Ngài Benjamin Franklin đã làm gì khi được nhắc nhở về bản tính kiêu ngạo và tự mãn
13 đức hạnh của ngài Benjamin Franklin để hoàn thiện bản thân
Ngài Benjamin Franklin là một trong những Tổ Phụ Lập Quốc của Hoa Kỳ. Ông đã để lại “dự án đầy dũng khí và gian nan nhằm đạt đến sự hoàn thiện về mặt đạo đức” trong cuốn hồi ký của mình.
Nhà lãnh đạo khiêm nhường kiêm chính trị gia thông thái này nổi tiếng với rất nhiều cống hiến cho nhân loại. Ông đã liệt kê 13 đức hạnh “cần thiết hoặc đáng ao ước” vào thời điểm đó để ông hoàn thiện bản thân, cùng một kế hoạch tích lũy những đức tính này. Trong cùng chương đó, ông Franklin thuật lại khoảnh khắc người bằng hữu có thiện chí giúp ông nhận ra tính tự phụ của mình — vốn là cảm xúc tự nhiên của con người mà “rất khó để chế ngự” theo ngôn từ của chính ông — và cách ông lưu tâm đến lời khuyên chân thành này cũng như nỗ lực của ông nhằm tu dưỡng đức khiêm tốn.
Sau đây là đoạn trích dẫn từ cuốn sách “The Autobiography of Benjamin Franklin” (Hồi Ký của Ngài Benjamin Franklin). Chúng tôi đăng tải ở đây với hy vọng truyền cảm hứng cho quý độc giả hướng đến việc trau dồi phong thái ân cần và nhân ái, để chúng ta có thể phụng sự cho xã hội, gia đình, cũng cho chính bản thân chúng ta.
Kế hoạch để đạt được sự hoàn thiện về đạo đức
Đó là khoảng thời gian khi tôi thai nghén trong đầu dự án táo bạo và đầy gian nan để đạt đến sự hoàn thiện về mặt đạo đức. Tôi muốn sống mà không bao giờ phạm phải bất kỳ sai lầm nào; tôi sẽ chế ngự tất cả dù đó là khuynh hướng tự nhiên, thói quen, hoặc bạn đồng hành có thể xui khiến tôi mắc sai sót. Như tôi biết, hoặc tự cho rằng mình biết, điều gì đúng và điều gì sai, [nhưng] tôi không thấy được tại sao mình không thể luôn làm đúng và tránh lỗi sai. Tuy nhiên tôi sớm nhận ra tôi đã nhận lãnh một nhiệm vụ khó khăn hơn tôi hình dung.
Trong khi tôi lưu tâm để phòng tránh sai lầm này, thì tôi thường bất ngờ trước sai lầm khác; thói quen đã lợi dụng sự lơ là; quán tính đôi khi quá mạnh mẽ so với lý trí. Cuối cùng thì, tôi kết luận rằng, chỉ với niềm tin mang tính suy đoán rằng chúng ta muốn trở thành người đức hạnh vẹn toàn, thì chưa đủ giúp chúng ta tránh phạm lỗi lầm; mà thay vào đó chúng ta phải vứt bỏ các thói quen không tốt đi, đồng thời tích lũy và hình thành các thói quen tốt, trước khi chúng ta có thể dựa dẫm vào bất cứ chuẩn tắc hành vi bền vững, chính trực nào. Vì vậy tôi đã nghĩ ra phương pháp như sau cho mục đích này. […] Tôi đưa vào bên dưới danh xưng của 13 đức hạnh mà tôi thấy chúng cần thiết hoặc đáng khao khát tại thời điểm đó, và đính kèm một đạo lý ngắn gọn cho từng đức hạnh, biểu đạt đầy đủ phạm vi ý nghĩa mà tôi nêu ra cho nó.
Sau đây là những danh xưng cho các đức hạnh, cùng với đạo lý của nó.
Chừng mực. Ăn không quá trớn; uống không quá chén.
Yên lặng. Chỉ nói những gì hữu ích cho người khác hoặc cho bản thân mình; tránh nói chuyện tầm phào.
Chỉnh tề. Sắp xếp mọi việc vào đúng vị trí; phân bổ thời gian cho mỗi phần công việc của mình.
Kiên định. Hạ quyết tâm để làm những điều nên làm; làm cho đến nơi đến chốn.
Cần kiệm. Không tiêu xài hoang phí mà chỉ làm việc tốt cho người khác hoặc cho bản thân mình; ví như, không lãng phí.
Chăm chỉ. Đừng lãng phí thời gian; hãy luôn làm việc gì đó hữu dụng; giảm thiểu tất cả những hành động không cần thiết.
Chân thành. Không dùng mánh khóe hại người; suy nghĩ chất phác và công chính; và, nếu bạn nói chuyện, thì hãy nói sao cho thỏa đáng.
