Khai thác mỏ ‘xanh’ vấp phải sự phản kháng từ các nhà hoạt động môi trường
Dự luật chi tiêu ‘xanh’ của Đảng Dân Chủ đi kèm với chi phí môi trường
Khi Thượng viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát thực hiện cuộc bỏ phiếu theo đảng phái để thông qua Đạo luật Giảm Lạm phát, với 369 tỷ USD chi tiêu liên bang mới cho năng lượng gió, mặt trời và xe điện (EV), các nhà hoạt động môi trường bối rối không biết nên cười hay khóc.
Nếu được thông qua, dự luật này sẽ là một thắng lợi cho những người ủng hộ năng lượng “tái tạo” và loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, như mọi khi đối với kinh tế năng lượng, việc đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ đi kèm với chi phí môi trường: sự mở rộng trên diện rộng của các dự án để khai thác từ trái đất các nguyên liệu thô cho các tấm pin mặt trời, tuabin gió và pin điện.
Chính phủ của ông Biden đang bị giằng xé về vấn đề này, một mặt cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc và các nước khác để cung cấp các nguyên liệu thô thiết yếu cho Thỏa thuận mới Xanh của ông, mặt khác chặn các giấy phép và chấp thuận cho phép các công ty khác thác của Mỹ hoạt động.
Hôm 31/03, chính phủ ông Biden đã thực hiện một bước quan trọng trong việc ban hành chính sách năng lượng công nghiệp liên bang bằng cách viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để chỉ đạo các công ty Mỹ sản xuất nhiều năng lượng tái tạo hơn. Để biện minh cho việc sử dụng những gì thường là hành động khẩn cấp trong thời chiến, Tổng thống Joe Biden đã nói trong một tuyên bố chính thức rằng “bảo đảm một nền công nghiệp trong nước mạnh mẽ, có khả năng phục hồi, bền vững và có trách nhiệm với môi trường để đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế năng lượng sạch” là “điều cần thiết đối với an ninh quốc gia của chúng ta. ”
Ông Biden đã đặt ra các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, bao gồm phần lớn xe hơi do Mỹ sản xuất sẽ là EV vào năm 2030 và EV sẽ thay thế hoàn toàn xe hơi chạy bằng xăng vào năm 2040, đồng thời chuyển sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch sang các tiện ích năng lượng gió, năng lượng mặt trời và hydro. Điều này phù hợp với các mục tiêu khí hậu toàn cầu được Hiệp định Paris thông qua vào năm 2015 và Sáng kiến Tái thiết Vĩ đại do Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa ra vào năm 2020. Tuy nhiên, việc khai thác nguyên liệu thô cho kế hoạch này vẫn còn nhiều vấn đề.
Ông Biden nói: “Hoa Kỳ phụ thuộc vào các nguồn ngoại quốc không đáng tin cậy cho nhiều nguyên liệu chiến lược và quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch — chẳng hạn như lithium, nickel, cobalt, graphite và mangan cho pin dung lượng lớn. Nhu cầu đối với những vật liệu như vậy được dự báo sẽ tăng theo cấp số nhân khi thế giới chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch.”
‘Sự gia tăng đáng kể’ trong khai thác
Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, một nhóm phân tích năng lượng, “việc chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng sạch được thiết lập để thúc đẩy sự gia tăng đáng kể các yêu cầu đối với những khoáng chất này”.
Báo cáo lưu ý rằng “một chiếc xe hơi điện điển hình yêu cầu lượng khoáng chất đầu vào gấp 6 lần xe hơi thông thường và một nhà máy điện gió trên bờ yêu cầu tài nguyên khoáng sản nhiều hơn 9 lần so với một nhà máy chạy bằng khí đốt”. Báo cáo dự đoán rằng để đáp ứng các mục tiêu năng lượng xanh hiện tại, nhu cầu về lithium sẽ tăng gấp 40 lần vào năm 2040; nhu cầu về than chì, cobalt và nickel sẽ tăng 20–25 lần; nhu cầu về các nguyên tố đất hiếm sẽ tăng gấp 3–7 lần; và nhu cầu về đồng sẽ tăng gấp đôi. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới về “Khoáng sản cho Hành động Khí hậu” cho biết 17 khoáng chất cần thiết để thực hiện các mục tiêu xanh, bao gồm nhôm, đồng, bạc, indium, selen và tellurium cho các tế bào quang điện; thép, đồng, nhôm, kẽm, chì và neodymium cho tuabin gió; và graphite, lithium, cobalt, nickel, mangan và vanadi cho pin.
