Hồng Kông nới lỏng các biện pháp COVID-19 khi vị thế quốc tế suy giảm
Nhà tư bản công nghiệp cho biết, Bắc Kinh đối xử ưu ái với thành phố này là vì lợi ích của chính mình
Hồng Kông đã được cứu bởi một nhóm giám đốc điều hành Wall Street, những người đã buộc Bắc Kinh phải cho phép thành phố này nới lỏng các chính sách cách ly hà khắc vốn đã kéo dài hai năm.
Trong một nỗ lực nhằm cứu vãn vị thế trung tâm tài chính đang bị xói mòn nhanh chóng của Hồng Kông do các chính sách phòng chống dịch nghiêm ngặt, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) có kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tư với một ‘dàn sao’ vào đầu tháng Mười Một năm nay.
Hồi tháng Tám, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông đã mời giám đốc điều hành của các ngân hàng đầu tư toàn cầu, bao gồm Morgan Stanley, Goldman Sachs Group Inc., Citigroup Inc., và UBS AG.
Tuy nhiên, một số ngân hàng nói với các quan chức Hồng Kông rằng các giám đốc điều hành của họ từ Hoa Kỳ và Âu Châu sẽ chỉ tham dự nếu họ được miễn thực hiện các chính sách cách ly của khách sạn.
Đáp lại, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông hứa sẽ từ bỏ các yêu cầu cách ly đối với những người tham gia hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành ngân hàng cho biết họ không muốn được đối xử đặc biệt cũng như không muốn công chúng nhìn họ với ánh mắt phản cảm vì các nhân viên khác trong công ty của họ và phần còn lại của Hồng Kông vẫn bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế đó.
Do đó, hôm 09/08, chính quyền Hồng Kông thông báo sẽ rút ngắn thời gian cách ly COVID-19 đối với hành khách nhập cảnh từ 7 ngày xuống còn 3 ngày.
Kế hoạch ‘0+3’
Sau đó, hôm 23/09, Trưởng đặc khu Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) thông báo thêm rằng bắt đầu từ ngày 26/09, khách du lịch nội địa sẽ không còn bị cách ly trong khách sạn nữa. Mặc dù lệnh bắt buộc cách ly ba ngày trong khách sạn đã được bãi bỏ, nhưng họ vẫn sẽ bị cấm vào các nhà hàng và quán bar trong vòng ba ngày. Chính sách cách ly mới này được gọi là kế hoạch “0+3”.
Trong khi đó, Trung Quốc đại lục vẫn đang tuân thủ nghiêm chính sách “zero COVID” của mình. Hồi cuối tháng Chín, Cục Bưu chính Quốc gia, Bộ Công an và Bộ An ninh Quốc gia của Trung Quốc đã cùng ban hành một thông tư yêu cầu các công ty chuyển phát nhanh bưu chính tăng cường kiểm tra an ninh và khử trùng toàn bộ bưu kiện và thư từ chuyển phát nhanh gửi đến Bắc Kinh trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Vậy cớ sao Bắc Kinh lại giương cao đánh khẽ với Hồng Kông như vậy? Nhà tư bản công nghiệp điện tử Hồng Kông Viên Cung Di (Elmer Yuen Gong-yi) tin rằng đó là vì ĐCSTQ cần tiền của Hồng Kông.
“Bắc Kinh cần Hồng Kông mở cửa trở lại vì Hồng Kông là nguồn thu ngoại tệ của ĐCSTQ,” ông Viên nói với The Epoch Times. “70% ngoại hối của Trung Quốc đến từ Hồng Kông.”
“Nếu Hồng Kông vẫn bị cách ly trong một thời gian dài, trung tâm tài chính này sẽ không thể đóng góp cho ĐCSTQ. ĐCSTQ nóng lòng muốn khôi phục quyền tự do đi lại ở Hồng Kông, nếu không, tất cả các công ty tư bản tài chính và ngân hàng đầu tư của ngoại quốc sẽ không dám đến Hồng Kông nữa.”
“Đó chính là lý do tại sao ĐCSTQ muốn dỡ bỏ tất cả các chính sách cách ly ở Hồng Kông càng sớm càng tốt trước tháng Mười Một.”
Ông Viên nói rằng một số giám đốc điều hành của Wall Street vẫn chưa thỏa mãn với chính sách phòng chống dịch được nới lỏng hiện tại và đang đề nghị nới lỏng hơn nữa.
“Họ vẫn chưa hài lòng với kế hoạch ‘0+3’, vì vậy chính phủ có thể sớm đổi thành ‘0+0’”, ông nói. “Họ sẽ chỉ đến Hồng Kông nếu kế hoạch đó được giảm xuống ‘0+0’ trước tháng Mười Một.”
Hồng Kông đánh mất vị thế quốc tế
Hồng Kông đã đánh mất vị thế là một trung tâm tài chính quốc tế và trung tâm hàng không toàn cầu chỉ sau hai năm áp dụng các chính sách nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh.
