Khám phá ‘Cổng địa ngục’ ở Turkmenistan – ngọn lửa đã cháy hơn nửa thế kỷ
Turkmenistan (gọi tắt là Turkmen) là một quốc gia không giáp biển ở Trung Á, sở hữu nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tự nhiên dồi dào. Ở quốc gia này có một ngọn lửa đang bùng cháy bên trong một cái hố khổng lồ chứa đầy khí đốt tự nhiên, hơn nữa đã cháy suốt hơn nửa thế kỷ. Cái hố này được người dân địa phương gọi là “Cổng địa ngục” (Door to Hell). Nó đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút mọi người đến tham quan, thậm chí có người còn khám phá sâu vào trong đó.
“Cổng địa ngục” nằm giữa sa mạc Karakum ở Turkmenistan, cách thủ đô Ashgabat khoảng 260km. Khu vực này chứa một lượng lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.
Người ta kể rằng các nhà địa chất Liên Xô đã khoan ở khu vực này vào năm 1971, và phát hiện một hang động chứa đầy khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, bề mặt bên dưới của giàn khoan đã sụp đổ, hình thành nên cái hố này với đường kính 69 mét và sâu 30 mét.
Các nhà thăm dò lo ngại rằng khí độc thoát ra từ hố sẽ ảnh hưởng đến cư dân ở các thị trấn gần đó, nên họ đã đốt khí tự nhiên. Họ tưởng rằng khí đốt tự nhiên sẽ cháy hết trong vài ngày rồi ngọn lửa sẽ tắt. Không ngờ rằng ngọn lửa vẫn tiếp tục cháy cho đến tận bây giờ, và nó đã cháy hơn 50 năm.
Khám phá “Cổng địa ngục”
Tháng 11/2013, anh George Kourounis, nhà thám hiểm người Canada đã được National Geographic Channel và một công ty du lịch tài trợ. Anh mặc trang phục bảo hộ để khám phá “Cổng địa ngục” và trở thành người đầu tiên trong lịch sử đặt chân xuống cái hố này.
Anh Kourounis đã thu thập các mẫu đất ở đáy hố với hy vọng cho phép các nhà khoa học nghiên cứu cách sự sống tồn tại trong môi trường khắc nghiệt như vậy. Điều này có thể giúp khám phá liệu sự sống có thể tồn tại trong điều kiện tương tự trong vũ trụ hay không.
National Geographic Channel đã sản xuất một bộ phim tài liệu “Die Trying” với anh Kourounis là nhân vật chính, tường thuật hành trình anh mạo hiểm tiến vào “Cổng địa ngục.”
(Bấm vào đây để xem một phần của bộ phim tài liệu này).
National Geographic Channel cho biết anh Kourounis đã dành hai năm để lên kế hoạch cho chuyến thám hiểm này. Anh chỉ có 17 phút để lấy thông tin về khí tự nhiên và mẫu đất. Tất cả những gì anh trải qua trong 17 phút này đã in sâu vào tâm trí anh.
“Nó đáng sợ hơn, nóng hơn và lớn hơn tôi tưởng tượng,” anh nhớ lại.
Anh Kourounis cho biết “Cổng địa ngục” đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông và chính phủ. Nó đã trở thành điểm thu hút khách du lịch số 1 của Turkmenistan, mang lại lợi ích cho ngành du lịch, nhưng đôi khi cũng bị xem là biểu tượng cho vấn đề phát thải carbon đáng ngại của đất nước.
Có sự sống ngoài hành tinh tồn tại ở “Cổng địa ngục” không?
Trong một cuộc phỏng vấn với National Public Radio hồi năm 2022, anh Kourounis nói rằng bước vào “Cổng địa ngục” giống như đến một hành tinh khác. Nó trông giống như một ngọn núi lửa trên sa mạc, chỉ khác là không có dung nham phun trào. Khí metan, thành phần chính của khí tự nhiên, đã bị đốt cháy trong nhiều thập niên.
Khi được hỏi liệu có tìm thấy sự sống ngoài Trái đất ở “Cổng địa ngục” hay không, anh Kourounis trả lời rằng họ đã tìm thấy một số vi khuẩn ưa cực rất cổ xưa trong môi trường nhiệt độ cao chứa đầy khí metan này. Theo đo đạc của anh, nhiệt độ ở đáy hố từng lên tới 400 độ C.
Anh cho biết những vi khuẩn này không hề có trong cơ sở dữ liệu DNA hiện có, một số trong số chúng có thể tiêu thụ khí metan để duy trì sự sống. Vì vậy, đây là phương thức sinh sống rất hiếm thấy, môi trường sống của nó hoàn toàn không phù hợp cho con người sinh tồn.
Anh cũng đề cập rằng trên thế giới đã có 12 người đặt chân lên bề mặt Mặt trăng, nhưng chỉ có anh là người duy nhất may mắn bước vào “Cổng địa ngục.” Anh thậm chí còn nhận được giấy chứng nhận của Kỷ lục Guinness Thế giới. Anh rất phấn khích và hạnh phúc mỗi khi nhìn thấy nó.
Số phận của “Cổng địa ngục” vẫn chưa chắc chắn
Kể từ khi Turkmenistan độc lập vào năm 1991, chính phủ nước này đã cố gắng dập tắt ngọn lửa “Cổng địa ngục.” Các chuyên gia nói rằng “Cổng địa ngục” chỉ là phần nổi của tảng băng trôi trong vấn đề rò rỉ khí đốt tự nhiên của quốc gia này. Tuy Turkmenistan có dân số chỉ 6 triệu người nhưng lại được xếp vào nhóm những quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới.
Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdymukhamedov từng đến thăm làng Derweze, nơi có “Cổng địa ngục” hồi tháng 04/2010 và ra lệnh đóng cái hố này. Ông cũng từng tuyên bố vào tháng 01/2022 rằng vì sức khỏe của người dân trong nước, ông sẽ ra lệnh dập tắt đám cháy ở “Cổng địa ngục.” Tuy nhiên, ngọn lửa trong hố cho đến nay vẫn chưa được dập tắt.
National Geographic Channel đưa tin rằng, để dập tắt đám cháy ở “Cổng địa ngục” thì cần có hai thứ. Đầu tiên là dập tắt tất cả các ngọn lửa, thứ hai là ngăn chặn khí tự nhiên thoát ra khỏi địa tầng, và điều thứ nhất thì dễ thực hiện hơn điều thứ hai.
Mặc dù trước đây phương pháp kích nổ chất nổ (vụ nổ sẽ loại bỏ oxy và ngăn chặn ngọn lửa) đã được người ta sử dụng để dập tắt các giếng khí đốt tự nhiên đang cháy, nhưng vẫn chưa rõ liệu thủ thuật này có thể hữu dụng với “Cổng địa ngục” hay không. Nếu sử dụng phương pháp này, có thể sẽ phải sử dụng những quả bom cỡ lớn, hơn nữa rất khó nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế.
Anh Kourounis cho rằng đây có thể là cách làm “ngu xuẩn” nhất. Anh nghi ngờ rằng khí đốt tự nhiên vẫn sẽ rò rỉ từ những nơi khác.
Các chuyên gia dường như đều đồng ý rằng việc cố gắng dập tắt ngọn lửa ở “Cổng địa ngục” có thể sẽ dẫn đến rắc rối, nguy hiểm và tốn công vô ích. Vì vậy, không làm gì có lẽ mới là lựa chọn tốt nhất.