Hội chợ sách Hồng Kông quảng bá tư tưởng của Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông
Luật An ninh Quốc gia đã sàng lọc hết mọi thứ liên quan đến chính trị hoặc dân chủ.
Hội chợ Sách Hồng Kông 2022 tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm Loan Tể được tổ chức trong bảy ngày liên tiếp kể từ ngày 20/07, nhưng lượng người tham dự ít hơn nhiều so với những năm trước. Số lượng người tham dự đã giảm đáng kể vào ngày khai mạc triển lãm.
Khi các phóng viên đến hội chợ vào khoảng 9 giờ sáng, họ không thấy hàng dài người xếp hàng bên ngoài địa điểm tổ chức triển lãm như cảnh tượng họ thường thấy trong những lần trước. Thay vào đó, mọi người không phải xếp hàng dưới ánh nắng mặt trời oi ả, và tận hưởng không gian mát mẻ có điều hòa tại hội chợ.
Một số người tham dự có mặt từ 5 giờ sáng để bảo đảm rằng mình sẽ nhận được những món đồ yêu thích với chữ ký của người họ hâm mộ vì số lượng có hạn.
Như một thủ tục trong biện pháp phòng chống dịch bệnh hiện tại của thành phố, ai tới tham dự cũng đều phải sử dụng ứng dụng “An Tâm Xuất Hành” (LeaveHomeSafe) để quét mã QR và hiển thị lịch sử chích ngừa trước khi vào địa điểm này. Ban tổ chức đã dán các biểu ngữ màu vàng để nhắc nhở mọi người “duy trì khoảng cách xã hội” trong khi xếp hàng, nhưng chỉ một số ít người làm theo hướng dẫn.
Đó là một ngày đẹp trời, với ánh nắng chói chang. Anh Max, một người tham dự hội chợ, đã đến vào khoảng 7 giờ sáng. Anh cho biết lý do chính khiến anh đến sớm như vậy là, “Tôi không muốn phơi nắng ở bên ngoài; xông hơi ngoài trời không mấy dễ chịu.” Anh cho biết đám đông vào buổi sáng “ít hơn nhiều” so với những gì anh dự đoán. Anh dành một khoản khoảng 500 HKD (64 USD) để mua sách và mục tiêu của anh là những loại sách thực hành liên quan đến DSE để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới.
Hội chợ sách này tập trung nhiều ấn phẩm tại một địa điểm thuận tiện cho việc tìm kiếm và lựa chọn. Khi được hỏi liệu anh có muốn mua sách chính trị hay không, Max thẳng thắn chia sẻ, “Năm nay có kiểm duyệt đối với sách, và sau khi sàng lọc như vậy thì những cuốn còn lại ở đây có thể không hợp với sở thích của tôi.”
Ông Vương, một người tham dự khác, cũng đến vào khoảng 7 giờ sáng vì ông muốn có một ấn bản có chữ ký. Ông nói, “Đến sớm cho thong thả.” Ông Vương tin rằng số người đến thậm chí còn ít hơn năm ngoái (2021). Năm nay không được nghỉ hè, nên không có nhiều người trẻ đến tham dự.
Một người tham dự khác, cô Viên, cho biết cô đến đó vào khoảng 9 giờ sáng. Thông thường, hàng năm, cô sẽ đến hội chợ sách vào ngày khai mạc. Cô đến không phải để mua sách mà để mua đồ dùng văn phòng phẩm. Cô cảm thấy rằng năm nay có ít người hơn. “Năm nay vào cửa dễ dàng hơn; trước đây, vào giờ này, mọi người vẫn đang phải xếp hàng dưới ánh nắng mặt trời.” Cô cũng cho thấy rằng mặc dù mọi người cần quét mã QR thông qua ứng dụng “An Tâm Xuất Hành,” nhưng cảnh tượng này giống như “máy chờ người, chứ không phải người chờ máy.”
Dòng người thưa thớt, không xảy ra tình huống khó xử
Vì số lượng người tham dự không nhiều, nên người ta không còn chứng kiến những tình huống khó xử như “xe đẩy chèn lên giày của ai đó” nữa.
