Khi Hoa Kỳ và Trung Quốc tranh cãi, các CEO phương Tây tuyên bố ‘yêu ĐCSTQ’
Tại một hội nghị an ninh hàng năm ở Singapore hôm 04/06, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đã cáo buộc Hoa Kỳ là một cường quốc bá quyền. Với tất cả những rắc rối mà Hoa Thịnh Đốn đang gặp phải với Đài Loan và Ukraine, rõ ràng là, chúng ta không phải như vậy.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cũng có mặt tại hội nghị. Ông ngồi cùng bàn ăn tối với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu). Tuy nhiên, họ ngồi cách nhau quá xa để nói chuyện với nhau, điều mà có lẽ là theo yêu cầu của Bắc Kinh.
Ông Lý đã từ chối nói chuyện với ông Austin trong nhiều năm, bất chấp những nỗ lực lặp đi lặp lại của ông Austin và nhu cầu hiển nhiên về đường dây liên lạc rõ ràng giữa các cường quốc hạt nhân.
Tại hội nghị, ông Austin đã đi vòng quanh bàn và nhận được một cái bắt tay, nhưng chỉ có thế. Ông là người đàn ông hào hiệp hơn.
Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) đang tràn đầy tức tối. Họ tuyên bố rằng Mỹ đang cố gắng kiềm chế sự trỗi dậy của họ, điều này đúng một phần, nhưng chỉ trong chừng mực mà Trung Cộng cố gắng phá vỡ hòa bình giữa các quốc gia.
ĐCSTQ phớt lờ luật pháp quốc tế ở bất cứ đâu họ muốn, trong khi chỉ trích Hoa Kỳ về điều tương tự. Giống như mọi hoạt động tuyên truyền hiệu quả, sự chỉ trích này cũng vậỵ, là đúng một phần.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ thường chỉ vi phạm luật pháp quốc tế để ngăn chặn các hệ tư tưởng hiếu chiến ngoài tầm kiểm soát — như chủ nghĩa cộng sản hoặc chủ nghĩa khủng bố — những hệ tư tưởng dẫn đến bạo lực quốc tế và đẩy lùi nhân quyền và các quyền tự do dân chủ trên diện rộng hơn. Đúng vậy, Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta đôi khi dùng lửa để đấu lửa. Bức tranh lớn hơn là cần thiết để hiểu cách thức và lý do tại sao chiến thuật đáng tiếc này có thể lại là cần thiết.
Vậy tại sao hầu hết các nước thích Hoa Thịnh Đốn hơn Bắc Kinh? Bức tranh toàn cảnh nào là cần thiết cho một hiểu biết xuyên thấu được sự tuyên truyền của ĐCSTQ?
Câu trả lời là Hoa Thịnh Đốn là một cường quốc duy trì hiện trạng. Họ không cố giành lấy ngày càng nhiều quyền lực hay lãnh thổ từ các nước láng giềng. Họ không tham gia vào một cuộc diệt chủng đang diễn ra. Họ không ủng hộ các chế độ độc tài hiếu chiến ở Nga, Iran, Miến Điện (còn được gọi là Myanmar), và Bắc Hàn.
Hoa Kỳ chia sẻ quyền lực quốc tế với các quốc gia khác thông qua Liên Hiệp Quốc, được hình thành vào năm 1941 và được thành lập vào năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mỹ đương thời Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Anh đương thời Winston Churchill. Không phải ngẫu nhiên mà Bắc Kinh và Moscow xem Hoa Thịnh Đốn và London là những địch thủ đáng gờm nhất của họ.
Hoa Kỳ và Vương quốc Anh là hai quốc gia chịu trách nhiệm cao nhất, từ góc độ thể chế và vật chất, trong việc ngăn chặn những kẻ bắt nạt tồi tệ nhất của thế giới. Đây là một phần cơ sở của “mối quan hệ đặc biệt” của chúng ta, mặc dù thuật ngữ này chủ yếu được sử dụng ở Vương quốc Anh.
Hôm 04/06, ông Austin giải thích với hội nghị an ninh hàng năm, được gọi là Đối thoại Shangri-la, rằng bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đã từ chối đối thoại với ông và thay vào đó đã dàn dựng các cuộc diễn tập không an toàn ở Biển Đông. Các cuộc diễn tập quân sự này của Trung Quốc, cùng với các cuộc diễn tập ở eo biển Đài Loan, là trái với luật pháp quốc tế.
ĐCSTQ không chỉ từ chối gặp ông Austin mà còn từ chối gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken. Bắc Kinh rõ ràng đang chơi trò đấu trí với Hoa Thịnh Đốn để cố gắng đe dọa chúng ta bằng cách từ chối đối thoại trong khi thường xuyên đe dọa các lực lượng quân sự của chúng ta và gây ra rủi ro xảy ra một sự cố quân sự có thể leo thang. Đây là kiểu chiến thuật bên miệng hố chiến tranh cổ điển (“brinkmanship”) được phát kiến trong Chiến Tranh Lạnh chống lại Liên Xô. Có thể nói rằng chúng ta hiện đang trong một cuộc chiến tranh lạnh với ĐCSTQ, mặc dù hầu hết vẫn phủ nhận điều đó, kể cả chính ĐCSTQ.
