Hồng Kông: Học viên Pháp Luân Công thắng vụ kiện trưng biểu ngữ, tòa bác đơn của DOJ
Một tòa án Hồng Kông đã bác bỏ đơn kháng cáo của Bộ Tư pháp Hồng Kông (DOJ) về việc một tòa án cấp dưới phán quyết tuyên trắng án cho một phụ nữ bị buộc tội vì cầm biểu ngữ.
Vào ngày 28/05/2021, cô Đổng Minh (Dong Ming), một học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông, đang đẩy một chiếc xe đẩy có biểu ngữ “Pháp Luân Đại Pháp là tốt, Chân – Thiện – Nhẫn là tốt” và một tấm bảng bên cạnh tại Bến xe buýt Đông Dũng (Tung Chung). Khoảng hai giờ sau, khi cô và người bạn của mình đang thu dọn đồ đạc và chuẩn bị rời đi, thì các nhân viên của Cục Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm (FEHD) đã tịch thu những món đồ này.
Sau đó cô Đổng đã bị phạt tiền vì “trưng bày/dán các tấm bích chương trên khu đất tư nhân khi chưa được phép.” Cô đã bác bỏ cáo buộc này, chọn cách tự bào chữa trước tòa, sau đó được tuyên trắng án vào ngày 22/06/2022.
DOJ đã từ chối tuân theo phán quyết và đã đệ đơn yêu cầu xem xét lại bản án. Vào ngày 29/12/2022, Thẩm phán Tòa sơ thẩm Ôn Thiệu Minh (Jason Wan Siu-ming) đã giám sát vụ việc này tại Tòa Sơ thẩm Quận phía Đông. Dẫn chứng một vụ kiện trước đó, bên công tố đã lập luận rằng không cần thiết phải có hành động lặp lại mới chứng minh được “tính lâu dài và thường xuyên theo thói quen” và việc bị cáo trưng bày biểu ngữ trong hai giờ chín phút là đủ bằng chứng cho điều đó.
Ông Ôn đã nói rằng án lệ trước đó của tòa án cấp cao hơn đã không đề cập rằng phải đưa ra thời gian bao lâu để đáp ứng định nghĩa trong cáo buộc này, nhưng theo quan điểm của ông, hai giờ là không đủ. Ông nói, “nếu những gì mà điều khoản này cần là hai giờ, thì khi mọi người mất 2 giờ để tham gia cuộc diễn hành xuất phát từ Công viên Victoria, chẳng phải họ sẽ bị bắt sao?”
“Nếu có các khẩu hiệu trên quần áo của tôi, liệu tôi có vi phạm quy định này khi chỉ đợi ai đó trong hai giờ ở bến xe buýt không?”
Ông cũng chỉ ra rằng mục đích lập pháp của Điều 104, “Sắc lệnh Dịch vụ Y tế Công cộng và Thành phố” là để đề ra quy định cho các bích chương trên đường phố, chứ không phải để buộc tội những người biểu tình. Việc giải thích Điều 104A cần cân bằng giữa việc duy trì diện mạo đô thị và quyền tự do ngôn luận.”
Sau khi nghe lập luận của cả hai bên, ông Ôn cho biết ông sẽ đọc chi tiết phán quyết của tòa án cấp cao hơn về án lệ trước đó và hoãn phán quyết này lại cho đến ngày 12/01.
Đáp lại lập luận của bên công tố, cô Đổng nói: “Hiếm khi nào tôi ra ngoài và dựng (biểu ngữ).” Cô nhấn mạnh rằng tòa án này cũng nên xem xét lý do tại sao cô lại trưng bày biểu ngữ tại nơi công cộng — cụ thể là do Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn còn bức hại tàn bạo các học viên Pháp Luân Công, nội tạng của nhiều người trong số họ đã bị thu hoạch trong lúc họ vẫn còn sống.
“Chúng tôi chỉ đang kêu gọi sự giúp đỡ,” cô nói thêm. “Ở nhiều nước trên thế giới, Pháp Luân Công là hợp pháp. Chúng tôi chỉ đang làm cho mọi người nghe thấy nỗi bất bình của chúng tôi. Chúng tôi đang kêu gọi mọi người giúp đỡ. Trong khi những kẻ bức hại không bị định tội, mà người kêu cứu lại bị, thì đó là loại luật gì vậy?” Hơn nữa, khi đại dịch COVID-19 đang tàn phá tại Trung Quốc, cô Đổng hy vọng có thể khuyến khích và an ủi mọi người bằng đức tin của mình, chia sẻ với người dân rằng hãy ghi nhớ “Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Chân-Thiện-Nhẫn là tốt,” điều mà cô tin rằng sẽ giúp đỡ người dân được bình an và sức khỏe.
Sau khi tòa tuyên bố phán quyết này, cô Đổng đã yêu cầu tòa về việc trả lại những vật dụng cá nhân đã tịch thu. Ông Phùng Nạp Thiên (Fung Nat-tin), luật sư đại diện cho bên công tố, nói rằng FEHD sẽ xem xét ngày trả lại những vật đã bị tịch thu sau khi tất cả các vụ án Pháp Luân Công khác liên quan đến FEHD kết thúc.