Triển lãm mở cửa lúc 10 giờ sáng, và một vài khách tham quan đầu tiên “đã vượt qua rào chắn” và đổ xô đến gian hàng đã chọn của họ. Như thường lệ, các nhà xuất bản lớn chiếm các vị trí nổi bật nhất.
Một phóng viên của Epoch Times đã đến thăm một số đại lý sách chuyên về sách bài tập hoặc sách tham khảo làm bài tập về nhà. Dòng người có phần thưa thớt, và việc di chuyển qua các quầy sách khác nhau trở nên dễ dàng; Tôi không bắt gặp cảnh “người nọ đụng vào người kia” hay cảnh mọi người xếp cả chồng sách trên xe đẩy như trước đây.
Sách của Tập Cận Bình được bày ở những vị trí bắt mắt
Một số nhà xuất bản đã bị từ chối tham gia triển lãm, và “Hội chợ sách của Người Hồng Kông” mà họ dự định tổ chức như một phần liên đới cũng bị hủy bỏ.
Tuy nhiên, Cục Phát triển Thương Mại Hồng Kông vẫn bảo lưu rằng không kiểm duyệt trước triển lãm.
Phóng viên The Epoch Times đã đến thăm một số gian hàng và chỉ tìm thấy một số rất ít các cuốn sách được coi là “nhạy cảm về mặt chính trị,” chẳng hạn như cuốn sách mới “Nhật ký Hồng Kông” của cựu Thống đốc Hồng Kông Chris Patten, tiểu thuyết “Nông trại Súc vật” (Animal Farm) của tác giả người Anh George Orwell, và cuốn “Hồng Kông Mất đi Tiếng nói” (Hong Kong Lost Voice) của phóng viên Quả, về tình hình xã hội ở Hồng Kông sau phong trào chống dẫn độ năm 2019.
Ngược lại, những cuốn sách liên quan đến Tập Cận Bình hay Mao Trạch Đông được đặt ở những vị trí nổi bật và chiếm khá nhiều không gian tại một số gian hàng của các nhà xuất bản có tên tuổi.
Sách của tác giả Nghê Khuông được độc giả săn đón
Ông Nghê Thông (Ni Cong), được biết đến nhiều hơn với bút danh Nghê Khuông (Ni Kuang), tiểu thuyết gia khoa học viễn tưởng kiêm nhà biên kịch đã qua đời hồi đầu tháng này. Vậy nên những người hâm mộ ông đã mua sạch mọi thứ được trưng bày vì lo sợ rằng những tác phẩm này sẽ sớm không được xuất bản nữa. Nhà xuất bản đã in nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu tăng vọt như vậy. Một số nhà xuất bản cũng trưng bày các bản thảo và các tác phẩm có chữ ký của tác giả này. Nhiều gian hàng cũng đã bán thêm các tác phẩm của ông Nghê, bao gồm cả bộ phim truyền hình chuyển thể từ bộ tiểu thuyết “Nguyên Chấn Hiệp” (The Legendary Ranger) của ông ấy, hiện đang được chiếu lại vào các buổi sáng sớm. Do nhu cầu của công chúng, giá bán đã tăng vọt từ 58 HKD (7.4 USD) lên 78 HKD (10 USD) cho mỗi bản chỉ sau vài giờ.
Bà Hồ và con gái đã đến một gian hàng bán sách của ông Nghê. Bà ấy nói rằng bà ấy rất thích cuốn sách “Đồ chơi,” nói rằng cách đây mấy chục năm ông Nghê là người có trí thông minh xuất chúng, và bà đã rất ngưỡng mộ ông. Con gái bà cũng là một fan hâm mộ của ông Nghê. Bà nghĩ rằng Nghê Khuông là một người thông minh, và có thể biểu đạt thẳng thắn những gì mà ông ấy nghĩ.
Những cuốn tiểu thuyết mà ông viết rất lôi cuốn, khiến cho mọi người muốn đọc tiếp, đặc biệt là cuốn “Người Máu Xanh” (Blue Blood Being). Bà Hồ nói rằng chỉ cần con gái thích, “tôi sẽ mua sách của ông Nghê vì tôi e là những cuốn sách này sẽ không được xuất bản trong tương lai nữa.”