Ông Tucker Carlson: Những lời dối trá ‘ngụy tạo’ của truyền thông có thể đặt dấu chấm hết cho nền dân chủ
OXFORD, Alabama — Trong bài diễn thuyết trực tiếp đầu tiên sau khi rời Fox News, ông Tucker Carlson đã không ngần ngại nói về những gì ông xem là những vấn đề đang làm suy yếu nước Mỹ — ngành truyền thông thiếu chân thật và sự chia rẽ quốc gia “được ngụy tạo.”
“Tôi nghĩ mình có lẽ là người thất nghiệp đầu tiên từng được mời lên tiếng,” ông mở đầu bài thuyết nói của mình sau tràng pháo tay nhiệt liệt dài 15 giây của cả khán phòng tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Oxford với 1,215 chỗ ngồi hôm thứ Năm (04/05).
“Khi tôi nhận lời mời diễn thuyết này… tôi đã không nhận ra rằng tôi lại có nhiều thời gian rảnh đến mức đó,” ông nói đùa.
Fox đã thông báo hôm 24/04 rằng hai bên “đã đồng ý chia tay” mà không cung cấp thêm lời giải thích nào, khiến nhiều người suy đoán về hoàn cảnh ra đi và những gì sắp xảy đến tiếp theo với cựu người chủ trì chương trình này. Tỷ lệ người xem của mạng lưới truyền hình này đã giảm đáng kể kể từ khi diễn ra vụ việc.
Cựu người chủ trì chương trình tin tức có tỷ lệ người xem cao nhất của Fox News “Tucker Carlson Tonight” nói rằng sáu tháng trước, ông đã đồng ý tham dự sự kiện gây quỹ riêng vào thứ Năm, được tổ chức bởi Rainbow Omega, một tổ chức đức tin bất vụ lợi chuyên trợ giúp những người khuyết tật về trí tuệ và phát triển.
Trong bài diễn thuyết kéo dài một giờ của mình, ông Tucker không trực tiếp đề cập đến tình huống xảy ra với Fox News mà nói về các vấn đề chính trị và xã hội của Mỹ mà ông tin rằng có thể dẫn đến “sự kết thúc của nền dân chủ” và “việc nô dịch” người dân Mỹ.
Sự chia rẽ ngụy tạo
Theo ông Carlson, những gì ông chứng kiến tại cơ sở của Rainbow Omega — cuộc sống của nhiều người được cải thiện về mặt vật chất — hoàn toàn trái ngược với trải nghiệm của ông với chính trị Mỹ và ngành truyền thông.
“Chính trị Mỹ được cho là nhằm cải thiện cuộc sống của người dân, nhưng thực ra mục đích của chính trị là gì?” ông nói. “Khi chúng ta lo lắng về những vấn đề trừu tượng lớn lao ở những nơi tận đẩu tận đâu, hoặc tuyên bố rằng chúng ta có thể kiểm soát thời tiết hoặc bất cứ điều gì chúng ta tuyên bố, thì có những đứa trẻ bị khuyết tật phát triển có cha mẹ đang già đi và các bậc cha mẹ này thực sự lo sợ một cách chính đáng về điều gì sẽ xảy ra khi họ qua đời.”
Tuy nhiên, ông cho biết những ý tưởng được lan truyền rộng rãi là không chỉ không ăn nhập gì với mối quan tâm thường nhật của người Mỹ mà còn được toan tính để gây chia rẽ.
“Tôi bắt đầu thực sự tin rằng những vết rạn nứt mà chúng ta đang chứng kiến trong xã hội phần nhiều là được tạo dựng nên,” ông Carlson nói, đồng thời cho biết thêm rằng một ví dụ điển hình về sự chia rẽ này là ý tưởng về phân biệt chủng tộc.
“Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama là cách mà chúng ta đã vượt qua vấn đề chủng tộc. Tôi đã không bỏ phiếu cho ông ấy, nhưng tất cả những người tôi biết đều rất phấn khích, và tôi cũng vậy,” ông Carlson nói. “Chúng ta đã bầu ra một người mà tôi không đồng tình cho lắm, nhưng chúng ta đã đạt đến một điểm mà chúng ta thôi không chà xát vào vết thương nữa và tiến về phía trước như một quốc gia. Thế thì vì lẽ nào tôi không thể làm được điều đó? Là một tín đồ Cơ Đốc, tôi hoàn toàn ủng hộ điều đó.”
