Kanye West, Tucker Carlson, và ai là người bị điên cơ?
Tôi đã quá tuổi để trở thành một người hâm mộ nhạc rap cuồng nhiệt. Thời đầu tôi có để tâm, đặc biệt là với nhóm rap Public Enemy, nhưng rồi cũng chóng chán, vậy nên gần như tôi đã không để ý tới sự nổi danh của Kanye West, mà hiện đang được biết đến với tên gọi “ye” West.
Tất nhiên, không ai có thể hoàn toàn không hay biết gì về mối quan hệ của cậu ta với cô Kim Kardashian, chưa kể đến chuyện cậu ấy công khai mối quan hệ với ông Donald Trump, một hành động can đảm đối với bất kỳ ai trong ngành giải trí.
Tôi cũng nhận thấy người ta ám chỉ rằng cậu ấy gặp những vấn đề về cảm xúc, rằng có thể cậu ấy mắc chứng rối loạn lưỡng cực, một căn bệnh — nếu như thật sự được xem là bệnh — được cho là phổ biến trong những người làm công việc sáng tạo.
Tuy nhiên, nhìn chung những gì tôi biết về cậu Kanye đa tài này — kể cả việc cậu ấy là một thế lực trong thế giới thời trang — đã khiến tôi ấn tượng.
Rồi khi tôi nghe chuyện cậu ấy cùng với [tác giả kiêm nhà phân tích] Candace Owens tham gia Tuần lễ Thời trang Paris, cả hai người đều diện áo phông mang dòng chữ “White Lives Matter” sau lưng, thì tôi lại càng thêm ấn tượng.
Ngay từ khi phong trào này bắt đầu, tôi đã nhận định Black Lives Matter chẳng khác gì một trò lừa đảo, một chiêu trò của những kẻ thiên tả da trắng lợi dụng lừa gạt tiền bạc chứ chẳng mang lại lợi ích gì cho người Mỹ gốc Phi Châu — ngoại trừ việc giới lãnh đạo tổ chức này bỏ trốn cùng các khoản quyên góp bộn tiền và mua địa ốc.
Đó là cách thức hoạt động theo hệ thống phân cấp của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Giới lãnh đạo thiết lập nên một hệ thống mà tại đó họ thu lợi, trong khi những người còn lại, trên thực chất, chỉ là nô bộc.
Là một nhân vật có 18 triệu người theo dõi trên Instagram, mà rất có thể tỷ lệ khá lớn trong đó là giới trẻ Mỹ, cậu Kanye này có thể được cho là mối đe dọa lợi hại nhất đối với hệ thống đó ở đất nước này.
Vì vậy, tôi khá là thích thú khi xem phần một của cuộc phỏng vấn giữa ông Tucker Carlson với cậu West trên YouTube.
Cuộc phỏng vấn đã không khiến người ta thất vọng.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Carlson cho thấy ông là một người phỏng vấn xuất chúng — ai có thể quên ông Tony Bobulinski cùng chiếc máy điện toán xách tay của cậu Hunter Biden được chứ — cũng như quên tại sao có lúc ông Carlson trở thành ông vua tin tức xứng danh của giới truyền hình cáp.
Không giống như ông Bobulinski — vốn tự thân không có giá trị đưa tin cho lắm ngoại trừ các tin tức đáng giá về Gia Đình Nhà Biden mà ông ấy đã mang đến — cậu West này hấp dẫn vì chính con người cậu ấy.
Cuộc phỏng vấn với cậu Kanye không hẳn là không mang lại thông tin gì, mặc dù cậu ấy chỉ trả lời gọn lỏn đối với câu hỏi quan trọng là tại sao cậu lại mặc chiếc áo T-shirt có dòng chữ “Sinh mạng Người da trắng Đáng giá” (“White Lives Matter”) — hẳn là điều hiển nhiên đối với bất kỳ người trưởng thành nào còn có chút lương tri.
Những người như vậy có thể chiếm đa số nhưng phe cánh tả, như trong rất nhiều vấn đề khác, đã bảo họ phải im lặng. Đó là một thời điểm mang tính bước ngoặt trong năm 2015 khi cựu Thống đốc Martin O’Malley của tiểu bang Maryland phải ngại ngùng rút lại tuyên bố từ lương tri của ông rằng “Tất cả sinh mạng đều đáng giá.” Kể từ đó mọi thứ đều tụt dốc.
