Khuynh hướng trong chính sách tị nạn của thế giới phương Tây đang thay đổi như thế nào
Thế giới phương Tây đang tìm cách hạn chế tình trạng di cư ồ ạt. Các vấn đề xuất hiện dường như khá giống nhau ở mọi nơi: chi phí cao và tình trạng thiếu nhà ở đang gây ra sự phản đối của người dân địa phương.
Khi bàn về vấn đề nhập cư hàng loạt dường như đang diễn ra khắp nơi ở thế giới phương Tây, thì những vấn đề tương tự nhau đang trở nên phổ biến. Đầu tiên là những người nhập cư, cho dù có hợp pháp hay không — thì họ vẫn đang dựa vào quyền được bảo vệ với tư cách là người tị nạn.
Thứ hai là, ở khắp mọi nơi đều có một nhóm lớn hoặc nhỏ những người ủng hộ trong giới chính trị và xã hội dân sự, nhưng dựa trên các kết quả khảo sát, dường như lượng người ủng hộ này đang giảm sút ở các mức độ khác nhau tại các quốc gia. Thứ ba là, nhóm những người phê phán đang lên tiếng mạnh mẽ hơn, muốn chấm dứt dòng người gia tăng và tìm cách loại bỏ càng nhiều vị khách “lưu trú” lâu dài này càng tốt.
Theo tờ Welt thì những tranh luận tương tự về cách ứng phó tốt nhất với người di cư không những chỉ xảy ra ở Đức mà còn ở các quốc gia như Ireland, Pháp, và Hoa Kỳ. Tình trạng thiếu nhà ở hầu như đóng một vai trò quan trọng trong cuộc thảo luận này.
Đức: Đã đạt được thỏa thuận về gói biện pháp tị nạn
Tại Đức, một gói biện pháp nhằm giảm di cư bất hợp pháp, tăng số lượng trục xuất hàng năm thêm 600 người và đẩy nhanh quá trình nhập tịch đã được thỏa thuận cách đây chỉ vài ngày. Trước đó, Đảng Xanh (Die Grünen) đã phản đối gói này. Nghị viện Đức dự kiến sẽ phê chuẩn luật trong tháng Một.
Như tờ Bild đã đưa tin, “luật cải thiện việc hồi hương” được chính phủ thông qua vào ngày 28/10/2023 đã thất bại vì các thành viên Đảng Xanh của Nghị viện Đức yêu cầu có luật sư bào chữa miễn phí cho những người xin tị nạn bị từ chối. Qua đây, một mục tiêu góp phần quan trọng trong luật trên, đó là tăng thời gian lưu giữ người tị nạn trước khi trục xuất từ 10 lên 28 ngày, đã không thể đạt được do “không thể duy trì được các thời hạn của tòa án.”
Hiện tại, đối với quá trình trục xuất hay đối với việc tạm giữ chờ trục xuất thì khi người nhập cư bị tạm giam hoặc giam giữ mới có sự trợ giúp pháp lý. Thêm vào đó, đại diện của cơ quan chính phủ được phép bước vào khu ở chung hay những căn phòng khác ở khu sinh sống của người bị trục xuất. Việc giải cứu những người xin tị nạn trên biển và vận chuyển họ đến biên giới châu Âu sẽ tiếp tục không bị trừng phạt.
Cũng như các quốc gia khác, ở Đức, trong bối cảnh làn sóng di cư đang diễn ra cùng với tình trạng thiếu nhà ở, thì các biện pháp kiểm soát biên giới với Ba Lan, Cộng hòa Czech, và Thụy Sĩ đã được áp dụng vào giữa tháng 10/2023 và sau đó đã được gia hạn. Theo đánh giá của tờ Welt, Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser (SPD) đã ra quyết định này do sự tỷ lệ tán thành của Đảng Sự lựa chọn khác cho Đức (AfD) đã gia tăng liên tục trong vấn đề phản đối di cư. Tại các tiểu bang Sachsen, Brandenburg, và Thüringen, vào tháng 09/2024, mỗi tiểu bang sẽ bầu cử một Nghị viện tiểu bang mới. Đảng AfD đang dẫn đầu trong mọi cuộc khảo sát.
