Kinh tế trọng cầu làm tổn thương người dân Mỹ
Dường như Cục Dự trữ Liên bang đã có cam kết trong tư tưởng về việc thực hiện chính sách kinh tế trừng phạt người dân Mỹ. Họ đang không làm gì để kiểm soát hoặc giảm chi tiêu của chính phủ, vốn là động lực chính của lạm phát hiện nay.
Đã đến lúc bắt đầu lại cuộc tranh luận giữa kinh tế học trọng cầu và trọng cung. Vào những năm 1970, đó là một trong những bước ngoặt lịch sử trong chính sách và chính phủ của Mỹ.
Kinh tế trọng cầu tập trung vào việc giảm nhu cầu của người tiêu dùng và đầu tư vốn sao cho một nền kinh tế nhỏ hơn, chậm hơn sẽ làm giảm áp lực thể hiện dưới dạng lạm phát.
Những người theo khuynh hướng thiên tả yêu thích kinh tế học trọng cầu, bởi vì học thuyết này ủng hộ chính phủ lớn hơn và khu vực tư nhân nhỏ hơn. Không có gì trong sổ tay trọng cầu hạn chế việc chi tiêu quá mức của chính phủ.
Vì sự bùng nổ chi tiêu dưới thời Tổng thống Joe Biden là nguyên nhân chính gây ra lạm phát, nên điều quan trọng là phải nhìn nhận xem tại sao chúng ta lại lâm vào tình cảnh này — và tại sao Cục Dự trữ Liên bang lại gặp khó khăn đến vậy trong việc kiểm soát lạm phát.
Câu chuyện phiên bản ngắn gọn là: Tổng thống Biden đã quyết định xem khoản tài trợ ứng phó với COVID-19 tạm thời dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump là một mức cơ bản mới cho chính phủ lớn hơn. Đương nhiên, điều đó có nghĩa là chi tiêu nhiều hơn, thuế cao hơn, thâm hụt sâu hơn, và nợ quốc gia phình to.
Giờ đây, chính phủ liên bang đang bơm tiền vào nền kinh tế nhanh hơn khả năng rút tiền ra của Cục Dự trữ Liên bang thông qua lãi suất cao hơn — mặc dù Cục Dự trữ Liên bang vẫn đang cố gắng.
Các doanh nghiệp nhỏ, những bên dựa vào tín dụng, các nhà đầu tư tiềm năng, và những người khác đều đang bị vắt kiệt bởi việc tăng lãi suất đều đặn của Cục Dự trữ Liên bang. Mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang là làm cho việc vay mượn trở nên đắt đỏ đến mức hầu hết người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ sẽ phải cắt giảm chi tiêu.
Nhà ở là một ví dụ kinh điển về việc thắt chặt lãi suất làm tổn thương người dân Mỹ. Khi lãi suất tăng lên, thì các khoản vay thế chấp trở nên đắt đỏ hơn. Giá nhà phải giảm để bù đắp cho chi phí vay tăng lên. Nhiều người có hầu hết tài sản của họ bị trói buộc trong ngôi nhà của họ. Họ hiện đang nghèo hơn họ dự tính do Cục Dự trữ Liên bang tập trung vào việc cắt giảm nhu cầu. Các doanh nghiệp xây dựng nhà ở thấy bản thân rơi vào tình huống buộc phải xây ít nhà ở mang tính đầu cơ hơn. Họ phải trả lãi cao hơn nhiều cho các khoản vay xây dựng, với ít người mua để bán cho hơn, và giá nhà mới thấp hơn vì chi phí vay thế chấp tăng.
Khi lĩnh vực nhà ở chậm lại, thì nhu cầu về đồ nội thất, đồ dùng nhà bếp, hệ thống ống nước, hệ thống sưởi và điều hòa không khí cũng như toàn bộ những thứ khác để hoàn thiện một ngôi nhà cũng chậm lại.
Những xu hướng chậm lại ấy sau đó buộc phải kéo theo việc sa thải công nhân xây dựng, sa thải trong nhà máy, và nhà phân phối. Kết quả này khiến chính phủ phải chi ra nhiều hơn cho trợ cấp thất nghiệp, phiếu thực phẩm, Medicaid, v.v.
