Khóa học dành cho cha mẹ (P.56): Quan tâm đến người khác và trở thành một anh hùng thực sự
Mời quý vị đón đọc Loạt bài viết “Khóa học dành cho cha mẹ.”
Về vấn đề con trẻ ganh đua so sánh, lần trước cô Trần đã nói rồi, bậc cha mẹ sáng suốt sẽ không bao giờ bỏ qua vấn đề của con mình. Tại sao vậy?
(Cô Trần): Khi tôi còn nhỏ, tôi đã đọc một câu chuyện trong sách giáo khoa, kể rằng có một cậu bé người Hà Lan. Một ngày nọ khi về nhà, cậu ấy nhìn thấy bờ đê có một lỗ thủng nhỏ và nước bắt đầu chảy vào. Lúc này cậu bé có hai sự lựa chọn, một là bỏ mặc, hai là ở lại giải quyết vấn đề. Sau này mọi người đều rất biết ơn người bạn nhỏ này. Nếu lúc đó không có người phát hiện kịp thời và ngăn nước lại thì hậu quả sẽ rất thảm khốc.
Hợp tác mạnh mẽ: bài học từ loài ngỗng
Câu chuyện này đã giúp tôi hiểu được một đạo lý ngay từ khi còn nhỏ: một hành vi nhỏ không đúng sẽ gây họa lớn về sau. Thứ hai là trong khoa học hiện đại ngày nay, người ta đã phát hiện ra một điều thú vị: khi đàn ngỗng đang bay, nếu đàn ngỗng bay cùng đàn thì sức lực của chúng sẽ giảm đi 71% so với khi chúng bay một mình. Vì vậy, hiện nay nhiều công ty, trường học phải quan tâm đến khả năng, thái độ và tinh thần làm việc nhóm.
(Người dẫn chương trình): Một cây không thể thành rừng, một người không thể làm nên việc lớn. Mọi người đều có sự đồng thuận như vậy. Tuy nhiên, người xưa cũng nói: “Mua bán thì dễ, nhưng làm đối tác với nhau thì khó.” Hợp tác với nhau thực sự không dễ dàng, và người người Hoa thường không chú ý nhiều đến việc xây dựng tâm lý lành mạnh trên phương diện này.
Dọn cả tuyết rơi ở nhà người khác
(Cô Trần): Tôi cảm thấy rất tiếc. Khi tôi còn học đại học, có một giáo sư rất giỏi về ngành truyền nhiễm. Khi giảng dạy ở các lớp, ông thường sẽ hỏi rằng: “Y học dự phòng là gì? Bạn nhất định phải làm một việc, bạn phải dọn cả tuyết rơi ở nhà người khác, có nghĩa là bạn phải quan tâm đến những người khác.” Ví dụ, khi ai đó ho trên xe buýt, bạn phải lo lắng, bởi vì đây có thể là dấu hiệu bắt đầu của một đại dịch. Sau này quốc gia sẽ chế định pháp luật để kiểm soát bác sĩ, khi bác sĩ thấy bệnh truyền nhiễm phải khai báo đến phòng khám, nếu không khai báo là phạm pháp, thậm chí thu hồi giấy phép hành nghề bác sĩ.
Do đó, chúng ta cần hướng dẫn con trẻ từ lúc nhỏ, dẫn dắt các con quan tâm đến bạn bè xung quanh. Đây cũng là một cách “thân giáo” rất quan trọng, để cho trẻ học cách hợp tác với người khác, sống chung với người khác và mở rộng tấm lòng để quan tâm đến người khác. Những trẻ em được giáo dục như vậy khi lớn lên sẽ là người có năng lực và có tấm lòng rộng mở. Kỳ thực, các trường đại học tốt nhất đều muốn chọn những người này.
Đầu bếp được phong danh hiệu Công tước
Có một đầu bếp ở Anh quốc đã phát hiện ra rằng, ở nhiều trường tiểu học tại Anh quốc, trẻ em được cho ăn thức ăn bán đông lạnh. Anh cảm thấy, nếu luôn ăn những thực phẩm không đủ dinh dưỡng này, những trẻ em của đất nước sẽ lớn lên như thế nào trong tương lai? Vì vậy, người đầu bếp đã đến trường để làm tình nguyện, dạy trẻ em về thức ăn thực sự. Trước đây, những đứa trẻ thậm chí còn chưa nhìn thấy củ khoai tây, chỉ biết đến khoai tây chiên mà thôi. Thời gian đầu anh gặp rất nhiều khó khăn, có giáo viên còn cảm thấy rất phiền phức, họ miễn cưỡng phối hợp với anh.
Sau đó, anh đã làm các giáo viên cảm động. Các giáo viên thấy rằng khi trẻ ăn những thức ăn thực sự, các bé thực sự hiểu về thức ăn. Ngoài ra, các bé còn có một mảnh đất nhỏ để trồng trọt. Lúc này, các bé trở nên tập trung hơn, giảm đi những hành vi lệch lạc, và hiệu quả học tập cũng được nâng cao, việc dạy học cũng trở nên dễ dàng hơn. Sau đó, giáo viên đã chấp thuận, ủng hộ và và làm việc với anh.
