Hồng Kông sắp mở lại biên giới với đại lục trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt
Chuyên gia lo ngại rằng hệ thống y tế của Hồng Kông có thể sụp đổ
Hồng Kông chuẩn bị mở lại biên giới với đại lục bất chấp số ca nhiễm COVID-19 gia tăng. Điều này trái ngược với hành động của các quốc gia khác trên toàn thế giới, vốn đang siết chặt các hạn chế nhập cảnh đối với du khách Trung Quốc.
Các chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng tình hình COVID-19 thực tế ở Trung Quốc đại lục nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể hình dung. Với những số liệu chính thức không khả tín về các ca nhiễm được xác nhận cũng như các ca tử vong, họ e rằng hệ thống chăm y tế của Hồng Kông có thể sẽ sụp đổ.
Đợt bùng phát nghiêm trọng ở Trung Quốc
Trong một cuộc họp báo hôm 20/12, ông Hứa Văn Ba (Xu Wenbo) đến từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho biết, có 130 biến thể phụ của Omicron đã được phát hiện ở Trung Quốc, và 50 trong số đó đã gây ra đợt bùng phát này.
Chỉ nội trong 20 ngày đầu tiên của tháng Mười Hai, 248 triệu người đã nhiễm bệnh, chiếm 17.56% tổng dân số.
Các bản tin về dịch bệnh lan rộng được ghi nhận ở nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc. Người dân Trung Quốc đổ xô đi mua thuốc, và xếp hàng dài tại các bệnh viện và lò hỏa táng.
Bên trong các nhà xác ở Trung Quốc, tử thi nằm la liệt và chất thành đống trên sàn do các hộc lạnh không còn chỗ chứa. Hàng dài xe hơi chờ đưa thi thể vào lò hỏa táng đã xuất hiện bên ngoài các nhà xác và lò hỏa táng trên khắp Trung Quốc. Một số kho đông lạnh đã bị biến thành nơi bảo quản thi thể tạm thời. Những cảnh tượng nghiệt ngã như thế này ở Trung Quốc trong thời gian gần đây thậm chí còn hỗn loạn hơn so với đợt bùng phát đầu tiên của dịch COVID-19 ở Vũ Hán.
Các quốc gia thắt chặt hạn chế
Hôm 27/12, giới chức Nhật Bản loan báo, vì số ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc tăng nhanh, nên họ đã siết chặt các hạn chế phòng chống dịch của mình. Bắt đầu từ ngày 30/12, tất cả các chuyến bay từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, và Ma Cao chỉ có thể sử dụng bốn phi trường (hiện đã tăng lên bảy phi trường), bao gồm Narita, Haneda ở Tokyo, Kansai ở Osaka, và Chubu ở Nagoya, New Chitose ở Hokkaido, Fukuoka, và Naka ở Okinawa.
Tất cả những người bay từ Trung Quốc đại lục đến Nhật Bản, và những người đã đến thăm Trung Quốc đại lục trong vòng bảy ngày trước đó, đều phải được xét nghiệm khi vào Nhật Bản. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính phải cách ly trong bảy ngày. Yêu cầu xét nghiệm này không bao gồm cư dân Hồng Kông, và Ma Cao. Đồng thời, chính phủ Nhật Bản sẽ hạn chế số chuyến bay từ Trung Quốc đến Nhật Bản.
Các quan chức y tế Hoa Kỳ đã ban hành một cảnh báo du lịch yêu cầu người Mỹ cân nhắc lại việc đi du lịch đến Trung Quốc. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã áp dụng quy định xét nghiệm COVID bắt buộc đối với tất cả hành khách bay đến từ Trung Quốc. Bắt đầu từ ngày 05/01, tất cả hành khách trên hai tuổi cần cho xem kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng hai ngày (48 giờ) trước khi bay đến Hoa Kỳ.
Hôm 24/12, Ấn Độ đã đã yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Nam Hàn, và Thái Lan.
Malaysia đã áp đặt các biện pháp giám sát và theo dõi mới đối với du khách Trung Quốc.
Tại Đài Loan, hành khách từ Trung Quốc sẽ phải làm xét nghiệm PCR khi nhập cảnh.
Mặc dù EU nhìn chung không áp đặt các hạn chế, nhưng Tây Ban Nha đã bổ sung các hạn chế đối với du khách Trung Quốc.
‘Hồng Kông nên đóng cửa biên giới để đối phó với đợt bùng phát của Trung Quốc’
Ông Hoàng Vỹ Quốc (Benson Wong Wai-kwok), cựu giáo sư phụ tá của Đại học Baptist Hồng Kông, đã đề xướng trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times hôm 25/12 rằng, chính quyền Hồng Kông nên thực hiện các biện pháp đóng cửa biên giới để đối phó với tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc và ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Ông nói: “Chính phủ Hồng Kông nên ngăn chặn dịch bệnh bằng khoa học, chứ không phải bằng chính trị.”