Nhưng mọi chuyện đã thay đổi trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama, khi ông ấy nói: “Ồ chưa đâu, chúng ta chưa vượt qua vấn đề phân biệt chủng tộc đâu. Tất cả những gì chúng ta sẽ nói đến là chủng tộc và khiến chúng ta cừu hận lẫn nhau vì vấn đề chủng tộc.”
“Tôi không nghĩ rằng hầu hết người Mỹ không ưa nhau vì sự khác biệt về sắc tộc của họ,” ông Carlson nói thêm “Tôi nghĩ rằng rất nhiều trong số những cảm xúc đó chỉ là một lời nói dối, mà thực ra, là được toan tính nhằm khiến mọi người phân tâm.”
Nguyên nhân của sự chia rẽ này, ông Carlson than thở, là điều mà ông nhận thấy là “sự tuyên truyền” do “đại đa số” các phương tiện truyền thông Mỹ sản xuất.
“Tại sao họ không chỉ không đề cập đến các vấn đề quan trọng? Mà họ lại còn đang cố gắng phớt lờ các vấn đề đó?” ông Carlson tự hỏi. “Thật sự là họ chẳng hề hay biết rằng nền kinh tế đang sa sút hay sao? Làm thế nào quý vị lại có thể không biết điều đó? Chẳng lẽ chúng ta không biết chúng ta đang tích cực chống lại Nga trong một cuộc chiến tranh hay sao?
“Tôi chỉ nghĩ rằng đến một thời điểm nào đó, quý vị sẽ phải gọi tên hành động đó theo chính bản chất của nó — đó là sự dối trá,” ông nói. “Và dối trá với một mục đích rất cụ thể, đó là để tránh ánh mắt của quý vị, để choán lấy tầm mắt của quý vị khỏi những điều quan trọng. Đó không phải là đưa tin. Đó chính là kiểu tuyên truyền lỗi thời.”
Dấu chấm hết cho nền dân chủ
Ông Carlson cho biết hệ thống dân chủ không thể hoạt động với sự thống trị bất chân đối với khu vực công.
“Tác động đầu tiên là chấm dứt nền dân chủ,” ông nói. “Toàn bộ ý tưởng về nền dân chủ dựa trên một lý giải rằng những người bỏ phiếu sẽ có một số kiến thức về những gì họ đang biểu quyết — về đâu là những vấn đề thực sự — họ sẽ là những công dân có đầy đủ thông tin.”
Nhưng khi toàn ngành truyền thông cùng nhau loại ra các vấn đề quan trọng, chẳng hạn như tội phạm, nhập cư, và kinh tế, thì người dân trở nên thiếu hiểu biết, điều này khiến cho một yếu tố căn bản của nền dân chủ bị suy yếu. Tác hại do ngành truyền thông mang đến lại càng trở nên nghiêm trọng hơn do sự thiếu trung thực từ toàn bộ chính phủ liên bang, bao gồm cả các chính trị gia từ cả hai đảng chính trị, ông Carlson cho hay.
“Nếu ngay cả sự thật về một căn bệnh truyền nhiễm đang lấy đi sinh mạng của mọi người mà họ cũng không thể nói cho quý vị biết, thì họ thực sự đang nói dối quý vị về điều đó,” ông nói thêm. “Quý vị không thể tin bất cứ điều gì. Vâng, trạng thái đó rất hoang mang. Đó thực sự là một dạng hỗn loạn, chính là tình trạng duy nhất mà mọi người không thể giải quyết được,” ông nói.
Sự hỗn loạn này, ông nói thêm, đang làm xói mòn niềm tin của người Mỹ vào tiến trình dân chủ, tạo tiền đề cho nhiều chia rẽ hơn nữa và dẫn đến một kiểu nô dịch dân chúng, ông Carlson nói.
“Nếu quý vị có thể điều khiển não bộ của ai đó và khiến họ nói, ‘Tôi đang rất cần đeo một chiếc khẩu trang trong xe chỉ để bảo vệ chính mình — nếu quý vị có thể khiến ai đó rơi vào tình huống mà anh ta ngồi vào chiếc Subaru của mình và theo bản năng đeo khẩu trang khi cửa xe đang đóng, thì quý vị đã thắng rồi,” ông Carlson nói. “Quý vị đã hạ gục họ … trong việc nô dịch họ, tước đoạt sự lựa chọn của họ, đồng thời tước đi phẩm giá của họ, và trong quá trình làm như vậy, thực sự tước đi nhân tính của họ.”
