Không uống canh Mạnh Bà, những cổ nhân này nhớ rõ kiếp trước
Phật gia giảng cho thế nhân rằng, con người phần lớn là luân hồi trong lục đạo, trừ khi hữu duyên tu đắc chính Pháp, mới có thể thoát khỏi tam giới. Con người đã chuyển sinh trong luân hồi, như vậy nói con người có kiếp trước, kiếp này, kiếp sau, cũng không phải là điều vô căn cứ.
Thời kỳ Đông Hán, ở thế gian thường có những người biết được chuyện của kiếp trước kiếp sau, thường xuyên tiết lộ thiên cơ. Bởi vậy, Thượng Thiên đặc biệt cử Mạnh Bà làm Thần ở cõi U Minh, để cho bà chọn lựa các vị thuốc ở thế tục chế thành “Canh Mạnh bà”, giống rượu nhưng không phải rượu, còn được gọi là “Canh mê hồn”. “Canh Mạnh bà” được chia làm năm vị ngọt, đắng, cay, chua, mặn. Phàm là quỷ hồn chuẩn bị chuyển sinh đều phải uống bát canh này. Sau khi đã uống canh Mạnh Bà, những người đầu thai sẽ không còn nhớ được sự việc của kiếp trước, bởi vậy càng thêm mê mờ với danh, lợi, tình trong thế tục.
Tuy nhiên, Thượng Thiên vì để cảnh tỉnh thế nhân, vẫn là cố ý để sót một ít người không uống canh Mạnh Bà, để họ giữ lại ký ức của kiếp trước. Trong các sách cổ của Trung Quốc đã ghi chép lại một số chuyện như vậy.
Kiếp trước của hai vị quan viên thời Ngụy Tấn
Dương Hỗ là người có công lớn khai quốc thời Tây Tấn, ông vốn học rộng tài cao, thanh liêm chính trực, lễ nghi chuẩn mực, cử chỉ tiêu sái. Vì có công lao to lớn nên ông được phong làm Cự Bình Tử, cùng với Tuân Úc nắm giữ cơ mật. Ông là người khiêm tốn hòa nhã, dùng đức thu phục nhân tâm, bởi vậy rất được lòng của quân dân. Các sách sử ghi chép rằng thời còn bé ông nhớ được kiếp trước của mình.
Khi Dương Hỗ lên 5 tuổi, một hôm ông bảo người nhũ mẫu đưa vòng vàng cho ông cầm chơi. Nhũ mẫu nói: “Trong nhà của cậu không có loại vòng này”. Dương Hỗ liền tự mình chạy đến dưới gốc cây dâu ở bức tường phía đông của nhà hàng xóm họ Lý, rồi đào ra một chiếc vòng vàng. Chủ nhà họ Lý rất ngạc nhiên, nói: “Đây là cái vòng mà đứa con đã chết của ta cầm chơi và làm rơi mất, sao cháu có thể lấy ra được?”. Người nhũ mẫu bèn kể cho người nhà họ Lý biết nguyên nhân. Người nhà họ Lý nghe xong rất đau buồn, lúc này mới biết được Dương Hỗ là con của mình chuyển sinh. Người thời đó nghe nói về chuyện này cũng đều cảm thấy rất kỳ lạ.
Còn có một trường hợp nữa là Bào Tịnh, làm đến chức Thái thú Đông Hải của triều Tấn. Cũng là vào lúc 5 tuổi, ông nói với cha mẹ của mình rằng: “Con vốn là con trai của nhà họ Lý ở Khúc Dương, lúc 9 tuổi không may rơi xuống giếng mà chết đuối”. Thế là cha mẹ của ông đi đến vùng đó hỏi thăm, quả nhiên tìm được nhà họ Lý ở Khúc Dương. Sau khi dò hỏi cẩn thận, đều trùng hợp với những gì Bào Tịnh đã nói, chứng thực ông là đứa con đã chết của nhà họ Lý chuyển sinh.
Kiếp trước của Thứ sử triều Tùy là một phụ nữ tín Phật
Vào những năm Khai Hoàng triều Tùy (581 – 600), Thứ sử vùng Ngụy Châu là Thôi Ngạn Vũ, người vùng Bác Lăng, trong một lần đi tuần sát đã đi đến một trấn nhỏ. Ông ngạc nhiên nói với tùy tùng rằng: “Ta kiếp trước đã từng sống ở nơi này, làm vợ người ta, bây giờ ta còn nhớ được là nhà ở nơi nào”.
Thôi Ngạn Vũ liền thúc ngựa đi vào một ngõ nhỏ, sau mấy lần rẽ ngoặt thì đi tới gõ cửa của một nhà dân. Một ông cụ tuổi đã cao ra mở cửa chào hỏi. Thôi Ngạn Vũ đi vào cổng, đi tới trước gian nhà chính, nhìn vào một chỗ nhô ra cách mặt đất sáu, bảy thước nơi bức tường phía đông. Ông nói với ông cụ rằng: “Kinh Phật mà tôi đọc trước đây cùng với năm chiếc trâm vàng được giấu ở chỗ nhô cao trên tường, trang cuối cùng của quyển Kinh thứ bảy đã bị lửa thiêu cháy, thiếu mất mấy dòng chữ. Bây giờ mỗi khi tôi đọc lại bộ Kinh này, đến trang cuối cùng của quyển thứ bảy, vẫn luôn nhớ không nổi dòng chữ đã bị mất đi này”.
