Khảo cổ học tiết lộ bí mật của nền văn minh cổ đại ở Địa Trung Hải và lưu vực sông Ấn
Gần hòn đảo Korčula của Croatia ở biển Adriatic có một vùng nước chìm tên là Soline. Ở độ sâu 4 đến 5 mét dưới vùng nước này có một con đường lát đá rộng 4 mét nối liền hai hòn đảo Korčula và Soline. Đảo Soline là một hòn đảo nhân tạo và cũng là một di tích của Thời đại đồ đá mới.
Nghiên cứu khảo cổ học đã xác nhận rằng con đường đá vào Thời đại đồ đá mới này đã có lịch sử 7,000 năm. Nó được phát hiện bởi một nhóm khảo cổ do Giáo sư Mate Parica của Đại học Zadar ở Croatia dẫn đầu. Khi Giáo sư Mate Parica và các đồng nghiệp của ông lặn xuống vùng biển của khu vực này để tiến hành quan sát, họ đã phát hiện thấy bức tường của Soline – một khu định cư cổ đại nằm dưới đáy biển, khu định cư này được nối với đảo Korčula bằng một con đường đá dài hẹp.
Đảo Korčula của Croatia là một phần của quần đảo biển Adriatic. Ban đầu nó liên kết với lục địa châu Âu, nhưng vào cuối Kỷ băng hà (năm 12,000 trước Công nguyên), nước biển bắt đầu dâng lên và hòn đảo này bị tách khỏi lục địa châu Âu vào khoảng 8,000 năm trước.
Sở dĩ lối đi vào thời đồ đá này có thể được bảo tồn qua hàng nghìn năm là nhờ môi trường địa lý đặc biệt ở đây đã bảo vệ nó không bị sóng biển xói mòn. Giáo sư Parica nói, “May mắn thay, không giống như phần lớn Địa Trung Hải, khu vực này không phải chịu sóng cao, rất nhiều hòn đảo đã bảo vệ bờ biển khiến di tích này tránh được những con sóng mạnh.”
Nội dung của phát hiện khảo cổ này đã được chia sẻ trên tài khoản Facebook của Đại học Zadar vào ngày 07/05.
Ngoài đảo Korčula ở Vịnh Adriatic, gần đó còn có một hòn đảo khác tên là Hvar. Các khoa học gia cho rằng con đường thời tiền sử này có thể đã được xây dựng bởi ngôi làng thuộc “nền văn hóa Hvar” (Hvar-Lisičići) đã bị chìm xuống đáy biển.
Mặt khác, Giám đốc nghiên cứu Igor Borzić đã chú ý đến kết cấu kỳ lạ ở Vịnh Adriatic và tiến hành khảo sát một số hòn đảo gần Vịnh Gradina ở Croatia. Ông phát hiện Vịnh Gradina có độ sâu phổ biến từ 4 đến 5 mét và cũng tồn tại các khu làng mạc gần giống như ở Soline. Họ cũng tìm thấy các dụng cụ thuộc Thời đại đồ đá mới tại di tích này, bao gồm lưỡi dao cắt, rìu đá và các mảnh vật dụng thờ cúng v.v.
Những đồ dùng đó khiến các nhà khảo cổ học tin rằng khu định cư này cũng có một “nền văn hóa Hvar.” Sau khi phân tích niên đại bằng Carbon-14 đối với những khối gỗ được tìm thấy ở khu định cư Soline, họ phát hiện toàn bộ ngôi làng có thể có niên đại vào khoảng năm 4,900 trước Công nguyên, về sau nước biển đã dâng cao và làm ngập hòn đảo cùng những con đường lát đá này.
Các nhà sử học và khảo cổ học hiện đang suy đoán rằng trong thời kỳ đồ đá mới, người dân Hvar có thể đã thiết lập các con đường giao thương với bờ biển phía đông của Địa Trung Hải. Do nằm ở vị trí trung tâm trên đường biển Adriatic, đảo Soline từ lâu đã trở thành một cơ sở thương mại quan trọng của Địa Trung Hải. Văn hóa đồ gốm độc đáo của khu vực này đã tạo nên “văn hóa Hvar.”
Nền văn minh Harappa của Ấn Độ biến mất bí ẩn
Ở Ấn Độ cũng từng tồn tại nền văn minh Harappa thịnh vượng nhưng đã biến mất vào khoảng 3,600 năm trước. Qua những măng đá trong hang, các chuyên gia suy đoán rằng đã có nhiều đợt hạn hán kéo dài ở lưu vực sông Ấn vào khoảng 4,200 năm trước, đây là nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của nền văn minh này. Nghiên cứu của họ đã được công bố trên tạp chí “Communications Earth & Environment” vào đầu tháng Tư năm nay.
Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy “Nền văn minh Harappa” thuộc thời đại đồ đồng và phát triển mạnh mẽ ở phía tây bắc của Nam Á, hơn nữa lan rộng khắp lưu vực sông Ấn, bao phủ một phần của Pakistan, Ấn Độ và Afghanistan hiện nay. Nền văn minh này sở hữu nền văn hóa đô thị sớm nhất, bao gồm hệ thống cấp nước và xử lý nước thải hoàn chỉnh, các công trình kiến trúc tráng lệ, các dụng cụ tinh xảo, cũng như toán học và công nghệ khiến người hiện đại phải kinh ngạc.
Tuy nhiên, có rất nhiều bí ẩn chưa được giải đáp về “nền văn minh Harappa,” bao gồm ngôn ngữ, cấu trúc xã hội và chính trị, cũng như lý do thực sự dẫn đến sự suy tàn và biến mất của nó. Ngoài ra, ngôn ngữ và chữ viết của nền văn minh này vẫn chưa được giải mã, khiến lịch sử và văn hóa của nó khó có thể được lý giải đầy đủ.
Các khoa học gia đã nghiên cứu các lớp măng đá phát triển trong một hang động cách New Delhi, Ấn Độ khoảng 290 dặm về phía Đông Bắc. Họ thông qua đo lường một loạt các thử nghiệm môi trường, bao gồm các đồng vị oxy, carbon và calci để vẽ ra bản đồ lượng mưa, tái tạo lại mô hình lịch sử lượng mưa và biến đổi khí hậu từ 4,200 năm trước. Họ cũng sử dụng phương pháp xác định niên đại với độ chính xác cao để đo thời gian kéo dài của hạn hán.
Kết quả mà các nhà nghiên cứu thu được là có “ba thời kỳ hạn hán lớn” vào 4200 đến 3900 năm trước, mặc dù chúng không phải là những đợt đại hạn kéo dài 100 đến 200 năm, nhưng mỗi đợt hạn hán cũng đều duy trì trong khoảng từ 25 đến 90 năm.
Cô Alena Giesche, tác giả chính của nghiên cứu này, nói với kênh thông tấn của Đại học Cambridge rằng: “Bằng chứng khảo cổ học cho thấy trong hơn 200 năm hạn hán, những cư dân cổ đại đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thích nghi với tình trạng này.”