Tuy nhiên, lúc đầu chỉ có một đầu bếp, thậm chí một số phụ huynh còn phản đối, hoặc có những phụ huynh không quan tâm. Nhưng bây giờ mọi người đều cần hợp tác với nhau, và khi có thành quả rõ ràng thì phụ huynh không còn phản đối nữa. Cuối cùng, người đầu bếp này đã nhận được sự ủng hộ của 250,000 giáo viên và phụ huynh ở Anh quốc. Anh còn được phong danh hiệu Công tước. Đầu bếp này không phải là tiến sĩ và cũng không có con, nhưng anh đã làm được những việc này.
Quan tâm người khác
Tôi thường nói nếu xã hội này có một kẻ ăn cướp thì có sáu người không ngủ được, chẳng hạn như thị trưởng, cục trưởng, giám đốc bệnh viện, v.v. Những người này có khả năng là những trẻ em ưu tú nhất ở trường tiểu học và trung học cơ sở. Khi chúng còn đang học ở trường nếu không quan tâm đến bạn bè của mình, thì về sau, người bạn học tệ nhất trong lớp sẽ khiến chúng phải mất ngủ.
Đây là tình huống có thể xảy ra. Vì vậy, tôi thường lấy đạo lý này để nói với bản thân mình: Tôi không thể nào nhìn thấy một đứa trẻ yếu thế mà tôi không quan tâm, không giúp đỡ. (Ý tôi là yếu tâm lý, yếu trong cách giải quyết vấn đề). Đừng nói với tôi rằng bạn không có học vấn và kinh nghiệm như tôi. Chỉ cần bạn có ánh mắt ấm áp, sẵn sàng quan tâm và chào hỏi người đó, vậy là đủ rồi!
(Người dẫn chương trình): Cô Trần thực sự làm tôi cảm động. Tôi đã từng thấy cô Trần trả lời các câu hỏi của phụ huynh một cách tận tình bất kể cô gặp ai, và họ đặt câu hỏi gì. Tôi tự hỏi làm thế nào mà cô Trần có nhiều thời gian như vậy! Cô cũng cần nghỉ ngơi, mỗi ngày nhận bao nhiêu là điện thoại, tư vấn, còn làm diễn thuyết nữa. Tuy nhiên, hôm nay tôi hiểu rồi, thực sự là chúng ta vì người khác thì người khác cũng vì chúng ta. Nếu không, sẽ có vô số vấn đề trong xã hội này mà không biết bắt đầu từ đâu. Cũng giống như đứa trẻ so sánh chiếc đồng hồ với bạn, vấn đề này khá nhạy cảm, chúng ta nên làm thế nào?
(Cô Trần): Chúng ta không cần gọi điện thoại cho phụ huynh của cháu bé đó, và chúng ta không cần chỉ rõ tên của đứa trẻ. Chúng ta chỉ cần dạy con mình cách quan tâm thực sự đến bạn của mình. Bạn có thể nói với con rằng, có một bạn học trong lớp của con cần một người bạn, nhưng bạn ấy không biết cách kết bạn, con nghĩ chúng ta có thể làm gì?
Trẻ nhỏ cũng có ngôn ngữ của riêng mình
Trên thực tế, trẻ em có thế giới của trẻ em và chúng có điểm chung. Tôi lấy một ví dụ. Tôi có một người họ hàng có hai người con, cha là người Đức. Đứa lớn trông giống người Đức, đứa thứ hai trông giống người Trung Quốc. Vì hoàn cảnh (cả gia đình sống ở Mỹ quốc), người mẹ lúc đó nghĩ rằng người con thứ hai sẽ có cơ hội được trở lại Đài Loan để học tiếng Hoa.
Tình cờ năm đó tôi đến Mỹ quốc, cô ấy nhờ tôi đưa người con thứ hai về Mỹ. Sau này tôi mới biết cháu không nói được tiếng Anh chút nào vì cháu sống ở Đài Loan 1-2 năm, và không ai xung quanh cháu nói tiếng Anh, nên từ khi cháu biết nói chuyện thì đã nói tiếng Hoa rồi.
Nhưng cháu lại có tóc vàng mắt xanh, trông rất dễ thương. Khi tôi dắt cháu đi, mọi người đều chào cháu bằng tiếng Anh, nhưng cháu không hiểu gì. Khi cháu gặp anh trai, tôi vẫn đang suy nghĩ, em trai nói tiếng Hoa còn anh trai nói tiếng Anh. Hai anh em đã rất lâu không gặp mặt rồi. Thế làm sao đây? Tôi có cần làm phiên dịch không?
Sau đó, vừa cho hai đứa bé ở cùng nhau thì hoàn toàn không cần phiên dịch. Giữa các cháu đã có ngôn ngữ cử chỉ để giao tiếp. Tôi quan sát cách hai bé chơi, một bé nói tiếng Anh, một bé nói tiếng Hoa. Các bé đã dựa vào cái gì để hiểu nhau? Như chúng tôi đã nói trước đây, khi một đứa trẻ còn nhỏ, việc tiếp nhận âm thanh là gì? Chính là âm tần. Cháu bé có thể nghe ra được câu tiếng Anh này có nghĩa là vui vẻ, câu tiếng Hoa kia có nghĩa là vui vẻ. Thế là hai đứa trẻ có thể giao tiếp với nhau như thế này.
(Còn tiếp)
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 56
Lý Âu biên tập
Tử Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