Hầu hết các khoáng sản này hiện được khai thác ở ngoại quốc và chỉ tập trung nhiều ở một số quốc gia. Ví dụ, 70% cobalt trên thế giới được khai thác ở Cộng hòa Dân chủ Congo và 60% nguyên tố đất hiếm được khai thác ở Trung Quốc. Việc tinh chế thậm chí còn tập trung hơn: 35% tinh chế nickel, 50-70% tinh luyện liti và cobalt, và 90% tinh chế nguyên tố đất hiếm được tiến hành ở Trung Quốc.
Các hoạt động khai thác này đã bị chỉ trích vì làm tổn hại môi trường tự nhiên, tạo ra ô nhiễm độc hại và vi phạm nhân quyền. Hồi năm 2019, các gia đình người Congo đã kiện Apple, Google, Microsoft, Dell và Tesla. Họ cáo buộc rằng các công ty này đã đồng lõa trong các vụ lạm dụng do công ty khai thác Trung Quốc Zhejiang Huayou Cobalt và công ty khai thác Glencore của Anh thực hiện, dẫn đến tử vong và thương tích ở trẻ em làm việc trong các mỏ cobalt. Vụ kiện được đệ trình tại Hoa Thịnh Đốn, do International Rights Advocates, một tổ chức nhân quyền, buộc tội các công ty Mỹ “hỗ trợ và tiếp tay” cho hành vi lạm dụng này trong các hầm mỏ.
Một giải pháp do chính phủ ông Biden đề nghị là đưa các hoạt động khai thác vào Hoa Kỳ, nơi áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về môi trường và nhân quyền. Và nhiều chuyên gia tin rằng phần lớn nhu cầu về các khoáng sản này có thể được đáp ứng trong nước, nhưng chính trị là hạn chế chính.
“Hoa Kỳ có thể cung cấp một phần lớn nhu cầu của mình cho những thứ như xe điện hoặc pin lưu trữ điện lưới,” ông Ian Lange, giáo sư kinh tế tại Trường Mỏ Colorado, nói với The Epoch Times. “Chúng ta chắc chắn có một số trữ lượng lithium trên khắp Hoa Kỳ, và thị trường vốn của chúng ta khá tốt trong việc chuyển đầu tư sang những thứ mà chúng ta nghĩ là sẽ sinh lời. Nhưng hầu hết các dự án lithium đang được thảo luận hiện đang được tiến hành theo NEPA [Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia], vốn cho phép trì hoãn hoặc các hạn chế khác. ”
Một báo cáo tháng 12 của Reuters ước tính rằng các dự án khai thác của Mỹ hiện đang được xem xét có thể khai thác đủ đồng để chế tạo 6 triệu EV, đủ lithium cho 2 triệu EV và đủ nickel cho 60,000 EV. Tuy nhiên, nhiều trữ lượng nằm trên đất của liên bang, có nghĩa là chúng phải tuân theo luật môi trường, bao gồm NEPA, Đạo luật Nước sạch, Đạo luật Không khí sạch và Đạo luật Các loài Nguy cấp cũng như các yêu cầu của họ đối với sự tham gia của cộng đồng.
‘Truyền thống bị hủy diệt’
Những nỗ lực của chính phủ ông Biden nhằm mở rộng khai thác và tinh chế trong nước đang vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ các nhóm môi trường, và cũng thường xung đột với bản thân những chính sách của chính phủ ông. Ví dụ, vào tháng 05/2022, chính phủ ông Biden đã chặn dự án Pebble Mine, dự án tìm cách khai thác đồng ở Vịnh Bristol của Alaska. Dự án đã bị phản đối bởi các cộng đồng dân Bản địa Alaska với lý do nó sẽ gây hại cho cá hồi và các động vật hoang dã khác ở Vịnh Bristol.