Về việc tòa án từ chối đơn đề nghị xem xét của bên công tố, cô Đổng cho biết bên ngoài tòa án rằng cô tin tưởng phán quyết của thẩm phán cho thấy công lý đã chiến thắng. Cô nói: “Rõ ràng là chúng tôi không bao giờ có tội. Phán quyết này khiến tôi cảm thấy vui mừng, xin cảm ơn rất nhiều!”
Các vụ FEHD tịch thu bảng trưng bày của học viên Pháp Luân Công
Kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công hồi năm 1999, các học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông đã kháng nghị ôn hòa bằng nhiều cách khác nhau để cố gắng nói cho mọi người biết sự thật về Pháp Luân Công. Người ta thường nhìn thấy các biểu ngữ và bích chương của các học viên Pháp Luân Công ở trung tâm thành phố và các danh lam thắng cảnh ở Hồng Kông.
Hồi năm 2013, cựu Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying) đã ra lệnh cho FEHD tịch thu nhiều biểu ngữ và bảng trưng bày của các học viên Pháp Luân Công.
Cũng trong năm đó, hai học viên Pháp Luân Công đã nộp đơn đề nghị xem xét tư pháp. Hồi năm 2018, Tòa Sơ thẩm của Tòa án Cấp cao đã phán quyết rằng Khoản 104A của Sắc lệnh Dịch vụ Thành phố và Y tế Công cộng “cấm trưng bày các bích chương khi chưa được phép” đã trao cho FEHD quá nhiều quyền quyết định và đi ngược lại nguyên tắc rằng việc hạn chế các quyền tự do dân sự vốn phải do “pháp luật quy định.” Tòa án này đã đứng về phía các học viên Pháp Luân Công.
Tuy nhiên, bên chính phủ đã thắng trong vụ kháng cáo sau đó, và hai học viên Pháp Luân Công nói trên đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm Tối cao, tuy nhiên vào ngày 13/05/2022, tòa này tuyên bố sẽ không thụ lý vụ án.
Phán quyết của Tòa Phúc thẩm Tối cao đã giữ nguyên quyết định của Tòa Phúc thẩm Cấp cao, vốn quyết định rằng các vật trưng bày trong các cuộc biểu tình cũng được quy định bởi Khoản 104A của Sắc lệnh Dịch vụ Thành phố và Y tế Công cộng, nhưng chỉ khi nào “mức độ về tính lâu dài và thường xuyên theo thói quen” có thể được chứng minh.
Vào ngày 27 và 28/05/2021, FEHD, Cục Địa chính, và cảnh sát đã cùng hành động để tịch thu vật trưng bày của các học viên Pháp Luân Công ở nhiều nơi trên khắp Hồng Kông. Theo thống kê chưa đầy đủ của The Epoch Times, ít nhất bảy học viên Pháp Luân Công đã bị FEHD phạt tiền sau hoạt động này. Án lệ nói trên là vụ đầu tiên được đưa ra xét xử.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần của Trung Quốc gồm các bài tập thiền định tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý phổ quát chân, thiện, và nhẫn. Theo các ước tính vào thời điểm đó, môn tu luyện này đã trở nên phổ biến trong những năm 1990, với 70 triệu đến 100 triệu học viên ở Trung Quốc vào cuối thập niên đó.
Cảm thấy sự phổ truyền của môn này là một mối đe dọa, vào tháng 07/1999 ĐCSTQ và lãnh đạo đảng đương thời Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch xóa sổ có hệ thống. ĐCSTQ đã ngụy tạo tin tức và thậm chí dàn dựng những trò lừa bịp như vụ tự thiêu Thiên An Môn để bôi nhọ Pháp Luân Công và sách nhiễu, giam giữ bất hợp pháp, cưỡng bức lao động, tra tấn, và thu hoạch nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Công, làm dấy khởi sự lên án trong cộng đồng quốc tế.
Hồi tháng 07/2006, ông David Kilgour, cựu Giám đốc Vụ Á Châu-Thái Bình Dương của Canada, và ông David Matas, một luật sư nhân quyền quốc tế, đã phát hành một báo cáo điều tra về hoạt động thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ từ các học viên Pháp Luân Công đang còn sống. Báo cáo này đã được Liên Hiệp Quốc và rất nhiều báo cáo nhân quyền của nhiều quốc gia điều chỉnh và trích dẫn. Hồi tháng 06/2021, 12 chuyên gia nhân quyền độc lập của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung cho biết họ vô cùng sửng sốt trước những cáo buộc đáng tin cậy về việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng của các tín đồ tôn giáo như các học viên Pháp Luân Công và các dân tộc thiểu số.
Theo một báo cáo từ trang web Minghui.org, mặc dù ông Giang Trạch Dân và ĐCSTQ đã đàn áp Pháp Luân Công một cách tàn bạo, nhưng cho đến nay, cả cơ quan lập pháp là Quốc hội lẫn cơ quan hành pháp cao nhất ở Trung Quốc đại lục là Quốc vụ viện đều không đưa ra bất kỳ thông báo công khai nào để cấm Pháp Luân Công. Năm 2005, Bộ Công an, Văn phòng Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, và Văn phòng Quốc vụ viện cùng ban hành “Thông báo về Một số Vấn đề Liên quan đến việc Xác định và Cấm các Tổ chức Tôn giáo X” (Công Thông Tự [năm 2005] Số 39), trong đó xác định rõ về 14 loại tổ chức tôn giáo X. Pháp Luân Công không nằm trong số đó.
Gigi Lin và Harry McKenny thực hiện
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times