Đảng đối lập CDU có kế hoạch khai triển một chương trình cơ bản mới vào năm 2024 bằng cách gác lại chính sách di cư từ thời bà Merkel. Ở một số điểm, chương trình cho thấy những điểm tương đồng đáng kinh ngạc với quan điểm của Đảng AfD. Liên minh hiện đang dựa vào các trung tâm tị nạn bên ngoài EU, tương tự như Anh hay Áo.
Áo kiểm soát biên giới của mình
Theo thông tin từ tờ Welt, chính phủ Áo đã áp đặt kiểm soát biên giới nghiêm ngặt ở phía nam và phía đông của đất nước được một khoảng thời gian. Tỷ lệ tán thành đối với Thủ tướng Áo Karl Nehammer (Đảng Nhân dân Áo, ÖVP) đã giảm mạnh tương tự như đối với Thủ tướng Đức Olaf Scholz do cuộc khủng hoảng di cư.
Mở đường cho thủ tục tị nạn tại biên giới bên ngoài Liên minh Âu châu
Hôm 20/12/2023, các nhà đàm phán từ Nghị viện Âu Châu và các quốc gia thành viên đã đồng thuận về tái tổ chức một cách căn bản “Hệ thống Tị nạn Chung châu Âu” (CEAS). Theo đó, trong tương lai, thủ tục tị nạn (đối với cả trường hợp gia đình mang theo trẻ em) có thể tiến hành trực tiếp tại biên giới bên ngoài Liên minh Âu Châu.
Một “quy chế đoàn kết” bắt buộc cũng được thiết lập để bảo đảm rằng hàng năm ít nhất 30,000 người tị nạn sẽ được phân phối đồng đều cho các quốc gia thành viên: Các quốc gia EU không muốn tiếp nhận sẽ phải thanh toán 20,000 euro vào một quỹ chung của EU đối với mỗi người tị nạn không tiếp nhận.
Ngay từ tháng 06/2023, các quốc gia thành viên EU đã đồng thuận về một loạt các biện pháp nhằm hạn chế dòng người nhập cư. Tuy nhiên, vào thời điểm đó vẫn còn những câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Nước Pháp dẫn đầu
Pháp dường như đang áp dụng chính sách nghiêm ngặt nhất. Gần đây, Nghị viện Paris vừa mới đồng thuận bỏ phiếu với thế đa số áp đảo cho “đạo luật hạn chế nhập cư nhất trong vòng 40 năm” — với tất cả các phiếu bầu từ Đảng Mặt Trận Quốc Gia (Le Rassemblement national, RN) hữu khuynh. Một phiên bản luật với chính sách ôn hòa hơn đã bị bác bỏ mà không cần thảo luận.
Giờ đây khi một số điều kiện đã được đơn giản hóa đáng kể, việc trục xuất đã trở nên dễ dàng hơn nhiều, việc định cư theo diện đoàn tụ gia đình trở nên khó khăn hơn, việc tiếp cận các dịch vụ y tế bị hạn chế, đồng thời việc nhập quốc tịch Pháp trở nên khó khăn hơn. Trong tương lai, người di trú ở Pháp phải đợi sau năm năm cư trú mới được hưởng trợ cấp xã hội, còn đối với người đang đi làm thì thời gian chờ đợi sẽ giảm xuống còn 30 tháng.
Vương quốc Anh muốn ngăn chặn ‘châu Âu quá tải’ và đặt niềm tin vào việc hợp tác với Rwanda
Theo thông tin từ tờ Welt, Vương quốc Anh đã có “lượng nhập cư ròng kỷ lục” trong tháng 11/2023. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chính sách (CPS), riêng ở Anh đã thiếu hụt 1.34 triệu ngôi nhà.
