Ivan Choultse: Họa sĩ của ánh sáng và hoa tuyết
Các họa sĩ phong cảnh thường khắc họa vẻ đẹp tự nhiên xung quanh nơi họ sinh sống. Một số người sống ở các vùng phía bắc thường thích nghi với môi trường khắc nghiệt hơn, và đây là khung cảnh khá lý tưởng cho sáng tác nghệ thuật.
Những họa sĩ người Nga tiết lộ có nhiều điều kỳ thú của thiên nhiên trong mỗi mùa, đặc biệt là mùa đông. Mặc dù các họa sĩ phong cảnh Nga ban đầu kế thừa phong cách vẽ tranh của các họa sĩ Ý, nhưng sau đó họ đã sớm tìm tòi và cải tiến phong cách vẽ riêng của mình. Các nghệ sĩ phong cảnh như Alexei Venetsianov (1780–1847), Nikifor Krylov (1802–31) và Grigory Soroka (1823–64) đã mở đường cho một nghệ sĩ phong cảnh đầy tài năng, người đã xuất sắc trong việc khắc họa cảnh tuyết: Họa sĩ Ivan Fedorovich Choultse (1874–1939) .
Ông Choultse và gia đình đã sống ở vùng St. Petersburg trong nhiều thế hệ, vốn được giáo dục để trở thành một kỹ sư. Trong nhiều năm, ông đã làm việc cho các dự án ở Phần Lan và bị cuốn hút bởi cách mà dòng điện tạo nên ánh sáng.
Tuy nhiên, ông đã phải lòng hội họa. Khoảng năm 30 tuổi, Choultse đã tham gia một lớp số học vẽ tranh phong cảnh của Konstantin Yakovlevich Kryzhitsky, một thành viên ưu tú của học viên Nghệ Thuật Hoàng Gia danh tiếng được thành lập bởi Peter Đại Đế. Năm 1910, Kryzhitsky đã đưa học trò của mình đi vẽ tranh ở đảo Spitsbergen thuộc vùng Bắc Cực. Ông đã dạy cho Choultse các nguyên tắc hàn lâm của hội họa truyền thống.
Loại tranh phong cảnh đã trở nên phổ biến ở Hà Lan, và được chính thức thừa nhận như một trường phái hội họa vào cuối thế kỷ 15. Vào thế kỷ 17, hai họa sĩ Claude Lorrain và Nicolas Poussin đã hoàn thiện một thủ pháp bố cục cho tranh phong cảnh, được gọi là “coulisse.” Các thành tố thiên nhiên, chẳng hạn như cây cối uốn mình xung quanh bức tranh như một tấm rèm sân khấu. “Coulisse” xuất hiện tương phản với không gian sáng sủa hơn và rộng mở hơn. Choultse đã áp dụng thủ pháp bố cục này trong các bức tranh của ông.
Biến động chính trị
Những bức tranh phong cảnh của Choultse đã được đặt hàng và được gia đình Fabergé và hoàng gia Romanov đánh giá cao. Nhưng không bao lâu, bất ổn chính trị – Cách mạng Bolshevik năm 1917 đã thay đổi sự nghiệp của ông mãi mãi. Nghệ thuật mà Choultse theo đuổi không phù hợp với chủ nghĩa hiện thực xã hội mà các nhà lãnh đạo chính trị mới mong đợi. Ông phải đối mặt với một quyết định đầy khó khăn.
Những người Bolshevik đã thuê các họa sĩ để tuyên truyền thông điệp của họ tới người dân Nga. Mặc dù các nghệ sĩ áp phích phải chịu trách nhiệm chính về việc này, nhưng tất cả các họa sĩ được kỳ vọng phải tuân theo quan điểm của chính phủ mới.
Choultse đã không thể chấp nhận điều này. Ông đã rời Nga và đến Pháp làm việc vào năm 1919. Ông đã trở lại vào năm 1921 khi nuôi hy vọng rằng mình có thể hoạt động nghệ thuật trong chế độ mới với tư cách là thành viên của Hiệp hội các nghệ sĩ theo chủ nghĩa cá nhân.
Tuy nhiên, ông đã sớm di cư. Nhiều năm trôi qua, Choults đã vẽ những ngọn núi ở Pháp và Thụy Sĩ để gửi gắm lòng thương nhớ quê hương của mình. Ông đã hoàn thành nhiều dự án ở vùng Engadine của Thụy Sĩ. Các bức tranh của ông đã được triển lãm ở Paris Spring Salon năm 1923 và nhanh chóng được mua hết.