Khi cậu West mặc chiếc áo T-shirt đó, các lực lượng cánh tả — cái mà cậu ấy gọi là “những kẻ phát xít thiên tả”, còn tôi thì gọi là bọn phản động vì họ — đã ồ ạt tấn công cậu ấy trên truyền thông, mạng xã hội, và các phương diện khác. Một phụ nữ người Mỹ gốc Phi Châu đã được đưa ra đầu sóng ngọn gió để nói rằng cô ấy “cảm thấy bị tổn thương” khi nhìn thấy chiếc áo thun đó.
Như cậu West đề cập đến trong cuộc phỏng vấn này, “Đa phần giới truyền thông có một nghị trình vô thần.”
Cậu ấy là một tín đồ Cơ Đốc mộ đạo và, trong một khoảnh khắc hé lộ trong chương trình này, ông Carlson đã phát hiện ra cậu Kanye đang đeo trên cổ một chiếc bùa hộ mệnh có hình siêu âm em bé. Chàng rapper ủng hộ sự sống này bình luận rằng “50% trẻ em người Mỹ gốc Phi Châu ở Hoa Kỳ bị nạo phá thai.”
Cậu ấy không phải là người đầu tiên nói rằng tỷ lệ phá thai cao ở người Mỹ gốc Phi Châu là hành vi diệt chủng, nhưng khi cậu ấy nói ra được điều này, có lẽ sẽ có nhiều người trẻ tuổi đang lắng nghe hơn bao giờ hết.
Cậu ấy cũng chia sẻ về một tin đồn hấp dẫn mà tôi cho là có nhiều khả năng là sự thật. Chuyện là cô Kim, người vợ đã ly hôn của cậu ấy, thân cận với nhà Clinton mà cậu ấy không hề hay biết; họ đang thúc giục cô Kim phải khiến cậu ấy dứt bỏ ông Trump và cô đã cảnh báo Kanye rằng mối quan hệ với ông Trump có thể phá hủy sự nghiệp của cậu ấy.
Như cậu ấy nói thì cậu ấy “đang bị xử trí.”
Tôi cũng được biết rằng cha cậu ấy từng gia nhập Black Panther nhưng đã rời bỏ tổ chức này. Với tư cách là một người từng theo cánh tả nhưng sau đó đã ly khai và thời còn trẻ có quen một số người của Black Panther — một số đã rời đi còn một số thì không — tôi thấy đó cũng là một chi tiết thú vị.
Tôi đã không đồng tình với tất cả những gì cậu West nói. Tôi không cho rằng Hiệp ước Abraham chỉ đơn thuần là về tiền bạc, tôi cũng không thích khuyến nghị của cậu ấy rằng người Mỹ gốc Phi Châu nên được chia phần lãnh thổ ở miền trung của đất nước này.
Theo tôi thì tất cả các thể loại chính trị bản sắc đều chẳng ra gì.
Nhưng câu hỏi quan trọng nhất phát sinh từ cuộc phỏng vấn là liệu người đàn ông này có bị điên không?
Rõ ràng là không.
Và cho phép tôi nói thêm chút nữa. Định nghĩa về chứng điên hoặc bệnh tâm thần — cho dù quý vị muốn mô tả nó theo Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ hoặc theo bất kỳ tổ chức nào khác cũng vậy — đã bị chính trị hóa trong xã hội chúng ta nhiều đến nỗi hầu như không ai bị thế cả chỉ trừ một vài trường hợp hiếm hoi.
Giờ đây, chúng ta đang càng ngày càng trở nên giống thời đại Stalin khi những người bất đồng chính trị bị tuyên bố là mắc bệnh suy nhược tâm thần và bị bài xích.
Hiếm có nhà trị liệu nào không bị tiêm nhiễm tư tưởng chính trị của cánh tả. Nếu quý vị là người bảo tồn truyền thống hay thậm chí thiên tả, thì hầu như người ta sẽ cố gắng thay đổi quan điểm của quý vị một cách tinh vi như thể những tư tưởng này là một căn bệnh.
Trừ những trường hợp trầm trọng nhất, đừng tiếp cận họ, thậm chí nếu có thì hãy tiếp cận một cách rất thận trọng. Và hãy hết sức cảnh giác với các loại thuốc chống trầm cảm. Hiện nay một số người đang gợi ý rằng chúng có thể phản tác dụng.
Nếu quý vị đang cảm thấy phiền muộn hoặc lo lắng, vậy hãy thử tập thể dục và/hoặc thiền định. Các phương pháp này không chỉ hiệu quả hơn, mà còn ít tốn kém hơn.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times