Ông Hoàng tin rằng mặc dù tỷ lệ chích ngừa ở Hồng Kông cao hơn ở Trung Quốc đại lục, nhưng điều đó không có nghĩa là họ nên “mở rộng cửa” [với Trung Quốc]. Ông cho rằng việc mở cửa để tạo điều kiện cho một lượng lớn du khách đại lục bị nhiễm bệnh đến Hồng Kông hiện đang là một vấn đề. Ông cho hay, Hương Cảng rồi sẽ trở thành ‘cảng nghỉ dưỡng’, ‘cảng mua thuốc’, và ‘cảng trị bệnh’, đồng thời cho biết thêm rằng ông tin điều đó sẽ gây ra tâm lý hoang mang trong xã hội.
‘Số liệu COVID-19 chính thức của Trung Quốc không đáng tin’
Hôm 24/12, ông Ngô Chí Sâm (Ng Chi-sum), cựu người dẫn chương trình kỳ cựu của Đài Truyền hình Hồng Kông (RTHK) đã phân tích trên kênh YouTube của mình rằng tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc đại lục nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì người ngoài cuộc có thể tưởng tượng. Số liệu chính thức về các trường hợp được xác nhận và tử vong là không đáng tin cậy, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa nhận được bất kỳ dữ liệu liên quan nào.
Chính quyền Trung Quốc đã gây khó khăn cho việc có được bức tranh chân thực về tình hình dịch bệnh. Theo nhà cầm quyền nước này, chỉ có tám người đã tử vong vì COVID-19 kể từ khi họ dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế COVID vào đầu tháng Mười Hai. Tuy nhiên, hôm 25/12, ông Vu Tân Lạc (Yu Xinle), phó giám đốc Ủy ban Y tế tỉnh Chiết Giang cho biết, số ca nhiễm hàng ngày ở tỉnh Chiết Giang đã lên tới 1 triệu ca. Và một bản ghi nhớ bị rò rỉ từ một cuộc họp với các quan chức cao cấp đã ước tính rằng có khả năng khoảng 248 triệu người đã bị nhiễm bệnh trong 20 ngày đầu tiên của tháng Mười Hai.
‘Hệ thống y tế của Hồng Kông có thể sụp đổ’
Ông Ngô dự đoán rằng dịch bệnh ở đại lục sẽ lây lan cho toàn bộ Hồng Kông sau khi biên giới mở cửa trở lại. “Tôi chắc chắn 100%,” và lo lắng không biết liệu hệ thống y tế của Hồng Kông có bị sụp đổ hay không.
Tiến sĩ Triệu Thiện Hiên (Gavin Chiu Sin-hin), một nhà sử học kinh tế và nhà bình luận các vấn đề thời sự của Hồng Kông, đã mô tả hôm 25/12 trên kênh YouTube của mình rằng tình hình dịch bệnh hiện nay ở đại lục đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Ông cho biết hệ thống y tế kiện toàn ở đại lục và Ma Cao đã sụp đổ, trong khi các loại vaccine được sử dụng ở đó không hữu hiệu trong việc chống lại biến thể Omicron.
Sau khi tham khảo dữ liệu về dịch bệnh Omicron ở Hồng Kông, ông ước tính mỗi ngày sẽ có từ 3 đến 4 triệu ca nhiễm mới được xác nhận ở đại lục, điều này có thể dẫn đến hơn 2 triệu ca tử vong trước khi đợt bùng phát này suy yếu.
Ông Triệu nghĩ rằng Bắc Kinh đáng lẽ phải cho các công ty dược phẩm và người dân đủ thời gian để sản xuất và mua thuốc hạ sốt trước khi nới lỏng chính sách phòng ngừa COVID-19. Chính sách này cũng nên được nới lỏng từng bước và chia làm nhiều giai đoạn. Nhưng cách làm hiện nay thì ngược lại. Ông dự đoán rằng một khi Hồng Kông và đại lục thông quan biên giới, sẽ có một lượng lớn người dân đại lục đổ xô đến Hồng Kông để tìm thuốc, và khi đó cả hệ thống y tế ở Trung Quốc lẫn Hồng Kông sẽ không thể xoay sở được.
Hôm 25/12, ông Trương Đức Vinh (Cheung Tak-wing), phó chủ tịch Tổng thương hội Dược phẩm Hồng Kông, đã tiết lộ với giới truyền thông rằng một nhãn hiệu thuốc giảm đau và hạ sốt cụ thể ở Hồng Kông đã được bán hết, và nguồn cung cấp của các loại thuốc khác cũng bắt đầu rơi vào tình trạng cạn kiệt. 60-70% khách hàng là người giúp người thân, bằng hữu mua hoặc gửi vào đại lục.
Nie Law, Shan Lam, Harry McKenny thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times