Sau đó, Thôi Ngạn Vũ bảo thuộc hạ đục vách tường, quả nhiên đã tìm thấy Kinh thư và trâm cài, giống như đúc với lời ông đã nói. Ông cụ khóc nói: “Người vợ đã mất của tôi khi còn sống, thường hay đọc bộ Kinh sách này, trâm cài cũng là của vợ tôi lưu lại. Năm đó vợ tôi vì khó sinh mà chết, cho nên không biết những thứ này cất ở nơi đâu”.
Thôi Ngạn Vũ cũng rất cảm khái. Ông đi tới dưới cây hòe trước sân rồi nói: “Năm đó khi tôi sắp sinh con, từng cắt xuống một lọn tóc của mình và đặt trong hốc cây hòe này”. Thuộc hạ của ông quả nhiên tìm thấy lọn tóc ở trong hốc cây hòe.
Nhìn cảnh này, ông cụ biết được Thôi Ngạn Vũ là chuyển kiếp của người vợ đã chết của mình, buồn vui lẫn lộn. Thôi Ngạn Vũ để lại cho ông cụ một ít quần áo và đồ dùng thường ngày, đồng thời tặng một số tiền khá lớn, sau đó rời đi.
Chuyển sinh được 3 ngày đã biết nói chuyện, 5 tuổi tìm về cha mẹ của kiếp trước
Trong cuốn thứ ba của “Tượng giáo bì biên” do Trần Sĩ Nguyên người thời Minh biên soạn, có kể một câu chuyện như thế này: Năm Giáp Thìn Gia Tĩnh (năm 1544), Trần Sĩ Nguyên ngồi uống rượu với người bạn cùng tuổi là Trương Tử Chinh. Trương Tử Chinh chỉ vào người em vợ của mình là Triệu Sinh đang ngồi cùng và nói: Kiếp trước của Triệu Sinh là con trai của một người họ Triệu nào đó, vào mùa nắng nóng đi đón tiếp quan Đốc học, đã uống rất nhiều rượu, trên đường về nhà vì quá say mà chết. Hồn phách của người này bay phiêu đãng đến bên một dòng suối nhỏ, vừa lúc có một con chó đi ngang qua. Hồn phách của anh ta sợ bị chó cắn phải nên trốn vào bên cạnh một người phụ nữ mang thai, trong lúc bất tri bất giác hồn phách tiến nhập vào cái thai của người phụ nữ.
Người phụ nữ vào tối hôm đó sinh con, Triệu Sinh lúc này mới phát hiện mình đã chuyển sinh. Vừa mới sinh ra được ba ngày, người mẹ ra bên ngoài đi đưa cơm, đứa trẻ mới sinh nằm trên giường kêu to rằng: “Đi ra ngoài xin hãy đóng cửa lại, đừng để chó vào phòng làm hại tôi”. Người mẹ nghe xong vô cùng sợ hãi, lập tức chạy tới nói cho chồng mình biết. Người chồng cho là yêu quái, cầm cuốc muốn đánh chết đứa trẻ, nhưng cuối cùng vẫn không nỡ xuống tay. Từ đó, Triệu Sinh không dám tiếp tục nói chuyện nữa.
Vào một hôm khi Triệu Sinh được 5 tuổi, cậu nhìn thấy một người cưỡi ngựa đi ngang qua trước cửa, cậu kêu tên của người đó và nói: “Ta là hồn phách của Triệu mỗ thác sinh, là cậu của ngươi, không biết cha mẹ và vợ con của ta bây giờ thế nào?”. Người kia rất đỗi kinh ngạc, trở về nhà kể lại cho người nhà nghe.
Cha mẹ của Triệu Sinh liền tìm đến nhà của người họ Triệu nọ, lấy tiền để tạ ơn, đồng thời mang Triệu Sinh trở về ngôi nhà của kiếp trước. Khi đó vợ của anh ta cũng chưa tái giá. Triệu Sinh tuy còn nhỏ tuổi, mặc dù chưa từng theo đọc sách với bất kỳ người nào, nhưng hết thảy nội dung trong các sách mà kiếp trước đã đọc đều có thể nhớ rõ, chữ của cậu viết ra cũng rất giống với chữ của kiếp trước đã viết.
Kiếp trước tú tài mắc bệnh đậu mùa mà chết
Trong cuốn “Chước Tuyền Lục” của văn nhân Hoàng Cung thời Thanh đã ghi chép lại những gì ông gặp được, ghi rằng: Trương Tử Mông đỗ Tú tài vào thời Gia Tĩnh triều Minh, khi ông được 2 tuổi đã có thể nói chuyện, thường hay nói đến những việc xảy ra ở kiếp trước. Khi 6 tuổi ông đến Huệ Sơn, gặp được một người phụ nữ họ Ngao, ông liền khóc lớn nhào vào trong lòng của người phụ nữ, nói bà ấy là mẹ của mình ở kiếp trước.
