Khi các chuyên gia khí hậu cảnh báo về thảm họa sắp xảy ra, những dự báo sai lầm trong quá khứ làm tổn hại đến thông điệp của họ
Trong một báo cáo gần đây, các chuyên gia khí hậu cảnh báo rằng nhân loại chỉ còn vài năm để hành động trước khi thế giới có lẽ sẽ chìm sâu vào một thảm họa môi trường có quy mô toàn cầu không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, những lời kêu gọi của họ đã bị nhấn chìm bởi hàng chục dự đoán đầy kịch tính nhưng không thành hiện thực trong quá khứ.
Trong nhiều thập niên qua, các chuyên gia môi trường đã đang dự đoán về sự diệt vong sắp xảy ra. Hầu hết, mặc dù không phải tất cả, các dự đoán liên quan đến thảm họa khí hậu đều dường như là chuyện sắp xảy ra ngay tức thì, chỉ để tiêu tan dần khi thời hạn đến gần.
Sau hàng núi những dự đoán thất bại, các chuyên gia khí hậu dường như đã thận trọng hơn trong việc đưa ra những dự đoán quá cụ thể. Sự đồng thuận chung giữa những người ủng hộ biến đổi khí hậu hiện nay là các sự kiện thời tiết cực đoan, chẳng hạn như hạn hán và bão, sẽ trở nên thường xuyên hơn hoặc dữ dội hơn.
Báo cáo tóm lược (pdf) được công bố gần đây từ Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cảnh báo rằng trừ phi lượng phát thải carbon được cắt giảm mạnh mẽ và kịp thời, nếu không thì hành tinh này sẽ ấm thêm khoảng 1.1-2.4°C vào năm 2100. Điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ thiệt hại do cháy rừng ở mức “cao” hoặc “rất cao”, làm suy thoái lớp băng vĩnh cửu, mất đa dạng sinh học, khan hiếm nước ở vùng đất khô hạn, và làm chết cây cối trên đất liền cũng như mất đi san hô ở vùng nước biển ấm. Hầu hết những rủi ro nghiêm trọng này được khẳng định với độ tin cậy vừa phải hoặc thấp, nghĩa là thiếu bằng chứng căn bản hoặc không có sức thuyết phục.
Báo cáo đầy đủ của IPCC vẫn chưa được công bố.
Một trong những chuyên gia khí hậu nổi tiếng nhất, ông Michael Mann, đã chỉ trích IPCC là “quá thận trọng” trong việc dự đoán những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu, “bao gồm sự sụp đổ của các tảng băng, mực nước biển dâng cao, và sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan,” Inside Climate News đưa tin cho biết.
Nhưng chính những kiểu dự đoán táo bạo này đã làm giảm uy tín của các chuyên gia trong quá khứ.
Nhà môi trường học Bjorn Lomborg đã thu thập một số dự đoán thất bại như vậy trong cuốn sách của mình, “Báo động Sai: Sự Hoảng loạn về Biến đổi Khí hậu đã Tiêu tốn Hàng Ngàn tỷ dollar của Chúng ta, Làm Tổn thương Người nghèo và Thất bại trong việc Khôi phục Hành tinh Như thế nào” (“False Alarm: How Climate Change Panic Costs Us Trillions, Hurts the Poor, and Fails to Fix the Planet”). Nhà địa chất và kỹ sư điện Tony Heller, người thường xuyên chỉ trích những gì ông coi là gian lận trong nghiên cứu khí hậu thiên tả hiện nay, đã biến điều này thành chủ đề xuất hiện nhiều lần trên blog khoa học khí hậu của mình để chỉ ra những dự đoán sai lầm và đáng ngờ.
Các ví dụ rất phong phú, trải dài từ rất lâu trước đây:
Tháng 12/1939
Tờ báo Sunday Courier Harrisburg (ở Pennsylvania) đã đưa tin rằng: “Tất cả các dòng sông băng ở Đông Greenland đang tan chảy nhanh chóng.”
“Có thể nói không ngoa rằng các dòng sông băng này, giống như ở Na Uy, có nguy cơ bị sụp đổ một cách thảm khốc,” tờ báo cho biết, dẫn lời giáo sư Hans Ahlmann, một nhà địa chất người Thụy Điển, trong một báo cáo gửi Hiệp hội Địa lý sau chuyến thám hiểm Bắc Cực của ông.
Trên thực tế, người ta thấy rằng băng ở Bắc Cực đã giảm đi từ năm 1918, theo một bài báo năm 1923 trên tờ New York Times.
