IMF: Rủi ro ‘đáng kể’ rằng lạm phát cao trở nên cố hữu, các kỳ vọng trở nên mất kiểm soát
Với việc lạm phát leo lên mức cao nhất trong nhiều thập niên và áp lực giá cả ngày càng tăng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng hiện có một “rủi ro đáng kể” là lạm phát cao sẽ trở thành một tình trạng cố định lâu dài hơn và những kỳ vọng xung quanh tỷ lệ lạm phát trong tương lai có thể trở nên vô định và tạo ra một vòng xoáy tiền lương-giá cả.
Một nhóm các nhà kinh tế IMF cho biết trong một bài đăng trên blog gần đây rằng các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế lớn trên thế giới đa phần đã bị bất ngờ trước cường độ và sự dai dẳng của làn sóng lạm phát hiện nay.
Các nhà kinh tế viết: “Lạm phát dường như được thúc đẩy bởi sự kết hợp bất thường của các xáo trộn trong nguồn cung liên quan đến đại dịch và sau đó là cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, và mọi người dự kiến lạm phát sẽ giảm nhanh chóng khi những áp lực này giảm bớt.”
Ban đầu, lạm phát được giới hạn trong phạm vi hàng hóa hẹp hơn khi các đợt phong tỏa trong đại dịch khiến người dân tập trung chi tiêu vào những thứ như sửa sang nhà cửa.
Tuy nhiên, theo thời gian, áp lực về giá đã mở rộng ra, ngấm vào nhiều danh mục hàng hóa hơn và tồn tại lâu hơn.
Nhóm IMF lập luận rằng về phần mình, điều này đã khiến các ngân hàng trung ương nhận ra rằng họ cần phải “hành động khẩn cấp hơn để tránh sự bất định trong kỳ vọng lạm phát và gây tổn hại đến uy tín của họ.”
Tìm cách dập tắt áp lực lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng trung ương lớn khác đã bắt tay vào con đường thắt chặt tiền tệ. Nhưng khi có bằng chứng về việc các hoạt động kinh tế chậm lại — hoặc dứt khoát suy thoái — ở một số nền kinh tế trên thế giới, thì thị trường ngày càng suy đoán rằng các ngân hàng trung ương sẽ tạm dừng việc thắt chặt hơn nữa — hoặc xoay trục và tiếp tục các chính sách nới lỏng.
Nhóm IMF cảnh báo, việc xoay trục sẽ là một sai lầm, thúc giục các ngân hàng trung ương tiếp tục “kiên quyết” và tiếp tục thắt chặt cho đến khi lạm phát giảm xuống — cùng với những kỳ vọng trong tương lai — để tránh “những điều chỉnh có thể gây thiệt hại và gián đoạn nhiều hơn sau này.”
Rủi ro lạm phát ‘nghiêng hẳn về phía tăng’
Các nhà kinh tế của IMF tin rằng việc thắt chặt tiền tệ và tài khóa sẽ hạ nhiệt nhu cầu hàng hóa, trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ giải tỏa áp lực giá cả đối với dịch vụ. Tuy nhiên, họ cảnh báo rằng vẫn còn “sự không chắc chắn đáng kể” về triển vọng lạm phát.
Họ nói, “Rủi ro lạm phát dường như nghiêng hẳn về phía tăng. Có một rủi ro đáng kể là lạm phát cao trở nên cố hữu và các kỳ vọng lạm phát trở nên mất kiểm soát.”
Một phần của nguyên nhân thúc đẩy quan điểm này là lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ — từ dịch vụ cá nhân đến giá thuê nhà ở — dường như đang tăng nhanh và theo IMF, khó có thể giảm nhanh.
Ngoài ra còn có nguy cơ xảy ra vòng xoáy tiền lương-giá cả, trong đó kỳ vọng về tỷ lệ lạm phát cao hơn tồn tại lâu hơn, sẽ khiến người lao động yêu cầu mức lương cao hơn để bù đắp cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Nhóm IMF viết: “Ở các quốc gia có thị trường lao động mạnh, tiền lương danh nghĩa có thể bắt đầu tăng nhanh, nhanh hơn mức mà các công ty có thể hấp thụ một cách hợp lý, khi sự gia tăng liên quan đến chi phí lao động trung bình được chuyển thành giá cả.”
Nhóm IMF lập luận rằng những “tác động vòng hai” này sẽ dẫn đến “lạm phát dai dẳng hơn và kỳ vọng lạm phát gia tăng.”