Thủ tướng thuộc Đảng Bảo Thủ Rishi Sunak của Anh đang xem xét việc thay đổi luật. Mục tiêu là ngăn chặn “châu Âu quá tải do người di cư.” Tại một sự kiện do đảng của Thủ tướng Ý Giorgia Meloni tổ chức vào ngày 16/12/2023, Thủ tướng Sunak đã tuyên bố rằng nếu vấn đề không được giải quyết, thì người nhập cư “sẽ làm quá tải các quốc gia chúng ta cũng như khả năng của chúng ta trong việc giúp đỡ những người cần sự giúp đỡ của chúng ta nhất.”
Theo đánh giá của Thủ tướng Sunak, có những “địch thủ” đang “đẩy người đến bờ biển của chúng ta, để cố gắng làm suy yếu các xã hội của chúng ta.”
Hiện tại, mặc dù đang chống lại sự phản đối từ “các nhóm nhân quyền” và các nhà phê bình trong đội ngũ của mình, nhưng thủ tướng đang cố gắng thực hiện các thủ tục tị nạn đối với người di cư — những người không có triển vọng cho việc nhập cảnh sau này — tại Rwanda ở châu Phi.
Hiệp ước tị nạn của Vương quốc Anh dự kiến sẽ ngăn chặn người dân di cư bằng thuyền qua eo biển Manche đến miền nam nước Anh. Năm 2022, đã có khoảng 45,000 người thực hiện thành công chuyến đi như vậy đến Vương quốc Anh.
Thủ tướng Sunak đã chuyển khoản 300 triệu euro cho Rwanda — tuy nhiên, cho đến nay, “vì lý do pháp lý”, nên vẫn chưa có một người di cư bất hợp pháp nào được chuyển đến Rwanda.
Điều này sẽ thay đổi với việc sửa đổi luật được Nghị viện Anh thông qua với tỷ lệ sít sao vào ngày 12/12/2023, trong đó Rwanda được tuyên bố là “nước thứ ba an toàn” và việc truy đòi pháp lý “dựa trên cơ sở nhân quyền” sẽ bị loại trừ đối với những người có nhu cầu nhập cư.
Theo thông tin của Welt, dự kiến luật này sẽ được thông qua chính thức vào đầu năm tới. Vào giữa tháng 11/2023, Tòa án tối cao Anh, tòa án cao nhất đất nước, đã tuyên bố rằng hiệp ước trước đó là bất hợp pháp.
Thủ tướng Ý đặt hy vọng vào Albania
Ngay cả bà Giorgia Meloni, vị thủ tướng theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống của Ý, cũng đang phải đối mặt với áp lực. Bất chấp chiến dịch bầu cử phản đối di cư và “một số biện pháp và thỏa thuận nổi bật” của bà, thì trong vai trò thủ tướng đương nhiệm, bà Meloni vẫn phải cấp thị thực cho “hàng trăm ngàn người nhập cư hợp pháp” để “đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động” của Ý.
Ngoài ra, theo Welt, Thủ tướng Meloni đã không thể giảm được dòng người tị nạn bằng thuyền. Ngược lại, “số lượng thuyền cập bến ở Ý đã tăng khoảng 50% so với năm trước.” Theo thông tin từ tờ Berliner Morgenpost, “hơn 140,000 người di cư” đã đổ bộ vào bờ biển Ý từ tháng Một đến tháng Mười năm 2023.