Trong ấn bản mới nhất của Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (GFCI 32) được công bố hôm 22/09, Hồng Kông đã rót từ vị trí thứ 3 xuống vị trí thứ 4, được thay thế bởi Singapore, nước đã thăng từ vị trí thứ 6 lên thứ 3. Báo cáo này cho thấy biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt ở Hồng Kông đã ảnh hưởng đến các giao dịch kinh doanh hàng ngày.
Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) Willie Walsh nói rằng chính sách zero COVID của ĐCSTQ đã làm mất đi vị thế của Hồng Kông như một trung tâm hàng không toàn cầu.
Hôm 21/09, tại một hội nghị của IATA ở thủ đô Doha của Qatar, ông Walsh cho biết, “Hồng Kông đã đánh mất vị thế của mình như một trung tâm toàn cầu và sẽ rất khó khăn để có thể lấy lại vị thế ấy vì các trung tâm khác đã tận dụng lợi thế này để vượt lên.”
Dữ liệu cho thấy phi trường Hồng Kông chỉ chở 591,000 lượt hành khách trong quý 2 năm 2022, chưa bằng 1/10 lưu lượng hành khách tại phi trường Changi của Singapore. Các phi trường của Singapore đã đón 7.3 triệu lượt hành khách trong quý trước.
Hồng Kông cũng đã tổn thất rất nhiều trong các lĩnh vực khác
Kể từ khi đại dịch virus Trung Cộng (COVID-19) bùng phát, người dân Hồng Kông đua nhau rời xứ Hương Cảng, hết làn sóng này lại đến làn sóng khác. Theo dữ liệu tháng Tám của Cục Thống kê Hồng Kông, khoảng 113,200 cư dân Hồng Kông đã rời Hồng Kông vào năm 2021, so với 89,200 người vào năm 2020.
Nhiều công ty đa quốc gia hoạt động ở Hồng Kông trong nhiều thập niên đã chuyển trụ sở chính và nhân viên của họ đến những nơi như Singapore và Seoul. Các giáo viên, vận động viên ngoại quốc, và nhiều chuyên gia ưu tú từng dạy ở các trường quốc tế cũng đã rời đi.
Hồi tháng Chín, Cục trưởng Cục Tài chính Hồng Kông tiết lộ rằng Hồng Kông có thể đối mặt với thâm hụt ngân sách hơn 100 tỷ HKD (khoảng 12.7 tỷ USD), đây sẽ là mức thâm hụt lớn thứ hai từ trước tới nay.
Tại sao ĐCSTQ lại cần Hồng Kông?
Hồng Kông đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của ĐCSTQ.
Thứ nhất, Hồng Kông là một trung tâm huy động vốn cổ phần. Các công ty Trung Quốc đại lục đã huy động được 335 tỷ USD thông qua niêm yết tại Hồng Kông kể từ năm 1997 sau khi Vương quốc Anh trao trả thành phố này cho Trung Quốc. Vì Hồng Kông đã thực hiện neo tỷ giá cố định đồng tiền của mình với đồng bạc xanh (USD) và Hồng Kông không có quyền kiểm soát vốn, nên việc niêm yết ở Hồng Kông có thể là một loại tiền tệ mạnh cho các hoạt động mua lại và đầu tư của ngoại quốc, một lợi thế mà niêm yết tại Thượng Hải không có.
New York đã từng là một địa điểm niêm yết khác được các công ty Trung Quốc ưa chuộng, nhưng do các lệnh trừng phạt trên nhiều phương diện chống lại ĐCSTQ của Hoa Kỳ, bao gồm cả Đạo luật Yêu cầu các Công ty Ngoại quốc Chịu trách nhiệm (HFCAA) mới ban hành gần đây, khiến cho các công ty này ngày càng khó niêm yết tại Mỹ quốc.
Thứ hai, Hồng Kông cũng là trung tâm cho vay và là trung tâm phát hành trái phiếu ra hải ngoại lớn nhất cho các công ty Trung Quốc. Theo bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Á Châu tại Natixis, một ngân hàng đầu tư của Pháp, các công ty có thể vay từ Hồng Kông với thời gian đáo hạn dài hơn và họ có thể khai thác quỹ tiền tệ mạnh.
Thứ ba, Hồng Kông là một địa điểm giao dịch nhân dân tệ ở hải ngoại. Hồng Kông là trung tâm lớn ngoài đại lục để thực hiện các khoản vay, trái phiếu, và giao dịch bằng đồng nhân dân tệ. Theo ông Victor Shih, phó giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học California, San Diego, Trung Quốc dễ tác động đến tỷ giá hối đoái ngoại quốc ở Hồng Kông hơn so với các thị trường hải ngoại khác. Điều đó có nghĩa là Hồng Kông có thể hỗ trợ đồng nhân dân tệ khi cần để giúp ngăn chặn dòng vốn chảy ra.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times