Công bằng. Không làm những việc gây tổn thương người khác, hoặc không lơ là các điều hữu ích thuộc phận sự của mình.
Tiết chế. Tránh đi sang cực đoan; đừng quá oán hận trước tổn thương vì bạn cho rằng nó đáng như vậy.
Kiền tịnh. Giữ gìn thân thể, trang phục, và nhà cửa thật sạch sẽ.
Trầm tĩnh. Đừng bị khuấy động trước những chuyện vặt vãnh, hoặc những sự cố tầm thường hay không thể tránh được.
Trinh khiết. Ngoại trừ đối với Sức khỏe hoặc Duy trì nòi giống ra, hãy tiết chế ham muốn dục vọng; Đừng bao giờ làm Lu mờ, Suy yếu, hoặc Tổn hại đến Sự an tĩnh và Thanh danh của chính bạn hoặc của người khác.
Khiêm nhường. Noi gương Chúa Jesus và triết gia Socrates.
Chủ ý của tôi là xây dựng thói quen theo tất cả đức hạnh này. Tôi cho rằng tốt nhất là không nên phân tán sự tập trung bằng việc cố gắng làm hết một lúc, mà chỉ nên chú trọng làm từng cái tại từng thời điểm; khi tôi thuần thục thói quen đó rồi, thì sẽ chuyển sang thói quen tiếp theo, và cứ như vậy, cho đến khi tôi lướt qua hết mười ba phẩm đức; vì việc trau dồi một số đức tính ở phía trước có thể tạo điều kiện thuận lợi để trau dồi một số đức tính khác, nên tôi sắp xếp chúng theo quan điểm như ở trên.
Đầu tiên là Chừng mực, vì nó thường giúp tâm trí bình tĩnh và sáng suốt, điều rất cần thiết để duy trì sự cẩn trọng liên tục, đề phòng trước sự lôi cuốn dai dẳng của các thói quen cố hữu, và sức cám dỗ không ngừng. Khi Chừng mực được tích lũy và hình thành, thì Yên lặng sẽ dễ dàng hơn; và mong muốn của tôi là lĩnh hội kiến thức cùng lúc với đề cao đức hạnh, và xét rằng trong khi trò chuyện, thì đức hạnh này đạt được bằng việc sử dụng đôi tai hơn là dùng cái lưỡi, và vì vậy tôi muốn vứt bỏ thói quen nói năng luyên thuyên, chơi chữ, và đùa cợt, những thứ mà chỉ khiến tôi được gia nhập vào những nhóm bạn tầm thường, tôi xếp Yên lặng ở vị trí thứ hai. Yên lặng và đức tính tiếp theo, Chỉnh tề, tôi kỳ vọng nó giúp tôi có thêm thời gian để tham gia dự án và các nghiên cứu của mình. Kiên định, một khi trở thành thói quen, thì sẽ giúp tôi hạ quyết tâm nỗ lực để đạt được tất cả đức hạnh tiếp theo; Cần kiệm và Chăm chỉ giải thoát tôi khỏi món nợ còn thiếu, mang đến tài phú và tự chủ, tôi sẽ dễ dàng thực hành Chân thành và Công Bằng hơn, v.v.. Khi tôi suy xét, rằng […] kiểm tra hàng ngày là điều cần thiết, thì tôi đã nghĩ ra phương pháp tiến hành kiểm tra như sau.
Tôi làm ra một cuốn sách nhỏ, trong đó mỗi trang tôi dành cho một đức hạnh. Tôi chia từng trang thành bảy cột bằng mực đỏ, mỗi cột là một ngày trong tuần, đánh dấu mỗi cột bằng ký tự của ngày hôm đó. Tôi vẽ qua những cột này 13 đường bằng mực đỏ, đánh dấu đầu mỗi dòng bằng chữ cái đầu tiên của một trong 13 đức hạnh. Trên từng hàng, và ở từng cột thích hợp, tôi có thể đánh dấu bằng chấm đen nhỏ, mỗi lỗi lầm mà tôi phát hiện mình đã mắc phải khi xem xét đức tính đó vào ngày hôm đó.
Trong cuốn hồi ký của mình, ngài Franklin viết thêm rằng ban đầu ông chỉ liệt kê ra 12 đức tính, cho đến khi một người bạn của ông đưa ra chủ đề về sự Kiêu ngạo. Thuật lại cách ông nhận ra sự kiêu ngạo của mình và rèn luyện tính khiêm tốn, ngài Franklin viết:
Danh sách đức hạnh của tôi ban đầu chỉ có mười hai điều; nhưng một người bạn theo Giáo Hữu Hội đã thiện ý nói với tôi rằng tôi thường được cho là tự cao; rằng tính kiêu ngạo của tôi thường xuyên thể hiện trong cuộc trò chuyện; rằng tôi không chỉ hài lòng với việc mình đúng khi thảo luận về bất kỳ quan điểm nào, mà còn hống hách và khá xấc xược, mà anh bạn đó đã thuyết phục tôi bằng cách đề cập đến một số thí dụ; nếu có thể, tôi quyết tâm nỗ lực khắc phục tật xấu hoặc sự dại dột này trong số những tật xấu còn lại, và tôi đã thêm Khiêm nhường vào danh sách của mình, mang lại ý nghĩa sâu rộng hơn cho từ này.