“Đó là mục tiêu, rõ ràng là như vậy.”
Tìm kiếm sự thật
Lặp lại một tuyên bố mà ông đã đưa ra trong một video được đăng trên Twitter hồi tuần trước (24-30/04), vài ngày sau khi ông rời Fox, rằng “sự thật sẽ chiến thắng”, ông Carlson nói trong bài diễn thuyết của mình, liều thuốc giải cho điều này là tìm kiếm sự thật.
“Hãy tìm kiếm sự chân thật trong các mối quan hệ giữa người với người của quý vị — luôn luôn khiêm tốn — hãy nhớ rằng thật khó để đi đến sự thật cốt lõi của bất kỳ điều gì trong cuộc sống này,” ông nói. “Và mặc dù chúng ta có thể sẽ không bao giờ chạm đến được gốc rễ của sự thật, nhưng chúng ta có thể di chuyển theo hướng đó.”
Ông khuyến khích khán giả hãy nói lên sự thật và không tham gia vào những điều mà ông nói là những lời dối trá được tuyên truyền trong xã hội.
“Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách tự mình nói ra sự thật,” ông Carlson nói. “Những gì chúng ta có thể kiểm soát là hành vi của chính mình. Và họ có thể áp đặt những lời dối trá lên chúng ta — điều đó không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận những xảo ngôn đó.”
“Bởi vì nó cướp đi từ quý vị điều quan trọng duy nhất, đó là nhân tính của quý vị, nhân tính mà Chúa ban cho quý vị, và nó khiến quý vị trở thành một thứ gì đó thấp kém hơn con người.”
Sau đó, ông khuyến khích khán giả bỏ phiếu theo lương tâm của họ. Ông nói rằng ông ủng hộ sự sống và bỏ phiếu cho Đảng Cộng Hòa vì lập trường của họ về vấn đề này.
Từ thiện thực sự
Cuối cùng, ông khuyên nhủ: “Tôi chỉ muốn nói điều hiển nhiên thôi — hãy cố gắng giúp đỡ những người thực sự cần sự trợ giúp ở ngoài đời thực.”
“Nói cách khác, cho dù đó là những khoản đóng góp từ thiện của quý vị, những tấm ngân phiếu mà quý vị viết, hay những dịch vụ mà quý vị thực hiện, những việc làm mà quý vị làm … hãy biết rằng có một con người bằng xương bằng thịt đang cần được giúp đỡ, cuộc sống của họ đang được cải thiện rõ rệt bởi những gì quý vị làm — đó mới thực sự là từ thiện,” ông Carlson nói.
“Đó đáng ra nên là trách nhiệm của chính phủ liên bang,” ông Carlson nhắn nhủ ngoài lề.
Ông Carlson cho biết, ngoài tình yêu của ông dành cho tiểu bang Alabama, lý do chính khiến ông đến nói chuyện là ông chân thành ủng hộ công việc của Rainbow Omega, một công việc mà theo ông đang “giúp đỡ mọi người không phải theo cách trừu tượng mà theo một cách thực tế.”
Ông Carlson đã kể lại trải nghiệm của mình vào đầu ngày khi ông đi tham quan một cơ sở do một tổ chức trong vùng điều hành và gặp một trong những người tham gia chương trình của tổ chức bất vụ lợi này.
“Điều mà thực sự — tôi sẽ không quên — đã thực sự khiến tôi ấm lòng là nhìn thấy rất nhiều người sống ở đó đi bộ trên đường … và có một cặp sinh đôi. Và có bé gái này quay sang tôi. Khuôn mặt cô bé đó thật rạng rỡ. Nhìn cô bé mà lòng tôi trào dâng cảm xúc,” ông Carlson nói. “Tôi nghĩ, quý vị biết đấy, tôi thực sự không ngộ được nhiều điều về Chúa, nhưng Chúa đang đứng về phía người đó — Chúa đang quan tâm đến bé gái đó nhiều hơn là quan tâm đến tôi.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times