Kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng chậm lại ở mức 1.1% trong quý đầu tiên
Theo Cục Phân tích Kinh tế (BEA), nền kinh tế Hoa Kỳ đã tăng trưởng 1.1% trong quý đầu tiên của năm 2023, giảm từ mức tăng 2.6% của quý 4 năm ngoái. Số liệu này cũng thấp hơn mức kỳ vọng 2% của các nhà kinh tế.
Đây là mức tăng trưởng hàng quý chậm nhất kể từ quý 2/2022.
Các mức lãi suất cao hơn của Cục Dự trữ Liên bang đã lan rộng khắp nền kinh tế Hoa Kỳ trong năm qua khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất quỹ liên bang chuẩn thêm 475 điểm căn bản lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2007. Phạm vi lãi suất mục tiêu đã tăng lên mức từ 4.75–5.00%.
Theo CME FedWatch Tool, các nhà đầu tư kỳ vọng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm căn bản tại cuộc họp chính sách vào tháng tới.
Môi trường lãi suất tăng cao hiện nay đã làm chi phí đi vay trở nên đắt hơn, tạo ra môi trường khó khăn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng vốn đang phải đối mặt với lạm phát gia tăng.
Đối với những nhà quan sát thị trường, điều ngạc nhiên lớn là lạm phát tăng đột biến trong quý vừa qua.
Chỉ số Giá GDP, thước đo giá hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại Hoa Kỳ, bất ngờ tăng lên 4% trong ba tháng đầu năm 2023. Con số này tăng từ 3.9% trong quý trước và cao hơn mức dự đoán 3.7% của thị trường.
“Thật không may, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm mạnh trong quý trước không đủ để kiềm chế lạm phát giá cả,” nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Bank of West Economics Scott Anderson đã viết trong một ghi chú. “Mặc dù tăng trưởng chậm lại và có khả năng cao một cuộc suy thoái nhẹ xảy ra ở Hoa Kỳ, nhưng chúng tôi tin rằng lạm phát giá căn bản dai dẳng sẽ khiến Fed tăng lãi suất thêm một phần tư điểm phần trăm vào tháng tới trước khi có một khoảng thời gian tạm dừng dài.”
Trong quý đầu tiên, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng từ 3.7% lên 4.2%. Con số này cũng cao hơn nhiều so với mức 0.5% dự kiến. Chỉ số giá PCE cốt lõi, loại trừ các lĩnh vực thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã tăng lên mức 4.9%.
Chỉ số Doanh thu GDP, đo lường hàng hóa và dịch vụ được sản xuất để bán trong nền kinh tế quốc gia, đã tăng lên mức 3.4% trong quý đầu tiên, cao hơn ước tính 2.3% của thị trường. Con số này cũng tăng so với mức tăng 1.1% được ghi nhận trong quý 4.
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực được thúc đẩy bởi sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng và chính phủ cũng như xuất cảng. Sự tăng trưởng này bị triệt tiêu bởi sự sụt giảm trong đầu tư hàng tồn kho tư nhân và đầu tư cố định nhà ở.
Chi tiêu thực tế của người tiêu dùng tăng 3.7% so với quý trước, tăng từ 1%. Mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh vào đầu năm, nhưng nhà kinh tế trưởng của Morning Consult John Lee đã lưu ý rằng “người tiêu dùng đã kết thúc quý 1 một cách khó khăn, đặt ra câu hỏi về tính bền vững của tăng trưởng kinh tế trong tương lai.”
“Mặc dù đầu tư tư nhân có thể tăng trở lại vào cuối năm nay, nhưng nó có xu hướng dao động mạnh theo từng quý,” ông viết trong một thư điện tử. “Nếu không có người tiêu dùng mạnh mẽ, thì chúng ta có thể sẽ thấy nhiều biến động và bất ổn hơn trong hoạt động kinh tế cho đến cuối năm nay.”
Trong khi đó, thu nhập cá nhân khả dụng thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) đã tăng 8% trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Ba, tăng từ mức 5% trong quý 4. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân trong ba tháng kết thúc vào tháng Ba là 4.8%, tăng từ 4% trong quý trước.
Trước khi số liệu BEA được công bố, ước tính GDP thực của mô hình GDPNow thuộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta cho quý đầu tiên là 1.1%, giảm từ mức cao nhất là 3.5% trong tháng Ba.
Với các biện pháp kích thích đáng kể của chính phủ, một số nhà kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP ảm đạm trong quý đầu tiên vẫn tốt một cách đáng ngạc nhiên.
“Vấn đề lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là lạm phát, một hệ quả trực tiếp từ các biện pháp kích thích liên quan đến COVID của chính phủ,” ông Ryan Young, nhà kinh tế cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Cạnh tranh, viết trong một thư điện tử. “Cái giá của gói kích thích hôm nay luôn là sự suy thoái vào ngày mai, và hiện tại chính là thời điểm ngày mai đó rồi.”