Tôi không thể khoa trương về nhiều thành tựu trong việc đạt được bản chất của đức tính này, nhưng tôi [đã thấy được] rất nhiều biểu hiện bề ngoài của nó. Tôi lập một quy tắc rằng sẽ kiềm chế tất cả những [hành vi] trực tiếp chối bỏ cảm xúc của người khác, và tất cả những [hành vi] khẳng định chắc nịch [quan điểm] của bản thân. Thậm chí, tôi còn nghiêm cấm bản thân mình dễ dãi với những luật lệ cũ của câu lạc bộ Junto của chúng tôi, sử dụng từ ngữ hoặc cách diễn đạt bằng ngôn ngữ mang ý kiến cố định, như là từ chắc chắn, không nghi ngờ gì nữa .v.v…, thay vào đó, tôi sử dụng những từ như tôi cho rằng, tôi cảm thấy, hoặc tôi hình dung điều gì đó trở thành như vậy hoặc như vậy; hay hiện tại, tôi thấy có vẻ rằng. Khi một người nào đó khẳng định điều mà tôi cho là sai, tôi ngăn mình cảm thấy thích thú khi phản bác họ một cách thô bạo, và lập tức chỉ ra sự vô lý trong ý kiến của họ; và để hồi đáp, tôi bắt đầu bằng nhận xét rằng trong vài trường hợp hoặc tình huống nhất định thì ý kiến của anh sẽ đúng, nhưng ở tình huống hiện tại thì dường như đối với tôi có chút khác biệt, .v.v… Tôi nhanh chóng thấy được ích lợi từ việc thay đổi trong cách hành xử của mình; các cuộc thảo luận mà tôi tham gia diễn ra vui vẻ hơn. Phương thức khiêm nhường khi tôi đề xướng ý kiến của mình khiến cho chúng dễ dàng được đón nhận và ít bị bác bỏ hơn; tôi ít cảm thấy bị mất thể diện hơn khi được chỉ ra sai sót, và tôi dễ dàng thuyết phục người khác từ bỏ các lỗi sai của họ và đứng về phía tôi khi tôi là bên đúng.
Và cách thức này, điều mà ban đầu tôi cố gắng thực hiện với một chút cưỡng bách [để kháng cự lại] xu hướng tự nhiên, đã trở nên hoàn toàn dễ dàng, và trở thành thói quen, rằng có lẽ trong năm mươi năm qua, không còn ai từng nghe thấy một biểu hiện giáo điều nào thốt lên từ tôi. Đối với thói quen này (sau phẩm chất chính trực) tôi nghĩ rằng chủ yếu là do từ đầu tôi có sức ảnh hưởng rất lớn đối với những đồng hương khi tôi đề xướng các thể chế mới, hoặc sửa đổi những điều cũ, đồng thời có rất nhiều ảnh hưởng trong các chính quyền địa phương mà tôi làm thành viên; vì tôi là người không có duyên ăn nói, chưa từng có tài hùng biện, rất ngập ngừng trong việc lựa chọn từ ngữ, không chính xác về mặt ngôn ngữ, nhưng nhìn chung, các quan điểm của tôi thường được thông qua.
Trên thực tế, có lẽ không có bất kỳ cảm xúc tự nhiên nào của chúng ta khó khuất phục như lòng kiêu hãnh. Che giấu nó, đấu tranh với nó, đánh bại nó, bóp nghẹt nó, hành hạ nó bao nhiêu tùy thích, nó sẽ vẫn tồn tại, và sẽ thỉnh thoảng xuất hiện; và rồi nó ló ra và lộ diện, bạn sẽ nhìn thấy, có lẽ bạn sẽ thấy nó thường xuyên trong lịch sử; vì ngay cả khi tôi có thể tưởng tượng rằng mình đã hoàn toàn vượt qua được nó, có lẽ tôi cũng nên tự hào về sự khiêm tốn của mình.
Hãy chia sẻ những câu chuyện của bạn với chúng tôi tại trang [email protected], và tiếp tục nhận nguồn cảm hứng mỗi ngày bằng cách ghi danh nhận những bản tin truyền cảm hứng mới tại TheEpochTimes.com/newsletter.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times