Thủ tướng Meloni đặt hy vọng của mình vào hai trung tâm tị nạn với sức chứa tổng cộng 3,000 chỗ, đây là trung tâm mà bà muốn thành lập tại các thành phố Shëngjin và Gjader của Albania. Tương tự như mô hình kế hoạch Rwanda của Anh, các thủ tục tị nạn cho những người mà Hải quân Ý đón lên từ địa Trung Hải sẽ được tiến hành tại hai trung tâm này. Hàng năm, nơi đây có thể chăm sóc tại chỗ cho đến 36,000 người. “Người vị thành niên, người xin tị nạn, phụ nữ mang thai và những người dễ bị tổn thương sẽ tiếp tục được chuyển đến Ý,” theo Morgenpost. Hợp đồng trị giá 16.5 triệu Euro trong vòng năm năm đã được hoàn tất ký kết với Thủ tướng theo chủ nghĩa xã hội Edi Rama của Albania.
Tình trạng thiếu nhà ở tại Ireland
Ngay cả ở Ireland, quốc gia có truyền thống thân thiện với người nhập cư, tình hình dường như đã thay đổi, ít nhất là kể từ cuối tháng 11/2023. Theo báo Welt, tại Dublin đã xảy ra những cuộc bạo loạn nghiêm trọng sau khi một người đàn ông gốc Bắc Phi tấn công bằng dao làm thương nặng ba em nhỏ và những người giữ trẻ của các em.
Thị trường nhà ở cũng gặp khó khăn vì các chủ sở hữu địa ốc từ chối cho người nhập cư thuê nhà. Giá thuê nhà đắt đỏ, hơn 13,000 người Ireland đang không có chỗ ở. Giờ đây, cứ năm cư dân thì có một người không sinh ra trên hòn đảo này.
Ngoài ra, dân số khoảng năm triệu người của Ireland đang đối mặt với hơn 100,000 người nhập cư, với hơn một phần tám trong số này đến từ Ukraine. Theo tờ Welt, Bộ trưởng Tư pháp Helen McEntee đã tuyên bố “không có giới hạn trên” cho họ vào tháng 04/2022, điều này cũng khiến các nhóm và đảng cực đoan cánh hữu vào cuộc. Theo đánh giá của bà Kirsten Bokenkamp, Giám đốc Truyền thông của Tổ chức Ân xá Quốc tế Hoa Kỳ, một “kịch bản thực tế” là sau cuộc bầu cử Nghị viện vào mùa xuân năm 2025, một nhóm như vậy sẽ có đại diện trong cơ quan lập pháp Ireland.
Chính phủ do liên minh ba đảng của Thủ tướng Leo Varadkar đã phản ứng lại trước các cuộc biểu tình bằng cách thắt chặt chính sách di cư: những nam giới độc thân đang tìm kiếm sự hỗ trợ, chủ yếu đến từ Nigeria, Algeria, Afghanistan, Georgia, và Somalia chỉ có thể tìm nơi cư trú trong lều. Những người tị nạn Ukraine trước đây từng sống thoải mái hơn giờ đây sẽ phải thích ứng với hiện thực là chính phủ Ireland sẽ chỉ cung cấp cho họ chỗ ở tị nạn miễn phí trong ba tháng. Các phúc lợi xã hội tương đối cao dành cho tất cả người Ukraine trong các khu nhà ở do chính phủ tài trợ cũng sẽ bị “cắt giảm mạnh.”
Hà Lan: Chờ đợi chính phủ của ông Wilders
Ở Hà Lan, cuộc khủng hoảng di cư đã sớm kết thúc sự nghiệp của Thủ tướng lâu năm Mark Rutte: Sau những tranh chấp dường như không thể hòa giải, ông đã quyết định từ chức hồi tháng 07/2023 sau cuộc bầu cử.
Tháng 11/2023, đảng của ứng cử viên cánh hữu Geert Wilders trở thành đảng mạnh nhất. Ông Wilders cam kết ngăn “cơn lũ tị nạn” và đang hợp tác với một liên minh trung hữu. Cho đến nay ông vẫn chưa tìm được đối tác liên minh nào trong nghị viện đa đảng của Hà Lan. Theo tờ Welt, có thể mất vài tháng cho đến khi chính phủ được thành lập. Tuy nhiên, sau đó, “hành động nghiêm khắc chống lại người nhập cư […] gần như sẽ là điều chắc chắn.”