Tất cả những yếu tố này dẫn đến một chính phủ lớn hơn với khu vực tư nhân nhỏ hơn (và do đó cơ sở để đánh thuế cũng nhỏ hơn). Không có gì đáng ngạc nhiên khi những người theo chủ nghĩa xã hội của chính phủ toàn trị lại ưa thích nỗi đau từ chính sách kinh tế trọng cầu.
Như tôi đã viết trong cuốn sách bán chạy gần đây của mình “March to the Majority” (Tiến Tới Thế Đa Số), kinh tế học trọng cung là do các ông Art Laffer, Jude Wanniski, Robert Mundell, Larry Kudlow và những người khác phát triển. Học thuyết này được phổ biến bởi Dân biểu Jack Kemp của New York, người ủng hộ hệ thống này — bắt đầu bằng việc cắt giảm thuế. Ông Kemp đã thuyết phục ông Ronald Reagan, khi đó còn là thống đốc, vận động tranh cử với chính sách cắt giảm thuế là trọng tâm trong nghị trình kinh tế của ông. Năm 1980, ông Reagan đã đề ra một kế hoạch tạo ra nhiều việc làm hơn, lương cao hơn, lạm phát thấp hơn, chính phủ hạn chế hơn, và khu vực tư nhân lớn hơn. Ông đã giành chiến thắng với số phiếu bầu lớn nhất trong đại cử tri đoàn trước một tổng thống đương nhiệm trong lịch sử Hoa Kỳ.
Những người ủng hộ chính sách trọng cầu tin rằng quý vị làm giảm lạm phát bằng cách đè bẹp nhu cầu của người tiêu dùng.
Bên trọng cung tin rằng quý vị khuyến khích đầu tư để tạo ra việc làm mới, năng suất mới, và tăng khả năng sáng tạo của doanh nhân. Lạm phát được giảm bớt vì có nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn cho người dân mua. Thị trường hấp thụ thanh khoản bổ sung thông qua sản xuất nhiều hơn.
Các chính sách trọng cung ủng hộ người tiêu dùng, ủng hộ khu vực tư nhân, và đạo đức nghề nghiệp.
Trớ trêu thay, kinh tế trọng cung thậm chí còn cho phép chính phủ được tài trợ tốt hơn từ một nền kinh tế lớn hơn, mạnh mẽ hơn nhiều.
Chìa khóa cho việc tài trợ cho An sinh Xã hội và Medicare là quay trở lại tốc độ tăng trưởng 3.5%, mức trung bình lịch sử của Hoa Kỳ kể từ Đệ nhị Thế chiến.
Tốc độ tăng trưởng yếu ớt từ 1% đến 1.5% mà nền kinh tế trọng cầu tạo ra chắc chắn sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng ngân sách cho chính phủ — trong khi tạo ra tỷ lệ thất nghiệp lớn hơn nhiều (hậu quả mà thậm chí sẽ cần nhiều ngân sách hơn nữa từ chính phủ).
Một lựa chọn quan trọng trong cuộc bầu cử năm 2024 phải là giữa khó khăn do trọng cầu của chính phủ ông Biden và một cuộc quay trở lại với tăng trưởng, thịnh vượng, và sức mạnh mà cách tiếp cận về phía trọng cung của trường phái Reagan sẽ mang lại.
Chúng ta đã có bằng chứng từ thời chính phủ ông Trump rằng việc cắt giảm thuế và các quy định sẽ truyền cảm hứng cho các doanh nhân tạo ra nhiều việc làm hơn cho người Mỹ. Khi nền kinh tế Mỹ tạo ra nhiều thu nhập hơn và tăng trưởng cao hơn, thì quý vị sẽ có lạm phát thấp hơn.
Đã đến lúc quay lại mô hình Reagan-Trump.
Các thành viên Đảng Cộng Hòa trong Ủy ban Ngân sách Hạ viện sẽ là nhóm đầu tiên có cơ hội này để bắt đầu một cuộc tranh luận mới về tương lai của Mỹ quốc. Có rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào cuộc tranh luận này.
Từ Gingrich360.com
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times