Người phụ nữ họ Ngao đã hỏi Trương Tử Mông rất nhiều chuyện ở kiếp trước, mỗi một chuyện đều vô cùng ăn khớp. Từ đó, Ngao phu nhân thường xuyên đến nhà họ Trương thăm Trương Tử Mông, hai nhà coi nhau giống như thân thích vậy.
Khi Trương Tử Mông được 7 tuổi bị mắc bệnh đậu mùa rất nghiêm trọng, Ngao phu nhân nói ông kiếp trước chính là vì bị bệnh đậu mùa mà chết. Cũng may ở kiếp này ông đã được chuyển nguy thành an. Nhưng sau khi khỏi bệnh thì Trương Tử Mông không thể nhớ được những chuyện của kiếp trước nữa.
Ngưu Tri phủ chuyển sinh ba đời
Vào thời nhà Thanh có Uông Tả Viên người vùng Vô Tích, khi làm Tri huyện ở Tứ Xuyên, cấp trên của ông là Ngưu Tri phủ, đỗ Á nguyên (hạng thứ 2 trong cuộc thi Hương) khoa Giáp Tý năm Gia Khánh (năm 1840), ông cùng tuổi với Uông Tả Viên. Ngưu Tri phủ nói cho Uông Tả Viên rằng, mình biết tình huống chuyển sinh của ba đời.
Hai đời trước, Ngưu Tri phủ là một võ quan, vì đánh dẹp người Miêu, giết người quá nhiều, sau khi chết bị trừng phạt quăng vào thai ngựa, sau đó vì nhảy nhót kêu gào không ăn mà chết. Lần thứ hai chuyển sinh thành ngựa, làm ngựa cho một vị võ quan nào đó. Một lần đánh trận, khi bị quân địch truy sát, ông bất chấp nguy hiểm nhảy qua khe núi giúp chủ tướng có thể thoát thân, còn bản thân bị đá nhọn đâm chết. Bởi vì có lòng trung thành cứu chủ, quan Âm phủ chấp thuận để ông đầu thai thành người làm tới quan tứ phẩm.
Trước khi chuyển sinh, quỷ sai lột lớp da ngựa của ông, đau đớn không chịu nổi, cuối cùng lột đến vó bên trái, vì không chịu nổi nên thu chân lại, cho nên ở đời này bàn tay bên trái của Ngưu Tri phủ là cái móng ngựa. Ông còn nói bản thân mình sống ở trên đời không còn bao lâu nữa, quả đúng là như vậy, không bao lâu sau đó thì ông qua đời.
Con trai Tể tướng chuyển sinh 4 đời
Tể tướng Trần Ngạn Thăng triều Thanh có người con trai tên là Trần Trực Phương, cùng khoa năm Giáp Ngọ với Lê Quý Tăng người vùng Phúc Kiến. Một hôm Trần Trực Phương nói với Lê Quý Tăng rằng, thời gian của tôi còn lại không nhiều, chỉ sợ rất khó gặp lại nhau rồi. Lê Quý Tăng hỏi vì sao nói như vậy, Trần Trực Phương nói là bởi vì ông biết được sự việc của bốn đời chuyển sinh.
Ở đời thứ nhất, ông chuyển sinh làm con của Thông phán Tứ Xuyên, vì mẫu thân quản thúc nghiêm khắc, cho nên bỏ đi ra ngoài buôn bán, đến khi phụ thân chết mới về nhà. Đời thứ hai chuyển sinh làm công tử của gia đình giàu có. Đời thứ ba chuyển sinh làm tăng nhân của chùa Trúc Lâm ở kinh thành, một hôm đi ra bên ngoài thì gặp một nhóm các cô gái đi qua, vì không giữ được tâm tính, đã đưa mắt ngắm nhìn các cô gái một cái. Vì phạm vào giới sắc, cho nên đời này đầu thai ở phủ nhà họ Trần. Ở phủ nhà họ Trần, khi ông lên 8 tuổi đã cùng với phụ thân đến chùa Trúc Lâm, tât cả trai phòng và đường đi trong chùa đều rõ ràng trước mắt ông.
Trần Trực Phương nói với Lê Quý Tăng rằng, ở kiếp này ông chú định là chết sớm, nếu như không chết sớm thì ắt phải gặp tai họa binh đao. Ông còn tiết lộ, khi 9 tuổi, ông từng đến Âm phủ làm Phán quan, mỗi tối đều đến Âm phủ xét xử vụ án, đến rạng sáng mới trở về. Khi lên 12 tuổi, vì mắc lỗi nên bị cõi Âm phủ cách chức, nhưng ông không nói là mình bị phạm vào chuyện gì.
Không lâu sau đó, Trần Trực Phương bị bệnh và qua đời. Lê Quý Tăng nói, Trần Trực Phương khi còn sống làm người chất phác, chưa từng nói xằng bậy, vì thế ông rất tin vào những điều mà Trần Trực Phương đã nói.
Tài liệu tham khảo:
Lý Tịnh Thành biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