“Mùa đông năm ngoái, các đại dương không bị đóng băng ngay cả ở bờ biển phía bắc của Spitzbergen (đảo Svalbard, Na Uy),” bài báo viết.
Để so sánh, mùa đông năm nay, băng biển đã đến được bờ biển Spitzbergen, mặc dù ở mức độ thấp.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, cuộc khủng hoảng băng tan này dường như không biết bao giờ mới kết thúc.
Tháng 05/1947
Một bài báo đăng trên tờ The West Australian cho biết, “Khả năng mực nước biển đại dương dâng mạnh dẫn đến ngập lụt trên diện rộng, phát sinh từ hiện tượng khí hậu ở Bắc cực đã được Tiến sĩ Hans Ahlmann, một nhà địa vật lý danh tiếng người Thụy Điển tại Viện Địa vật lý của Đại học California, thảo luận hôm qua.”
Ông Ahlmann nói: “Sự thay đổi ở Bắc Cực nghiêm trọng đến mức tôi hy vọng một cơ quan quốc tế có thể nhanh chóng được thành lập để nghiên cứu các hoàn cảnh trên cơ sở toàn cầu.”
Tháng 02/1952
Theo một bản tin do tờ The Cairns Post của Úc phát hành, Tiến sĩ William Carlson, một chuyên gia về Bắc Cực, cho biết: “Các sông băng ở Na Uy và Alaska chỉ còn một nửa kích thước so với 50 năm trước.”
Tháng 03/1955
“Hiện băng ở Bắc cực là vào khoảng sáu triệu dặm vuông (15,540,000 km2). Đã từng có khoảng 12 triệu dặm vuông (31,080,000 km2),” nhà thám hiểm Bắc Cực, Thiếu tướng Hải quân Donald McMillan cho biết, theo Democracy and Chronicle của Rochester, New York.
Tháng 10/1958
“Một số nhà khoa học ước tính rằng khối băng ở hai cực mỏng hơn 40% và diện tích giảm 12% so với nửa thế kỷ trước, và rằng thậm chí đến đời con cháu chúng ta, Bắc Băng Dương có thể mở ra, cho phép tàu bè đi qua Bắc Cực,” The New York Times đưa tin, lưu ý rằng dải băng ở Bắc Cực dày khoảng 7 feet (2.13 m) vào thời điểm đó. Hiện tại, dải băng này cũng vẫn dày khoảng 7 feet (2.13 m).
Đến những năm 1960, có vẻ như những lo ngại về hiện tượng băng tan ở Bắc Cực không mang tính tức thời đến vậy, mà bị thay thế bởi những mối quan tâm khác về môi trường.
Tháng 11/1967
The Salt Lake Tribune đưa tin, viện dẫn lời tiên đoán của nhà sinh vật học Paul Ehrlich về nạn đói sẽ xảy ra vào năm 1975: “Đã quá muộn để thế giới tránh khỏi nạn đói kéo dài.”
Theo bài báo, ông Ehrlich, một nhà sinh vật học của Đại học Stanford và là tác giả của cuốn sách “Quả bom Dân số” (“The Population Bomb”) đã đề xướng việc tẩm chất triệt sản vào các loại thực phẩm thiết yếu và nước uống với để cắt giảm dân số ngày càng gia tăng của Hoa Kỳ.
Tháng 04/1970
“Nhà khoa học dự đoán một kỷ băng hà mới vào thế kỷ 21,” The Boston Globe đưa tin, nói rằng chuyên gia về ô nhiễm James Lodge đã tiên đoán rằng “ô nhiễm không khí có thể xóa sổ mặt trời và gây ra một kỷ băng hà mới trong khoảng thời gian một phần ba đầu tiên của thế kỷ mới.”
Tháng 10/1970
Ông Ehrlich tiếp tục dự đoán rằng nước Mỹ sẽ phân phối nước vào năm 1974 và thực phẩm vào năm 1980, tờ Redlands Daily Facts của California đưa tin.
Tháng 07/1971
The Washington Post trích lời nhà khoa học về khí quyển S. I. Rasool thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) và Đại học Columbia cho biết: “Thế giới có thể chỉ còn 50 hoặc 60 năm nữa là đến một kỷ băng hà mới thảm khốc.”
Tháng 01/1972
“Chúng ta có 10 năm để ngăn chặn thảm họa,” bà Maurice Strong, đương thời đang làm việc cho Liên Hiệp Quốc trong vai trò thư ký môi trường, đã nói như vậy về các vấn đề môi trường của thế giới, theo tờ báo Dagens Nyheter của Thụy Điển.