Một rủi ro khác là căng thẳng địa chính trị cũng có thể gia tăng, làm bùng phát một đợt lạm phát giá năng lượng khác.
Rủi ro thị trường tài chính hỗn loạn
Nhóm IMF cho biết, nếu rủi ro lạm phát tăng xảy ra, các ngân hàng trung ương sẽ phải hành động mạnh mẽ hơn để hạ nhiệt nền kinh tế, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng “đáng kể”, đồng thời cảnh báo về sự hỗn loạn tài chính tiềm ẩn.
Các nhà kinh tế cho biết: “Việc thắt chặt các điều kiện tài chính có thể gây mất trật tự, thách thức khả năng chống chịu của hệ thống tài chính và gây ra những căng thẳng đặc biệt lớn đối với các thị trường mới nổi.”
Mặc dù sự ủng hộ của công chúng đối với chính sách tiền tệ thắt chặt hơn hiện đang ở mức cao, nhưng điều này có thể sẽ thay đổi nếu tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và người dân gặp khó khăn về kinh tế.
Nhưng ngay cả khi sự ủng hộ của công chúng đối với việc thắt chặt có thay đổi, IMF lập luận rằng việc khôi phục sự ổn định giá cả là vô cùng trọng yếu và các ngân hàng trung ương không nên lùi bước.
“Một bài học quan trọng của lạm phát cao trong những năm 1960 và 1970 là việc hành động quá chậm để kiềm chế nó sẽ dẫn đến việc thắt chặt tốn kém hơn nhiều sau đó để duy trì kỳ vọng lạm phát và khôi phục độ tin cậy của chính sách,” các nhà kinh tế cho biết, đồng thời cảnh báo rằng con đường phía trước cho các ngân hàng trung ương sẽ “khó khăn”.
Thắt chặt hơn nữa?
Cảnh báo của IMF được đưa ra sau khi Fed tăng thêm 75 điểm cơ bản vào cuối tháng Bảy và không lâu trước khi ngân hàng trung ương Anh tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản — đợt tăng lớn nhất trong vòng 27 năm — trong nỗ lực hạ nhiệt áp lực giá cả.
Ông Andrew Bailey, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), nói với chương trình “Today” của BBC Radio 4 hôm 05/08 rằng người lao động không nên yêu cầu mức lương phù hợp với lạm phát, lặp lại quan điểm của IMF rằng có nguy cơ mở ra vòng xoáy tiền lương-giá cả và cảnh báo rằng lạm phát có thể “bén rễ”.
Ông Bailey nói: “Nếu mọi người cố gắng đánh bại lạm phát — và đánh bại lạm phát bằng cả việc thiết lập giá cả và tiền lương — lạm phát sẽ không giảm, nó sẽ trở nên tồi tệ hơn.”
Ông nói thêm, “Điểm mấu chốt của tôi là, nếu lạm phát trở nên bén rễ và kéo dài, thì nó sẽ trở nên tồi tệ hơn. Và các tác động trở nên tồi tệ hơn.”
Ông Bailey trước đó đã cảnh báo rằng lạm phát ở Anh sẽ tăng lên hơn 13% vào tháng Mười và nền kinh tế Anh đang đi vào một cuộc suy thoái kéo dài.
Nền kinh tế Hoa Kỳ đã rơi vào suy thoái, theo quy luật phổ biến — nhưng không chính thức — rằng hai quý liền nhau có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) âm.
Chính phủ ông Biden, cùng với một số nhà kinh tế, đã thách thức quan điểm rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang suy thoái, cho rằng bằng chứng không thuyết phục, cụ thể là dữ liệu cho thấy thị trường lao động vẫn eo hẹp và tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy thị trường lao động Hoa Kỳ đang hạ nhiệt. Số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng trở lại hồi tuần trước và số lượng việc làm đã giảm đáng kể.
Thị trường kỳ vọng rằng Fed sẽ tiếp tục thắt chặt đề đạt lãi suất quỹ liên bang mục tiêu là khoảng 340 điểm cơ bản trước khi xoay trục và bắt đầu giảm dần lãi suất vào giữa năm 2023, theo công cụ theo dõi xác suất thị trường của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta.
Hiện tại, lãi suất cho vay nằm trong phạm vi mục tiêu từ 225 đến 250 điểm cơ bản, hay 2.25% và 2.50%.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’