Iran triệu tập đại sứ ĐCSTQ để phản đối tranh chấp đảo ở Vịnh Ba Tư
Gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại một lần nữa khiến đồng minh Iran của nước này bất mãn do tranh chấp các hòn đảo ở Vịnh Ba Tư (Persian Gulf). Tehran đã triệu tập đại sứ ĐCSTQ để bày tỏ sự tức giận và chỉ trích Bắc Kinh đứng về phía Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Hôm 31/05, trong thời gian diễn ra Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc và Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất tại Bắc Kinh, ĐCSTQ tuyên bố trong một thông cáo chung rằng họ ủng hộ nỗ lực của UAE nhằm “giải quyết một cách hòa bình” vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với ba hòn đảo Greater Tunb, Lesser Tunb, và Abu Musa.
Cả UAE và Iran đều tuyên bố chủ quyền đối với những hòn đảo nói trên dù chúng bị Tehran kiểm soát từ năm 1971. Ba hòn đảo này tuy có diện tích nhỏ nhưng nằm ở vị trí trọng yếu của Eo biển Hormuz, một tuyến đường đường quan trọng để vận chuyển dầu mỏ.
Vào hôm Chủ nhật (02/06), Tehran bày tỏ sự tức giận vốn hiếm có đối với đối tác thương mại lớn nhất của mình. Bộ Ngoại giao Iran đã triệu tập đại sứ ĐCSTQ tại Iran để phản đối việc ĐCSTQ “liên tục ủng hộ” các tuyên bố “vô căn cứ” của UAE.
Bộ Ngoại giao Iran cho biết, xét đến “hợp tác chiến lược” giữa Tehran và Bắc Kinh, họ hy vọng chính phủ ĐCSTQ sẽ thay đổi lập trường về vấn đề này.
Đến hôm thứ Hai (03/06), Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, nội dung liên quan trong “Tuyên bố chung Trung Quốc – Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất” phù hợp với lập trường của Trung Quốc. Nước này một lần nữa kêu gọi Iran và UAE giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và đàm phán.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Mao Ninh (Mao Ning) cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ rằng mối bang giao giữa Trung Quốc và Iran là rất “mật thiết,” và Trung Quốc rất coi trọng việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – Iran.
Đây không phải là lần đầu tiên hai đồng minh Trung Quốc và Iran vốn ngày càng bị phương Tây cô lập nảy sinh mâu thuẫn về vấn đề chủ quyền ở Vịnh Ba Tư. Vào tháng 12/2022, trong thời gian lãnh đạo ĐCSTQ thăm Saudi Arabia, ĐCSTQ và Hội đồng Hợp tác các nước Ả Rập Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council) đã ra tuyên bố chung nêu rõ Trung Quốc ủng hộ việc đàm phán song phương để “giải quyết một cách hòa bình” vấn đề ba hòn đảo.
Tuyên bố này khiến Tehran rất không hài lòng. Quốc gia này cho rằng Bắc Kinh đã gián tiếp thừa nhận yêu sách chủ quyền của UAE đối với ba hòn đảo tranh chấp và đứng về phía Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Lúc đó, Bộ Ngoại giao Iran cũng đã triệu tập đại sứ ĐCSTQ để phản đối.
Đáng chú ý là trong các tuyên bố trước đó, ĐCSTQ còn nhấn mạnh đến việc “bảo đảm tính chất hòa bình của chương trình hạt nhân Iran,” nhưng trong tuyên bố gần đây với UAE, họ lại không đề cập đến điều này.
Gần đây, ĐCSTQ còn bị một “đồng minh” khác là Bắc Hàn chỉ trích trong lĩnh vực ngoại giao. Bắc Hàn mạnh mẽ lên án ĐCSTQ vì đã ủng hộ “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” trong tuyên bố với Nam Hàn và Nhật Bản.
Hôm thứ Hai tuần trước (27/05), Bắc Hàn công khai chỉ trích hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Nhật Bản – Nam Hàn về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nước này lên án tuyên bố chung của ba quốc gia là vi phạm chủ quyền của Bắc Hàn, gọi đó là “hành động khiêu khích chính trị nghiêm trọng” và “tùy tiện can thiệp” vào nội bộ chính trị của họ.
Trong tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Nhật Bản – Nam Hàn trước đó có ghi rằng, “[ba bên] tái khẳng định lập trường đối với hòa bình và ổn định khu vực cũng như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.” Điều này khác với các tuyên bố vào năm 2019 và trước đó vốn không đề cập đến cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trong lúc tức giận, Bắc Hàn phóng vệ tinh gián điệp quân sự, nhưng vệ tinh đã nổ tung sau khi được phóng đi không lâu. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, Bắc Hàn chọn thời điểm này để phóng vệ tinh gián điệp quân sự, gây nhiễu loạn hoạt động ngoại giao quan trọng của ĐCSTQ.