Kiếp trước buôn bán thuốc phiện, kiếp này bị báo ứng đần độn ngu si
Cổ ngữ có câu: “Thiện ác cuối cùng đều có báo ứng, chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi”. Cho dù kiếp này không báo ứng, thì cũng phải báo ứng hết ở kiếp sau.
Ở một ngôi làng nhỏ trên núi, có một gia đình nghèo khổ nọ. Trên khuôn mặt của người mẹ tuổi trung niên luôn hiện vẻ đau khổ, nhất là khi nhìn thấy đứa con trai đần độn 10 tuổi của mình, trái tim bà vốn đã rất buồn khổ lại đau đớn giống như bị kim đâm. Còn về đứa bé, nếu không phải bị đồ vật đâm rách đầu, thì là chơi cho bụi đất lấm lem đầu mặt, khiến cho người khác dở khóc dở cười. Ngay cả phân cậu bé cũng có thể cầm lên ăn, nước tiểu cũng có thể đưa lên miệng uống. Thật sự có thể nói là si ngốc vô cùng.
Người mẹ hiền lành ấy vốn rất yêu thương con mình, bà không khỏi đau khổ tự vấn bản thân: Rốt cuộc kiếp trước tôi đã tạo nên tội lỗi gì, và có liên quan gì với đứa trẻ tội nghiệp này? Nếu không, vì sao tôi phải chịu sự dày vò đau khổ này chứ?
Người ta nói ‘mẫu tử tình thâm’, cho dù đứa bé si ngốc đến thế nào đi chăng nữa, thì tấm lòng yêu thương và chăm sóc của người mẹ đối với đứa con của mình là không thể nghi ngờ. Nhưng cũng vì vậy mà càng khiến cho bà thêm dày vò đau khổ. Đúng vậy, có người mẹ nào không hy vọng con mình thông minh, hoạt bát và dễ thương! Nhưng sự việc lại không như mong muốn. Vì vậy bà thường hay cảm thán vận mệnh bất công với mình.
Một hôm, có một vị cao tăng tình cờ đi ngang qua nơi này, người mẹ đã nói ra nỗi khổ tâm giấu kín trong lòng bấy lâu với ông. Vị cao tăng ấy nói với bà rằng: “Nữ thí chủ, xin không nên oán trời trách người. Người xưa có câu: Trồng dưa hái được dưa, trồng đậu thì thu được đậu. Con trai bà ở nhiều kiếp trước thông minh vô cùng, nhưng đáng tiếc là đi lầm đường, nó không nên dấn thân vào buôn bán thuốc phiện để kiếm lời to, hãm hại rất nhiều người, làm họ đắm chìm trong vực sâu của ma túy, khiến cho bao gia đình vợ con ly tán, người chết nhà tan. Hại người chính là tự hại mình, cuối cùng chính nó cũng bị nghiện mà chết bi thảm.”
Người mẹ không cam tâm, tiếp tục hỏi: “Nói như thế, kiếp trước nó đã gặp phải báo ứng xấu. Thế nhưng bây giờ….”
Vị cao tăng thở dài rồi nói: “Than ôi! Bởi vì ác nghiệp mà một đời nó tạo ra quá nhiều, cho nên cần phải nhiều kiếp chuyển thế làm động vật để hoàn trả, hơn nửa số lượng thuốc phiện mà nó buôn bán đã từng làm tê liệt thần kinh não của vô số người, thế nên đời này phải chịu quả báo đầu óc ngu đần si dại.”
Người mẹ vô cùng đau khổ nói: “Con trai đáng thương của mẹ, báo ứng lúc nào mới tận hết đây! Cao tăng, ngài nói xem, người làm mẹ như tôi đây, kiếp trước là đã tạo tội nghiệt gì, mới liên lụy gánh phần tội khổ này?”
Cao tăng lại thở dài một tiếng rồi nói: “Về phần bà, người làm mẹ này, ở kiếp đó bà là đồng bọn với nó, mặc dù bà không phải là kẻ chủ mưu và quyết định, nhưng bà lại giúp nó thực hiện một số mánh khóe hại người. Nhân quả có phân ra nghiệp cá nhân, nghiệp đồng lõa, nghiệp cá nhân thì do cá nhân tự làm tự chịu, một mình gánh lấy, còn nghiệp đồng lõa lại do những kẻ đồng lõa với nhau cùng nhau gánh chịu. Bởi vì ở đời này tiếp tục nhân duyên, người làm mẹ là bà cùng với nó nhất định phải cùng nhau đến hoàn trả món nợ nghiệp đồng lõa này!”
Người mẹ nghe xong lời cao tăng nói thì tự lẩm bẩm: “Xem ra không phải là do vận mệnh bất công, không nên oán ai khác, mà hãy oán chính mình… hãy trách chính mình…”
Từ đây mà xét, báo ứng thiện ác quả thật như bóng theo hình, chẳng sai lệch chút nào! Ngày trước buôn bán thuốc phiện, đầu độc làm mụ mẫm tê liệt đầu óc của con người, đời này nghiệp lực đảo ngược lại, tự mình gánh chịu quả báo đầu óc đần độn ngu si! Còn người mẹ và đứa con trai si ngốc này, vì để trả nợ nghiệp đồng lõa của kiếp trước, dưới sự an bài của nhân duyên, mặc dù cả hai người đã thay đổi thân phận, nhưng khéo thay lại cùng từ mối quan hệ “mẹ con gắn liền” như vậy để gánh chịu quả báo và không cách nào trốn thoát. Câu chuyện chính là một lời nhắc nhở chúng ta rằng: Nhân quả không phải không báo, chỉ là thời điểm báo ứng chưa tới mà thôi!