“Hàng ngàn tỷ dollar chi tiêu kích thích và tạo ra tiền đã gây ra lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang vẫn đang nỗ lực giảm bớt. Các đợt tăng lãi suất là một phần cần thiết của nỗ lực đó, nhưng chúng là lý do chính khiến tăng trưởng GDP chỉ bằng một nửa so với mức lẽ ra phải có. Gói kích thích không bao giờ là miễn phí.”
Điều này có thể giải thích lý do tại sao các nhà đầu tư giữ nguyên lợi nhuận trước khi mở cửa thị trường khi các chỉ số chuẩn hàng đầu tăng tới 0.9%.
Thị trường công khố phiếu Hoa Kỳ có sắc xanh trên diện rộng, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn tăng khoảng 6 điểm căn bản lên gần 3.49%.
Chỉ số dollar Mỹ (DXY), thước đo của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, tăng gần 0.2% lên trên 101.65 sau dữ liệu GDP mới nhất.
Tình hình quý 2 được dự kiến ra sao?
Các nhà kinh tế sẽ xem xét ảnh hưởng của tình trạng hỗn loạn ngân hàng đối với nền kinh tế rộng lớn hơn trong quý 2. Các chuyên gia cho biết, khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu sẽ chứng kiến nhiều tác động tiêu cực hơn từ việc thắt chặt các điều kiện cho vay.
The Conference Board đã hạ dự báo lợi nhuận quý hai từ âm 0.9% xuống âm 1.8% do “tác động liên quan đến cuộc khủng hoảng ngân hàng tháng Ba.”
“Mặc dù giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng dường như đã qua, nhưng chúng tôi cho rằng các điều kiện tín dụng sẽ vẫn bị thắt chặt và tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng đó,” ông Erik Lundh, chuyên gia kinh tế chính của The Conference Board, đã viết như vậy trong một báo cáo.
S&P Global dự đoán mức tăng trưởng GDP thực là 1% trong quý 2, mặc dù các nhà kinh tế kỳ vọng “một kịch bản dự báo căn bản rằng Hoa Kỳ sẽ có một cuộc suy thoái nhẹ từ phía công ty này, trong một môi trường không chắc chắn như vậy.”
Khảo sát Dự báo Kinh tế của Wall Street Journal giữa các nhà kinh tế cho thấy mức giảm ít nhất là âm 1%.
“Áp lực nghiêm trọng đối với các ngân hàng” đã khiến nhà kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ Paul Ashworth tin rằng, năm nay nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.
Trong một ghi chú nghiên cứu, ông cho biết: “Mặc dù số liệu hoạt động đồng bộ cho thấy sự khởi đầu mạnh mẽ trong năm nay, nhưng tỷ lệ tăng trưởng của các chỉ số kinh tế hàng đầu lại chìm sâu trong khu vực âm, điều này đã chứng minh là một tín hiệu báo trước suy thoái tuyệt vời, với chỉ một vài lần tăng trưởng sai trong 50 năm qua.”
Hồi tháng Ba, Chỉ số Kinh tế Hàng đầu (LEI) của Conference Board đã giảm 1.2% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. LEI, chỉ số đánh giá các đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp, đơn đặt hàng mới của các nhà sản xuất đối với hàng tiêu dùng, và giá cổ phiếu, đã giảm 4.5% trong sáu tháng — trong khoảng thời gian từ tháng 09/2022 đến tháng 03/2023.
Bà Justyna Zabinska-La Monica, giám đốc cao cấp của Business Cycle Indicators tại The Conference Board, viết trong một báo cáo rằng: “The Conference Board dự báo rằng sự yếu kém về kinh tế sẽ gia tăng và lan rộng hơn trên khắp nền kinh tế Hoa Kỳ trong những tháng tới, dẫn đến suy thoái kinh tế bắt đầu vào giữa năm 2023. “
Theo biên bản từ cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang của Cục Dự trữ Liên bang hồi tháng trước (03/2023), các nhà kinh tế trong ủy ban dự đoán một “cuộc suy thoái nhẹ” xảy ra vào cuối năm nay.
Phản ứng của Tòa Bạch Ốc
Bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, Tổng thống Joe Biden đã ăn mừng sau khi biết dữ liệu GDP.
“Hôm nay, chúng ta được biết rằng nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh khi chuyển sang một giai đoạn tăng trưởng ổn định và vững chắc. Trong quý vừa qua, thu nhập khả dụng thực tế của cá nhân đã tăng lên và người tiêu dùng Mỹ tiếp tục chi tiêu, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng chung đã giảm bớt,” ông Biden cho biết trong một tuyên bố.
“Nghị trình Đầu tư vào Hoa Kỳ của tôi là xây dựng lại nền kinh tế từ giữa ra và từ dưới lên, sau nhiều thập niên thất bại với các chính sách kinh tế nhỏ giọt từ trên xuống.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The epoch Times