Hồng Kông tổ chức bầu cử theo quy định mới, loại bỏ ứng viên ủng hộ dân chủ, bắt giữ các nhà hoạt động
HỒNG KÔNG—Hôm Chủ Nhật (10/12), người dân đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hội đồng quận lần đầu tiên của Hồng Kông kể từ khi luật bầu cử sửa đổi được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Bắc Kinh, trong đó chỉ “những người ái quốc” mới có quyền quản lý thành phố, còn toàn bộ các ứng cử viên ủng hộ dân chủ đều sẽ bị gạt ra ngoài lề.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu dự kiến sẽ thấp hơn nhiều so với cuộc bầu cử gần đây nhất, được tổ chức vào thời kỳ đỉnh điểm của các cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 2019. Thất vọng trước những thay đổi mạnh mẽ về quy định, bao gồm cả việc loại bỏ hầu hết các ghế được bầu trực tiếp, một số cử tri ủng hộ dân chủ đang quay lưng lại với các cuộc bầu cử.
Các thành viên của Liên đoàn Dân chủ Xã hội, một trong số ít đảng ủng hộ dân chủ còn lại của thành phố, đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình quy mô nhỏ, để thể hiện sự bất bình của mình đối với những thay đổi trong quy định bầu cử. Nhưng nhóm này cho biết các thành viên của họ đã bị theo dõi ngay sau khi rời khỏi nhà, và bị bắt tại địa điểm họ chuẩn bị biểu tình.
Cảnh sát cho biết ba người bị bắt vì tình nghi có ý định kích động người khác gây cản trở đến cuộc bầu cử, nhưng không cung cấp danh tính. Nhà chức trách cũng bắt giữ ba người khác vì bị cáo buộc xúi giục người khác bỏ phiếu không hợp lệ hôm Chủ Nhật.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cuối cùng sẽ là ‘phong vũ biểu’, thước đo tình cảm của công chúng đối với chế độ chỉ dành cho “những người ái quốc,” một trật tự chính trị mới dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền Hồng Kông đối với những người bất đồng chính kiến sau các cuộc biểu tình năm 2019 — thách thức phối hợp nhất với chế độ Trung Cộng kể từ khi khu thuộc địa một thời là của Anh này quay về dưới sự cai trị của Trung Quốc vào năm 1997.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hứa rằng Hồng Kông có thể duy trì các quyền tự do kiểu phương Tây trong 50 năm dưới khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ.” Tuy nhiên, lời hứa đó ngày càng trở nên sáo mòn sau khi ĐCSTQ áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc, dẫn đến việc bắt giữ và bịt miệng nhiều nhà hoạt động ủng hộ dân chủ.
Vào năm 2021, thành phố đã sửa đổi luật bầu cử đối với cơ quan lập pháp của mình, làm giảm đáng kể khả năng bỏ phiếu của công chúng, và tăng số lượng các nhà lập pháp thân Bắc Kinh ra quyết sách cho thành phố. Sau những thay đổi này, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đã giảm từ 58% xuống 30% trong cuộc bầu cử lập pháp năm đó.
Các hội đồng quận, nơi chủ yếu giải quyết các vấn đề của thành phố như tổ chức các dự án xây dựng và cơ sở công cộng, là cơ quan chính trị quan trọng cuối cùng, thường do công chúng bầu chọn.
Cuộc bầu cử bốn năm trước có tầm quan trọng mang tính biểu tượng trong phong trào ủng hộ dân chủ, với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu kỷ lục là 71%. Chiến thắng vang dội của phe ủng hộ dân chủ đóng vai trò như một lời quở trách đối với cách chính quyền đối phó với các cuộc biểu tình năm 2019.
Nhưng một sửa đổi được thông qua vào tháng Bảy, đã cắt giảm tỷ lệ số ghế được bầu trực tiếp từ khoảng 90% xuống còn khoảng 20% — một mức thậm chí còn thấp hơn so với khi các cơ quan này lần đầu tiên được giới thiệu vào những năm 1980 dưới sự cai trị của Anh. Quy định mới về đề cử đã dẫn đến việc loại các ứng cử viên ủng hộ dân chủ khỏi cuộc bầu cử, lần đầu tiên sau khoảng bốn thập niên. Một số chính trị gia ủng hộ chính quyền cũng gặp khó khăn trong việc bảo đảm đủ số đề cử để đủ điều kiện.
Tại một điểm bỏ phiếu ở quận dân cư Hoàng Đại Tiên (Wong Tai Sin) vào sáng Chủ Nhật, khoảng 30 người đứng xếp hàng bên ngoài trung tâm chờ cửa mở lúc 8h30 sáng. Hơn 10,000 cảnh sát đã được khai triển khắp thành phố để bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành an toàn và trật tự.
Sinh viên đại học Timothy Cheung, 21 tuổi, đã quyết định không bỏ phiếu sau những thay đổi về quy định bầu cử. Anh cho biết các bạn cùng lớp của anh cũng có ý định bỏ phiếu trắng.
“Ngay cả khi tôi bỏ phiếu cũng vô ích. Tất cả các ứng cử viên đều nghiêng về một phe,” anh nói, ám chỉ đến lai lịch ủng hộ chính quyền của họ.
Các cuộc bỏ phiếu ban đầu dự kiến đóng cửa lúc 22h30 nhưng đã bị kéo dài thêm 1.5 giờ, do hệ thống ghi danh bỏ phiếu điện tử bị lỗi. Theo dữ liệu chính thức mới nhất, 24.5% trong số 4.3 triệu cử tri ghi danh của thành phố, đã bỏ phiếu sau khi các cuộc bỏ phiếu mở cửa được 11 giờ, giảm so với mức 60.4% vào năm 2019. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chung cuộc vẫn chưa được công bố.
Nhiều chính trị gia cho biết trục trặc này sẽ ảnh hưởng đến cơ hội chiến thắng của họ vì một số cư dân đã từ bỏ việc bỏ phiếu trước khi chính quyền thực hiện kế hoạch dự phòng. Sau khi các cuộc bỏ phiếu kết thúc, lãnh đạo Hồng Kông Lý Gia Siêu hôm thứ Hai (11/12) cho biết ông lo ngại về sự cố này và đã yêu cầu Ủy ban bầu cử thành lập một đội đặc biệt để điều tra vụ việc.
Các quan chức chính quyền đã hạ thấp tầm quan trọng của số lượng cử tri đi bỏ phiếu như một thước đo cho sự thành công của việc sửa đổi quy định. Hôm thứ Sáu (08/12), Cục trưởng Cục Các vấn đề Hiến pháp và Đại lục Tăng Chí Vỹ (Erick Tsang) tuyên bố việc không bỏ phiếu không nhất thiết có nghĩa là phản đối cuộc bầu cử, đồng thời nói thêm rằng việc một người không tham gia, có thể là vì những lý do khác.
Hôm Chủ Nhật, chủ tịch Ủy ban Quản lý Bầu cử Lục Khải Khang (David Lok) cho rằng việc so sánh trực tiếp tỷ lệ cử tri đi bầu với cuộc bầu cử năm 2019, là không “thích hợp” vì hệ thống bỏ phiếu, thành phần hội đồng, và cơ sở cử tri trong hai cuộc bầu cử là khác nhau.
Tuy nhiên, ông Lý và chính quyền của mình vẫn tăng cường nỗ lực nhằm thu hút sự ủng hộ cho cuộc bầu cử. Chính quyền đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá khác nhau, bao gồm các lễ hội, buổi hòa nhạc ngoài trời, và miễn phí vào cửa một số bảo tàng.
Yến Nhi lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times