Hồng Kông và Trung Quốc nâng cấp hoán đổi tiền tệ, giúp Bắc Kinh tiếp cận nhiều nguồn dự trữ ngoại tệ hơn
Bắc Kinh hiện có thể tiếp cận được với gần 30% dự trữ ngoại tệ của Hồng Kông sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) và Cục Quản lý Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) nâng cấp liên kết hoán đổi tiền tệ giữa hai bên hôm 04/07.
Nâng cấp liên kết hoán đổi tiền tệ lên một thỏa thuận lâu dài là một trong hai chính sách mới được PBC và HKMA công bố hồi tuần trước (04-10/07). Vốn không cần phải gia hạn, quy mô của liên kết hoán đổi tiền tệ thường trực này cũng đã được mở rộng thêm 60%, tăng từ 500 tỷ nhân dân tệ (74 tỷ USD) lên 800 tỷ nhân dân tệ (119 tỷ USD).
Một liên kết hoán đổi tiền tệ là một thỏa thuận giữa hai ngân hàng trung ương để trao đổi tiền tệ, theo định nghĩa của Ngân hàng Trung ương Âu Châu. Nó cho phép một ngân hàng trung ương có được thanh khoản ngoại tệ từ ngân hàng phát hành của nó. Các liên kết hoán đổi tiền tệ thường được gia hạn vài năm một lần nếu nó không phải là một mối quan hệ “thường trực”.
Dữ liệu do HKMA công bố hôm 07/07 cho thấy dự trữ ngoại tệ chính thức của Hồng Kông trong tháng Sáu là 447.3 tỷ USD, giảm 17.7 tỷ USD so với tháng Năm. Và với hạn mức hoán đổi tiền tệ cố định là 120 tỷ USD, PBC có thể tiếp cận khoảng 27% dự trữ ngoại tệ của Hồng Kông.
Theo ông Phan Công Thắng (Pan Gongsheng), Phó thống đốc PBC kiêm Giám đốc Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước, đây là lần đầu tiên PBC ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ thường trực.
Ông Phan cho biết các chính sách mới sẽ “củng cố vị thế của Hồng Kông như một trung tâm tài chính quốc tế và một trung tâm kinh doanh nhân dân tệ ở ngoại quốc.”
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng liên kết hoán đổi tiền tệ thường trực không có lợi cho đồng dollar Hồng Kông (HKD).
Ông Tạ Thiên (Frank Tian Xie), một giáo sư kinh doanh tại Đại học South Carolina Aiken, nói với The Epoch Times rằng liên kết hoán đổi tiền tệ thường trực kể trên sẽ có lợi cho Bắc Kinh bằng cách cung cấp con đường thu được nhiều ngoại tệ hơn, nhưng nó không có lợi cho HKD.
Kể từ ngày 17/10/1983, Hồng Kông đã áp dụng Hệ thống Tỷ giá Hối đoái Liên kết, cho phép HKMA ổn định tỷ giá hối đoái từ USD sang HKD trong khoảng từ 7.75 đến 7.85.
Là một đồng tiền được gắn với USD, đồng tiền quốc tế chiếm ưu thế, HKD từ lâu đã duy trì được niềm tin của thị trường. Tuy nhiên, một liên kết hoán đổi mới với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có thể sẽ làm tổn hại đến giá trị của HKD.
Đồng nhân dân tệ không thể chuyển đổi hoàn toàn, điều này có thể gây ra các vấn đề cho việc chuyển tiền xuyên biên giới. PBC cũng áp dụng các biện pháp hành chính để tác động đến tỷ giá hối đoái giữa đồng nhân dân tệ và các đồng ngoại tệ.
Ông Tạ nói: “Liên kết hoán đổi tiền tệ thường trực sẽ làm xói mòn uy tín của HKD như một loại tiền tệ cứng và một ngày nào đó, HKD sẽ thấy mình ở một vị trí tương tự như nhân dân tệ.”
Investopedia định nghĩa tiền tệ cứng là tiền được phát hành bởi một quốc gia được coi là ổn định về mặt chính trị và kinh tế và được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu để thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ.
Nhà bình luận về các vấn đề thời sự quen thuộc với hệ thống tài chính Trung Quốc Miyasita Kiyokawa nói với The Epoch Times hôm 09/07 rằng, các công ty Trung Quốc đang phải đối mặt với các khoản nợ ngoại quốc khổng lồ vào năm 2022. Chẳng hạn, các khoản nợ ngoại quốc của các nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc đã lên tới 100 tỷ USD.
Chính sách mới còn lại được công bố hôm 04/07 là một sáng kiến được gọi là “Kết nối Hoán đổi” (“Swap Connect”), một kế hoạch cung cấp quyền tiếp cận lẫn nhau để kết nối thị trường hoán đổi lãi suất giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.
“Quyền tự do ở Hồng Kông đang nhanh chóng bị xói mòn theo luật an ninh quốc gia [do Bắc Kinh áp đặt]. Thành phố này không phải là trung tâm tài chính quốc tế sôi động như trước đây. Nó đang trở nên giống như Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến, [một trung tâm tài chính hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh],” nhà bình luận Kiyokawa nói thêm, cho rằng Bắc Kinh có thể áp đặt nhiều kế hoạch tài chính hơn đối với Hồng Kông cho đến khi nhà cầm quyền này đạt được sự kiểm soát hoàn toàn.
Cô Kathleen Li đã đóng góp bài viết cho The Epoch Times từ năm 2009 và chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư chuyên về lĩnh vực xây dựng dân dụng và kết cấu tại Úc.