Iran: Biểu tình chưa qua, đất nước lại đối mặt với nguy cơ khủng bố
Hơn một chục người hành hương dòng Shiite đã thiệt mạng trong tuần này khi một tay súng khai hỏa vào một ngôi đền tôn giáo ở thành phố Shiraz, trung tâm phía nam Iran.
Cuộc tấn công xảy ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính phủ đang diễn ra và đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn kể từ giữa tháng Chín. Nhóm khủng bố ISIS đã công khai nhận trách nhiệm cho vụ việc này.
Hôm 26/10, một tay súng đã khai hỏa vào đền thờ Shah Cheragh ở Shiraz, sát hại hơn một chục người trước khi bị lực lượng an ninh chế ngự và bắt giữ.
Các tín đồ Hồi giáo Shitte, nhóm chiếm phần lớn dân số Iran, xem đền thờ này là địa điểm linh thiêng thứ hai của đất nước.
Trong một phát ngôn ngay sau vụ việc, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố rằng “chắc chắn không thể dễ dàng cho qua” cuộc tấn công này.
“Kinh nghiệm cho thấy kẻ thù của Iran, sau khi không tạo được sự chia rẽ trong hàng ngũ thống nhất của quốc gia, sẽ trả thù bằng bạo lực và khủng bố,” ông Raisi nói.
Vào cuối ngày hôm đó, nhóm khủng bố ISIS đã đưa ra một tuyên bố công khai nhận trách nhiệm về các vụ sát nhân này thông qua kênh Thông tấn xã Amaq của tổ chức.
Năm 2017, nhóm này nhận trách nhiệm về một vụ đánh bom kép chí tử nhằm vào tòa nhà quốc hội Iran và lăng mộ của nhà lãnh đạo Ayatollah Ruhollah Khomeini, người thành lập nước Cộng hòa Hồi giáo này vào năm 1979.
Các cuộc biểu tình tiếp diễn
Cuộc tấn công vào đền thờ hồi tuần này xảy ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính phủ liên tục xảy ra ở một số vùng của đất nước trong sáu tuần qua.
Theo báo cáo, người biểu tình đốt xe của cảnh sát và tấn công vào tòa nhà chính phủ, trong khi lực lượng an ninh bị cáo buộc sử dụng vũ lực sát thương để trấn áp các cuộc biểu tình.
Hôm 30/09, các nhà chức trách Iran cho biết 19 người đã thiệt mạng, bao gồm cả nhân viên an ninh, khi một đồn cảnh sát bị “phiến quân khủng bố” tấn công tại thành phố Zahedan, đông nam nước này.
Nhưng nhiều tổ chức nhân quyền đã chất vấn trách nhiệm của Iran, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết ít nhất 66 người – bao gồm cả những người biểu tình và những người đứng ngoài cuộc – đã thiệt mạng trong vụ việc này.
Bạo lực rải rác vẫn xảy ra trong tuần này. Hôm 26/10, hãng thông tấn chính thức của Iran là IRNA đưa tin rằng một thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng ưu tú đã bị “những kẻ bạo loạn” sát hại ở thành phố phía tây Malayer.
Các cuộc biểu tình nổ ra lần đầu tiên vào hôm 16/09 khi cô Mahsa Amini, 22 tuổi, qua đời sau khi bị cảnh sát giam giữ. Ban đầu, cô bị cảnh sát Tehran tạm giữ vì mặc “trang phục không phù hợp”.
Trong khi cảnh sát tuyên bố cô qua đời vì suy tim đột ngột, thì những người khác lại cho rằng cô đã bị cảnh sát ngược đãi, hành hạ, và đó là nguyên nhân dẫn đến sự tử vong của cô.
Bất chấp những lời hứa của nhà chức trách rằng họ sẽ điều tra vụ việc, nhưng các cuộc biểu tình không ngừng lan rộng từ Tehran đến các thành phố khác của Iran, bao gồm Esfahan, Tabriz và Mashhad.
Giới chức Iran đổ lỗi cho kẻ thù bên ngoài vì đã gây ra tình trạng bất ổn trong nước, bao gồm Hoa Kỳ và Israel, nhưng không cung cấp được bằng chứng để chứng minh cho những cáo buộc đó.
Trong vòng sáu tuần qua, một số công dân ngoại quốc đã bị Iran giam giữ vì bị cáo buộc tham gia vào các cuộc biểu tình.
‘Động cơ chính trị’
Kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu hồi tháng trước, các quan chức Hoa Kỳ đã công khai ủng hộ những người biểu tình, cáo buộc Tehran vi phạm nhân quyền.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 16/10, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết Hoa Thịnh Đốn đã áp dụng “một loạt các hành động mạnh mẽ để cố gắng ủng hộ những người biểu tình ở Iran”.
Ngày hôm sau, Liên minh Âu Châu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và cơ quan của Iran mà họ cho là có cách hành vi vi phạm nhân quyền.
Tehran có hành động đáp trả vào hôm 27/10, triệu tập đại sứ Đức và cáo buộc Berlin kích động “bạo loạn”.
Iran cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các quan chức EU, các hãng thông tấn, và các tổ chức phi chính phủ mà họ cáo buộc là đã kích động tình hình bất ổn đang diễn ra.
Về phần mình, EU bác bỏ các lệnh trừng phạt của Iran vì cho rằng hành động này “có động cơ chính trị”.
Trong một diễn biến liên quan, trong tuần này, Tòa Bạch Ốc cáo buộc Nga giúp Iran trấn áp làn sóng biểu tình chống chính phủ.
Thủ đô các nước phương Tây và các đồng minh ở Kyiv cũng cáo buộc Iran cung cấp cho Nga phi cơ cơ không người lái để sử dụng trong cuộc xung đột đang tiếp diễn với Ukraine.
Hôm 26/10, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết: “Thông điệp của chúng tôi gửi tới Iran là rất, rất rõ ràng. Hãy ngưng sát hại người dân của mình và dừng gửi vũ khí tới Nga để tàn sát người Ukraine.”
Cả Tehran và Moscow đều bác bỏ tuyên bố của phương Tây rằng Nga đang sử dụng phi cơ không người lái của Iran để tấn công các mục tiêu ở Ukraine.
Hôm 27/10, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi một công hàm chia buồn tới người đồng cấp Iran liên quan đến vụ tấn công đền thờ trong tuần này.
Ông Putin được cho là đã nhấn mạnh rằng Moscow sẵn sàng hợp tác với Tehran về các vấn đề liên quan đến chống khủng bố.
Cùng ngày, IRNA dẫn lời Tổng thống Raisi nói rằng ISIS “đã nhận trách nhiệm về cuộc tấn công, nhưng điều này đặt ra câu hỏi ai đã tạo ra nhóm khủng bố và hỗ trợ cho nhóm này gieo rắc mối bất hòa giữa các quốc gia Tây Á.”
Theo tin tức từ giới báo chí Iran, hôm 28/10, lực lượng an ninh ở Shiraz đã ngăn chặn một vụ đánh bom và bắt giữ được thủ phạm.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và The Associated Press
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times