Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản tập trung vào an ninh và hợp tác kinh tế
TOKYO — Tại một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ở Tokyo vào Chủ Nhật (17/12), các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đề ra một tầm nhìn chung, nhấn mạnh an ninh và hợp tác kinh tế trên tinh thần thượng tôn pháp luật, trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng với Trung Quốc trên biển.
Mối bang giao giữa Nhật Bản và khối ASEAN mười thành viên từng chủ yếu dựa trên sự trợ giúp của Nhật Bản đối với các nền kinh tế đang phát triển này, một phần là do những hậu quả kéo dài từ các hành động thời chiến của Nhật Bản. Nhưng trong những năm gần đây, mối bang giao này đã tập trung nhiều hơn vào an ninh trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông. Cũng trong bối cảnh đó, những nỗ lực của Nhật Bản trong lập trường ủng hộ hòa bình sau chiến tranh và trong việc xây dựng niềm tin đã làm cho mối bang giao này trở nên hữu nghị hơn.
Hội nghị thượng đỉnh lần này đánh dấu kỷ niệm 50 năm mối bang giao chính thức của Nhật Bản-ASEAN. Mối bang giao này bắt đầu vào năm 1973 với các cuộc đàm phán thương mại về xuất cảng cao su tổng hợp của Nhật Bản
Trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi củng cố mối bang giao hợp tác cùng có lợi của họ và làm việc cùng nhau vì hòa bình và ổn định cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là trong an ninh hàng hải. Họ cũng kêu gọi phát triển an ninh kinh tế và phục hồi chuỗi cung ứng lớn hơn cho khu vực, đồng thời thúc đẩy sự trao đổi đi lại giữa người dân các nước.
Các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh sự tôn trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết sự khác biệt hoặc tranh chấp bằng các giải pháp hòa bình và từ bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.”
Họ đã không đề cập cụ thể đến Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố rằng, trong cuộc họp hội nghị thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo đã nêu lên những lo ngại về “tình hình của Biển Hoa Đông và Biển Đông” và lưu ý đến tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế.
Các nhà lãnh đạo đã thông qua một kế hoạch để thực thi 130 dự án. Nhật Bản kêu gọi tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng, như công nghệ vũ khí và chuyển nhượng thiết bị, an ninh mạng và giải quyết tin giả. Tokyo cũng cam kết sẽ củng cố việc trợ giúp cho các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, công nghệ xanh và chuyển đổi kỹ thuật số, cũng như đầu tư, trong đó có cả đầu tư trong ngành công nghiệp xe hơi của khu vực.
“Khi sự chia rẽ và đối đầu ngày càng trở nên sâu sắc và thế giới phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng kép, Nhật Bản sẽ giải quyết các vấn đề cùng với ASEAN, vốn là trụ cột của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng,” Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, nguyên thủ quốc gia chủ trì ASEAN năm nay.
“Dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau của chúng tôi, chúng tôi sẽ giải quyết các vấn đề mới và đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực để tạo ra một thế giới nơi mọi người có thể được hưởng lợi trong khi phẩm giá của họ được tôn trọng.”
Nhật Bản đã áp dụng một chiến lược an ninh mới vào năm ngoái và đã nhanh chóng xây dựng quân đội và mở rộng quan hệ hợp tác quân sự để chống lại sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Hôm thứ Bảy (16/12), bên lề hội nghị thượng đỉnh này, ông Kishida đã tổ chức một loạt các cuộc đàm phán song phương, trong bối cảnh Nhật Bản tìm cách đẩy mạnh các mối bang giao an ninh song phương với các quốc gia ASEAN.
Ông Kishida và người đồng cấp Malaysia của mình, ông Anwar Ibrahim, đã ký một thỏa thuận trị giá 400 triệu yên (2.8 triệu USD) để tăng cường sức mạnh an ninh hàng hải của Malaysia, như một phần của chương trình hỗ trợ an ninh chính thức của Nhật Bản dành riêng cho quân đội của các quốc gia thân thiện để giúp tăng cường sức mạnh thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh của họ.
Nhật Bản tài trợ thuyền cứu hộ và các thiết bị khác để giúp cải thiện sức mạnh quân sự của Malaysia, một quốc gia nằm ở một vị trí quan trọng trên các làn đường biển kết nối Ấn Độ Dương và Đông Á, và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động cảnh báo và giám sát cho toàn khu vực.
Cùng ngày, ông Kishida đã ký một thỏa thuận riêng biệt khác với ông Widodo, cung cấp khoản trợ cấp lên tới 9.05 yên (63.7 triệu USD) để tài trợ cho kế hoạch nâng tầm sức mạnh an ninh hàng hải của Indonesia, trong đó có việc tài trợ một chiếc tuần duyên hạm quy mô lớn của Nhật Bản.
Trước đó trong tháng Mười Một, Nhật Bản đã công bố cung cấp các radar giám sát ven biển cho Hải quân Philippines, và hai bên cũng đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán cho một hiệp ước phòng thủ quan trọng mang tên Thỏa thuận Tiếp cận Tương hỗ. Hôm Chủ Nhật, Nhật Bản và Philippines đã ký một thỏa thuận để tăng cường hợp tác giữa các lực lượng tuần duyên của họ.
Cũng trong tháng trước, Nhật Bản và Việt Nam đã đồng ý nâng cao tình trạng mối bang giao của hai nước thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cấp cao nhất, theo đó hai nước sẽ thảo luận chi tiết về một thỏa thuận tiềm năng để mở rộng hợp tác quốc phòng.
Tuy nhiên, các quốc gia ASEAN không đồng nhất trong phản ứng của họ đối với Trung Quốc, với việc nhiều quốc gia có mối bang giao nồng ấm với nước láng giềng lớn này và không muốn thể hiện lập trường rõ ràng. Các quan chức Nhật Bản cho biết họ đang theo dõi sát sao tình hình.