Trong một tuyên bố chính thức, Giám đốc Khu vực EPA Casey Sixkiller cho biết, “Vịnh Bristol hỗ trợ một trong những nghề đánh bắt cá hồi quan trọng nhất thế giới. Hai thập niên nghiên cứu khoa học cho chúng ta thấy rằng việc khai thác mỏ Pebble Deposit sẽ gây ra thiệt hại vĩnh viễn cho một hệ sinh thái vốn hỗ trợ một cường quốc kinh tế tái tạo và đã duy trì các nền văn hóa đánh cá từ thời xa xưa.”
Đáp lại, Giám đốc điều hành của Pebble Limited Partnership, ông John Shively nói rằng “đây rõ ràng là một bước lùi lớn đối với các mục tiêu về biến đổi khí hậu của chính phủ ông Biden. Tôi thấy thật mỉa mai khi tổng thống đang sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để đưa thêm các khoáng sản năng lượng tái tạo như đồng vào sản xuất, trong khi những người khác trong chính phủ ông lại tìm các phương thức chính trị để ngăn chặn các dự án khai thác trong nước như của chúng tôi.”
Người Mỹ bản địa, các nhà bảo vệ môi trường, và các chủ trang trại đã cùng nhau chiến đấu để chống lại thứ sẽ là một trong những dự án khai thác lithium lớn nhất thế giới ở Thacker Pass của Nevada. Người Mỹ bản địa Myron Smart tuyên bố rằng vùng đất được chỉ định để khai thác là “thiêng liêng” và “khi đất đai của chúng ta bị phá hủy, truyền thống của chúng ta cũng bị phá hủy”.
Lithium Americas, công ty đang làm việc để phát triển mỏ Thacker Pass, tuyên bố rằng dự án này sẽ là một mỏ lộ thiên có tuổi thọ 46 năm, tạo ra 1,000 công việc xây dựng, sản xuất ước tính 3 triệu tấn lithium, với hệ số bóc đất đá là 1.6-1. Hệ số bóc đất đá đo lượng vật liệu thải được chiết xuất trên một đơn vị lithium hữu ích được khai thác.
Lithium Americas báo cáo rằng họ đã nhận được giấy phép cần thiết từ Cục Quản lý đất đai vào tháng 01/2021 và sẽ bắt đầu hoạt động khai thác vào năm 2022. Tuy nhiên, các thẩm phán liên bang và cơ quan quản lý tiểu bang đang xem xét vụ việc, cùng với một số dự án khai thác khác ở Minnesota và North Carolina, để xác định xem có nên thu hồi giấy phép hay không.
Để giảm bớt những lo ngại về môi trường này, chính phủ ông Biden đã đề xuất tiến hành khai thác ở ngoại quốc, ở các nước như Canada, Chile, Phần Lan và Úc. Vào tháng 06/2021, Tòa Bạch Ốc tuyên bố rằng “Hoa Kỳ không thể và không cần phải khai thác và xử lý tất cả các đầu vào pin quan trọng trong nước. Hoa Kỳ có thể và nên làm việc với các đồng minh và đối tác để mở rộng sản xuất toàn cầu và bảo đảm nguồn cung cấp toàn cầu”. Bằng cách này, việc khai thác các khoáng chất thiết yếu có thể được thực hiện bởi các nước đồng minh, và các vấn đề môi trường và xã hội có thể được giải quyết bên ngoài Hoa Kỳ.
Ông Kevin Stocklin là một nhà văn, nhà sản xuất phim, và là cựu nhân viên ngân hàng đầu tư. Ông đã viết và sản xuất tác phẩm “We All Fall Down: The American Mortgage Crisis” (“Chúng Ta Đều Sụp Đổ: Cuộc Khủng Hoảng Thế Chấp Của Mỹ”), một bộ phim tài liệu năm 2008 về sự sụp đổ của hệ thống tài chính thế chấp của Hoa Kỳ.