Trong khi đó, ĐCSTQ cố gắng làm cho Trung Quốc có vẻ như “mở cửa cho kinh doanh” để có thể tiếp tục vắt kiệt công nghệ và thương mại của Hoa Kỳ và châu Âu. Đây là nơi Trung Quốc có được sức mạnh kinh tế cần thiết để thúc đẩy sự trỗi dậy quân sự của mình.
Tổng thương mại hai chiều giữa một bên là Trung Quốc, và một bên là sự kết hợp giữa Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu, là con số đáng kinh ngạc 1.6 ngàn tỷ USD vào năm 2022. Con số này rất liên quan để cân nhắc vì nó thể hiện tổng thương mại mà Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu có thể tạo đòn bẩy chống lại ĐCSTQ nếu Hoa Thịnh Đốn và Brussels đồng loạt hành động.
Điều đó cũng giải thích tại sao Hoa Thịnh Đốn và Brussels rất mềm mỏng với Bắc Kinh. Các doanh nghiệp phương Tây thu lợi từ tất cả hoạt động thương mại này và sử dụng ảnh hưởng chính trị của họ để cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh hấp dẫn đó bằng cách cố gắng ổn định quan hệ Mỹ-Trung. Điều đó sẽ ổn nếu Trung Quốc cũng là một cường quốc muốn duy trì hiện trạng. Nhưng ĐCSTQ lại không như vậy. Thay vào đó, Bắc Kinh sử dụng sự ổn định Mỹ-Trung như một nền tảng để mở rộng quyền lực của mình trên toàn cầu, đến mức trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với Hoa Kỳ, khối EU, và toàn bộ các quốc gia có chủ quyền khác.
ĐCSTQ có khả năng thực hiện thủ đoạn này là bởi vì họ có thể dễ dàng tận dụng các hoạt động kinh doanh không được phối hợp của chúng ta (thị trường tự do của chúng ta khiến các hoạt động kinh doanh về bản chất là không có sự phối hợp) cho các mục đích bá quyền của Bắc Kinh hơn là chúng ta có thể tác động đến các hoạt động kinh doanh có phối hợp của Trung Quốc (một nền kinh tế chỉ huy của cộng sản thì bao giờ cũng phối hợp nền kinh tế trong nước của mình) để phục vụ mục đích của chúng ta là đưa dân chủ và nhân quyền vào đặc tính của Bắc Kinh. Đây là sai lầm chiến lược lớn của mối quan hệ này. ĐCSTQ có thể ảnh hưởng đến nền chính trị của chúng ta dễ dàng hơn là ngược lại. Do đó, nếu tính tổng hợp, thì sự giao kết về kinh doanh đang phục vụ cho các mục đích chính trị của Bắc Kinh, chứ không phải là cho các mục đích của riêng chúng ta.
Do đó, không phải ngẫu nhiên mà Bắc Kinh ưu tiên quan hệ thương mại với Hoa Kỳ thay vì can dự với giới lãnh đạo quân sự và ngoại giao của Hoa Kỳ. Trong khi từ chối gặp ông Austin và ông Blinken, Bắc Kinh giờ đây rất vui được tiếp Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo. Do vị trí của mình, bà ấy bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các lợi ích kinh doanh của Hoa Kỳ ở Trung Quốc, và do đó, dễ dàng bị ĐCSTQ thao túng hơn.
Một phần để đạt mục đích đó, ĐCSTQ đang đồng thời lôi kéo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây (CEO phương Tây) , bao gồm gần đây nhất là từ Apple, Starbucks, Tesla, JP Morgan Chase, và AstraZeneca. Những CEO phương Tây này nhanh chóng nắm lấy cơ hội giao hảo như vậy bởi vì, nói một cách đơn giản, họ muốn kiếm nhiều tiền hơn ở Trung Quốc. Họ biết những rủi ro, kể cả rủi ro từ việc các công ty Trung Quốc đang lên đánh cắp công nghệ và khách hàng của họ. Tuy nhiên, họ vẫn muốn có lợi nhuận ở Trung Quốc càng lâu càng tốt, ngay cả trong một số trường hợp khi hoạt động kinh doanh đó đi ngược lại giá trị cổ đông dài hạn.
Điều gì có thể tồi tệ đối với một doanh nghiệp của thị trường tự do hơn là việc thúc đẩy chủ nghĩa cộng sản? Tuy nhiên trên thực tế, đó lại chính xác là điều mà một số CEO phương Tây đang làm. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất là người đứng đầu AstraZeneca tại Trung Quốc — ông Vương Lỗi (Wang Lei). Theo Reuters, vào tháng trước, ông Vương cho biết AstraZeneca sẽ tìm cách trở thành một công ty yêu nước ở Trung Quốc “yêu Đảng Cộng sản.”
Trong khi AstraZeneca có trụ sở chính tại Vương quốc Anh, thì dường như công ty này đang tuân theo chỉ huy của một bên khác ở Trung Quốc. Điều tương tự cũng đúng với nhiều công ty Hoa Kỳ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times