Tháng 12/1972
Hai nhà địa chất của Đại học Brown đã viết một lá thư cho Tổng thống Richard Nixon, báo cáo rằng một hội nghị có sự tham gia của “42 nhà điều tra hàng đầu của Mỹ và châu Âu” đã kết luận “sự suy thoái khí hậu toàn cầu, với mức độ lớn hơn bất kỳ điều gì mà nhân loại văn minh đã trải qua cho đến nay, là một khả năng rất thật và quả thực có thể sẽ đến rất sớm.”
“Tỷ lệ hạ nhiệt như hiện nay,” họ nói, “dường như đủ nhanh để mang lại nhiệt độ băng giá trong khoảng một thế kỷ, nếu tiếp tục với tốc độ hiện tại.”
Tháng 01/1974
“Các vệ tinh không gian cho thấy Kỷ Băng Hà mới đang đến rất nhanh,” The Guardian đưa tin.
Tháng 06/1974
“Một Kỷ Băng Hà khác ư?” một nhan đề của tạp chí Time đặt nghi vấn.
Bài báo này cho biết: “Các dấu hiệu nhận biết có ở khắp mọi nơi — từ sự tồn tại dai dẳng và độ dày bất ngờ của lớp băng ở vùng biển xung quanh Iceland cho đến việc di cư từ Trung Tây về phía nam của một sinh vật ưa thích ấm áp như loài tatu.”
Tháng 01/1978
The New York Times đưa tin: “Một nhóm chuyên gia quốc tế đã kết luận từ tám chỉ số về khí hậu rằng không có dấu hiệu cho thấy hồi kết của xu hướng lạnh đi trong vòng 30 năm qua, ít nhất là ở Bắc Bán Cầu.”
Một năm sau, tờ báo này đã đưa tin ngược lại.
Tháng 02/1979
The New York Times cho biết: “Có một khả năng có thực là một số người hiện đang ở giai đoạn phôi thai sẽ sống trong một thời kỳ mà băng ở Bắc Cực tan chảy, một sự thay đổi mà sẽ gây ra những thay đổi nhanh chóng và có lẽ là thảm họa về biến đổi khí hậu.”
Tháng 05/1982
Ông Mostafa Tolba, lúc bấy giờ là giám đốc điều hành chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc, nói rằng nếu thế giới không thay đổi hướng đi, thì toàn cầu sẽ phải đối mặt với “một thảm họa môi trường mà sẽ chứng kiến sự tàn phá hoàn toàn, không thể đảo ngược, giống như bất kỳ một vụ thảm sát hạt nhân nào” muộn nhất là năm 2000, theo The New York Times.
Tháng 09/1988
Quốc đảo nhỏ Maldives có nguy cơ bị “mực nước biển trung bình tăng dần” bao phủ hoàn toàn trong 30 năm, hãng thông tấn Agence France-Presse đưa tin, đồng thời lưu ý rằng “sự kết thúc của Maldives và người dân ở đây có thể đến sớm hơn nếu nguồn cung cấp nước uống cạn kiệt vào năm 1992, như đã dự đoán.”
Maldives vẫn chưa có chỗ nào gần như bị chìm dưới nước. Trên thực tế, bất chấp sự tàn phá của đại dịch COVID-19 đối với ngành du lịch, quốc đảo này vẫn thu hút những dự án phát triển mới. Mới tuần trước, công ty phát triển Emirati đã trao hợp đồng trị giá 148 triệu USD để xây dựng 120 biệt thự sang trọng trên mặt nước và bên bờ biển trên Đảo san hô vòng South Male của Maldives, Hotelier Maldives đưa tin.
Tháng 06/1989
“Ông Noel Brown, một quan chức cao cấp về môi trường của Liên Hiệp Quốc, nói rằng toàn bộ các quốc gia có thể bị xóa sổ khỏi mặt đất do mực nước biển dâng cao nếu tình trạng nóng lên toàn cầu không bị đảo ngược vào năm 2000,” tờ San Jose Mercury News của California đưa tin cho biết.
Ông Brown, khi đó là giám đốc văn phòng New York của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, cho biết: “Lũ lụt ven biển và mất mùa sẽ tạo ra làn sóng di cư của ‘những người tị nạn sinh thái,’ đe dọa gây ra tình trạng hỗn loạn chính trị.”