Ánh sáng, bóng đổ và hoa tuyết
Tuyết là đề tài thiên nhiên phổ biến nhất trong tranh vẽ phong cảnh ở miền Bắc. Tại vùng địa lý này, họa sĩ có cơ hội nghiên cứu ánh sáng, màu sắc và bóng đổ độc đáo mà chỉ có tuyết mới có thể mang lại. Vẽ tranh tuyết có nhiều thách thức, đặc biệt là ánh sáng chói chang do tuyết phản chiếu khiến những vùng có ánh sáng quá chói lóa và không thể nhìn thấy bóng đổ.
Những họa sĩ vẽ tranh phong cảnh mùa đông đã khám phá rằng bóng đổ trên tuyết có muôn vàn màu sắc khác nhau phụ thuộc vào những thời điểm khác nhau trong ngày: Có thể là màu xám trong giây lát và vài phút sau sẽ chuyển thành thành màu xanh lam. Bảng màu có thể lạnh hơn hoặc ấm hơn tùy thuộc vào vị trí chiếu sáng của mặt trời. Thật ngạc nhiên là, trong khi hầu hết các bức vẽ phong cảnh đều thể hiện mặt đất tối hơn bầu trời, thì một bức tranh phong cảnh tuyết lại có thể gợi cảm giác tuyết [trên mặt đất] nhẹ nhàng hơn bầu trời.
Họa sĩ Choultse đã vẽ nhiều cảnh khác nhau trong đó có đại dương, sông hồ và các kênh đào kết nối với các đồng bằng đầy tuyết phủ. Tranh hoàng hôn mùa đông của ông tràn ngập màu cam ấm áp, màu vàng và cả màu đỏ sẫm, trong khi khung cảnh buổi sáng thì lấp lánh ánh hồng mát dịu.
Choultse không chỉ vẽ cảnh hoa tuyết. Những đám mây cuồn cuộn được miêu tả tinh tế và thủ pháp “coulisse” trong bức tranh “Những cánh đồng lúa mì” của Choultse cho thấy ông chịu ảnh hưởng bởi phong cách của John Constable, một họa sĩ phong cảnh người Anh.
Bức tranh phong cảnh buổi sáng sớm ở Engadine, Thụy Sĩ khắc họa những bóng đổ xanh lam chói lọi với những mảng màu hồng cùng hoa tuyết lấp lánh trên cây. Nước chảy ở giữa một dòng suối nhỏ, điều này có thể báo hiệu tuyết rơi dày vào đầu mùa đông hoặc một cơn bão tuyết muộn phủ kín lên cây cối những tinh thể băng lấp lánh. Những tán cây lung linh lấp ló dường như báo hiệu một thông điệp lạc quan rằng mọi thứ sẽ sớm ấm áp.
Tác phẩm nghệ thuật của ông mô tả hàng cây trụi lá đứng cạnh bờ hồ trong khung cảnh một buổi sớm tinh khôi, có bóng đổ màu xanh lam và tông màu ấm áp của cây cối. Về mặt bố cục, cây cối xếp hàng đều theo phương thẳng đứng với mặt phẳng của ao, phản chiếu hình ảnh xuống bóng nước. Có thể quan sát những bóng đổ hồng trên các vùng phủ tuyết cao, ví dụ những tảng băng tuyết dọc ven bờ ao, những bụi cây trơ trọi lấp ló dưới lớp sương giá dày. Bầu trời xanh đậm ở xa xa dường như chỉ làm nền cho mảng tuyết trắng xóa ở bên dưới. Một hàng cây đứng trên đường chân trời tạo thành một đường phân cách giữa bầu trời và mặt đất.
Vẻ tĩnh lặng của thiên nhiên
Tác phẩm của những họa sĩ phong cảnh từ các vùng khí hậu phía Bắc cho chúng ta cơ hội thưởng thức vẻ đẹp mỹ diệu của mùa đông, dẫn dắt chúng ta hồi tưởng lại những kí ức tuổi thơ của chính mình như: thiên thần tuyết, tượng tuyết, hoặc trượt tuyết băng qua miền đồng quê trong cái se lạnh êm đềm. Họ trao tặng thiên nhiên cho chúng ta trong những năm tháng lạnh lẽo nhất
G. Blair Laing đã viết về Choultse trong “Hồi ức kỹ thương nghệ thuật” rằng: “Ông đã vẽ nên những cảnh tuyết ngoạn mục, trong đó ánh sáng dường như đến từ phía sau tấm vải canvas và phát sáng.”
Tác phẩm của Choultse được trưng bày trong nhiều bảo tàng nghệ thuật, bao gồm Bảo tàng Mỹ thuật của Montreal, Bảo tàng Bắc Cực và Nam Cực ở St.Petersburg và Bảo tàng Nghệ thuật ở Indianapolis.