Hungary, Serbia lập kế hoạch chung xây dựng đường ống dẫn dầu của Nga tới Belgrade
Chính phủ Hungary và Serbia đã đồng ý đầu tư vào một đường ống dẫn dầu từ vùng Ural của Nga thông qua đường ống Druzhba đến Serbia.
Hôm 10/10, chính phủ Budapest cho biết lệnh trừng phạt năng lượng mới của Liên minh Âu Châu (EU) nhắm vào Nga đã ảnh hưởng đến các chuyến hàng chở dầu đi qua Croatia.
EU đã áp dụng các hạn chế mới đối với Moscow do cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, trong đó có việc áp đặt trần giá dầu đối với việc vận chuyển dầu thô qua đường biển từ Nga đến các nước thứ ba.
Serbia nhận được phần lớn nguồn cung dầu của Nga từ đường ống dẫn dầu JANAF đi qua Croatia.
Phát ngôn viên Zoltan Kovacs của Ngoại trưởng Hungary đặc trách về Truyền thông và Bang giao Quốc tế cho biết trong một tuyên bố rằng Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Thủ tướng Hungary Viktor Orban “đã đồng ý xây dựng một đường ống dẫn dầu tới Hungary.”
Ông lưu ý: “Đường ống dẫn dầu mới sẽ cho phép Serbia được cung cấp dầu thô rẻ hơn từ Urals, kết nối với đường ống dẫn dầu Hữu nghị.”
Ông Kovacs cho biết hiện tại nguồn cung cấp dầu của Serbia “đa phần là thông qua một đường ống dẫn qua Croatia, nhưng điều này khó có thể xảy ra trong tương lai bởi vì các lệnh trừng phạt đã được thông qua.”
Hungary cũng đang nhận dầu từ nhánh phía nam của đường ống dẫn dầu Druzhba, vốn được chuyển tới Cộng hòa Séc và Slovakia thông qua Ukraine.
Quốc gia Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào dầu khí của Nga này đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các lệnh trừng phạt chống lại Nga trong khối.
Đường ống dẫn dầu Druzhba từng là nguồn cung cấp dầu thô chính cho các nhà máy lọc dầu của ba quốc gia này trong nhiều năm.
Ông Orban phàn nàn rằng các lệnh trừng phạt sẽ làm tăng giá năng lượng, nhưng hồi tuần trước (03-09/10), chính phủ của ông đã bỏ phiếu ủng hộ gói trừng phạt.
Mới đây, ông đã thông báo rằng Hungary sẽ tổ chức một cuộc thăm dò quốc gia về các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Thủ tướng Hungary cho biết, quốc gia của ông đang có trữ lượng khí đốt dự trữ có thể tiêu thụ trong khoảng 5-6 tháng.
Đầu tháng này, ông nói rằng chính phủ của ông sẽ giúp Serbia cung cấp khí đốt nếu cần.
NIS, công ty dầu khí nhà nước của Serbia, có những cổ đông lớn là công ty Gazprom Neft và tập đoàn Gazprom của Nga.
EU và Hoa Kỳ đang đặt vấn đề với chính phủ Serbia, sau khi họ ký một thỏa thuận với Nga rằng họ sẽ tổ chức “tham vấn” dài hạn về các vấn đề chính sách đối ngoại.
Trong khi đó, Serbia đang cố gắng gia nhập khối 27 thành viên Âu Châu.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gặp Thủ tướng Hungary Viktor Orbán tại Berlin hôm 10/10 để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Sau đó, ông Orbán đã nói chuyện tại một diễn đàn kinh tế do Ủy ban phía Đông của doanh nghiệp Đức tổ chức. Đây là một tổ chức chuyên tập trung vào việc thúc đẩy các liên kết kinh tế của Đức với Đông và Trung Âu.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times