Tháng 03/2000
The Independent viết rằng: “Tuyết rơi giờ chỉ còn là dĩ vãng.” Ông David Viner, một nhà khoa học nghiên cứu cao cấp tại đơn vị nghiên cứu khí hậu của Đại học East Anglia của Anh, cho biết: “Trẻ em sẽ không còn biết tuyết là gì,” đồng thời lưu ý rằng trong vòng vài năm nữa, tuyết rơi vào mùa đông sẽ trở thành “một sự kiện rất hiếm và thú vị.”
Mặc dù tuyết rất hiếm ở miền nam nước Anh, nhưng hiện tượng thời tiết này vẫn xảy ra hầu như là vào mỗi mùa đông.
Tháng 12/2001
Theo Albuquerque Journal, ông George Hurtt, đồng tác giả của một báo cáo về sự nóng lên toàn cầu năm 2001 do Quốc hội Hoa Kỳ ủy quyền, cho biết: “Những thay đổi về khí hậu có khả năng sẽ tiêu diệt hoàn toàn ngành công nghiệp cây phong đường ở New England” trong vòng 20 năm tới.
Ngày nay, New England vẫn sản xuất nhiều siro cây phong.
Tháng 02/2004
The Guardian đưa tin về một báo cáo mật của Ngũ Giác Đài dự đoán tình trạng biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân, các thành phố lớn của châu Âu sẽ chìm trong đại dương, và nước Anh sẽ rơi vào khí hậu kiểu “Siberia” vào năm 2020.
Tháng 01/2006
“Nếu không có các biện pháp quyết liệt để giảm khí thải nhà kính được thực hiện trong vòng 10 năm tới, thì thế giới sẽ đạt đến một điểm không thể vãn hồi được nữa,” hãng thông tấn The Associated Press cho biết, dẫn lời ông Al Gore, một người ủng hộ nổi tiếng cho sự nóng lên toàn cầu.
Tháng 11/2007
Theo ông Rajendra Pachauri, người đứng đầu ủy ban khí hậu của Liên Hiệp Quốc, năm nay là “thời điểm quyết định” của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. “Nếu không có hành động nào trước năm 2012, thì mọi chuyện sẽ trở nên quá muộn,” quan chức này cho biết, theo The New York Times.
Tháng 11/ 2007
“Bắc Băng Dương có thể sẽ không còn băng vào mùa hè sớm nhất là từ năm 2010 hoặc năm 2015 — điều chưa từng xảy ra trong hơn một triệu năm qua,” Canwest News Service của Canada đưa tin, dẫn lời nhà nghiên cứu vùng cực Louis Fortier.
Tháng 12/2007
Một nhan đề bài báo của The Associated Press cho biết, “Băng ở Bắc Cực sẽ biến mất vào mùa hè trong vòng năm năm tới?”
Theo bài báo này, ông Jay Zwally, một nhà khoa học khí hậu của NASA, cho biết: “Với tốc độ này, Bắc Băng Dương sẽ có thể gần như không còn băng vào cuối mùa hè năm 2012.”
Tháng 12/2007
BBC đã đưa tin rằng, “Mùa hè ở Bắc cực sẽ không có băng ‘vào năm 2013.’”
“Dự đoán của chúng tôi về việc băng biến mất vào mùa hè năm 2013 không tính đến hai mức tối thiểu trước đó, vào năm 2005 và năm 2007,” một nhà nghiên cứu từ Trường Cao học Hải quân, ở Monterey, California, nói với BBC.
“Vì vậy, với thực tế đó, quý vị có thể lập luận rằng có lẽ dự đoán của chúng tôi về năm 2013 đã là quá thận trọng.”
Tháng 03/2008
Ông Olav Orheim, người đứng đầu Ban thư ký của Na Uy về Năm Địa cực Quốc tế, cho biết, “Nếu nhiệt độ trung bình của Na Uy năm nay bằng với nhiệt độ trung bình năm 2007, thì tất cả các chỏm băng ở Bắc Cực sẽ tan chảy, điều này rất có thể sẽ xảy ra xét theo những điều kiện hiện tại,” theo Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận tuyên truyền chính thức của Trung Quốc.
Nhiệt độ trung bình của Na Uy có tăng nhẹ từ năm 2007 đến năm 2008. Còn băng đã không tan.
Tháng 04/2008
New Scientist đưa tin rằng, “Bắc Cực có thể sẽ không còn băng vào năm 2008.”