Tây Ban Nha: Nhượng bộ Morocco
Tại Tây Ban Nha, nơi có những mối lo ngại lớn về di cư, theo tờ Welt, chủ đề di cư chủ yếu xoay quanh các khu Ceuta và Melilla ở Bắc Morocco. Hai nơi này đã bị phong tỏa từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Người di cư vượt qua biên giới được bảo vệ bằng hàng rào thép gai có thể “dễ dàng di chuyển bằng phà” đến lục địa châu Âu.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lực lượng biên phòng Morocco đã từ chối trợ giúp những đồng sự người Tây Ban Nha của họ, khi họ “triệu hồi các sĩ quan và cho phép hàng trăm người di cư đi qua.” Thi thoảng có những cuộc chiến dẫn đến thương vong đối với những người Phi Châu muốn nhập cư. Theo “Euronews”, nguyên nhân là “tranh chấp ngoại giao giữa chế độ quân chủ Morocco và chính phủ Tây Ban Nha” về khu vực tranh chấp bờ Tây Sahara.
Xung đột hiện đã được giải quyết: Tháng 07/2023, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đã đồng ý công nhận việc Morocco chiếm đóng 2/3 diện tích khu vực Tây Sahara kể từ năm 1975. Điều này đã làm tổn hại đến khát vọng tự trị của người Sahrawi bản địa trên lãnh thổ bị chiếm đóng — và đi ngược lại lợi ích của Algeria. “Nhưng các biện pháp này đã ngăn chặn dòng người di cư vào thời điểm hiện tại,” Welt đưa tin.
Hy Lạp cho phép 30,000 người di cư bất hợp pháp cho thị trường lao động
Nói theo cách riêng của mình, chính phủ bảo thủ Hy Lạp do ông Kyriakos Mitsotakis lãnh đạo đang theo đuổi chính sách di cư “cứng rắn nhưng công bằng”, theo Welt. Nhưng “các tổ chức nhân quyền, Nghị viện Âu Châu, và Ủy ban Âu Châu” lại nghĩ khác: Lực lượng biên phòng nước này sẽ liên tục trục xuất những người sẵn sàng nhập cư “bất hợp pháp mà không cần thủ tục tố tụng.”
Xung đột leo thang vào tháng 06/2023 khi hàng trăm thuyền tị nạn từ Libya bị lật úp và nhiều người chết đuối ngoài khơi bán đảo Peloponnese. “Các cuộc điều tra chính thức” hiện đang được tiến hành để làm rõ “những thất bại của chính phủ Hy Lạp.”
Bộ trưởng Di cư và Nông nghiệp Hy Lạp Patroklos Georgiadis đã cố gắng đơn giản hóa quy trình tiếp cận thị trường lao động cho người nhập cư, đặc biệt là trong các lĩnh vực “nông nghiệp, du lịch, và xây dựng” do tình trạng thiếu hụt nhân lực, nhưng “do áp lực nội bộ”, ban đầu đã ông phải “rút lui”. Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước, tờ Deutschlandfunk thông báo rằng 30,000 người nhập cư bất hợp pháp hiện đã được phép làm việc.
Hòn đảo Cyprus đang chuẩn bị cho làn sóng di cư – bất chấp sự phản đối của người dân
Welt đưa tin, Hy Lạp cũng đã gửi “viện trợ nhân đạo” đến đảo Cyprus vào đầu tháng Mười Hai vì hòn đảo này đang chuẩn bị cho làn sóng người tị nạn từ Trung Đông. Tổng thống Cyprus Nikos Christodoulides cũng đang yêu cầu thêm tiền từ Brussels.
