỷ km).
Những quan sát mới này đến từ camera cận hồng ngoại (NIRCam) và thiết bị hồng ngoại tầm trung (MIRI) của JWST. Chúng cho thấy khoảng 100,000 cụm sao và hàng triệu, thậm chí hàng tỷ hằng tinh.
Ông Thomas Williams, nhà thiên văn học tại Đại học Oxford, người đứng đầu trong việc lọc dữ liệu hình ảnh của nhóm nghiên cứu, cho biết: “Những dữ liệu này rất quan trọng, bởi vì chúng cung cấp cho chúng ta những hiểu biết mới về giai đoạn sớm nhất của quá trình hình thành hằng tinh.”
Những hình ảnh này cho phép các nhà khoa học lần đầu tiên đi sâu phân tích một cách chi tiết cấu trúc của các đám mây bụi và khí mà từ đó các ngôi sao và hằng tinh được hình thành trong các thiên hà, ngoài Đám mây Magellan Lớn (LMC) và Đám mây Magellan Nhỏ (SMC), LMC và SMC được coi là thiên hà vệ tinh của một dải thiên hà rộng lớn.
Cô Janice Lee, nhà thiên văn học tại Viện Khoa học Kính viễn vọng không gian ở Baltimore và là nhà nghiên cứu chính về số liệu mới, cho biết: “Những hình ảnh này không chỉ đẹp về mặt thẩm mỹ khiến người ta kinh ngạc, mà tính cho đến nay, các khí bào và sợi nhỏ còn được phân giải ở kích thước nhỏ nhất từng được quan sát thấy. Chúng cũng đang kể lại câu chuyện về chu kỳ hình thành hằng tinh.” “Trên thực tế, dường như đang tồn tại hoạt động mang tính bùng nổ cũng như làm sạch bụi và khí cả trong cụm sao và ở cự ly khoảng 3,000 năm ánh sáng. Động thái của toàn bộ chu kỳ hình thành hằng tinh đã trở nên rõ ràng và dễ hiểu, thậm chí công chúng cũng có thể lý giải một cách định tính.” Cô Lee nói thêm: “Điều này làm cho những bức hình trở nên hấp dẫn ở nhiều cấp độ khác nhau.”
Những quan sát của JWST dựa trên cơ sở quan sát của kính viễn vọng không gian Hubble của NASA.
Ông Erik Rosolowsky, nhà thiên văn học tại Đại học Alberta cho biết: “Với kính viễn vọng Hubble, chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng sao đến từ thiên hà, nhưng một số ánh sáng bị chặn bởi bụi của thiên hà.”
“Hạn chế này khiến chúng ta rất khó lý giải một phần cách các thiên hà hoạt động như một hệ thống. Sử dụng tầm nhìn hồng ngoại của JWST, chúng ta có thể nhìn xuyên qua lớp bụi này đến các hằng tinh ẩn đằng sau và bên trong lớp bụi.”