Theo bài báo này, “Có lớp băng mỏng mới được dát năm thứ nhất này ở Bắc Cực ngay cả vào thời điểm hiện tại,” ông Mark Serreze, giám đốc Trung tâm Dữ liệu Băng và Tuyết Quốc gia, cho biết. “Điều đó làm dấy lên mối bận tâm — có khả năng — rằng quý vị có thể sẽ không còn băng ở Bắc Cực trong năm nay.”
Tháng 06/2008
Theo National Geographic News, ông David Barber thuộc Đại học Manitoba cho biết: “Năm nay, chúng tôi thực sự dự đoán rằng lần đầu tiên [trong lịch sử], Bắc Cực có thể sẽ không còn băng.”
Tháng 06/2008
The Associated Press đưa tin dẫn lời ông James Hansen, giám đốc Viện Khoa học Vũ trụ Goddard của NASA, cho biết, “Trong vòng năm đến 10 năm nữa, Bắc Cực sẽ không còn băng vào mùa hè.”
Tháng 12/2009
Theo USA Today, ông Al Gore cho biết, “Bắc Băng Dương có thể sẽ gần như không còn băng vào mùa hè sớm nhất là vào năm 2014.”
Tháng 09/2012
“Hãy tận hưởng tuyết ngay bây giờ… vì đến năm 2020, tuyết sẽ biến mất,” The Australian đưa tin. Tuyết vẫn rơi ở Úc. Trên thực tế, lượng tuyết rơi năm ngoái cao hơn đáng kể so với mức trung bình.
Tháng 07/2013
The Guardian đưa tin, “Nhà khoa học: Bắc Cực không có băng trong hai năm nữa báo trước thảm họa khí methane.”
Tháng 02/2014
Một nhan đề bài bình luận của The New York Times, “Sự Kết thúc của Tuyết?”, nói về tuyết rơi đang giảm ở miền Tây Hoa Kỳ. Nhìn chung, thập niên vừa qua không có sự sụt giảm đáng kể về lượng tuyết rơi trong khu vực này.
Tháng 07/2017
Sau khi Tổng thống đương thời Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Khí hậu Paris của Liên Hiệp Quốc, theo BBC, nhà vật lý Stephen Hawking đã nói: “Chúng ta đang ở gần điểm tới hạn, khi mà sự nóng lên toàn cầu trở nên không thể đảo ngược. Hành động của ông Trump có thể đẩy Trái Đất qua bờ vực, để trở nên giống như sao Kim, với nhiệt độ 250 độ [Celsius] và mưa acid sunfuric.”
Tháng 08/2017
The Sydney Morning Herald đưa tin, “Tuyết rút lui: Biến đổi khí hậu đẩy ngành công nghiệp trượt tuyết của Úc xuống dốc.” Dữ liệu thời tiết cho thấy tuyết rơi khá phổ biến ở Úc trong những năm gần đây.
Tháng 01/2018
Theo Forbes, ông James Anderson, giáo sư hóa học khí quyển của Đại học Harvard, cho biết: “Khả năng còn băng vĩnh cửu ở Bắc Cực sau năm 2022 về căn bản là bằng không.”
Tháng 07/2020
“Hết tuyết,” một nhan đề của hãng thông tấn Australian Geographic cho biết. “Liệu khí hậu ấm lên có thể khiến cảnh quan núi cao tráng lệ của Úc gặp nguy hiểm không?”
Thực sự không có tình trạng thiếu hụt tuyết rơi đặc biệt nào ở Úc vào năm 2021 hoặc năm 2022.
Tháng 12/2021
The Los Angeles Times đăng một bản tin với nhan đề, “Một California ‘không có tuyết’ có thể đến sớm hơn quý vị nghĩ.”
Vài tuần sau, Phòng thí nghiệm Tuyết Central Sierra của Đại học California-Berkeley thông báo rằng California vừa có tháng Mười Hai nhiều tuyết nhất được ghi nhận.
Tháng 08/2022
Bloomberg đưa tin cho biết, “Tuyết Không còn Đe dọa đến 76 triệu Sinh mạng của Người Mỹ,” đồng thời đề cập đến những dự đoán về khả năng tuyết biến mất ở miền Tây Hoa Kỳ.
Vài tháng sau, dãy núi Sierra Nevada đã chứng kiến một mùa đông với lượng tuyết rơi nhiều thứ hai từng được ghi nhận.
Tháng 03/2023
The Washington Post đưa tin trích dẫn nghiên cứu cho biết, “Băng ở Bắc Cực đã mỏng đi một cách ‘không thể đảo ngược’ kể từ năm 2007.”
Băng đã không mỏng đi nhiều trong thập niên vừa qua.
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times