“Tính trên dân số,” năm ngoái Cyprus có “tỷ lệ đơn đề nghị tị nạn ban đầu cao nhất ở EU.” Trong khi đó, bầu không khí của chính trị và truyền thông địa phương ngày càng trở nên tiêu cực: “Sự gia tăng bạo lực đối với người di cư” thậm chí còn được ghi nhận. “Một mặt, các nhà phân tích đổ lỗi cho tư tưởng bài ngoại […] mặt khác là sự quản lý nhập cư kém của chính phủ,” tờ Welt giải thích. “Lịch sử phức tạp của Cyprus với tư cách là một quốc gia bị chia cắt khiến việc quản lý nhập cư càng trở nên khó khăn hơn.”
Hoa Kỳ: Hầu hết mọi người đều phản đối Tổng thống Biden
Theo Welt, Mỹ quốc đang rơi vào tình thế khó khăn: Các thành viên Đảng Cộng Hòa trong Quốc hội đã thông qua gói viện trợ ngoại quốc của Tổng thống Joe Biden, gói này phụ thuộc vào các quy định chặt chẽ hơn đối với người di cư ở biên giới Mexico. Nếu tổng thống Biden muốn tiếp tục nhận tiền để dành cho Ukraine hoặc Israel, thì ông sẽ phải nhượng bộ.
Một số nhà lập pháp Đảng Dân Chủ cũng muốn có thêm tiền từ Hoa Thịnh Đốn và ủng hộ một chính sách biên giới khác. Làn sóng di cư từ miền nam hiện nay mạnh đến mức việc thiếu kinh phí khiến New York gặp vấn đề với các nhân viên cảnh sát mới, thư viện, và việc xử lý chất thải và nước thải: đô thị ven biển phía đông được quản lý theo lối dân chủ truyền thống này đã phải đối mặt với 150,000 người mới đến trong một năm rưỡi qua. Liên lạc giữa Thị trưởng New York Eric Adams và Tổng thống Biden đã bặt vô âm tín trong gần một năm.
Mặt khác, từ nhiều tháng trước “các thống đốc Đảng Cộng Hòa” đã kiện chính sách di cư của chính phủ Tổng thống Biden và còn thậm chí còn “cử xe buýt chở người nhập cư đến các thành phố do Đảng Dân Chủ điều hành.”
Vài ngày trước, người thách thức ông Biden, ông Donald Trump, tuyên bố rằng ông muốn đưa ra các lệnh cấm nhập cảnh và mở rộng quy trình nhập cư để bao gồm một cuộc kiểm tra tư tưởng:
“Nếu quý vị ghét nước Mỹ. Nếu quý vị muốn xóa sổ Israel, nếu quý vị có thiện cảm với các chiến binh thánh chiến, thì chúng tôi không muốn quý vị ở đất nước của chúng tôi và quý vị sẽ không được vào. Chúng tôi không muốn quý vị,” cựu tổng thống Donald Trump nói.
Thủ tướng Canada Trudeau cần suy nghĩ lại
Theo thông tin từ tờ Welt, Thủ tướng Justin Trudeau của Canada đang phải lo lắng về việc tái đắc cử trước tâm lý chống nhập cư của đại bộ phận người dân. Người Canada phải chịu đựng tình trạng chi phí sinh hoạt cao và thiếu nhà ở.
Ít nhất thì tình trạng thiếu nhà ở cũng có thể được xem là một phần do chính sách nhập cư của ông Trudeau: Trong tám năm cầm quyền của ông, đã có 1.3 triệu người nhập cư vào quốc gia có dân số 40 triệu người này. Đa số đến từ “Ấn Độ, Philippines, Trung Quốc, và Syria.” Thủ tướng đã muốn giải quyết vấn đề dân số và tăng trưởng kinh tế yếu kém của đất nước. Nhưng nếu dòng người tiếp tục tràn vào, thì Canada sẽ tăng gấp đôi dân số của mình vào giữa thế kỷ này.